Bản PDF tại đây

Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật ở Biển Đông. Ngày 20/7, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin Hải quân nước này vừa thực hiện một cuộc diễn tập đổ bộ và bắn đạn thật trên Biển Đông với sự tham gia của một lữ đoàn đổ bộ, các đơn vị thủy quân lục chiến, xe tăng, xe bọc thép lội nước và trực thăng chở quân thuộc biên chế của Hạm đội Nam Hải. CCTV cho biết đây là lần đầu tiên tàu đổ bộ lớp Bison của Hải quân Trung Quốc được triển khai để tham gia một cuộc diễn tập bắn đạn thật. Tuy nhiên, địa điểm diễn tập cụ thể đã không được tiết lộ.

Trung Quốc triển khai tàu hộ vệ tên lửa ra Biển Đông. Ngày 20/7 tại căn cứ hải quân Du Lâm, thành phố Tam Á, Hải quân Trung Quốc đã tổ chức lễ phiên chế tàu hộ vệ Tú Thiên Type 056A cho Hạm đội Nam Hải. Tàu hộ vệ này dài 88,9 m, rộng 11,14 m, do Trung Quốc tự nghiên cứu và chế tạo, có thể thực hiện đa nhiệm vụ như tuần tra trên biển, hộ tống tàu cá, hoạt động độc lập hoặc phối hợp trong các nhiệm vụ chống ngầm hoặc tấn công trên mặt nước.

Trung Quốc: ‘Quan hệ với Philippines có thể phát triển tốt đẹp. Phát biểu trước báo giới ngày 22/7, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines ông Triệu Giám Hoa cho biết, “Bất chấp những khó khăn chúng ta gặp phải, thương mại song phương giữa hai nước trong năm ngoái đã tăng 17,6% và đạt hơn 44 tỷ USD. Từ những con số này, các bạn có thể thấy quan hệ giữa hai nước thực sự ổn địnhchúng ta quyền hy vọng về một mối quan hệ tốt đẹp hơn nữa.” Theo ông Triệu, “Chưa một tàu thuyền thương mại nào bị ảnh hưởng khi lưu thông trên Biển Đông. Hòa bình và ổn định ở Biển Đông vẫn được duy trì bất kể những khác biệt giữa hai nước.”

Trung Quốc phản đối bình luận của Mỹ về Biển Đông. Về việc Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ ông Daniel Russel, trong bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược, cho rằng phân xử trọng tài là biện pháp thực tế duy nhất giúp Trung Quốc và Philippines giải quyết tranh chấp biển, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng hôm 24/7 tuyên bố: “Nỗ lực ủng hộ việc Philippines đơn phương khởi kiện, Mỹ đang hành xử giống như một trọng tài bên ngoài toà án,’ đưa ra các hướng dẫn cho toà trọng tài được thành lập theo yêu cầu của Philippines. Do không phải một bên tranh chấp, Mỹ cần giữ vững cam kết không đứng về bên nào và kiềm chế các hành động phương hại đến hòa bình và ổn định khu vực.”

Trung Quốc bao biện hoạt động tập trận trên biển. Về việc nước này ngày 22/7 sẽ tiến hành tập trận 10 ngày ở Biển Đông, người phát ngôn Hải quân Trung Quốc Lương Dương hôm 27/7 cho hay: “Tập trận là một hoạt động bình thường của hải quân các nước. Hằng năm, hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận để kiểm tra khả năng chiến đấu của binh sĩ, nâng cao tính cơ động, tăng cường năng lực tìm kiếm, cứu hộ và khả năng hoàn thành các nhiệm vụ phức tạp.” Theo ông Lương, trong tương lai, hải quân nước này vẫn sẽ tiếp tục những cuộc tập trận tương tự.

+ Việt Nam:

Việt Nam phản đối hoạt động tập trận của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 23/7, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho hay, “Theo thông báo hàng hải số HN0030 ngày 20/7/2015 của Cục Hải sự Trung Quốc, phía Trung Quốc sẽ tiến hành tập trận từ ngày 22 đến ngày 31/7/2015 tại khu vực bao phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đây là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước. Việt Nam phản đối và nghiêm khắc yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hành xử có trách nhiệm, dừng ngay và không tái diễn các hành động làm căng thẳng, phức tạp tình hình.”

