I. Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc tiếp tục thử tàu sân bay. Hàng không mẫu hạm Shi Lang hôm 21/12 có chuyến chạy thử thứ ba và nhiều khả năng sẽ lần đầu tiên hoạt động cùng các máy bay chiến đấu. Cuộc chạy thử lần này sẽ kéo dài trong 9 ngày và được thực hiện tại một khu vực không có các tàu thuyền khác qua lại. Con tàu được cho là có khả năng mang được khoảng 30 chiến đấu cơ, trực thăng và thủy thủ đoàn khoảng 2.000 người.

Thành lập Trung tâm nghiên cứu luật về Biển Đông đầu tiên của Trung Quốc. Trung tâm nhằm mục đích tiến hành nghiên cứu về các vấn đề pháp lý liên quan tới Biển Đông, được thành lập hôm 19/12 tại tỉnh Hải Nam phía Nam Trung Quốc. Được đồng sáng lập bởi Trường Đại học Hải nam và Hiệp hội Giới Khoa học Xã hội Hải Nam để thúc đẩy chiến lược phát triển của Trung Quốc ở Biển Đông và hỗ trợ việc xây dựng một hệ thống pháp lý cho khu vực này.

Trung Quốc triển khai tàu thăm dò biển sâu ở Biển Đông. Tàu thăm dò mang ký hiệu HYSY708 đã được xưởng đóng tàu Hoàng Phố ở Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông (miền Nam Trung Quốc) bàn giao cho khách hàng là Công ty Dịch vụ Dầu khí Trung Quốc COSL. Đây là một tàu thăm dò thuộc loại hiện đại nhất do chính Trung Quốc chế tạo. Dài 105 m, rộng 23,4m, trọng tải 11.600 tấn, có khả năng thăm dò ở độ sâu 3.000m dưới mặt biển, và khoan sâu 600 m dưới lòng biển. Con tàu này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thăm dò và khai thác nguồn tài nguyên dầu khí tại vùng Biển Đông.

“Biển Đông: Điểm gây ra áp lực khi Trung Quốc trỗi dậy” của Trương Địch Vũ. Hiển nhiên đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc, tư duy của các nước ASEAN giống như ý tưởng chính của các nước phương Tây, tức là cho rằng, nước trỗi dậy nhất định sẽ thông qua thay đổi hiện trạng để giành được vai trò chủ đạo, nhất là ở khu vực Biển Đông. Trong tương lai, Trung Quốc vẫn sẽ áp dụng chính sách tự kiềm chế để đối phó với tranh chấp Biển Đông. Duy trì ổn định môi trường xung quanh, đảm bảo môi trường bên ngoài ổn định để Trung Quốc trỗi dậy, vẫn là lựa chọn chiến lược quan trọng hiện nay của Trung Quốc. Vấn đề Biển Đông đã không chỉ là việc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải, mà còn trở thành nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến môi trường an ninh xung quanh và chiến lược toàn quốc của Trung Quốc[1].

Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam. Hôm nay 20/12/2011, ông Tập Cận Bình - nhân vật được xem là sắp lên nắm quyền lãnh đạo tối cao tại Trung Quốc – đã đến Hà Nội trong chuyến thăm sẽ kéo dài cho đến ngày 22/12. Diễn ra trong bối cảnh hình ảnh của Bắc Kinh trong khu vực trong thời gian qua bị sứt mẻ nghiêm trọng do các hành động lấn lướt nhằm áp đặt chủ quyền trên Biển Đông, chuyến công du này được giới phân tích cho là nhằm khôi phục lại uy tín và ảnh hưởng của Trung Quốc.

+ Philíppin:

Philippines muốn mua máy bay F-16. Ngày 21/12, Ngoại trưởng Philíppin Albert del Rosario cho biết nước này sẽ đề nghị mua phi đội 12 máy bay chiến đấu F-16 và một tàu tuần duyên thứ 3 từ Mỹ để hỗ trợ tuyên bố chủ quyền tại quần đảo Trường Sa. Ngoại trưởng Rosario nói rằng ông và Bộ trưởng quốc phòng Philíppin sẽ gặp những người đồng cấp tại Washington vào năm 2012 để thảo luận về các đề nghị trên và nhấn mạnh Philíppin muốn xây dựng “một tư thế phòng thủ đáng tin cậy tối thiểu”.

