Bản PDF tại đây
Động thái của các quốc gia
+ Trung Quốc:
Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng năm 2015. Trước thềm kỳ họp thứ ba của Quốc hội Trung Quốc khóa 12, Người phát ngôn Quốc hội bà Phó Oánh hôm 4/3 cho biết ngân sách quốc phòng của nước này năm 2015 sẽ tăng khoảng 10% so với năm 2014. Theo bà Oánh, số liệu chính xác sẽ được công bố trong một báo cáo dự thảo ngân sách vào ngày 5/3. Trung Quốc đã duy trì tỷ lệ tăng ngân sách quốc phòng ở mức hai con số trong gần hai thập kỷ, tuy nhiên mức tăng 10% là mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua.
Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động du lịch ở Biển Đông. Lục Chí Viễn, người đứng đầu bộ phận du lịch tỉnh Hải Nam cho biết, tỉnh Hải Nam sẽ ra mắt một tuyến du lịch ở cái gọi là “thành phố Tam Sa” vào tháng 6/2015. Ông Lục cho hay tàu du lịch Coconut Princess hiện nay chỉ có 200 giường, không thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách du lịch. Ngoài ra, theo thị trưởng thành phố “Tam Sa” Tiêu Kiệt, tàu Coconut Princess đã tiến hành 36 chuyến và đưa gần 6.000 khách du lịch đến “Tam Sa” vào năm ngoái. Theo báo cáo công tác hàng năm của chính quyền tỉnh Hải Nam, du lịch biển sẽ đứng đầu trong chương trình nghị sự của chính quyền tỉnh trong năm nay.
Trung Quốc ngang nhiên nói việc cải tạo đất là hợp pháp. Trong buổi họp báo ngày 8/3 bên lề kỳ họp thường niên Quốc hội Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói: “Trung Quốc đang tiến hành những hoạt động xây dựng cần thiết trên các đảo và bãi đá của mình. Việc xây dựng này không nhắm hay ảnh hưởng đến ai.” Theo ông Vương, “Trung Quốc không giống như một số quốc gia khác tiến hành xây dựng trái phép trong nhà của người khác, và Trung Quốc không chấp nhận bất kỳ chỉ trích từ những nước khác khi đang xây dựng những cơ sở ngay trên đất của mình. Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì tự do hàng hải ở biển Đông, tiếp tục giải quyết các tranh chấp lãnh thổ một cách hòa bình thông qua đối thoại trực tiếp.” Trước đó trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 3/3, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố: “Các hoạt động xây dựng thông thường trên các đảo và vùng biển của Trung Quốc Trung Quốc là hợp pháp và chính đáng.”
+ Việt Nam:
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hoạt động cải tạo đất ở Trường Sa. Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều 5/3, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình tại hai Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Trung Quốc xây dựng mở rộng trái phép công trình trên các bãi đá và làm thay đổi nguyên trạng tại khu vực Quần đảo Trường Sa không chỉ xâm phạm nghiệm trọng chủ quyền của Việt Nam, mà còn vi phạm DOC đã ký kết giữa Trung Quốc và ASEAN. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay những hành động sai trái đó.”
+ Philippines:
Philippines đưa vấn đề cải tạo đất ra Liên Hợp Quốc. Theo tờ Inquirer ngày 3/3, trong cuộc thảo luận mở của Hội Đồng Bảo An hôm 23/2 tại New York, Phó Đại diện Thường trực của Philippines tại Liên Hợp Quốc bà Irene Natividad Susan đã chỉ trích hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc, “Đây là mối đe dọa trực tiếp đến Philippines và bên yêu sách khác, và mối quan ngại lớn đối với tất cả các nước vì nó đe dọa an ninh, hòa bình và ổn định trong khu vực”. Không chỉ là một nguy cơ an ninh, các hành động nạo vét biển để bồi đắp đảo nhân tạo của Bắc Kinh còn bị Manila tố cáo là phá hoại môi trường, “phá hủy trên bình diện rộng sự đa dạng sinh học và làm mất đi vĩnh viễn cân bằng sinh thái ở Biển Đông.”
