Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc thử nghiệm hệ thống chỉ huy thời chiến trong tập trận ở Biển Đông. Trung Quốc tiến hành cuộc tập trận trong 34 ngày với 21 bài tập, từ ngày 16/1 trên Biển Đông và các vùng biển phía tây và trung tâm Thái Bình Dương. Các chuyên gia về quân sự cho rằng quân đội Trung Quốc muốn thử nghiệm hệ thống chỉ huy trong thời chiến, đồng thời tăng cường phòng thủ bằng tên lửa trên khu vực Biển Đông. Theo tuyên bố của Hạm đội Nam Hải, có rất nhiều tàu chiến mới của Trung Quốc tham gia cuộc tập trận, trong đó có tàu khu trục có tên lửa dẫn đường Hefei, Yuncheng, tàu đổ bộ Chanbaishan và tàu tiếp dầu Honghu. Một nguồn tin gần gũi với quân đội Trung Quốc cho biết lực lượng quân đội đóng trên các đảo do Trung Quốc kiểm soát cũng tham gia tập trận.

Trung Quốc nói giảm việc Bộ trưởng Tài chính Anh hủy chiếm thăm. Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 22/2, trả lời câu hỏi của phóng viên rằng chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Tài chính Anh đã bị hủy do Bộ trưởng Quốc phòng Anh tuyên bố sẽ cử tàu sân bay đến Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết, “Trung Quốc coi trọng quan hệ Trung - Anh, hy vọng Anh thực sự tôn trọng lợi ích cốt lõi và quan ngại của Trung Quốc, nỗ lực thúc đẩy quan hệ Trung - Anh phát triển ổn định, lành mạnh. Về chuyến thăm của Bộ trưởng Tài chính Anh, Trung Quốc đã từng nói chúng tôi hoan nghênh Bộ trưởng Tài chính Anh đến thăm Trung Quốc”.

+ Indonesia:

Indonesia dự kiến lập ngư trường mới ở quần đảo Natuna. Indonesia đang lên kế hoạch thiết lập ngư trường ở vùng biển phía Bắc quần đảo Natuna. Trong cuộc họp báo ngày 20/2, Bộ trưởng điều phối các vấn đề biển của Indonesia, ông Luhut Pandjaitan cho biết Chính phủ Indonesia sẽ xây dựng một cảng cá và hệ thống đông lạnh trên một đảo thuộc quần đảo Natuna vào quý 3/2019. Ngoài ra, Indonesia triển khai một tầu chở dầu để đảm bảo ngư dân Indonesia có nguồn cung cấp dầu cho các tầu đánh cá. Trợ lý của ông Luhut Pandjaitan, ông Atmadji Sumarkidjo cho biết Indonesia hoan nghênh các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư cơ sở vật chất trên quần đảo Natuna phục vụ cho công nghiệp đánh cá nhưng chỉ giới hạn trong lĩnh vực chế biến cá, không được tham gia đánh bắt cá.

+ Singapore:

BTQP Singapore nhận định cái giá cho xung đột Biển Đông quá lớn. Trả lời phỏng vấn tờ DW  của Đức nhân tham dự Diễn đàn An ninh Munich 2019, Bộ trưởng Quốc phòng Ng Eng Hen nhận định, “Tôi không nghĩ xung đột toàn diện sẽ xảy ra ở Biển Đông. Tất cả các bên liên quan, các nước tranh chấp và cộng đồng quốc tế, đều nhận thấy cái giá phải trả rất lớn và vấn đề Biển Đông không phải lý do để bùng phát một cuộc xung đột vũ trang. Nói như vậy, không có nghĩa không có tính toán sai lầm hoặc tai nạn tình cờ. Điều này xảy ra khi tàu USS Decatur tiến hành FONOP ở Biển Đông”. Về câu hỏi Trung Quốc ngày càng bá quyền có tạo ra thách thức cho các nước hay không, Bộ trưởng Quốc phòng Ng Eng Hen cho hay, “Theo quan điểm của Trung Quốc, họ đang trỗi dẫy hòa bình và muốn các nước khác cùng tham gia. Ở khía cạnh này, tôi thấy phần nào đúng. Trong thập kỷ qua, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, trong khi châu âu và mỹ đang ở trạng thái suy thoái kinh tế, chính sự tăng trưởng của Trung Quốc chống đỡ cho châu Á”.

+ Mỹ:

Tướng Mỹ hé lộ kế hoạch triển khai siêu pháo tại Biển Đông. Phát biểu trước giới truyền thông hôm 20/2, Bộ trưởng Lục quân Mỹ Tướng Mark Esper tiết lộ kế hoạch triển khai những khẩu siêu pháo có thể bắn tới mục tiêu cách đó khoảng 2.000km ở Biển Đông, “Bạn có thể mường tượng kịch bản khi hải quân không thể tiếp cận Biển Đông bởi tàu hải quân Trung Quốc hoặc bất kỳ điều gì khác. Chúng tôi, từ một vị trí cố định, trên một đảo hoặc nơi nào khác, nhắm tới các mục tiêu kẻ thù, mục tiêu hải quân từ khoảng cách rất xa, mở đường cho lực lượng hải quân hoặc thủy quân lục chiến tiếp cận”. Tuy nhiên, tướng Mark Esper không tiết lộ về địa điểm triển khai cũng như thông tin về loại siêu pháo này.

