Bản PDF tại đây

Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc: ‘Thái độ thù địch cần được giải quyết bằng chính trị’. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ hôm 21/1, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho hay nền kinh tế đang chững lại của nước này phản ánh tình hình kinh tế toàn cầu, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục các biện pháp cải cách quan trọng để thúc đẩy các triển vọng tăng trưởng. Thủ tướng Trung Quốc cũng khẳng định nước này không có ý định ganh đua với các nước khác để tranh giành vị thế vượt trội, và thái độ thù địch trong khu vực phải được giải quyết bằng các biện pháp chính trị.

Trung Quốc phản ứng trước bình luận Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Biển Đông. Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 22/1, Người phát ngôn Hoa Xuân Oánh tuyên bố, “Trong quan hệ quốc tế, Trung Quốc đối xử bình đẳng với tất cả các nước, dù lớn hay nhỏ. Chúng tôi phản đối việc nước lớn bắt nạt các nước nhỏ, đồng thời cũng cho rằng các nước nhỏ không nên có những đòi hỏi vô lý. Về vấn đề Biển Đông, Bắc Kinh luôn hướng tới giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua đàm phán trực tiếp giữa các bên liên quan. Các bên không liên quan cần có lập trường công bằng và khách quan, có những tuyên bố giúp cho việc xây dựng lòng tin và hợp tác, nỗ lực nhiều hơn nữa để bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực, hạn chế đưa ra những bình luận có tính khiêu khích làm phức tạp vấn đề.”

Lãnh đạo Trung Quốc cảnh báo về nguy cơ an ninh 'chưa từng có'. Bộ Chính trị Trung Quốc hôm 23/1 tổ chức một cuộc họp về vấn đề an ninh với sự chủ trì của Chủ tịch Tập Cận Bình. Tuyên bố đưa ra sau cuộc họp cảnh báo những rủi ro là “không thể đoán trước”, vì thế Trung Quốc cần “đề phòng trước mọi nguy cơ tiềm tàng.” Tuyên bố khẳng định Trung Quốc sẽ bảo vệ an ninh quốc gia “theo một mô hình mang đậm chất Trung Quốc”, kiên quyết giữ vững những lợi ích cốt lõi của đất nước - an toàn của người dân là nhiệm vụ trọng yếu - đảm bảo an ninh quốc gia thông qua cải cách và phát triển kinh tế.

+ Việt Nam:

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hoạt động phi pháp ở Trường Sa. Ngày 22/1, trả lời câu hỏi về việc Philippines và Mỹ vừa bày tỏ quan ngại trước những hoạt động cải tạo của Trung Quốc ở Biển Đông, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ: “Quan điểm của Việt Nam về vấn đề này là rõ ràng và nhất quán. Chúng tôi có đầy đủ căn cứ pháp lí và chứng cớ lịch sử khẳng định chủ quyền của mình tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, nghiêm túc thực hiện DOC, chấm dứt ngay việc cải tạo, xây dựng công trình phá vỡ nguyên trạng tại quần đảo Trường Sa và không để tái diễn những hành động sai trái tương tự.”

+ Philippines:

Philippines quan ngại hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông. Phát biểu trước báo giới ở Manila hôm 22/1, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario khẳng định các hoạt động của Trung Quốc ảnh hưởng đến tự do hàng hải ở Biển Đông, “Tôi sẽ nhấn mạnh lại vấn đề này để kêu gọi sự quan tâm của ASEAN. Bởi đây là mối đe dọa đối với tất cả chúng ta.” Ngoại trưởng Philippines cho biết ông sẽ đưa vấn đề này ra Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN sắp tới, đồng thời hối thúc các nước liên quan thiết lập Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.