+ Philippines:

Philippines tăng cường chi tiêu quốc phòng. Philippines dự kiến sẽ chi 25 tỷ peso (khoảng 600 triệu USD) vào năm tới để mua tàu khu trục và các máy bay tuần tra. Nguồn tiền này nằm trong gói dự luật ngân sách 3.000 tỷ peso của Tổng thống Benigno Aquino dành cho năm 2016. Bộ trưởng Ngân sách và Quản lý Florencio Abad cho biết trong hai thập kỷ qua, đây là con số cao nhất dành cho việc hiện đại hóa quân đội. Bản đề xuất chi tiêu ngân sách, bao gồm cả chi tiêu quốc phòng, sẽ được đệ trình quốc hội nước này vào tuần tới.

Philippines phát hiện phao quây dầu của Trung Quốc gần Scarborough. Các ngư dân nước này hôm 25/7 đã phát hiện 3 phao nổi quây dầu có ký hiệu của Trung Quốc ở cách Bãi cạn Scarborough khoảng 4 km và đã kéo những thiết bị này về đất liền. Một ngư dân cho biết những chiếc phao này có ký hiệu của Trung Quốc, trong đó ghi rõ công ty sản xuất, thậm chí cả số điện thoại.

+ Singapore:

Đại sứ Singapore kêu gọi Trung Quốc tôn trọng tòa quốc tế. Tại Diễn đàn toàn cầu  tương lai Trung Quốc ngày 20/7, Đại sứ lưu động Bộ Ngoại giao Singapore ông Tommy Koh cho biết: Tôi thực sự mong muốn Trung Quốc hãy cân nhắc lập trường không muốn cơ quan quốc tế phán xét các vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Ông Tommy Koh đã đưa ra ví dụ về việc Ấn Độ và Bangladesh cũng như Singapore và Malaysia chấp nhận các phán quyết của trọng tài quốc tế liên quan đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ, “Có làm như vậy, Trung Quốc mới khiến các nước khác tin phục, bởi dù là một nước lớn thì Trung Quốc cũng phải tuân theo các nguyên tắc luật pháp quốc tế.”

+ Mỹ:

Tư lệnh Mỹ: Bay giám sát trên Biển Đông là hoạt động bình thường.’ Phát biểu trước báo giới  ngày 20/7 tại Hàn Quốc, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Đô đốc Scott Swift xác nhận ông đã tham gia chuyến bay giám sát kéo dài dài bảy giờ Biển Đông hôm 18/7. Đô đốc Scott Swift khẳng định các chuyến bay giám sát như vậy là hoạt động thường lệ của hải quân Mỹ trong khu vực. “Chúng tôi triển khai lực lượng rộng khắp khu vực để chứng minh cam kết đối với tự do hàng hải. Tôi ước mình có thể thấy trước tương lai. Có những thế lực đang gây bất ổn trong khu vực và  tạo ra những điều khó lường. Đó là những gì tôi nghe được từ bạn bè trong khu vực.”

Quan hệ các nước

Hội thảo thường niên về Biển Đông tại Mỹ. Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ngày 21/7 đã tổ chức Hội thảo lần thứ năm về Biển Đông. Hội thảo kéo dài một ngày này được chia làm bốn nội dung thảo luận chính gồm các diễn biến gần đây trên Biển Đông, các vấn đề pháp lý và các quan ngại, cán cân quân sự-trật tự khu vực và can dự trong một cuộc khủng hoảng. Hai vấn đề “nóng” tại cuộc hội thảo lần này là việc Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) của Liên Hợp Quốc và việc Trung Quốc tiến hành xây dựng đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia học giả quốc tế tới từ Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Mỹ và một số nước trong khu vực.

Tàu khu trục tên lửa của Trung Quốc thăm Ấn Độ. Lần đầu tiên tàu khu trục Tế Nam lớp Lữ Dương II của Hải quân Trung Quốc cập cảng Mumbai của Ấn Độ trong hành trình thực hiện nhiệm vụ chống cướp biển ở Vịnh Aden. Con tàu này sẽ rời đi vào ngày 24/7 để tới Salalah (Oman). Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ đang theo dõi chặt chẽ hoạt động của Hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.