+ Úc:

Tân Đại sứ Mỹ tại Úc chỉ trích Trung Quốc quyết đoán quá mức. Trả lời phỏng vấn tờ The Australian ở Washington hôm 22/2, Tân Đại sứ Mỹ tại Úc ông Arthur Culvahouse cho hay, “Điều khiến tôi lo ngại hiện nay là Trung Quốc hành xử quyết đoán quá mức, đặc biết đối với tự do hàng hải, hàng không và cưỡng ép trong chính sách kinh tế. Họ không tuân thủ luật lệ dù là WTO và dĩ nhiên tự do biển cả. Lối hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông thực sự đáng lo ngại. Điều này rõ ràng khiến Mỹ và Úc quan tâm”. Bình luận của ông Arthur Culvahouse đưa ra một ngày sau khi Trung Quốc ngưng nhập than của Úc, một động thái chính trị dường như để phản đối chính sách của  Canberra đối với Bắc Kinh.

+ Anh:

Bộ trưởng Anh hủy chuyến thăm Trung Quốc sau chỉ trích của Bắc Kinh về Biển Đông. Phát ngôn viên Bộ Tài chính Anh hôm 16/2 cho biết, “Bộ trưởng Philip Hammond sẽ không thăm Trung Quốc vào thời điểm này. Hiện chưa có chuyến thăm nào được công bố hoặc xác nhận". Theo kế hoạch ban đầu, chuyến đi của ông Hammond nhằm thảo luận về các vấn đề ảnh hưởng đến quan hệ tài chính, kinh tế giữa Anh và Trung Quốc. Quyết định của Bộ Tài chính Anh được đưa ra một ngày sau khi Đại sứ quán Trung Quốc ở London chỉ trích Bộ trưởng Quốc phòng Gavin Williamson "có những tuyên bố mang tâm lý Chiến tranh Lạnh". Ông Williamson gần đây cho biết kế hoạch triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới các vùng biển ở Châu Á.

Động thái Đa phương

Ngoại trưởng Trung Quốc – Thái Lan trao đổi về Biển Đông. Trong chuyến thăm Thái Lan từ ngày 15 – 16/2, Ủy viên Quốc Vụ Viện, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Khiết Trì có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Thái Lan ông Don Pramudwinai. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Thái Lan sau cuộc gặp cho hay, “Về Biển Đông, Thái Lan hoan nghênh cam kết của Trung Quốc về hoàn tất bản dự thảo về COC ở Biển Đông trong 3 năm hoặc sớm hơn. Cam kết đó bao gồm việc Trung Quốc tái khẳng định tôn trọng tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Sau cuộc gặp, hai bên ra một tuyên bố chung phản ánh cam kết và nhấn mạnh nỗ lực của Trung Quốc trong hợp tác cùng các bên thúc đẩy hòa bình, an ninh và đưa Biển Đông thành một vùng biển của Hòa bình, Ổn định và Phát triển Bền vững”.

Hải quân Mỹ - Anh diễn tập chung tại Biển Đông. Các tàu chở dầu tiếp liệu USNS Guadalupe của Hải quân Mỹ và tàu hộ tống HMS Monstrose của Hải quân Hoàng gia Anh hôm 18/2 đã tiến hành huấn luyện an ninh biển và hậu cần ở Biển Đông. Trong cuộc diễn tập, lực lượng hải quân đã tiến hành hoạt động lên tàu, khám xét và bắt giữ. Ngoài ra, các tàu cũng được thực tập hoạt động tiếp nhiên liệu trên biển theo quy trình của NATO. Trung tá Conor O’Neill, chỉ huy tàu HMS Montrose cho biết đây là đợt diễn tập quan trọng giúp Hải quân Hoàng gia và Thủy quân Lục chiến của Anh luôn trong tư thế sẵn sàng thực thi nhiệm vụ. Đây là lần thứ hai trong năm 2019, Hải quân Mỹ và Anh tiến hành diễn tập an ở Biển Đông. Ngoài các cuộc tập trận chung trước đó vào tháng 1/2019, Hải quân Mỹ và Hải quân Hoàng gia Anh, cùng với Lực lượng phòng vệ Nhật Bản, cũng đã cùng phối hợp trong một cuộc tập ba bên chống tàu ngầm vào tháng 12/2018.

Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc. Nhân chuyến thăm và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 19-22/2/2019, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã đến chào xã giao Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định mục đích của chuyến thăm nhằm thúc đẩy hoạt động giao lưu cấp cao giữa hai quân đội, xây dựng kế hoạch hợp tác giữa quân đội hai nước ngày càng thực chất và có hiệu quả trên các lĩnh vực quân y, đào tạo nguồn nhân lực, cứu hộ cứu nạn, công nghiệp quốc phòng. Bộ trưởng Ngụy Phượng Hoà khẳng định Trung Quốc hết sức coi trọng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Việt Nam và cho rằng hợp tác giữa quân đội hai nước những năm qua không ngừng được mở rộng, phát triển theo hướng tích cực. 

