Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc phản đối tàu chiến Mỹ tuần tra Hoàng Sa. Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 21/10, Người Phát ngôn Hoa Xuân Oánh tuyên bố: “Theo Luật về Lãnh Hải và Vùng Tiếp giáp của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, cùng các quy định của luật pháp quốc tế, tàu chiến nước ngoài phải được chính phủ Trung quốc đồng ý trước khi đi vào vùng biển của Trung Quốc. Tàu chiến Mỹ đã đi vào mà không được Trung Quốc đồng ý, như vậy xâm phạm chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc. Đây là hành động vô trách nhiệm và khiêu khích. Trung Quốc kêu gọi Mỹ tôn trọng và tuân thủ các nội luật của Trung Quốc và quốc tế, đóng góp nhiều hơn để thúc đẩy sự tin cậy chung cũng như hòa bình và ổn định khu vực.” Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay hai tàu khu trục tên lửa của nước này là Quảng Châu và Lạc Dương đã theo sát yêu cầu tàu chiến của Mỹ rời khỏi khu vực. Quân đội Trung Quốc sẽ đẩy mạnh tuần tra và tăng cường xây dựng năng lực phòng vệ để bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh quốc gia.

+ Philippines:

Tổng thống Philippines đính chính tuyên bố tách rời Mỹ. Phát biểu hôm 20/10 tại Bắc Kinh trong chuyến thăm chuyến thăm Trung Quốc kéo dài bốn ngày, Tổng thống Rodrigo Duterte: “Tôi tuyên bố tách rời Mỹ. Mỹ không kiểm soát cuộc sống của chúng tôi”. Tuy nhiên, phát biểu trước các phóng viên tại Davao hôm 21/10, Tổng thống Duterte khẳng định ông sẽ không cắt đứt quan hệ với Mỹviệc Philippines "tách rời" Mỹ có nghĩa Manila sẽ theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập, Không phải là cắt đứt quan hệ, điều đó đồng nghĩa với việc cắt đứt quan hệ ngoại giao, tôi không thể làm thế. Duy trì quan hệ với Mỹ là lợi ích quan trọng Philippines.” Tổng thống Philippines gần đây thường có những tuyên bố gây sốc. Trả lời đài phỏng vấn hôm 17/10, ông Duterte nhấn mạnh Philippines sẽ chấm dứt tập trận chung với Mỹ và cân nhắc tiến hành hoạt động này với Trung Quốc, Nga. Phát biểu trước báo giới tại Bắc Kinh ngày 19/10, Tổng thống Duterte tuyên bố phán quyết của Tòa về vụ kiện Biển Đông vừa qua chỉ như đống giấy” và sẽ là thứ yếu trong các thảo luận với Trung Quốc. Trước đó trả lời lời phỏng vấn Tân Hoa xã, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tiết lộ ông ngoại ông là người Hoa và nói chỉ có Trung Quốc mới giúp chúng tôi. Lập trường của Manila là đàm phán thay vì đối đầu, Chiến tranh không phải là giải pháp. Tôi không muốn các nước khác tham gia vào đàm phán mà chỉ muốn đối thoại trực tiếp với Trung Quốc.

+ Malaysia:

Malaysia không thỏa hiệp trong vấn đề Biển Đông. Phát biểu trước Quốc hội nước này ngày 17/10, Thủ tướng Malaysia Najib Razak tuyên bố sẽ không thỏa hiệp trong các tranh chấp tại Biển Đông nhưng muốn tranh chấp được giải quyết qua đối thoại và đàm phán hòa bình. Ông Razak khẳng định tầm quan trọng của DOC và COC tuy nhiên nhấn mạnh các văn bản trên không phải cách thức giải quyết tranh chấp. Các bên cần tránh hành động gia tăng căng thẳng và duy trì hòa bình, ổn định khu vực.