Nhật Bản-Philippines sẽ diễn tập hải quân định kỳ. Hai nước đã đạt được thỏa thuận tổ chức diễn tập chung giữa Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản và Hải quân Philippines định kỳ nửa năm một lần. Theo kế hoạch này, các tàu hộ vệ của Nhật Bản được triển khai tham gia hoạt động chống cướp biển tại vùng vịnh Somalia trên đường quay về quốc gia Đông Bắc Á này sẽ diễn tập chung với lực lượng Hải quân Philippines. Hiện nay, các bên đang thảo luận khả năng hải quân Mỹ cũng cùng tham gia hoạt động này.

Phân tích và đánh giá

Biển Đông: Những lựa chọn và rủi ro của Peter Jennings

Vừa qua tại Mỹ, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) đã tổ chức hội thảo Biển Đông thường niên lần thứ 5. Với vai trò là một diễn giả trong phiên “Cân bằng Chiến lược ở Biển Đông,” tác giả đã đề xuất 5 bước đi cho Mỹ và các quốc gia khu vực để có thể phát triển một chiến lược hiệu quả hơn ở Biển Đông.

Một là, Mỹ nên tìm cách đạt được các lợi ích thực chất trong chuyến thăm Mỹ vào tháng 9 tới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Giống những chuyến thăm cấp cao trước đây, Trung Quốc thực sự luôn để ngỏ những vấn đề nổi cộm trong quan hệ hai nước để có một chuyến thăm thành công và suôn sẻ. Washington cần làm rõ với Bắc Kinh rằng chuyến thăm chỉ thành công khi có các cuộc thảo luận thực chất về sự ổn định tại Biển Đông, lợi ích của các cường quốc khu vực phải được đảm bảo.

Hai là, Mỹ nên tiến hành đối thoại với các nước Châu Á-Thái Bình Dương và các đối tác cùng chia sẻ lợi ích ở Biển Đông, đặc biệt là các quốc gia có hoạt động thương mại ổn định với Trung Quốc như các nước EU, các quốc gia sản xuất dầu mỏ ở Trung Đông. Nền kinh tế của các nước này phụ thuộc rất nhiều vào tự do hàng hải và hoạt động thương mại không bị cản trở trên Biển Đông.

Ba là, mục đích chính của các cuộc thảo luận trên cần tính đến các phản ứng cần thiết để đối phó với việc Trung Quốc thiết lập ADIZ ở Biển Đông. Có những dấu hiệu cho thấy, Trung Quốc tạm thời không tuyên bố về ADIZ trước thềm chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình nhưng sau đó, khi Mỹ tập trung vào các chiến dịch bầu cử thì rất có khả năng Trung Quốc sẽ thực hiện bước đi tiếp theo nhằm củng cố khả năng kiểm soát toàn khu vực. Bài học từ ADIZ ở Hoa Đông cho thấy, các phản ứng ban đầu không được phép yếu ớt, điều có thể tạo ra sự thừa nhận rằng Trung Quốc đang thực thi một hình thức kiểm soát chủ quyền trong khu vực.

Bốn là, Washington và các quốc gia trong khu vực nên cân nhắc về ngôn từ thường dùng để đối phó với hành vi của Trung Quốc. Ví dụ như, khi mục đích kiểm soát Biển Đông của Trung Quốc đã trở nên rõ ràng thì các bên vẫn tiếp tục kêu gọi Trung Quốc minh bạch hơn trong kế hoạch quân sự. Trung Quốc từ lâu đã sử dụng khéo léo các tuyên bố chính sách để mô tả cho hành động của mình. Ý tưởng minh bạch hóa đã mất đi giá trị thực tế trong việc hướng tới các thảo luận thiết thực hơn với Trung Quốc về ý định của nước này.

Cuối cùng, các bên cần phối hợp để duy trì mô hình các chuyến bay quân sự và hoạt động lưu thông tàu bè trong những vùng nước tranh chấp. Điều này thể hiện sự can dự sâu rộng vào môi trường an ninh Biển Đông. Úc, Singapore, các nước EU, Nhật Bản và các quốc gia khác cần tiến hành các chuyến bay và lưu thông tàu bè ở khu vực này dựa trên nguyên tắc “sử dụng hoặc sẽ mất.” Có lẽ, điều khó thực hiện ở hiện tại sẽ ngày càng khó khăn hơn trong tương lai nếu Trung Quốc thiết lập được quyền kiểm soát thực tế đối với toàn bộ khu vực.