Phân tích và đánh giá

Nhật Bản tăng cường tiềm lực quân sự đối phó với Trung Quốc của tác giả Richard A.Bitzinger, chuyên gia tại chương trình nghiên cứu chuyển đổi quân sự tại RSIS, Đại học công nghệ Nam Dương, Singapore. Trung Quốc với việc tăng cường tiềm lực quân sự và các hành động quyết đoán tại Tây Thái Bình Dương đã trở thành một thách thức quân sự đối với các nước láng giềng. Bắc Kinh đang ngày càng cứng rắn trong việc thúc đẩy để trở thành một cường quốc khu vực. Đây rõ ràng là một mối đe dọa quân sự đối với phương Tây và hiện trạng chính trị-quân sự tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Nhật Bản bị đánh thức bởi Trung Quốc

Không nơi nào hay quốc gia nào tỏ rõ sự bất an ngày càng tăng trước những hoạt động của Trung Quốc hơn là Nhật Bản. Chỉ vài năm trước, Tokyo đã tỏ ra kiên nhẫn đối với các hành vi của Trung quốc. Theo đó, Sách Trắng quốc phòng của Nhật Bản năm 2013 chỉ bày tỏ sự quan ngại trước những hoạt động quân sự của Trung Quốc tại khu vực. Tuy nhiên, hiện nay thái độ của Nhật Bản đã thay đổi nhiều. Trong Sách Trắng quốc phòng năm 2018, Tokyo đã cáo buộc Trung Quốc cố gắng thay đổi hiện trạng bằng cách ép buộc các nước khác, đồng thời lưu ý rằng Bắc Kinh đang quân sự hóa các đảo Trường Sa và Hoàng Sa, mở rộng các hoạt động hải quân và bán quân sự ở Biển Đông, và đang nỗ lực để tăng cường phạm vi hoạt động của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Nhật Bản cũng cáo buộc Trung Quốc đang ngày càng tăng cường năng lực không quân và hải quân tại các khu vực gần lãnh thổ Nhật Bản, đặc biệt là xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Ngoài ra, Tokyo khẳng định rằng Trung Quốc đang cố gắng thực hiện các hoạt động hàng không và hải quân của họ ở vùng biển gần Nhật Bản.

Thêm vào đó, Sách Trắng quốc phòng năm 2018 của Nhật cũng khẳng định Trung Quốc đang hiện thực hóa hiện đại hóa cơ bản lực lượng quân sự của mình, và biến đổi PLA thành một trong những quân đội hàng đầu thế giới vào giữa thế kỷ 21.

Nhật Bản tăng cường thêm các máy bay chiến đấu F35

Mặc dù nhận ra sự đe dọa về quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc nhưng phải mất thời gian dài Nhật Bản mới có phản ứng. Việc tăng cường năng lực quân sự của Nhật Bản diễn ra chậm và không tương xứng với quy mô cũng như mức độ của Trung Quốc. Tuy nhiên, theo thời gian, Nhật Bản đã dần dần tăng cường tiềm lực quốc phòng, đảo ngược một thập kỷ suy giảm trong chi tiêu dành cho quốc phòng với việc tăng ngân sách quốc phòng trong những năm gần đây.

Quan trọng hơn, Nhật Bản đã bắt đầu một nỗ lực nghiêm túc để tăng khả năng chiến đấu của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF), từ bỏ tư thế truyền thống phòng vệ của mình. Có thể kể đến việc mua lại các vũ khí không đối đất được điều khiển chính xác, như Bom tấn công trực tiếp được điều khiển bằng GPS (JDAM). Sự đầu tư này được thể hiện rõ nhất qua hai phát triển của SDF gần đây. Đầu tiên là việc mua 105 máy bay chiến đấu F-35 được phê duyệt gần đây, ngoài 42 chiếc F-35 đã được Lực lượng phòng không không quân (ASDF) mua lại vài năm trước.

Nhiều khả năng ASDF cuối cùng sẽ thay thế tất cả các máy bay chiến đấu cũ của mình (khoảng 200 chiếc F-15, F-4 và F-2) bằng máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, hoặc F-35 hoặc X-2/F-3 bản địa mới (hiện đang được phát triển). Một lực lượng vững chắc với 350 máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm sẽ tạo nên một đối trọng đáng gờm với lực lượng không quân đang được hiện đại hóa của Trung Quốc.

Trang bị tàu sân bay

Ngoài ra, vào tháng 12/2018, Bộ Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố sẽ chuyển đổi hai tàu hải quân lớn nhất của họ là Izumo và Kaga thành tàu sân bay và trang bị trên những tàu này các máy bay chiến đấu F35-B, loại cất cánh ngắn và biến thể hạ cánh thẳng đứng (STOVL) của JSF. Nhật Bản cũng có kế hoạch mua 42 chiếc F-35B, đủ trang bị cho hai tàu sân bay nói trên.