+ Mỹ:

Mỹ trông đợi Malaysia thúc đẩy Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Phát biểu tại Kuala Lumpur hôm 24/1 nhân chuyến thăm Malaysia, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương ông Daniel Russel tuyên bố, “Mỹ hy vọng Malaysia có thể trở thành hình mẫu về lối hành xử có trách nhiệm, mà ở đó các bên tranh chấp kiềm chế thực sự và tránh các hành động đe dọa tới các nước láng giềng hoặc gây bất ổn khu vực. Điều này đồng nghĩa việc Mỹ ủng hộ những tiến triển đáng kể và thực chất trong việc xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử giữa các nước ASEAN và Trung Quốc. Bộ Quy tắc này phải có tính ràng buộc và quản lý hành vi của tất cả các bên, bao gồm các bên tranh chấp. Mỹ hy vọng COC có thể được ký kết trong năm nay khi Malaysia đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN.”

Quan hệ các nước

Mỹ-Philippines tiến hành đối thoại chiến lược lần thứ 5. Đối thoại diễn ra hôm 20/1 tại Manila với sự tham gia của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ David Shear cùng thứ trưởng ngoại giao Philippines Evan Garcia và thứ trưởng Bộ Quốc phòng Philippines Pio Lorenzo Batino. Đối thoại diễn ra trong hai ngày, tập trung vào các vấn đề pháp trị và thực thi pháp luật, quốc phòng và an ninh, kinh tế, phát triển và sự can dự ngoại giao trong khu vực và thế giới. Ngày 21/1, hai nước ra tuyên bố chung tái khẳng định “cam kết vững chắc” đối với Hiệp ước phòng thủ chung năm 1951, như đã nêu trong Tuyên bố Manila tháng 11/2011 và Hiệp định tăng cường hợp tác quốc phòng. Hai nước tiếp tục củng cố năng lực quốc phòng và năng lực phòng thủ tập thể, trong đó có chống khủng bố; tăng cường an ninh trên biển và ý thức về biển; nâng cao khả năng kiểm soát, phòng chống và ứng phó nhanh với thảm họa. Mỹ-Philippines cũng bày tỏ quan ngại về những diễn biến ở Biển Đông đi ngược với DOC năm 2002 và luật pháp quốc tế. Hai nước nhấn mạnh tranh chấp quốc tế ở Biển Đông cần giải quyết phù hợp với luật pháp quốc tế, thông qua các biện pháp ngoại giao hoặc các phương thức hòa bình khác, bao gồm phân xử của tòa trọng tài. Tại cuộc họp báo sau đó, Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Pio Lorenzo Batino khẳng định, “Hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông hết sức đáng ngại, đặc biệt theo các báo cáo gần đây rằng nước này mở rộng quy mô cải tạo đất.” Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Evan Garcia tuyên bố, “Việc cải tạo đất của Trung Quốc rõ ràng vi phạm những thỏa thuận trong DOC năm 2002. Không giúp ích cho việc tìm ra một giải pháp.” Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel thì cho rằng, “Mỹ mong đợi Trung Quốc và các nước láng giềng sớm hoàn tất bộ quy tắc ứng xử. Trong khi đó, điều cần thiết là các bên cần kiềm chế tối đa hành động.”

Việt-Mỹ tái khẳng định duy trì lợi ích chung trong vấn đề Biển Đông. Từ ngày 22-23/1 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Hà Kim Ngọc và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị-quân sự Puneet Talwar đã đồng chủ trì Đối thoại Chính trị, An ninh, Quốc phòng Việt-Mỹ thường niên lần thứ 7. Hai bên tái khẳng định cam kết tăng cường quan hệ song phương trên tinh thần hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau. Hai bên nhấn mạnh lợi ích chung trong việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không, cũng như việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp ngoại giao hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Hai bên đồng ý tiếp tục hợp tác về thực thi luật pháp trên biển, đặc biệt là tăng cường năng lực để đối phó với thảm họa và tìm kiếm cứu nạn. Đối thoại Chính trị, An ninh, Quốc phòng lần thứ 8 sẽ diễn ra tại Mỹ vào năm 2016.

Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Ấn Độ. Sáng 25/1, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tới sân bay quân sự Palam ở New Delhi, mở đầu chuyến thăm Ấn Độ ba ngày. Sau đó, ông Obama đã có cuộc gặp với Thủ tướng Modi tại Phủ Thủ tướng Ấn Độ. Tuyên bố chung đưa ra sau đó khẳng định mối quan hệ đối tác gần gũi hơn giữa hai nước là điều không thể thiếu để thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng và sự ổn định ở khu vực Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương. Hai nước nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo vệ an ninh biển, đảm bảo tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, đặc biệt ở Biển Đông. Mỹ-Ấn Độ kêu gọi các bên tranh chấp tránh đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, đồng thời dùng các biện pháp hòa bình để giải giải quyết tranh chấp, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.

Phân tích và đánh giá

“Biển Đông sẽ bất ổn sau hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc?”

Theo các chuyên gia an ninh, với dự án cải tạo đảo quy mô lớn tại khu vực tranh chấp ở Biển Đông, Trung Quốc đang đẩy khu vực tới “ranh giới của những toan tính sai lầm”.

Theo nhà sử học quân sự Jose Antonio Custodio, “các căn cứ (của Trung Quốc) đang được xây dựng rất nhanh chóng, theo ước tính, nó sẽ được vận hành vào năm tới.” Ông Custodio cũng cho biết các sân bay và căn cứ hải quân phía Trung Quốc xây dựng trên các rạn san hô và đá ngầm được cải tạo dọc theo cái gọi là đường lưỡi bò sẽ cho phép họ thực hiện nhiều hơn các hành động phong tỏa đối với các bên tranh chấp khác ở Biển Đông.

Ông Custodio nhận định quân đội Philippines sẽ gặp khó khăn hơn trong việc đảm bảo hậu cần cho trung đội lính thủy đánh bộ đồn trú tại Bãi Cỏ Mây, “Trung Quốc đang tiếp tục củng cố đường lưỡi bò của mình với mục đích đến một lúc nhất định họ sẽ từ chối hoặc ngăn chặn hoạt động tiếp tế của các quốc gia khác.”

Bắc Kinh đang tiếp tục các hoạt động cải tạo đảo tại Đá Ga Ven, Đá Châu Viên và Đá Gạc Ma. Các quan chức Mỹ và Philippines gần đây đã bày tỏ lo ngại về hoạt động cải tạo và xây dựng “quy mô lớn” của Trung Quốc ở Biển Đông.

Một quan chức an ninh (giấu tên) có nói rằng tại thời điểm này, một số căn cứ của Trung Quốc trên các đảo khai hoang “đã hoạt động”.

Vị quan chức này cũng nhất trí với khả năng Trung Quốc tăng cường phong tỏa Biển Đông như ông Custodio đã khẳng định, “Trung Quốc thực tế đang đẩy các nước khác đến ranh giới của những tính toán sai lầm ở Biển Đông. Nhưng Philippines và các nước láng giềng khác trong khu vực không hề muốn chiến tranh. Đó không phải là giải pháp. Và Philippines dường như tiếp tục lựa chọn cách tiếp cận ngoại giao, dựa trên luật pháp để đương đầu với sự hung hăng của Trung Quốc.”

“Giá dầu thấp có tác động gì tới Biển Đông?”

Giá dầu gần đây đã xuống tới mức 46 USD/thùng, thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Đợt giảm sâu nhất của giá năng lượng kể từ khủng khoảng toàn cầu năm 2008 đã khiến các công ty như Royal Dutch Shell hay Statoil ASA của Nauy từ bỏ các dự án mà họ xem là không khả thi với mức giá dầu hiện tại và đặt ra những câu hỏi về hoạt động thăm dò nước sâu tốn kém trong tương lai.

Tuy nhiên tại Biển Đông, các toan tính chính trị và an ninh vẫn sẽ khiến cho tranh chấp căng thẳng. Biển Đông là nơi trung chuyển của những tuyến đường vận chuyển nhộn nhịp nhất của thế giới và là tuyến huyết mạch trọng yếu cho con đường vận chuyển năng lượng của Trung Quốc từ Trung Đông.

Theo ông Shi Yinhong, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Nhân dân, Bắc Kinh và là cố vấn cho Chính phủ Trung Quốc, “tranh chấp Biển Đông không phải là một cuộc cạnh tranh về năng lượng”. “Đây là tranh chấp về lãnh thổ trên biển và không có bất cứ sự thỏa hiệp nào về yêu sách.”