Philippines ngừng hoạt động thăm dò ở Bãi Cỏ Rong. Công ty năng lượng Forum Energy Plc cho biết Philippines đã ngừng vô thời hạn hoạt động khoan thăm dò dầu khí tại vùng biển xung quanh khu vực Bãi Cỏ Rong, “Theo điều khoản bất khả kháng, mọi công việc khảo sát thăm dò của hợp đồng 72 lập tức chấm dứt cho đến khi Bộ Năng lượng Philippines có thông báo mới.” Khu vực Bãi Cỏ Rong được nêu trong nội dung Philippines khởi kiện Trung Quốc.
+ Mỹ:
Đô đốc Mỹ quan ngại hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc ở Trường Sa. Trong cuộc gặp hôm 3/3 với Tổng tư lệnh hải quân Ấn Ðộ Đô đốc Robin Dhowan, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ Đô đốc Harry Harris Jr phát biểu: “Tôi thấy quan ngại về quá trình cải tạo đất mà Trung Quốc đang tiến hành. Tôi coi đó là sự khiêu khích và gây căng thẳng ở Biển Đông. Với tất cả chúng ta, những ai quan tâm đến tự do hàng hải, cần chú ý những gì Trung Quốc đang làm cũng như quá trình cải tạo đất nhanh chóng của họ. Điều này trên thực tế đang làm thay đổi hiện trạng vùng biển.” Mặc dù đô đốc Mỹ lưu ý về sự hiện diện ngày càng tăng của tàu ngầm Trung Quốc tại Ấn Độ Dương nhưng ông nhấn mạnh, mối lo ngại chính của mình là đảm bảo an ninh và tự do hàng hải ở Biển Đông.
Mỹ lo ngại tốc độ Trung Quốc cải tạo đất ở Biển Đông. Phát biểu trước phóng viên hôm 4/3, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về vấn đề an ninh tại Châu Á-Thái Bình Dương ông David Shear tuyên bố, “Tốc độ cải tạo đất của Trung Quốc thật đáng nể. Đó là điều chúng tôi đặc biệt quan ngại. Rõ ràng diện tích đất mà Trung Quốc mở rộng trong vòng 5 tháng qua lớn hơn tổng số diện tích đất mà các bên yêu sách chủ quyền khác mở rộng được trong 5 năm qua." Ông Shear cũng cảnh báo việc Trung Quốc có thể xây dựng cơ sở quân sự ở các đảo nhân tạo của nước này. Cũng trong ngày 4/3, Tướng Vincent Brooks, Tư lệnh lục quân Mỹ tại Thái Bình Dương trả lời phỏng vấn Reuters cho rằng việc ngân sách quốc phòng 2015 của Bắc Kinh tăng 10% so với năm 2014 không đáng ngại bằng việc nước này sử dụng các nguồn lực một cách quyết đoán, “Một số nơi ở Châu Á-Thái Bình Dương đang chứng kiến kiểu hành xử quyết đoán và có phần gây rối của Trung Quốc.”
Quan hệ các nước
Đô đốc Trung Quốc yêu cầu Nhật Bản đứng ngoài tranh chấp Biển Đông. Trả lời phỏng vấn hãng Kyodo News ngày 5/3, Đô đốc Hải quân Trung Quốc Doãn Trác cho hay Nhật Bản cần kiềm chế tham vọng hải quân và tránh đưa ra các chỉ trích về hoạt động ngày càng tăng của Trung Quốc ở các vùng biển quốc tế, "Nhật Bản nên tránh đưa ra những bình luận vô trách nhiệm về hoạt động của Trung Quốc ở vùng biển xa, ví dụ như tại Biển Đông. Nếu Mỹ và Nhật Bản có quyền đưa tàu tới các vùng biển đó, chúng tôi cũng có quyền tương tự.”
Nhật Bản lo ngại Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng. Trả lời phỏng vấn báo chí 5/3 về việc Bắc Kinh tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản ông Kawano Katsutoshi, cho rằng đây là “tình trạng hiện đại hóa quân đội không bình thường”, đồng thời nhấn mạnh Tokyo sẽ tham khảo diễn biến này, tính toán kế hoạch chuẩn bị phòng thủ cũng như chính sách phòng vệ. Cùng ngày, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản ông Yoshihide Suga bày tỏ mong muốn Bắc Kinh nâng cao tính minh bạch chính sách quốc phòng thông qua hoạt động đối thoại, giao lưu trong lĩnh vực an ninh.