Tàu Izumo và Kaga nặng 20.000 tấn là những khu trục hạm trực thăng kỹ thuật. Hiện tại, hai tàu này chỉ đáp ứng được việc vận hành máy bay trực thăng, nhưng chúng có thể được sửa đổi cho máy bay cánh cố định cất và hạ cánh.

Nếu điều này xảy ra thì Nhật Bản sẽ có tàu sân bay đầu tiên kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai. Theo đánh giá của các chuyên gia hải quân, lực lượng SDF vận hành F-35B sẽ tạo ra một loạt thách thức đa dạng hơn đối với PLA, cung cấp cho Nhật Bản máy bay chiến đấu không phụ thuộc vào đường băng và cho tàu MSDF thêm hỏa lực.

Những khó khăn vẫn còn

SDF cũng đang bổ sung vào kho vũ khí của mình các loại vũ khí khác, với máy bay tuần tra mới, tàu khu trục thế hệ tiếp theo, mở rộng năng lực phòng thủ tên lửa, trang bị tên lửa không đối không tầm trung mới (được phát triển cùng với Vương quốc Anh). Tuy nhiên, SDF sẽ cần có một chặng đường dài phía trước để có thể coi mình là một quân đội có đủ khả năng duy trì lực lượng. Thứ nhất, những nỗ lực hiện tại của Nhật Bản để phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm X-2/F-3 có thể là một lực cản nghiêm trọng đối với các nguồn lực và nỗ lực của SDF, và không có gì đảm bảo rằng dự án này sẽ được triển khai và vận hành trên thực tế.

Hơn nữa, Nhật Bản vẫn phải giải quyết câu hỏi hóc búa cơ bản về tâm lý hòa bình thời hậu chiến. Cụ thể, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Nhật Bản, đã tìm cách nâng cấp vị thế của SDF và hợp pháp hóa vai trò là một lực lượng quân sự.

Ngoài ra, nhiều chính trị gia đã kêu gọi sửa đổi Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản để cho phép duy trì các lực lượng phòng vệ và cho phép các lực lượng này được triển khai trong các hoạt động gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế. Những hành động táo bạo cần được thực hiện để Nhật Bản thực hiện các bước tiếp theo để trở thành một đối trọng hiệu quả với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Chúng ta đã sẵn sàng cho Indo Pacific 2.0? của Dino Patti Djalal, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, người sáng lập đồng thời là Chủ tịch Cộng đồng Chính sách Đối ngoại của Indonesia. Năm 2019 có thể được coi là một chương mới quan trọng trong việc xây dựng khái niệm Ấn Độ - Thái Bình Dương; là năm ASEAN sẽ cố gắng đạt được tiếng nói chung về khái niệm này.

Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không phải là một khái niệm mới. Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), ra đời năm 2005 và kể từ năm 2011 bao gồm cả Mỹ và Nga, đã là một biểu hiện của tư duy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, có thể gọi là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 1.0. Bây giờ là thời điểm để phát triển khái niệm này lên cấp độ tiếp theo: Ấn Độ - Thái Bình Dương 2.0.

Để nâng cấp thành Ấn Độ - Thái Bình Dương 2.0, khái niệm “bao trùm”,có thể được coi là cởi mở với các nước trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là Trung Quốc. Dù Mỹ giải thích “Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương” không nhắm vào Trung Quốc, nhưng Trung Quốc lại cho rằng đây là nỗ lực nhằm gạt Bắc Kinh sang bên lề. Để Ấn Độ - Thái Bình Dương 2.0 thành công, Trung Quốc phải là bên tham dự từ đầu. Trung Quốc cũng muốn đảm bảo rằng Ấn Độ - Thái Bình Dương không phải để đối chọi với Sáng kiến ​​“Vành đai và Con đường”. Do vậy, để giảm bớt những lo ngại của Trung Quốc, khái niệm Ấn Độ - Thái Bình Dương cần có sự đề cập công khai tới Sáng kiến ​​“Vành đai và Con đường” cũng như các sáng kiến khu vực khác.

Đây cũng là lý do sẽ là khôn ngoan nhất khi để ASEAN dẫn dắt việc xây dựng khái niệm Ấn Độ - Thái Bình Dương 2.0. Trung Quốc chắc chắn sẽ thoải mái hơn khi tham gia vào một quá trình do ASEAN dẫn dắt so với Nhóm Bộ tứ (bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia). Ấn Độ - Thái Bình Dương 2.0 là một phép thử quan trọng không chỉ đối với vai trò trung tâm của ASEAN mà quan trọng hơn là sự dẫn dắt của ASEAN.

Phương cách hay nhất để đạt được Ấn Độ - Thái Bình Dương 2.0 là tăng cường vai trò của EAS, đặc biệt là khả năng quản lý xung đột và tăng cường hợp tác. Tuy nhiên, EAS không phải là thể chế duy nhất tại khu vực. Đã đến lúc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) cần kết nạp thêm Ấn Độ và Pakistan, phù hợp với tinh thần của Ấn Độ - Thái Bình Dương; thậm chí có thể xem xét đổi tên thành Diễn đàn Hợp tác kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEC). Khi đàm phán kết thúc, Hiệp định Hợp tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), mặc dù không có Mỹ, cũng nên được coi là một phần quan trọng của Ấn Độ - Thái Bình Dương 2.0.