Dân biểu Philippines cảnh báo về việc Đài Loan củng cố chủ quyền tại Trường Sa. Hôm 13/12/2011, chính quyền Đài Bắc đã khánh thành một hệ thống năng lượng mặt trời đảo Ba Bình. Trước sự kiện này, ngày 16/12/2011, dân biểu Ben Evardone, chủ tịch Ủy ban Thông tin Hạ viện Philippines đã yêu cầu bộ Ngoại giao là phải gởi công hàm chính thức phản đối Đài Loan. Cùng ngày, hai dân biểu Emilio Joseph Abaya và Teddy Baguilat Brawner Jr - cả hai đều là thành viên Ủy ban Quốc phòng Hạ viện – cũng kêu gọi chính quyền của tổng thống Aquino phải lên tiếng phản đối Đài Loan. Tuy nhiên, hai nhân vật này còn cho rằng Manila phải học tập kinh nghiệm của Đài Bắc, cải thiện hạ tầng cơ sở tại các hòn đảo mà Philippines kiểm soát tại vùng Trường Sa, để tạo điều kiện thuận lợi cho quân đội Philippines trong việc bảo vệ chủ quyền.

+Indonesia:

Indonesia đặt mua 3 tàu ngầm của Hàn Quốc. Tập đoàn đóng tàu và công trình biển Daewoo (DSME) của Hàn Quốc đã ký kết thỏa thuận bán cho Indonesia 3 chiếc tàu ngầm trị giá 1,1 tỷ đô la. Đây là hợp đồng xuất khẩu vũ khí lớn nhất trong lịch sử Hàn Quốc. Theo hợp đồng, từ nay cho đến nửa đầu năm 2018, Công ty Daewoo sẽ giao cho Indonesia 3 tàu ngầm. Mỗi chiếc tàu ngầm này nặng 1.400 tấn, có sức chứa 40 thủy thủ và được trang bị 8 ống vũ khí để bắn ngư lôi và tên lửa dẫn đường.

II. Quan hệ các nước

Việt-Trung phối hợp thực hiện thỏa thuận cấp cao. Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 4 (GMS-4), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng hai bên cần phối hợp thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận đã đạt được trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhất là Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển. Ủy viên Quốc vụ Đới Bỉnh Quốc khẳng định lãnh đạo cấp cao Trung Quốc hết sức coi trọng đại cục quan hệ hữu nghị hợp tác Việt-Trung, quyết tâm cùng phía Việt Nam bàn bạc, giải quyết thỏa đáng những tồn tại giữa hai nước về vấn đề trên biển. Trung Quốc cũng mong muốn cùng ASEAN thực hiện tốt DOC và khởi động đàm phán COC.

Mỹ - Nhật - Ấn đối thoại an ninh. Ngày 20/12, tại Washington, Mỹ, Ấn Độ và Nhật bản lần đầu tiên tiến hành cuộc đối thoại ba bên về những vấn đề khu vực và thế giới cùng quan tâm. Cuộc đối thoại này diễn ra ở cấp trợ lý ngoại trưởng do Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Nam và Trung Á Robert Blake và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Kurt Campbell đồng chủ tọa. Đây là bước khởi đầu cho hàng loạt các cuộc tham vấn trong tương lai giữa ba chính phủ cùng chia sẻ các giá trị và lợi ích chung tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và toàn cầu nói chung.

Phó chủ tịch Trung Quốc kết thúc chuyến thăm Việt Nam: Hai bên cố gắng làm dịu tình hình ở Biển Đông. Trên vấn đề Biển Đông, cả hai phía đều đưa ra những lời lẽ hòa dịu, cam kết giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Điểm đáng chú ý là trong buổi tiếp xúc với ông Tập Cận Bình sáng 22/12, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã nhắc lại « lập trường của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông », cho rằng hai bên đều phải « cùng tôn trọng và quan tâm tới lợi ích chính đáng của nhau » để « giải quyết thỏa đáng các vấn đề tranh chấp trên biển », trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 và bản Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông DOC ký năm 2002 giữa Trung Quốc và ASEAN.