Còn ông Bill Hayton, tác giả cuốn sách “Biển Đông: Cuộc đấu tranh giành quyền lực tại châu Á” mới xuất bản hồi năm ngoái, cho hay: “Biển Đông có vai trò quan trọng bởi nguồn dầu khí được vận chuyển qua đây chứ không phải là nguồn dầu khí nằm bên dưới vùng biển này”. Trung Quốc sử dụng “dầu khí như là một cái cớ để đưa ra yêu sách chủ quyền quốc gia và bảo vệ cho lý do này bởi họ tin rằng Biển Đông giàu tài nguyên dầu khí”.

Các ước tính về trữ lượng dầu khí tại Biển Đông rất khác nhau. Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) nói rằng khu vực có lượng dự trữ dầu khí vào khoảng 11 tỉ thùng dầu và 190 nghìn tỉ feet khối khí thiên nhiên. Con số ước tính của Trung Quốc lại cao hơn nhiều. Năm 2012, Chủ tịch Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đưa ra ước tính rằng khu vực có khoảng 125 tỉ thùng dầu và 500 nghìn tỉ feet khối khí thiên nhiên.

Con số này đã bị một số nhà quan sát phương Tây, trong đó có cả Bill Hayton, bác bỏ. Họ cho rằng đây là những con số dựa trên tính toán từ tận những năm 1990, thời điểm Trung Quốc không còn đủ khả năng tự cung cấp dầu và nền kinh tế của nước này bắt đầu cất cánh.

“Một khi các nguồn chính thức đã công bố những con số này là đúng, sẽ khó có chuyện quan chức Trung Quốc tuyên bố đây là những con số vô lý”, ông Hayton viết trong cuốn sách của mình. CNOOC đã trở thành “một tiếng nói quan trọng trong hệ thống góp phần phóng đại tiềm năng của vùng biển này. Nếu nguồn dự trữ càng được cho là nhiều, thì khả năng giành lấy những nguồn kinh phí béo bở từ chính phủ càng lớn”.

Tuy nhiên, một số khác cho rằng có thể con số của Trung Quốc không hẳn là đã bị phóng đại. Ông Gordan Kwan, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu dầu khí tại Nomura Holdings, Hồng Kông nói rằng không có lý do gì để Trung Quốc đổ tiền vào Biển Đông nếu như họ không tin vào nguồn dầu khí tại đây.

Mặc dù ông Kwan không cho rằng các tập đoàn dầu khí của Trung Quốc sẽ cắt giảm đáng kể hoạt động tại Biển Đông, nhưng ông cũng không cho rằng các công ty này sẽ gia tăng đầu tư sau khi giá dầu đã sụt giảm gần 50% vào năm ngoái, “Rõ ràng dòng tiền bị hạn chế sẽ làm giảm các khoản đầu tư của họ và họ sẽ phải quyết định xem liệu hoạt động thăm dò nước sâu có còn ý nghĩa kinh tế hay không. Nếu họ cho rằng giá dầu sẽ tăng trở lại vào thời điểm mà các dự án nước sâu bắt đầu sản xuất, họ sẽ có một cách nhìn khác.”

“Tác động ngoại giao của vụ kiện Philippines - Trung Quốc” của Richard Javad Heydarian

Hành động chưa từng có tiền lệ của Philippines – đưa tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ra tòa án quốc tế - đã có tác động tiêu cực lên quan hệ thương mại và đầu tư của hai quốc gia, với việc Bắc Kinh có vẻ như đang rút dần các khoản đầu tư trên quy mô lớn tại quốc gia Đông Nam Á này.

Mặc dù Trung Quốc là nước có vị trí số 1 trong số các quốc gia cung cấp nguồn vốn và công nghệ với giá cả phải chăng cho các quốc gia đang phát triển trên thế giới, nhưng điều ngạc nhiên là Philippines lại có nhiều khoản đầu tư trực tiếp tới Trung Quốc. Theo một vài nguồn tin, Trung Quốc đã cố tính loại bỏ Philippines trong sáng kiến Con đường Tơ lụa trên Biển đầy tham vọng của họ. Ngoại trừ Philippines, Trung Quốc cũng là đối tác thương mại hàng đầu đối với hầu hết các nền kinh tế tại Đông Á.