Mặt khác còn có những câu hỏi liên quan đến quy tắc và chuẩn mực. Ở đây, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) là điểm khởi đầu tốt vì tất cả những nước lớn trong Ấn Độ - Thái Bình Dương 2.0 đều đã tham gia TAC với các cam kết thuân thủ về quy tắc, chuẩn mực và giá trị của Hiệp ước. Ý tưởng về một Hiệp ước Ấn Độ - Thái Bình Dương, được đưa ra bởi cựu Ngoại trưởng Marty Natalegawa vào năm 2013, nên được giữ lại, trừ khi có một lựa chọn tốt hơn.

Tuy nhiên, hiện nay có không ít người vẫn hoài nghi về các quy tắc và chuẩn mực được đặt ra vì tin rằng nó chỉ phục vụ cho lợi ích của các nước lớn. Nếu những gì Ấn Độ - Thái Bình Dương 2.0 đang hướng tới không góp phần cải thiện được những vấn đề hiện nay như tâm lý chiến tranh lạnh, bất ổn chiến lược, cạnh tranh gay gắt, suy giảm niềm tin và kinh tế phát triển chậm, thì đây sẽ là sự thất vọng lớn.

“Biển Đông khó có thể lặng sóng” của Tiến sỹ Ian Storey, thành viên cao cấp Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISAS) tại Singapore. Cuối tháng 2/2019, các quan chức ASEAN và Trung Quốc sẽ gặp nhau tại Naypyidaw (Myanmar) để tiếp tục thảo luận về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC). Trong bối cảnh tiến trình đàm phán COC tiến triển chậm, căng thẳng trên biển vẫn tiếp tục âm ỉ giữa Trung Quốc và Philippines, cũng như giữa Mỹ và Trung Quốc.

Mâu thuẫn đầu tiên giữa Philippines và Trung Quốc liên quan đến việc Bắc Kinh mở một trung tâm cứu hộ tại Đá Chữ thập (Fiery Cross Reef), một trong 7 hòn đảo nhân tạo mà nước này xây dựng ở quần đảo Trường Sa. Theo phía Trung Quốc, trung tâm cứu hộ này sẽ hỗ trợ mạnh mẽ và toàn diện hơn cho công tác cứu hộ và đảm bảo an toàn hàng hải khu vực. Người phát ngôn của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thậm chí còn cho rằng có lẽ Philippines nên cảm ơn Trung Quốc vì đã mở trung tâm này. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đều kêu gọi chính phủ nước này phản đối hành động trên bởi Philippines cũng có tuyên bố chủ quyền đối với Đá Chữ thập.

Vụ việc một lần nữa phơi bày những rạn nứt trong Chính quyền Duterte về cách xử lý tranh chấp với Bắc Kinh. Kể từ khi nhậm chức năm 2016, Tổng thống Duterte đã dịu giọng trước sự mở rộng yêu sách của Trung Quốc, trong khi lực lượng an ninh quốc gia của nước này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khẳng định yêu sách chủ quyền của Philippines tại quần đảo đang tranh chấp. Sự chia rẽ trong nội bộ Philippines về cách thức ứng xử với Trung Quốc là rất rõ ràng.

Tranh chấp thứ hai liên quan đến các hoạt động của Trung Quốc tại đảo Thị Tứ (Pagasa) do Philippines kiểm soát ở Trường Sa. Giữa năm 2018, Philippines tuyên bố sẽ nâng cấp đường băng và các cơ sở khác trên đảo Thị Tứ. Trung Quốc phản đối, và khi phía Philippines tiến hành công việc trên một đoạn đường dốc trên đảo Thị Tứ để tạo điều kiện chuyển vật liệu xây dựng vào đầu tháng 12/2018, Trung Quốc đã phái tàu chiến, lực lượng tuần duyên và hàng chục tàu cá tới để đe dọa tàu tiếp tế của Philippines. Theo trung tâm Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) tại Washington, đến giữa tháng 12/2018, Trung Quốc đã điều 95 tàu tới Thị Tứ. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Lorenzana cam kết kiên trì công việc xây dựng, bất chấp những đe dọa của Trung Quốc.

Trong khi đó, Bắc Kinh không ngừng phản đối hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải (FONOP) của Mỹ ở Biển Đông. Ngày 10/2, Hải quân Mỹ đã tiến hành FONOP lần thứ 11 công khai ở Biển Đông kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức (chỉ có 4 FONOP diễn ra dưới thời Tổng thống Barack Obama) và đây là lần thứ 2 trong năm 2019. Hai tàu khu trục của Mỹ là USS Spruance và USS Preble đã đi vào phạm vi 12 hải lý của Đá Vành khăn cũng như Bãi Cỏ Mây do Philippines kiểm soát. Đây là lần thứ 4 Hải quân Mỹ tiến hành FONOP tại Đá Vành khăn, nhưng là lần đầu tiên hải quân Mỹ tiến hành tuần tra tại Bãi Cỏ Mây. Bằng cách tiến hành FONOP tại cả khu vực do Trung Quốc và Philippines kiểm soát, Mỹ có thể tuyên bố rằng nước này công bằng trong các vụ tranh chấp. Tuy nhiên, như thường lệ, Trung Quốc cáo buộc Mỹ vi phạm chủ quyền và luật pháp quốc tế cũng như làm ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định tại khu vực.