Tổng thống Indonesia dự kiến thăm Mỹ vào đầu tháng Sáu. Đây là chuyến thăm Mỹ đầu tiên của ông Jokowi kể từ khi nhậm chức vào tháng 10/2014. Thời gian cụ thể của chuyến thăm vẫn chưa được công bố trong khi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice khẳng định Nhà Trắng mời ông Jokowi "vào cuối năm nay." Tổng thống Indonesia là một trong số ít nhất bốn nhà lãnh đạo châu Á (ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc) mà Tổng thống Barack Obama có kế hoạch đón tiếp trong năm nay nhằm thúc đẩy quan hệ của Mỹ với khu vực này.
Phân tích và đánh giá
“Đằng sau kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc” của Katie Hunt
Theo bản kế hoạch ngân sách mới đưa ra gần đây, tổng cộng ngân sách dành cho quốc phòng của Trung Quốc năm nay là 887 tỉ nhân dân tệ (144,2 tỉ USD). “Xây dựng một nền quốc phòng vững chắc và một lực lượng vũ trang hùng mạnh là nền tảng cho công cuộc bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc”, Thủ tướng Lý Khắc Cường phát biểu tại Đại lễ đường Nhân dân ở Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh.
Các nhà phân tích nói rằng hoạt động chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc thường được biết đến là không rõ ràng và khoản ngân sách này được dành cho cả các lực lượng bán quân sự như Cảnh sát Vũ trang Nhân dân Trung Quốc cũng như Lục quân, Hải quân và Không quân Quân Giải phóng Nhân dân (PLA). Ông Paul Burton, Giám đốc Trung tâm Châu Á Thái Bình Dương, IHS Aerospace, ước tính rằng các khoản chi tiêu trên thực tế có thể cao hơn 35% so với ngân sách công bố.
“Việc Trung Quốc mở rộng tầm hoạt động chiến lược và nhu cầu hiện đại hóa quân sự trên diện rộng sẽ tiếp tục ngốn các khoản đầu tư đáng kể trong thập kỷ tới,” ông Burton cho biết.
Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc vẫn chưa thể sánh bằng Mỹ - với con số 598 tỉ USD, theo như số liệu IHS đưa ra năm 2014. Tuy nhiên, trong khi ngân sách của Trung Quốc đã duy trì đà tăng trưởng 2 con số mỗi năm kể từ năm 2010, chi tiêu của Mỹ lại bắt đầu bị cắt giảm kể từ thời điểm đó. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng 12,7% năm 2011, 11,2% năm 2012, và 10,7% năm 2013, theo Tân Hoa Xã.
Ông Alexandar Neill, chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, Singapore, nói rằng Trung Quốc nhiều khả năng sẽ ưu tiên chi tiêu cho lực lượng hải quân của mình – từ trước đến nay, quân đội Trung Quốc thường tập trung vào việc giành chiến thắng trong các trận chiến trên cạn.
“Phần ngân sách dành cho hải quân Trung Quốc đang ngày càng lớn dần, đặc biệt là dành cho lực lượng tàu ngầm và năng lực ngăn chặn vũ khí hạt nhân qua đường biển,” ông cho biết. Chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc đi vào hoạt động năm 2012 và chiếc thứ 2 đang trong quá trình chế tạo.
Ông Neill cũng nói thêm rằng PLA có thể sẽ đưa ra mức lương hấp dẫn hơn để thu hút nguồn nhân lực trình độ cao, ví dụ như các sinh viên tốt nghiệp đại học.
Một báo cáo của Quốc hội Mỹ công bố tháng trước nói rằng nhiều quân nhân của PLA xuất thân từ các khu vực nông thôn với trình độ giáo dục hạn chế.
Bản báo cáo này cũng thêm rằng chính sách một con của Trung Quốc – nguyên nhân gây ra hiện tượng “ông vua con” của những đứa trẻ được nuông chiều thái quá – đã tạo ra nguồn nhân lực “không đủ độ can trường cần thiết để sống trong kỷ luật quân đội.”