Quan trọng hơn, hầu như không có bất kỳ cuộc đối thoại cấp cao, đặc biệt là trên cấp đại sứ, được duy trì. Kể từ khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền, chủ tịch, thủ tướng hay thậm chí là ngoại trưởng của Trung Quốc vẫn chưa tới Philippines. Mặc dù Trung Quốc đang tiến hành các biện pháp xây dựng lòng tin với Việt Nam và Nhật Bản, nhưng Philippines vẫn chưa thể đàm phán về một đường dây nóng với phía Trung Quốc. Nói tóm lại, quan hệ ngoại giao giữa hai bên đã bị đóng băng trong bối cảnh vụ kiện đang được thụ lý.

Với vai trò là chủ nhà của Hội nghị APEC 2015, Philippines có cơ hội hiếm có để chào đón các lãnh đạo Trung Quốc, mở đường cho việc phục hồi các kênh ngoại giao cấp cao. Với việc Tổng thống Aquino nhiều khả năng sẽ rời nhiệm sở vào năm 2016, Trung Quốc cũng đang hướng tới việc “khôi phục quan hệ ngoại giao” với chính phủ sắp tới của Philippines. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ là hai bên sẽ làm thế nào để có thể vượt qua những bất đồng gay gắt và sâu sắc liên quan đến vụ kiện về Biển Đông.

“Thách thức cho năm Chủ tịch ASEAN của Malaysia của Pavin Chachavalpongpun

Chiếc ghế Chủ tịch ASEAN của Myanmar trong năm 2015 sẽ gặp phải nhiều khó khăn. Có ít nhất hai vấn đề mà Malaysia phải giải quyết:

Thứ nhất, tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông chắc chắn sẽ là thách thức đối với quyến tâm của nước Chủ tịch Malaysia, ảnh hưởng tới sự đoàn kết của ASEAN, và làm phức tạp mối quan hệ của khối với các cường quốc. Là một bên trong tranh chấp, vai trò của Malaysia sẽ không thể được xem như là trung lập. Do đó, khi Malaysia làm trung gian cho tranh chấp, họ sẽ phải cân bằng giữa lợi ích quốc gia và lợi ích của khối.

Mấu chốt của tranh chấp nằm ở hai cách tiếp cận khác nhau trong giải quyết vấn đề Biển Đông. Các bên có yêu sách của ASEAN muốn đàm phán về tranh chấp trên cơ sở đa phương, chủ yếu với sự tham gia của ASEAN, trong khi đó Trung Quốc giữ lập trường giải quyết tranh chấp trên cơ sở song phương. Là một cường quốc, Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ lựa chọn song phương bởi nước này có lợi thế đàm phán vượt trội. ASEAN đang phải lựa chọn giữa hai cách giải quyết trái ngược này. Liệu Malaysia có lập lại vết xe đổ của Campuchia trong năm 2012?

Thách thức thứ hai mà Malaysia phải giải quyết đó là nước này sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng dân chủ trong khu vực như thế nào.

ASEAN bao gồm rất nhiều quốc gia với các thể chế chính trị khác nhau. Nguyên tắc vàng của ASEAN - đó là không can thiệp - vẫn sẽ được duy trì, bởi hầu hết các quốc gia ASEAN đều rất dễ bị tổn thương về mặt chính trị, do đó họ sẽ không chỉ trích các quốc gia khác khi những nước này hành xử thiếu dân chủ.

Những gì đã xảy ra tại Thái Lan sau cuộc đảo chính hồi tháng 5/2014 và tiến trình dân chủ hóa chậm chạp tại Myanmar sẽ thách thức trực tiếp tới việc làm thế nào để Malaysia xây dựng được một Cộng đồng Chính trị ASEAN vững mạnh tại thời điểm mà đâu đó tại khu vực, dân chủ vẫn còn là một vấn đề chưa được giải quyết.