Top 10 câu chuyện của ASEAN trong năm 2011. Một trong số đó là Biển Đông. Các quốc gia Đông Nam Á đã chứng kiến sự gia tăng căng thẳng không mong muốn trong vấn đề Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi Trung Quốc cố gắng biểu lộ sức mạnh quân sự và kinh tế của nước này. Những căng thẳng trong năm nay có thể là tồi tệ nhất với sự hiếu chiến của Trung Quốc đã dẫn đến những cuộc biểu tình hiếm thấy ở Việt Nam.

III. Phân tích và đánh giá

“Việt Nam và Biển Đông: Những kịch bản giả định” của Amruta Karambelkar. Năm nay, Công ty ONGC Videsh limited (OVL) của Ấn Độ đã ký một hợp đồng 3 năm với PetroVietnam để tiến hành hoạt động đầu tư mới và tăng cường khai thác năng lượng. Khu vực này nằm bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông. Tuy nhiên Trung Quốc đã phản đối thỏa thuận này (giữa OVL và PetroVietnam) với lý do rằng Ấn Độ đã vi phạm chủ quyền của Trung Quốc. Phản ứng của Việt Nam sẽ là gì nếu có sự khiêu khích từ phía Trung Quốc? Kịch bản 1: Việt Nam ủng hộ Ấn Độ. Lý do của điều này là (i) nhân tố khu vực: Tranh chấp Biển Đông liên quan một số nước có chung lợi ích, cả ở khu vực và quốc tế. Các nước yêu sách này nhất trí chống lại Trung Quốc về vấn đề trên. Lập trường của khu vực đem lại cho Việt Nam sự ủng hộ. (ii) nhân tố song phương: Ấn Độ và Việt Nam đã truyền hơi thở mới vào mối quan hệ hai nước thông qua Hiệp định Đối tác Chiến lược năm 2007. Việt Nam coi Ấn Độ là một đồng minh đáng tinh cậy. Kịch bản 2: Việt Nam đứng về phía Trung Quốc. Việt Nam và Trung Quốc chia sẻ lịch sử chung có từ hàng nghìn năm trước. Bất kể sự thù địch trong lịch sử và thực trạng hiện nay trong mối quan hệ hai nước, Việt Nam sẽ mong muốn tiếp tục mối quan hệ tốt với Trung Quốc. Kịch bản 3: Điều gì có khả năng nhất? Mặc dù Việt Nam gần đây bắt đầu phát triển sức mạnh quân sự nhưng nước này không tìm kiếm một cuộc đối đầu quân sự với Trung Quốc. Việt Nam sẽ âm thầm ủng hộ lợi ích của Ấn Độ ở Biển Đông. Tuy nhiên, vì lợi ích của mối quan hệ với Ấn Độ, Việt Nam có thể cũng hỗ trợ Ấn Độ nếu có sự can dự của lực lượng Ấn Độ.

“Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm ngoại giao” của Eremy Page. Khi Phó Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam vào ngày 20/12, ngoại giao Trung Quốc sẽ đứng trước thách thức nghiêm trọng. Bởi vì, trước tình hình tranh chấp lãnh thổ ngày càng căng thẳng với Bắc Kinh, Việt Nam đang thắt chặt quan hệ với Mỹ. Từ năm 2009 đến nay, quan hệ giữa Trung Quốc với nhiều nước láng giềng đã xấu đi, do lực lượng quân sự của Trung Quốc ngày càng lớn mạnh và không minh bạch, đồng thời việc Trung Quốc ngày càng có lập trường quyết đoán hơn trong vấn đề Biển Đông đã khiến các nước lo ngại. Một thất bại khác trong ngoại giao của Trung Quốc ở khu vực là việc Myanmar vào tháng 9/2011 đã tuyên bố ngừng một công trình đập thủy điện do Trung Quốc xây dựng ở Myanmar. Myanmar đã bắt đầu khôi phục quan hệ với Mỹ. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc công bố, sau khi thăm Việt Nam 3 ngày, Phó ChủTịch Tập Cận Bình sẽ thăm Thái Lan 3 ngày. Đồng thời, quan chức cấp cao nhất phụ trách ngoại giao của Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc sẽ thăm Myanmar. Giới ngoại giao và giới phân tích cho rằng, sau khi Mỹ công khai tuyên bố chiến lược chuyển sang Châu Á vào tháng trước, Bắc Kinh mong muốn cải thiện quan hệ với các nước láng giềng.