“Phục vụ trong quân đội, theo văn hóa Trung Quốc, không phải là một sự nghiệp chuyên nghiệp, đáng để theo đuổi,” ông Neill cho biết. “Nếu PLA có thể đưa ra mức đãi ngộ hấp dẫn, họ có thể thu hút nguồn nhân lực mới với năng lực chuyên môn đảm bảo.”
“Chính sách quân sự của Mỹ tại Biển Đông” của Michael McDevitt
Trong chính sách đối với Biển Đông của mình, Mỹ về căn bản chú trọng tới các khía cạnh ngoại giao, xong xét toàn diện mọi chuyện lại không đơn thuần như vậy. Mặc dù Washington tập trung vào thiết lập ổn định khu vực bằng cách cổ vũ tất cả các bên tôn trọng nguyên tắc và luật pháp quốc tế, cùng với đó khẳng định rõ ràng quan điểm của mình về cách giải quyết xung đột theo đường hướng hòa bình; nhưng Washington cũng rất chú trọng các sáng kiến nhằm điều chỉnh những sự mất cân bằng về sức mạnh giữa các quốc gia ASEAN - như Philippines, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei - và Trung Quốc. Không chỉ vậy, Washington còn chủ động tăng cường các hành động răn đe như thắt chặt liên minh với Philippines.
Duy trì thỏa thuận tiếp cận của quân đội Mỹ
Chính quyền Mỹ đã nhận thức được tầm quan trọng của việc có được các kênh tiếp cận, hay cụ thể là các thỏa thuận tiếp cận quân sự, để làm nền tảng cho sự hiện diện quân sự tại Đông Nam Á cũng như trên Biển Đông. Để phục vụ mục tiêu này, Washington đã bổ sung thêm bốn tàu khu trục cỡ nhỏ cho hạm đội của mình đang đóng tại Singapore để làm sâu sắc hơn thỏa thuận tiếp cận của họ đang có với Singapore. Song song với đó, Mỹ cũng đang có kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự luân phiên tại Philippines. Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng 2014 (EDCA) giữa Washington và Manila đã cho phép quân đội Mỹ triển khai các lực lượng đồn trú luân phiên trên lãnh thổ Phillipines.
Sử dụng thỏa thuận tiếp cận để tăng cường hiện diện
Những thỏa thuận tiếp cận mà Mỹ có với Singapore và Philippines là hết sức quan trọng bởi đây là những nhân tố mở đường cho sự hiện diện thường trực của Mỹ tại Đông Nam Á, nhất là với các nước ven Biển Đông. Sự gần gũi này không chỉ thể hiện tầm ảnh hưởng mà còn giúp trấn an các đối tác và các đồng minh trong khu vực rằng Mỹ không bao giờ "bỏ mặc" Biển Đông cho Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Sử dụng thỏa thuận tiếp cận để tạo điều kiện cho hoạt động diễn tập quân sự
Diễn tập quân sự chung cũng là một cách hiệu quả để tăng cường sự hiện diện và giúp củng cố năng lực của đối tác. Có thể nói, việc hỗ trợ củng cố năng lực của đối tác là một trong những nội dung quan trọng trong chính sách đối với Biển Đông mà Washington đang theo đuổi. Trong suốt 20 năm qua, Hải quân Mỹ đã liên tục tổ chức hàng loạt cuộc tập trận song phương với các đối tác Đông Nam Á. Chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm 73 thuộc Hạm đội 7, đồn trú tại Singapore, hàng năm đều tiến hành các cuộc tập trận quân sự kéo dài trong nhiều tháng - được biết đến với tên gọi "Hợp tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trên biển" (CARAT) - với kế hoạch huấn luyện phối hợp cùng lực lượng hải quân các nước Bangladesh, Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Bắt đầu vào mùa Xuân hàng năm, Hải quân Mỹ và Quân đoàn Lính thủy đánh bộ Mỹ, các đơn vị thực hiện các cuộc tập trận này, sẽ dành thời gian huấn luyện tại từng quốc gia. Hoạt động huấn luyện liên tục diễn ra trong suốt khoảng 7 tháng. Chương trình, kế hoạch và bản chất của các hoạt động huấn luyện được xây dựng dựa trên nguyện vọng cụ thể của từng nước tham gia. Các cuộc tập trận này tập trung vào mục tiêu triển khai thành thục các chiến dịch và mặc dù CARAT thường diễn ra không mấy ồn ào, song quy mô và mức độ của các cuộc tập trận có thể khiến nhiều người kinh ngạc.