“Liệu Trung Quốc có thay đổi cách tiếp cận về Biển Đông vào năm 2015?” của Prashanth Parameswaran

Một vài người cho rằng Bắc Kinh có thể sẽ điều chỉnh cách tiếp cận của mình trong năm 2015 sau những động thái tích cực vào thời điểm cuối năm 2014. Mặc dù vậy, với cái cách mà Trung Quốc đã hành xử trong quá khứ, người ta có lý do để nghi ngờ rằng những gì mà Trung Quốc thực hiện gần đây không gì khác cũng chỉ là một sự thay đổi tạm thời về chiến thuật của Bắc Kinh.

Vào tháng 10/2013, nhân lễ kỷ niệm lần thứ 10 của quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc, Trung Quốc đã tiết lộ, một cách khá ồn ào, về cái mà Trung Quốc gọi là chiến lược mới cho quan hệ ASEAN-Trung Quốc trong thập kỷ tiếp theo: một “khuôn khổ hợp tác hai cộng bảy” tương đối cồng kềnh. Tuy nhiên, chỉ bảy tháng sau cái gọi là “chiến lược tấn công quyến rũ” này, trong đó bao gồm việc đề xuất thành lập một nhóm làm việc mới nhằm tham vấn về khả năng khai thác chung trên biển với Việt Nam, Trung Quốc lại triển khai một giàn khoan dầu vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Theo nhận định của ông Nguyễn Vũ Tùng, một nhà nghiên cứu của Học viện Ngoại giao Việt Nam, thì việc Trung Quốc thay đổi từ “một nhánh ô liu” (biểu tượng của hòa bình) sang cách hành xử đâm sau lưng đã đặt ra một câu hỏi nghiêm túc về mức độ tin tưởng của các nước ASEAN đối với các tuyên bố của Trung Quốc cũng như những dự tính lâu dài của Bắc Kinh.

Ngay cả khi chúng ta muốn tin vào khả năng Trung Quốc sẽ tỏ ra thực sự nghiêm túc về việc bước đầu cố gắng xoa dịu tình hình ở Biển Đông vào năm 2015, thì những diễn biến trên biển trong năm nay cũng có thể đẩy Bắc Kinh vào thế quyết đoán hơn, nếu không phản ứng mạnh mẽ hơn thì cũng chủ động hơn. Nhiều người sẽ rất háo hức chờ xem liệu Bắc Kinh và các nước có yêu sách Biển Đông khác sẽ phản ứng thế nào với phán quyết của tòa trọng tài về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc, có thể sẽ được công bố vào cuối năm 2015. Ngoài ra, các vụ xâm nhập của tàu thuyền và ngư dân Trung Quốc vào vùng biển của các quốc gia Đông Nam Á cũng có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng như đã từng có nguy cơ xảy ra trong quá khứ. Malaysia và Indonesia cũng rất chú trọng đến việc bảo vệ chủ quyền, và có một điều rõ ràng là cả hai đang ngày càng tỏ ra khó chịu với hành vi của Bắc Kinh. Phản ứng của chính quyền Tổng thống Indonesia Jokowi trước các hành động xâm phạm của Trung Quốc sẽ rất đáng theo dõi bởi một số cố vấn của ông trong thời gian gần đây đã có những tuyên bố khá táo bạo về chính sách đối ngoại của Indonesia. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng không thể xem nhẹ vai trò của Mỹ ở Biển Đông và những ảnh hưởng tiềm tàng của Washington đối với hành vi của Bắc Kinh khi mà Washington đang can dự sâu hơn vào vấn đề Biển Đông, qua các động thái như kí kết Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng với Philippines, nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam, ký kết thỏa thuận đối tác toàn diện với Malaysia trong đó bao gồm hợp tác về an ninh hàng hải và việc Bộ Ngoại giao Mỹ xuất bản một nghiên cứu về đường lưỡi bò.

Tất cả những điều này cho thấy dù Trung Quốc có điều chỉnh cách tiếp cận của mình đi nữa, thì nhiều khả năng chúng ta vẫn sẽ tiếp tục được chứng kiến một năm đầy biến động trong vấn đề Biển Đông./.