Hai ngày sau, Đô đốc Philip Davidson - Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương - phát biểu trước Thượng viện Mỹ rằng hải quân nước này sẽ tiếp tục các nhiệm vụ FONOP ở Biển Đông, đồng thời hoan nghênh sự hiện diện của tàu chiến từ các quốc gia khác như Anh, Pháp, Nhật Bản, Úc, Canada và New Zealand.

Giới chức Anh nói riêng đã đẩy mạnh các hoạt động ở Biển Đông. Năm 2018, 3 tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Anh đã thực thi tự do hàng hải ở Biển Đông. Giữa tháng 1/2019, lần đầu tiên hải quân Mỹ và Anh tiến hành một cuộc tập trận chung ở Biển Đông. Một ngày sau khi Mỹ điều 2 tàu khu trục USS Spruance và USS Preble tiến hành FONOP áp sát Đá Vành khăn do Trung Quốc kiểm soát, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson tuyên bố rằng chuyến hành trình đầu tiên của tàu sân bay mới nhất thuộc biên chế Hải quân Hoàng gia Anh là HMS Queen Elizabeth sẽ diễn ra ở châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2021. Con tàu này sẽ mang theo cả máy bay chiến đấu F-35 của Anh và Mỹ. Bắc Kinh không hoan nghênh các hoạt động quân sự nước ngoài ở Biển Đông, và sự hiện diện hải quân lớn hơn của Anh có thể sẽ là yếu tố cản trở thỏa thuận thương mại tự do được đề xuất giữa Anh và Trung Quốc sau khi Anh rời Liên minh châu Âu. Nước Anh thời hậu Brexit có thể phải đối mặt với một số lựa chọn khó khăn giữa mong muốn duy trì các chuẩn mực quốc tế và tiếp cận nhiều hơn với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

“Làm gì để chặn đứng Trung Quốc ở Biển Đông?” của nhà nghiên cứu Rafael Reyes, từng học tập tại Đại học Standford, và là người phụ trách khối Đông Nam Á của tổ chức Đầu tư AIG. Sự ổn định của các đường biên giới từ thời hậu Chiến tranh Thế giới lần thứ hai được tạo dựng và củng cố nhờ các cường quốc, nhất là Mỹ và Liên bang Xôviết, bởi xét cho cùng hai cuộc chiến tranh thế giới đều bắt nguồn từ những mâu thuẫn và bất ổn ở biên giới, và họ không muốn có cuộc chiến thứ ba, với nhận thức rõ ràng rằng vũ khí hạt nhân chắc chắn sẽ dẫn đến sự hủy diệt của loài người. Thậm chí ngay cả khi Chiến tranh Lạnh bùng phát, vấn đề biên giới vẫn được xem là thiêng liêng và các cường quốc chủ yếu tìm cách chiêu mộ cũng như ủng hộ các đồng minh thay vì sáp nhập các vùng lãnh thổ mới. Thực trạng này vẫn tiếp diễn khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt vào năm 1991 với sự tan rã của Liên bang Xôviết, song động lực của nó đã dần biến mất. Nói một cách đơn giản, mối đe dọa diệt chủng của vũ khí hạt nhân đối với các cường quốc khi họ tính đến chuyện xâm lược một quốc gia khác gần như đã không còn – ngoại trừ cuộc xâm lược trực tiếp nhằm vào một cường quốc khác.

Philippines không phải là trường hợp duy nhất để mất lãnh thổ của mình. Ukraine sẽ không lấy lại được Crimea từ Nga, cũng như Georgia, hay Nam Ossetia. Mexico không giành lại được Texas, New Mexico, Arizona, Nevada, và California từ Mỹ, cho dù Tổng thống James Knox Polk - vị tổng thống thứ 11 của Mỹ (1845-1849) - từng tiết lộ rằng cái cớ làm bùng lên Chiến tranh Mỹ-Mexico đã được tính toán từ trước để tạo tiền đề cho việc Mỹ sáp nhập các vùng lãnh thổ này. Những người nổi tiếng cũng chẳng thể giúp Dalai Lama tìm được độc lập cho đất nước mà ông mong muốn chỉ bằng những tấm ảnh. Thất bại trong chiến tranh khiến Đế chế Ottoman và Prussia rốt cuộc chỉ còn lại là những tàn dư và chỉ có giá trị đối với giới nghiên cứu lịch sử. Danh sách này, trên khắp các châu lục, từ thời cổ đại cho tới hiện đại, rõ ràng còn rất dài.