Kiến nghị
Với sự thành công của CARAT, có ý kiến cho rằng một trong những biện pháp nhằm gia tăng sự hiện diện của Mỹ tại Biển Đông song song với việc củng cố năng lực cho các đối tác là tăng cường thời gian tiến hành CARAT với các nước như Malaysia, Indonesia và Philippines. Việc đạt thỏa thuận để Việt Nam tham gia CARAT cũng là một cách hữu ích để thúc đẩy mục tiêu nêu trên. Ngoài ra, việc mời các nước ven biển khác tại châu Á như Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc và có thể là cả Ấn Độ cũng nên cần được cân nhắc, bởi nó có thể cho thấy sự quan tâm của các nước này đối với vấn đề an ninh và ổn định ở khu vực Biển Đông. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu cách tiếp cận của Mỹ trong vấn đề Biển Đông mang quá nặng màu sắc quân sự. Chính sách đối với khu vực này của Washington vẫn nên ưu tiên chú trọng vào các sáng kiến ngoại giao và thương mại. Tăng cường sự hiện diện của Mỹ, nhất là trên không và trên biển, sẽ trấn an các bè bạn và đồng minh rằng Mỹ cam kết theo đuổi một chiến lược dài hạn đối với Đông Nam Á nhằm bảo vệ an ninh biển trong khu vực.
“Hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc khiến các quốc gia xích lại gần nhau” của Richard Fontaine
Các hình ảnh vệ tinh trong đó cho thấy rõ hoạt động cải tạo đảo và xây dựng cơ sở hạ tầng tại Biển Đông của Trung Quốc đã thu hút sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách Washington. Động thái táo bạo của Bắc Kinh là minh chứng cho yêu sách chủ quyền bành trướng của họ, cũng như cho thấy họ sẵn sàng leo thang căng thẳng với các quốc gia láng giềng và cả với Mỹ. Động thái này cũng báo hiệu Mỹ và các đối tác tại Châu Á cần tăng cường mối quan hệ an ninh.
Bước đi cải tạo đảo của Trung Quốc tại những khu vực xa xôi là một phần trong sự quyết đoán ở mức độ cao hơn của Trung Quốc. Những động thái tăng cường liên tục, trên quy mô lớn sức mạnh quân sự bao gồm đẩy mạnh đầu tư vào năng lực chống tiếp cận – phong tỏa có mục đích ngăn chặn khả năng triển khai sức mạnh Mỹ tại Châu Á – Thái bình Dương. Những bước tiến quân sự cùng với sức ép ngoại giao của Bắc Kinh đã khiến hầu như tất cả các quốc gia tại khu vực tăng cường đầu tư quốc phòng và đẩy mạnh quan hệ an ninh với các nước láng giềng, và cả với Mỹ. Hành vi này của Trung Quốc đã làm suy yếu kế hoạch “tấn công quyến rũ” của họ, trong đó có cam kết về các khoản đầu tư béo bở của Trung Quốc dành cho phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực.
Vấn đề ở đây đó là Trung Quốc – hay nói rộng hơn là tất cả các quốc gia khác – muốn một thế giới như thế nào. Trật tự quốc tế mở, dựa trên luật pháp và trật tự khu vực Châu Á do Mỹ hậu thuẫn đã mang lại lợi ích vô cùng to lớn cho rất nhiều quốc gia – Trung Quốc cũng không phải ngoại lệ. Một động thái theo hướng “sức mạnh quyết định lẽ phải” báo hiệu một tương lai vô cùng ảm đạm. Đó là một thế giới với đầy rẫy căng thẳng, nguy cơ dành cho tăng trưởng kinh tế và sẽ làm nảy sinh vô số điểm nóng mới.