Việc Trung Quốc thiết lập vùng ADIZ ở Biển Đông là Thiên mệnh?” của Roncevert Almond

Phép thử đối với các cường quốc đang lên đó là khả năng “uốn cong” luật pháp quốc tế một cách hiệu quả để hợp pháp hóa những mục tiêu chiến lược và mưu đồ chiến thuật của mình. Trong tranh chấp Biển Đông, Trung Quốc đang điều chỉnh luật lệ giống như khiên và giáo, trong khi đó Mỹ và các đồng minh lại đang dựa vào các luật lệ đã được thiết lập trong các hiệp ước như UNCLOS.

Ngoài việc tiến hành các hoạt động bồi đắp, cải tạo đảo bất chấp quy định của UNCLOS, Trung Quốc gần đây còn đe doạ thiết lập ADIZ ở Biển Đông. Nếu được thiết lập, Vùng này sẽ chồng lấn với các tuyến đường bay quốc tế hiện tại, đồng thời mở rộng không gian tranh chấp. Theo tập quán quốc tế hiện tại, ADIZ không mở rộng chủ quyền đối với không phận, không tạo ra một lãnh thổ hay một vùng tranh chấp mới.

Bất chấp những tiền lệ trước đó, Trung Quốc có thể sẽ đề xuất chỉnh sửa tập quán quốc tế liên quan đến vùng ADIZ ở Biển Đông dựa trên tư tưởng cổ đại của Trung Quốc: “Thiên mệnh”. Tuyên bố ADIZ này có thể dẫn đến việc thực thi sự quyết đoán cái Trung Quốc gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi” và “các quyền chủ quyền và quyền tài phán liên quan” trên gần như toàn bộ Biển Đông.

Nếu Trung Quốc tuyên bố ADIZ bao trùm đường chín đoạn, cùng việc duy trì yêu sách “chủ quyền không thể tranh cãi” ở Biển Đông, vùng ADIZ này sẽ được quản lý và bảo vệ dưới chế độ không phận quốc gia. Hành động này sẽ khiến các bên yêu sách khác có hành động đáp trả, đe dọa đến hòa bình và ổn định khu vực.

Rõ ràng Mỹ và các quốc gia ASEAN bị ảnh hưởng sẽ có hành động thách thức Bắc Kinh bằng việc thực hiện quyền tự do hàng hải và tự do hàng không ở khu vực này. Như vậy, liệu Trung Quốc sẽ đánh chặn hay bắn rơi máy bay dân sự của Philippines hoặc máy bay của hải quân Mỹ bay qua vùng ADIZ của mình hay không? Liệu các hãng hàng không nước ngoài có phải trả phí cho việc quá cảnh không phận của Trung Quốc? Nếu Trung Quốc không thể phản ứng hiệu quả trước các máy bay quân sự và dân sự nước ngoài, điều đó khiến người ta cho rằng khu vực ADIZ này không phải không phận chủ quyền của Trung Quốc.

Chúng ta có thể chắn chắn rằng việc sử dụng ADIZ để khẳng định yêu sách ở Biển Đông là hành động bẻ cong tập quán quốc tế. Đây cũng là một canh bạc đầy rủi ro cho các cường quốc đang lên. Tập quán quốc tế theo kiểu tư tưởng “Thiên mệnh” cổ đại này rõ ràng phải bị bác bỏ.

Mô hình Hiệp ước An ninh Helsinki sẽ khiến Biển Đông trở nên an toàn?” của Brian Toohey

Nguy cơ nổ ra chiến tranh với Trung Quốc đã gợi lại ý tưởng năm 1990 của cựu Ngoại trưởng Gareth Evans về một hiệp ước hợp tác-an ninh của Châu Á trên tinh thần Hiệp ước Helsinki 1973, vốn được xây dựng nhằm giảm căng thẳng giữa khối Xô Viết và phương Tây. Việc chỉ dựa vào một sức mạnh quân sự không có khả năng giảm rủi ro trong bối cảnh một cuộc đụng độ bất ngờ sẽ nhanh chóng leo thang thành một cuộc chiến khủng khiếp.