Tuy nhiên, điều mà Philippines có thể làm trước Trung Quốc ở Biển Đông là cảnh tỉnh các cường quốc. Philippines, có thể là cùng các nước láng giềng, tuyên bố rằng vì các tổ chức quốc tế như Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc không thể bảo vệ lãnh thổ hợp pháp của Philippines một cách công bằng tại tòa án quốc tế, Philippines sẵn sàng rút khỏi mọi hiệp ước ràng buộc việc tham chiến. Philippines không phải là một quốc gia có tiềm lực mạnh và không có ai sẵn sàng đứng lên bảo vệ, vì vậy Philippines có quyền dùng mọi công cụ cần thiết để tự vệ, cho dù đó là vũ khí hạt nhân, hóa học hay sinh học. Ở thời điểm hiện tại Philippines chưa có khả năng phát triển các vũ khí này song họ hoàn toàn có quyền theo đuổi các chương trình nghiên cứu chế tạo trong tương lai.

Những đe dọa nêu trên có thể phát huy hiệu quả bởi Mỹ và các quốc gia áp đặt trừng phạt với Manila sẽ nhận ra rằng họ chính là những kẻ “bắt nạt”, là “những người bạn tồi” vì Philippines không phải là mối đe dọa với bất kỳ ai. Tuy nhiên, nếu họ không trừng phạt Philippines, điều gì có thể ngăn cản Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Đài Loan, Saudi Arabia, và nhiều quốc gia tân tiến hơn, giàu có hơn, đưa ra những tuyên bố tương tự và hiện thực hóa các đe dọa ấy?

Philippines cũng có lựa chọn khác thực dụng hơn là tỏ ra hòa hoãn với Trung Quốc, tránh lên án cường quốc này gay gắt trong các tranh chấp lãnh thổ để đổi lấy hỗ trợ tài chính mà đất nước đang rất cần. Đây trên thực tế là chính sách mà chính phủ của Tổng thống Rodrigo Duterte theo đuổi hiện nay. Vấn đề nằm ở chỗ Trung Quốc từ lâu đã rất khéo léo trong việc “vũ khí hóa” các nguồn lực tài chính. Đó là lý do vì sao Bắc Kinh cho phép Đài Loan kết nối nền kinh tế của mình với đại lục và cũng là lý do để Trung Quốc rót những khoản đầu tư khổng lồ cùng những gói vay rất lớn cho hàng loạt dự án chiến lược ở khắp mọi nơi trên thế giới. Trung Quốc muốn mở rộng quyền lực địa chính trị bằng sức mạnh tài chính và chắc chắn Manila không thể khôn khéo hơn Bắc Kinh trong lĩnh vực này. Trung Quốc sẽ luôn là bên được lợi nhiều hơn trong mọi thỏa thuận, và họ chắc chắn cũng sẽ không chùn bước ở Biển Đông.

Tại một diễn đàn của ASEAN diễn ra gần đây, đại diện của Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo người đồng cấp Philippines: “Hãy thận trọng, Philippines phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc trên phương diện kinh tế”. Giới chức Philippines khi đó liệu có thể đáp trả mạnh mẽ rằng “trái với những gì Bắc Kinh vẫn nghĩ, không phải tất cả đều có thể đem ra mua bán”.

Tham vọng của Trung Quốc tới các chuỗi đảo mới”. Một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh báo rằng hoạt động xây dựng của quân đội Trung Quốc đang đến giai đoạn mà họ có thể cố gắng để “áp đặt ý chí của mình đối với trong và ngoài khu vực”. Nhật Bản, đặc biệt phải đối mặt với một loạt thách thức từ Bắc Kinh. Những thách thức này bắt đầu bằng một lịch sử xung đột dai dẳng và cay đắng, chủ yếu bắt nguồn từ Chiến tranh Thế giới thứ hai nhưng cũng manh nha từ thời Chiến tranh Trung-Nhật cách đây hơn một thế kỷ.

Các lĩnh vực tranh chấp khác bao gồm các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc đối với Quần đảo Senkaku ở biển Hoa Đông; việc ủng hộ chế độ Kim Jong-un ở Triều Tiên - người đã phóng các tên lửa đạn đạo bay qua các đảo của Nhật Bản; các vụ xâm nhập vào các hệ thống chỉ huy tình báo và quân sự của Tokyo; và hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ khiến Mỹ khá thất vọng. Singapore, với vị trí địa lý như cửa ngõ vào Ấn Độ Dương, là bàn đạp chủ chốt trong việc mở rộng quân sự của Trung Quốc và dự án phát triển “Vành đai và Con đường” đầy tham vọng của nước này.

Ngoài ra còn có một khía cạnh ít được chú ý nhưng cực kỳ đáng lo ngại của Trung Quốc: Họ dường như đang tăng cường khả năng hải quân để mở rộng ảnh hưởng ra Thái Bình Dương - theo những gì các nhà phân tích phương Tây gọi là “chuỗi đảo thứ hai”. Xét về ý nghĩa địa chiến lược, công thức chuỗi đảo là hữu ích với Trung Quốc.