Mỹ và những nước đối tác nên tận dụng các hành động gần đây của Bắc Kinh tại Biển Đông để tăng cường hơn nữa hợp tác an ninh giữa họ - không nhằm mục đích kiềm chế Trung Quốc mà là tìm cách cân bằng với sự quyết đoán của nước này. Cách tốt nhất để tránh sự cưỡng ép và xung đột tại một khu vực, nơi mà sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ còn tiếp tục, đó là Mỹ cần phải duy trì hiện hiện, duy trì sức mạnh và phối hợp với các quốc gia khác tại khu vực. Để làm được điều này, Washington cần phải sắp xếp lại chính các vấn đề quốc phòng của họ. Tại thời điểm mà hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc lần đầu tiên có quy mô lớn hơn hạm đội của Mỹ, bóng ma về cắt giảm ngân sách vẫn còn đang treo lơ lửng trên đầu Nhà Trắng. Điều đó có nghĩa Mỹ cần phải phối hợp hiệu quả hơn với các quốc gia như Việt Nam và Philippines, khuyến khích họ hợp tác với Nhật và các nước khác. Và Mỹ cũng cần khuyến khích sự trỗi dậy của Ấn Độ với mục đích vươn mình thành một cường quốc Ấn Độ - Thái Bình Dương, để cuối cùng có thể giúp cân bằng với sức mạnh Trung Quốc.
Có vẻ, những bức ảnh vệ tinh có giá trị bằng nghìn lời nói. Trong thời điểm mà sự tập trung đang hướng về Nga và Trung Đông, những bức ảnh này vẫn thu hút được sự chú ý của giới hoạch định chính sách. Chúng không chỉ nhắc nhở các nhà lãnh đạo Mỹ về tham vọng của Trung Quốc, mà còn buộc Mỹ phải tăng cường quan hệ với các quốc gia trong khu vực.
“Kế sách an toàn của Malaysia ở Biển Đông” của Prashanth Parameswaran
Không có tài liệu chính thức nào của Malaysia cho chúng ta biết rõ về lập trường trong vấn đề Biển Đông của nước này. Thuật ngữ mà chúng ta thường được nghe đó là “ngoại giao thầm lặng”. Tuy nhiên, lập trường của Malaysia có thể tóm lược cụ thể hơn đó là “hành động một cách an toàn” (playing it safe), đặc biệt là dưới thời Thủ tướng Najib Razak. Đó là, Malaysia theo đuổi một loạt các biện pháp từ ngoại giao, kinh tế , luật pháp cho tới an ninh để bảo vệ lợi ích của mình với tư cách là một bên tranh chấp, trong khi đó vẫn cẩn trọng không để quan hệ song phương với Trung Quốc bị xấu đi.
Để phân tích về chính sách “hành động một cách an toàn”, chúng ta cần bắt đầu với việc làm rõ lợi ích của Malaysia ở Biển Đông là gì. Lợi ích đầu tiên và rõ ràng nhất đó là bảo vệ yêu sách của Malaysia, không chỉ bởi đây là điều cần thiết để đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ của Malaysia, mà còn để duy trì sự thịnh vượng của họ bởi một số các cơ sở mà họ sử dụng để khai thác khí đốt nằm bên trong đường lưỡi bò của Trung Quốc.
Nhưng bên cạnh đó cũng có những lợi ích ở tầm vĩ mô hơn. Malaysia muốn duy trì quan hệ hữu hảo với Bắc Kinh không chỉ bởi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia, mà còn bởi ý nghĩa biểu tượng: hai quốc gia chia sẻ “mối quan hệ đặc biệt”, với việc Malaysia là quốc gia ASEAN đầu tiên bình thường quan hệ với Trung Quốc vào năm 1974, dưới thời của cha ông Najib, ông Tun Razak. Bên cạnh đó, trong các vấn đề liên quan tới Biển Đông, chính sách của Trung Quốc đối với Malaysia cũng dễ chịu hơn so với chính sách đối với Việt Nam hay Philippines bởi nhiều lý do khác nhau, trong đó có lý do về địa lý. Với tư cách là một quốc gia biển và là quốc gia tham gia hệ thống thương mại toàn cầu, Malaysia cũng có lợi ích trong việc đảm bảo hòa bình và ổn định khu vực, cũng như duy trì Biển Đông với vị trí là tài sản chung của thế giới. Cuối cùng, Malaysia cung có lợi ích trong việc duy trì các quy chuẩn toàn cầu và luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS.