Không phải mọi hành động của Trung Quốc đều xem là có vấn đề, đặc biệt khi xung quanh nước này có các lực lượng quân sự mạnh. Tuy nhiên, trong một báo cáo mới đây về liên minh ANZUS (Úc, New Zealand, Mỹ) mà Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược Úc phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) thực hiện đã cho thấy mối lo ngại sâu sắc về kế hoạch xây dựng lực lượng “hải quân biển xa” của Trung Quốc. Đây là nguyên nhân chính mà báo cáo đề cập ANZUS cùng Hiệp ước an ninh ba bên mới giữa Úc, Mỹ, Indonesia cần trở thành một “trục trung tâm” nhằm đối phó với Trung Quốc.

Tuy nhiên các quốc gia trong liên minh này lại đang vướng phải những vấn đề của riêng mình trong việc thiếu nhận thức về bản thân. Ví dụ như Úc, Ngoại trưởng Julie Bishop đã từng nói các nguyên tắc cơ bản dựa trên “nền tảng không xâm lược quốc gia khác”. Nhưng các công ty đóng tại Darwin đã hạ đặt giàn khoan dầu bên ngoài ranh giới đường trung tuyến giữa Úc và Đông Timor. Còn Mỹ, những quan điểm của Mỹ về tranh chấp Biển Đông sẽ có sức nặng hơn nếu như nước này phê chuẩn Công ước Luật Biển. Trong khi đó, Trung Quốc đã đi chệch quá xa tư tưởng Khổng Tử về quan niệm thế giới hài hòa. Hoạt động cải tạo đảo quy mô lớn của Trung Quốc là cực kỳ khiêu khích.

Trong bối cảnh hiện không có bất cứ cơ chế đa phương nào để giải quyết căng thẳng thì việc khôi phục ý tưởng của Evans về Tổ chức An ninh và Hợp tác theo Hiệp ước Helsinki là điều rất đáng để thử. Rõ ràng, Trung Quốc sẽ không từ bò hành vi bắt nạt, nhưng ít nhất họ cũng nhận thức được cách hành xử hiện tại là phản tác dụng. Dù khả năng là mong manh, nhưng kỳ vọng lớn nhất đó là Trung Quốc sẽ hạ nhiệt tình hình bằng cách nhất trí với ASEAN về việc tất cả các bên cùng gác tranh chấp trong vòng 50 năm.

Bảo vệ và gìn giữ môi trường Biển Đông theo UNCLOS“ của May Fides A. Quintos

Theo Chương trình Đánh giá Nguồn nước Quốc tế (GIWA) của Liên Hợp Quốc 2005 và đánh giá của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) năm 2012, Biển Đông là một hệ sinh thái biển rộng lớn với hơn 2.500 loài cá và 500 loại san hô. Vì vậy, các nhà khoa học hết sức lo ngại về những tác động tới môi trường biển xuất phát từ các hoạt động bồi đắp cải tạo đảo ở Biển Đông.

Phần XII UNCLOS quy định nghĩa vụ cho tất cả các quốc gia cần bảo vệ và gìn giữ môi trường biển. Cụ thể Điều 123 UNCLOS quy định các quốc gia ven bờ một biển kín hay nửa kín cần hợp tác với nhau trong việc sử dụng các quyền và có nghĩa vụ bảo tồn và quản lý môi trường biển.

Các án lệ liên quan đến việc giải thích và áp dụng Phần XII UNCLOS cũng cho thấy những kết luận tương tự về nghĩa vụ và vai trò của các bên liên quan trong bảo vệ biển. Trong vụ tranh chấp về việc xây dựng nhà máy hạt nhân MOX và cải tạo đất giữa Ireland và Anh, Ireland cáo buộc Anh đã không đưa ra được các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa, giảm thiểu và kiểm soát ô nhiễm môi trường Biển Ireland. Toà Trọng tài đã tuyên rằng cả hai bên có nghĩa vụ trao đổi thêm thông tin về các hậu quả có thể xảy ra, quản lý các rủi ro và hệ quả của việc vận hành nhà máy đối với môi trường biển, đồng thời đưa ra các biện pháp thích hợp ngăn ngừa ô nhiễm.