Hội nghị “Cục diện thế giới năm 2012 và chiến lược của Trung Quốc” do Thời báo Hoàn cầu tổ chức ngày 17/12. Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu quan hệ Trung - Mỹ thuộc Đại học Thanh Hoa Tôn Triết cho rằng, Trung Quốc cần đề ra chiến lược Biển Đông gồm 3 tầng nấc. Tầng nấc thứ nhất cần vượt khỏi phạm vi Biển Đông, xây dựng khái niệm “Biển Đông”, bao gồm việc bảo đảm an ninh vận chuyển năng lượng của Trung Quốc ở eo biển Malacca, hợp tác cứu hộ cứu nạn trên biển và diễn tập với các nước. Tầng nấc thứ hai là cần ra sách trắng về vấn đề Biển Đông, chứng minh những khu vực nào thuộc lãnh thổ Trung Quốc, bảo đảm qua lại vô hại của các nước ở Biển Đông. Tầng nấc thứ ba là lập kế hoạch cùng khai thác cụ thể ở khu vực các đảo có tranh chấp và việc xem xét như thế nào đối với tập quán truyền thống của các nước xung quanh. Nghiên cứu viên Viện nghiên cứu quân sự Hải quân Trung Quốc Lý Kiệt cho rằng, Trung Quốc cần phát triển lực lượng hải quân và không quân, tăng cường pháp chế ở Biển Đông, xây dựng luật về vùng đặc quyền kinh tế ven biển, tăng cường lực lượng chấp pháp trên biển. Phó Thư ký Ủy ban chính sách an ninh quốc gia Trung Quốc Bành Quang Khiêm cho rằng, lực lượng quân sự của quân đội Trung Quốc hiện nay chỉ sử dụng để bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia, đánh bại các thế lực xâm lược Trung Quốc. Giáo sư Đại học Quốc phòng Trung Quốc Đới Húc cho rằng, Trung Quốc là một nước lớn có chủ quyền, việc phát triển lực lượng quân sự không nên bị ảnh hưởng bởi dư luận của bất kỳ nước nào, cần kiên định lấy việc bảo vệ lợi ích quốc gia làm điểm xuất phát cơ bản, cần cái gì thì phải phát triển cái đó[2].

“Thế kỷ Thái Bình Dương sẽ thuộc về ai” của Ruan Zongze. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đăng một bài trên tạp chí Chính sách Đối ngoại vào tháng 11 và sau đó có bài phát biểu tại Trung tâm Đông - Tây với tuyên bố rằng Thế kỷ Thái Bình Dương là thế kỷ của Mỹ và Mỹ sẽ đóng vai trò trụ cột. Khi chiến tranh tại I - rắc kết thúc, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang dần trở thành trung tâm kinh tế chiến lược toàn cầu trong thế kỷ 21 và sẽ là trọng tâm trong chiến lược ngoại giao của Mỹ. Thực tế việc xây dựng cơ chế hiện nay tại Châu Á – Thái Bình Dương lại bị rơi ở ngã ba đường và vai trò của Trung Quốc và Mỹ là vô cùng quan trọng, vì mang tính quyết định liệu tương lai của Châu Á – Thái Bình Dương sẽ là chia rẽ hay là một khối hoàn toàn. Nhìn chung, chiến lược Thái Bình Dương mới của Mỹ sẽ bị hạn chế bởi nhiều nhân tố trong và bên ngoài và triển vọng vẫn chưa rõ ràng. Do đó, Trung Quốc cũng cần có kế hoạch Châu Á – Thái Bình Dương của Trung Quốc mà xây dựng một Châu Á – Thái Bình Dương hoàn toàn mở dựa trên cơ sở cùng có lợi. Thế kỷ Thái Bình Dương là thuộc về tất cả các nước hai bờ Thái Bình Dương.