Để bảo đảm những lợi ích này, Malaysia thực thi chính sách “hành động một cách an toàn” và sử dụng nhiều sáng kiến ngoại giao, pháp lý, kinh tế và an ninh khác nhau. Sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc trong những năm qua, trong đó có việc tăng cường xâm lấn vào vùng biển của Malaysia cũng như thái độ gay gắt của Bắc Kinh ngay sau vụ MH370 đã buộc Malaysia phải phần nào đó xác định lại lập trường của mình, nó còn khiến một bộ phận người Malaysia đặt nghi vấn về sự hiệu quả trong 4 cách tiếp kể trên. Tuy nhiên, các sự kiện trên thực tế dường như cũng cho thấy rằng nước này vẫn tiếp tục thực thi chính sách “hành động một cách an toàn”. Trên bình diện ngoại giao, Malaysia ưu tiên quản lý một cách khéo léo vấn đề Biển Đông, hay cụ thể là trao đổi riêng các quan ngại của họ với Trung Quốc chứ không công khai lên tiếng như Việt Nam hay Philippines thường làm. Nhưng nước này cũng âm thầm tác động đằng sau hậu trường để bảo đảm ASEAN có thể duy trì sự thống nhất ở mức độ cơ bản trong vấn đề Biển Đông. Trên bình diện pháp lý, chính phủ Malaysia không e ngại việc bảo vệ lập trường của mình bằng việc gửi đơn đệ trình chung của họ với Việt Nam lên Liên Hợp Quốc vào tháng 5/2009, nhưng kể từ khi Philippines đệ đơn kiện Trung Quốc cho đến nay, Malaysia vẫn chưa có tuyên bố công khai nào ủng hộ Manila. Trên bình diện an ninh, Malaysia gần đây đã tìm cách tăng cường quan hệ với các nước như Mỹ và cùng với đó tăng cường năng lực của mình, trong đó có việc thông báo kế hoạch xây dựng căn cứ hải quân mới tại Bintulu, Sarawak. Tuy nhiên, nước này vẫn rất cẩn trọng trong việc sử dụng năng lực quân sự của mình khi phải đối phó với Bắc Kinh. Trên bình diện kinh tế, Malaysia tiếp tục tối đa hóa các lợi ích kinh tế từ nguồn dầu khí tại Biển Đông, và nhìn chung, Trung Quốc chưa can thiệp gì nhiều vào những hoạt động này của Malaysia.
Dĩ nhiên, chính phủ Malaysia có thể xem xét lại cách tiếp cận tổng thể của mình đối với vấn đề Biển Đông nếu tình hình có những chuyển biến đáng kể, có thể là việc xuất hiện những nguy cơ mới đe dọa nghiêm trọng tới lợi ích dầu khí của nước này. Và có thể năm nay sẽ có một vài sự kiện đặt Malaysia vào thế khó xử, ví dụ như tương lai vụ kiện của Philippines. Tuy nhiên, cho đến nay, với vai trò Chủ tịch ASEAN, Malaysia vẫn tiếp tục sự cân bằng cẩn trọng của mình. Ví dụ, Ngoại trưởng Anifah Aman không hề e ngại khi công khai tuyên bố mong muốn của ASEAN về việc sớm ký kết Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông và tại Hội nghị hẹp các Ngoại trưởng ASEAN tại Kota Kinabalu, ông đã đề cập về những lo ngại đối với hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc. Nhưng, đồng thời với đó, Malaysia tiếp tục làm những gì cần thiết để duy trì yêu sách của mình, và cố gắng tăng cường sâu sắc hơn nữa quan hệ với Trung Quốc, đặc biệt là trong các vấn đề kinh tế. Nghệ thuật “hành động một cách an toàn” cũng đồng nghĩa với việc mạo hiểm đi trên dây, nhưng Malaysia vẫn quyết tâm đi trên con đường này chừng nào mà họ còn có thể.