Kể từ thập kỷ 50 của thế kỷ trước, các nhà hoạch định Mỹ đã phác họa một chuỗi đảo đầu tiên, chạy từ các đảo của Nhật Bản qua Philippines, và xuống tận mũi Đông Nam Á. Giành quyền thống trị bên trong đường giới tuyến đó là mục tiêu của việc Trung Quốc gần đây đã xây dựng cơ sở hạ tầng hải quân và tên lửa.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cảnh báo rằng các chiến lược gia Trung Quốc đang trở nên tham vọng hơn, đẩy mạnh việc tranh giành ảnh hưởng đối với chuỗi đảo thứ hai - chạy từ Nhật Bản qua các đảo Micronesian đến mũi Indonesia. Giống như những bước tấn công đầu tiên vào Biển Đông, Bắc Kinh đang sử dụng các sứ mệnh “khoa học” và các trắc địa thủy văn làm mũi nhọn tấn công.

Nhật Bản và Singapore về cơ bản là các mỏ neo ở phần đuôi của chuỗi đảo về phía Bắc và phía Nam. Họ đã hợp nhất khả năng phòng thủ của họ với Mỹ thông qua huấn luyện, tập trận và mua sắm vũ khí. Họ đang thăm dò những mối quan hệ tốt hơn với Ấn Độ khi mà Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương ngày càng được xem là một thực thể chiến lược duy nhất. Đây là một yếu tố quan trọng trong chiến lược của Mỹ đối với khu vực.

Nhưng sắp tới sẽ có những thay đổi. Thứ nhất, có những dự báo rằng Trung Quốc sẽ để mắt đến chuỗi đảo thứ ba, bao gồm Hawaii và bờ biển Alaska trước khi dòm ngó xuống phía Nam tới New Zealand. Chuỗi đảo này từ lâu đã được coi là ranh giới phân định chiến lược cuối cùng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Thứ hai, một số nhà phân tích đang bắt đầu đề cập chuỗi đảo thứ tư và thậm chí thứ năm, cả hai đều ở Ấn Độ Dương, một khu vực cạnh tranh ngày càng trở nên quan trọng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Hai chuỗi rõ ràng ở Ấn Độ Dương đang tồn tại. Chuỗi thứ nhất chạy từ miền Nam Pakistan (nơi Trung Quốc đã xây một cảng nước sâu ở Gwador) xuống phía dưới, qua Diego Garcia, đảo san hô hoang vắng do Anh kiểm soát, nơi Mỹ đặt căn cứ để chỉ huy các hoạt động vận chuyển hậu cần vào Trung Á.

Kể từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước khi Diego Garcia thực chất là một điểm dừng chân tiếp nhiên liệu, đến nay căn cứ đã mở rộng rất nhiều, trở thành một căn cứ quan trọng để hỗ trợ các nỗ lực chiến đấu của Mỹ và Anh tại vùng Sừng châu Phi và Trung Đông.

Chuỗi đảo thứ năm và cũng là cuối cùng có thể được coi là chạy từ vùng Sừng châu Phi - nơi Mỹ và Trung Quốc hiện đang duy trì các căn cứ quân sự quan trọng - xuống bờ biển Nam Phi.

Ít người ngạc nhiên khi quân đội Mỹ đổi tên Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương trước đây thành Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Mỗi chuỗi đảo sẽ là một cuộc tranh giành tác chiến. Cả kế hoạch chiến tranh của Mỹ và Trung Quốc đều bao gồm các giao thức sử dụng lực lượng trên bộ từ các đảo khác nhau để mở rộng sức mạnh ra vùng biển.

Nhật Bản và Singapore nhận thức sâu sắc tầm quan trọng về mặt địa lý của các chuỗi đảo ở Thái Bình Dương, cũng như các đồng minh ở xa hơn như Úc và New Zealand.

Trong trường hợp phải sử dụng vũ lực, cách Hải quân Mỹ kết hợp lực lượng với các đồng minh và đối tác, và phát triển các kế hoạch vững chắc để sử dụng các đảo này (như là các căn cứ cho không quân từ xa, thu thập thông tin tình báo và cung ứng hậu cần) sẽ rất quan trọng.Điều đó không có nghĩa là Mỹ bị cuốn vào một cuộc chiến không thể tránh khỏi với Trung Quốc, mặc dù có một số quan chức cấp cao về chính sách đối ngoại của Trung Quốc dự báo ngược lại.

Sự tương đồng hữu ích nhất có thể là cái gọi là “Ván cờ lớn” giữa Anh và Nga để kiểm soát Nam Á trong thế kỷ 19. Nhưng trong thế giới ngày nay, cả Mỹ và Trung Quốc đều có tham vọng toàn cầu rộng lớn hơn và cần duy trì sức ảnh hưởng đối với thương mại quốc tế ngày càng lớn.Kiểm soát các chuỗi đảo, với Nhật Bản và Singapore nằm ở những vị trí quan trọng nhất ở Thái Bình Dương, có thể mang lại ưu thế cho cả hai siêu cường.

Thực hiện: Đinh Anh