Tương tự như vậy, Malaysia cũng khiếu kiện các hoạt động cải tạo đảo của Singapore gây ô nhiễm và tác động xấu tới môi trường biển. Theo kết luận của Toà Trọng tài, ngoài nghĩa vụ trao đổi thông tin nhằm giải quyết các hệ quả của hoạt động cải tạo đất, Singapore không được phép tiến hành các hoạt động cải tạo có nguy cơ gây hại nghiệm trọng và không thể phục hồi tới môi trường biển.

Các án lệ trên cho thấy, nghĩa vụ của các quốc gia trong việc bảo vệ và gìn giữ môi trường biển không loại trừ bất kể trường hợp hay hoàn cảnh nào nếu những tổn hại về môi trường có khả năng xảy ra và không thể khắc phục; khẳng định nghĩa vụ hợp tác của các bên trong việc giải quyết các tác động tới môi trường.

Trong trường hợp Biển Đông, dù bên nào có quyền xây dựng đảo nhân tạo, thì hành vi cải tạo đảo trên quy mô lớn rõ ràng đã gây tổn hại đến môi trường biển, đó là hành động lạm dụng quyền, không tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ chung về bảo vệ môi trường biển theo UNCLOS. Phần XII và Điều 123 UNCLOS không chỉ quy định quyền của một quốc gia mà còn quy định trách nhiệm chung trong việc bảo vệ môi trường biển. Trách nhiệm này nhắc nhở các quốc gia cần cân nhắc về những hậu quả từ các hoạt động của mình.

Indonesia có đang cứng rắn hơn trong vấn đề Biển Đông?” của Prashnth Parameswaran

Ngày 10/7, giới truyền thông đưa tin Indonesia đã thông báo về kế hoạch xây dựng một căn cứ quân sự mới ở Biển Đông. Trong khi kế hoạch trên đang ở giai đoạn đầu, chúng ta cần lưu ý một số điểm để tránh hiểu lầm về những gì mà Indonesia đang hướng tới.

Trước đó, hồi tháng 1, trong một tuyên bố về chính sách quốc gia , Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi nhấn mạnh nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, trong đó khẳng định sẽ đáp trả mạnh mẽ trước bất kỳ hành động xâm phạm lãnh thổ. Chính sách “đánh chìm tàu” của chính quyền Jokowi cũng đã một phần thể hiện quyết tâm đó.

Trong bối cảnh hiện nay, khi mà yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo Natuna thuộc Indonesia, không có gì ngạc nhiên khi Indonesia công khai kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự mới để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ. Tuy nhiên, kế hoạch bảo vệ chủ quyền của Indonesia không chỉ bó hẹp trong phạm vi Biển Đông. Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Phát triển Quốc gia (Bappenas) Andrinof Chaniago thì kế hoạch nằm trong tổng thể bảo vệ biên giới lãnh thổ của Indonesia. Theo đó, quần đảo Natuna chỉ là một trong số các điểm sẽ triển khai xây dựng căn cứ cùng với Sambas, Tây Kalimanta, Tarakan, Bắc Kalimantan và quần đảo Riau.

Ngoài ra, dù căn cứ mới có nhằm mục đích củng cố vị thế của Indonesia ở Biển Đông hay không, thì điều đó phản ánh sự tiếp nối hơn là sự thay đổi quan điểm của nước này. Indonesia vốn có cách tiếp cận thận trọng trong vấn đề Biển Đông, kết hợp giữa ngoại giao, pháp lý và giải pháp an ninh để ngầm phản đối yêu sách của Trung Quốc. Ngay cả trước thời điểm ông Jokowi lên làm Tổng thống, chính sách tiếp cận Biển Đông của Indonesia vẫn không hề thay đổi. Chính sự quyết đoán của Trung Quốc đã khiến giới chức quân sự Indonesia ngày càng thể hiện quan điểm và đề cập trực tiếp về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông. Thậm chí, một số tuyên bố đã được hiện thực hóa như việc nâng cấp cơ sở hạ tầng căn cứ không quân trên quần đảo Natuna.

Cho đến nay, các vị trí xây dựng vẫn chưa được phía Indonesia công bố. Trong tương lai, dù có thêm những bằng chứng hợp lý hơn thì chúng ta vẫn phải thận trọng trước khi đánh giá hay khẳng định động thái này của Indonesia là sự thay đổi mang tính quyết đoán ở Biển Đông./.