“Tranh chấp Biển Đông: Ba năm sau ‘sự cố’ Campuchia” của Phoak Kung
Năm 2012, khi AMM lần đầu tiên vòng trong 45 năm không ra được tuyên bố chung, nhiều người đã nhanh chóng đổ lỗi cho Campuchia, cáo buộc nước chủ nhà đặt lợi ích của họ lên trên sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN. Trên thực tế, đây chỉ là một khía cạnh của những thay đổi chưa từng có trong trật tự khu vực và thế giới. Cáo buộc nhằm vào Campuchia là thổi phồng và không giải quyết được các vấn đề cơ bản mà ASEAN phải đối mặt với tư cách một khối. Lý do Campuchia bị chỉ trích là bởi sự phụ thuộc của nước này vào Trung Quốc về kinh tế ngày càng tăng. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo Campuchia được xem là có quan hệ chặt chẽ với chính phủ Trung Quốc. Họ luôn ủng hộ Trung Quốc trong một số vấn đề, trong đó có cả chính sách "Một Trung Quốc".
Tuy nhiên, Campuchia không phải ngoại lệ. Nhiều nước ASEAN cũng hướng đến Bắc Kinh để tìm kiếm lợi ích của mình trong các sáng kiến mới cho khu vực của Trung Quốc. Tháng 11/2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố thiết lập chiến lược Con đường Tơ lụa mới trị giá 40 tỷ USD và một Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á (AIIB) trị giá 50 tỷ USD. Vì thế, vẫn có khả năng AMM năm 2012 sẽ kết thúc không mấy khác biệt nếu một nước ASEAN khác làm Chủ tịch. Tất nhiên, Campuchia nên xử lý vấn đề hiệu quả hơn và tìm một giải pháp chấp nhận được cho tất cả các bên liên quan. Việc không đưa ra được tuyên bố chung đã hủy hoại hình ảnh của nước này và đẩy Phnom Penh vào tình thế không mấy dễ chịu với các nước láng giềng.
Là nước nhỏ và nghèo, Campuchia không muốn về phe nào trong các tranh chấp khu vực và quốc tế. Nếu có thể lựa chọn, Phnom Penh sẽ đứng trung lập. Nước này luôn giữ được quan điểm đó với các tranh chấp khác, không chỉ ở Biển Đông. Phnom Penh ủng hộ mạnh mẽ việc xuống thang xung đột giữa các bên tranh chấp để tránh gây nguy hiểm cho hòa bình và gián đoạn hoạt động thương mại khu vực và quốc tế. Những vụ va chạm gần đây giữa Trung Quốc với Philippines và Việt Nam đã tạo ra mối quan ngại an ninh nghiêm trọng.
Hành động đơn phương của các bên tranh chấp không nhất thiết giúp họ có ưu thế trong tranh chấp trên biển, thay vào đó càng khiến các cuộc đàm phán trong tương lai trở nên khó khăn hơn. Tệ hơn, hoạt động xây dựng quân đội và triển khai lực lượng trên Biển Đông hiện tại có thể dẫn đến nguy cơ tính toán sai lầm. Điều quan trọng cần lưu ý là những tranh chấp này không thể giải quyết bằng vũ lực.
Theo quan điểm của Campuchia, một giải pháp bền vững cho các tranh chấp cần phải thông qua đàm phán song phương, với các tổ chức khu vực như ASEAN, và cộng đồng quốc tế đảm nhận vai trò trung gian và hỗ trợ các nước nhỏ để tăng khả năng thương lượng. Một Philippines đơn độc sẽ không thể có thỏa thuận công bằng với bên đàm phán hùng mạnh hơn như Trung Quốc.
Những gì Campuchia và các nước thành viên ASEAN khác cần làm là thúc đẩy việc tạo ra kênh đối thoại. ASEAN đã đúng khi giúp các bên tranh chấp tiến tới Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC). Dù đến nay COC vẫn chưa tiến triển, song đây là con đường hứa hẹn nhất cho một giải pháp hòa bình. Quan trọng hơn, tất cả các bên tranh chấp cần ngừng mọi hành động đơn phương có thể hủy hoại tiến trình này. Những gì cần thiết bây giờ là một ASEAN vững mạnh và đoàn kết, có thể đại diện hiệu quả cho tiếng nói của các thành viên./.