“Cuộc gặp ba bên trước mối thách thức Trung Quốc” của Harsh V.Pant. Hôm thứ hai, Mỹ, Nhật và Ấn độ đã tổ chức đối thoại an ninh ba bên lần đầu tiên để thảo luận về các vấn đề an ninh ở Đông Á, sự kiện ở Washington này là sự khởi đầu của một xu hướng. Có thể đoán được là Bắc Kinh không mấy vui vẻ đối với cuộc tụ họp của siêu cường thế giới, nền kinh tế lớn thứ hai ở Châu Á và quốc gia rộng lớn đang phát triển khác, nhưng Trung Quốc sẽ phải tự chuẩn bị trước việc có thêm nhiều cuộc họp như vậy. Một cách nghiêm túc, sự trỗi dậy của Trung Quốc không phải là chủ đề chính trong cuộc gặp. Đảm bảo an toàn các tuyến đường biển, phối hợp hỗ trợ nhân đạo và khủng bố toàn cầu là những điểm tập trung thảo luận. Nhưng Trung Quốc sẽ là một chủ đề ngầm hiểu trong cuộc gặp ba bên này. Xét cho cùng, một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với tự do hàng hải ở Châu Á là sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc trong việc theo đuổi các yêu sách lãnh thổ vô lý ở Biển Đông và những tranh chấp về đảo với phía Nhật bản.

“Tình trạng bế tắc vẫn sẽ còn kéo dài ở Biển Đông”. Ông Joseph Gerson, Giám đốc Văn phòng khu vực của Uỷ Ban Chương trình những người bạn Mỹ của New England cho rằng, an ninh chung có thể làm dịu sóng gió trên biển. Trong kỷ nguyên gia tăng tranh chấp nguồn tài nguyên thì dầu, khí tự nhiên và các nguồn khoáng sản khác ở đáy Biển Đông và việc kiểm soát các tuyến đường hàng hải đã trở thành những phần thưởng ngoạn mục đối với các nước tranh chấp lãnh thổ ở đây. Với việc Mỹ, Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Nhật Bản và Ấn Độ ráo riết hành động (quân sự hoặc kinh tế và ngoại giao) thì nguy cơ tính toán sai làm dẫn đến xung đột vũ trang tàn khốc cũng tăng lên. Giảm căng thẳng và giảm chi tiêu quân sự để tăng cường phát triển và bảo đảm an ninh thực sự là có lợi cho tất cả mọi người. Giáo sư M.D. Palapat, giám đốc Viện Địa chính trị thuộc Đại học Manipal của Ấn Độ cho rằng, châu Á không chấp nhận chiến thuật “chia để trị”. Với sự nổi lên của Trung Quốc trong thế kỷ 21, Mỹ đã có đối thủ tiềm tàng có thể mạnh hơn cả Mỹ ở châu Á. Vì vậy, Mỹ tập trung vào vấn đề có thể biến các nước láng giềng châu Á chống lại Trung Quốc – đó là vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Ông Sun Zhe, giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ - Trung Đại học Thanh Hoa cho rằng sức mạnh mềm tốt hơn là đấu trường ác liệt giành giật các đảo. Trung Quốc cần ra Sách trắng để chứng minh cho các nước khác rằng các khu vực còn tranh cãi là thuộc lãnh thổ lịch sử của Trung Quốc và bảo đảm quyền thông thương an toàn của các nước khác.

Tải bản PDF



[1] Tạp trí Tri thức thế giới (Trung Quốc) số ra ngày 16/12/2011

[2] Mạng nhân dân ngày 18/12