+ Mỹ:

Tàu tác chiến gần bờ của Mỹ đến Singapore sẵn sàng chiến đấu. Chỉ huy lực lượng đặc nhiệm 73 của Mỹ Chuẩn Đô đốc Don Gabrielson hôm 16/10 tuyên bố tàu tác chiến của Mỹ USS Coronado đã sẵn sàng chiến đấu sau một loạt sự cố kỹ thuật làm dấy lên nghi ngờ về khả năng hoạt động hiệu quả tại các vùng nước ven biển. USS Coronado là tàu tác chiến cận bờ đầu tiên thuộc lớp Independence được Mỹ triển khai tới khu vực Đông Nam Á. Singapore được chọn làm trung tâm bảo dưỡng tàu và là nơi USS Coronado sẽ tiến hành tập trận với các quốc gia trong khu vực.

Tàu chiến Mỹ tuần tra tự do hàng hải ở Hoàng Sa. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết tàu khu trục trang bị tên lửa USS Decatur hôm 21/10 đã tiến sát hai đảo Tri Tôn và Phú Lâm của Hoàng Sa nhưng không đi vào vùng 12 hải lý. Hoạt động này được tiến hành thường xuyên, hợp pháp, không có tàu hộ tống và đã không xảy ra sự cố nào xảy. Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest nhấn mạnh: “Việc điều tàu khu trục USS Decatur đi qua khu vực nói trên cho thấy các quốc gia ven biển không có quyền ngăn chặn một cách bất hợp pháp quyền tự do hàng hải và sử dụng dụng hợp pháp biển cả mà Mỹ và các quốc gia khác được hưởng theo quy định của luật pháp quốc tế”.

Quan hệ các nước

Philippines và Trung Quốc cùng thăm dò dầu khí ở Biển Đông? Tờ Inquirer của Philippines hôm 19/10 cho hay các quan chức của chính quyền đang thương lượng với Trung Quốc để đạt đến một hiệp định theo đó chính phủ hai nước sẽ cùng thăm dò dầu khí ở Biển Đông. Theo một quan chức Philippines giấu tên, hiệp định trên ban đầu liên quan đến hoạt động thăm dò tại các khu vực không có tranh chấp. Khi được hỏi những khu vực nào được xem là không có tranh chấp,quan chức này cho hay có thể đó là những khu vực nằm gần Philippines hơn, bao gồm cả Bãi Cỏ Rong. Thông tin này được ra vào lúc Tổng thống Rodrigo Duterte bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc. Tuy nhiên, Tổng thống Rodrigo Duterte sau đó đã bác bỏ khả năng khai thác chung với Trung Quốc bởi bất kỳ đề xuất khai thác chung nào ở Biển Đông cũng cần phải được Quốc hội cho phép.

Trung Quốc - Philippines nỗ lực cải thiện quan hệ song phương. Sáng 20/10, trong cuộc gặp tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cùng đánh giá cao mối quan hệ song phương, hướng tới giải quyết những vấn đề bất đồng. Ông Tập tuyên bố Trung Quốc sẵn sàng cùng Philippines tăng cường tin cậy chính trị, hợp tác cùng có lợi và trở thành đối tác tin cậy. Giải quyết tranh chấp Biển Đông thông qua tham vấn và đối thoại là nền tảng cơ bản cho sự phát triển bền vững và mạnh mẽ của quan hệ song phương. Trung Quốc ủng hộ cuộc chiến chống ma túy và tội phạm của Philippines và sẵn sàng khuyến khích các doanh nghiệp nước này tăng cường đầu tư vào Philippines. Về phần mình Tổng thống Duterte đánh giá Trung Quốc là một đất nước vĩ đại và quan hệ hữu nghị lâu đời giữa hai nước không thể bị phá vỡ. Philippines sẵn sàng hợp tác sâu rộng hơn với Trung Quốc mọi cấp độ. Sau cuộc gặp, hai nước đã ký 13 thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trong đó có thỏa thuận về hợp tác giữa lực lượng chấp pháp biển hai nước. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chân Dân đánh giá chuyến thăm của Tổng thống Philippines thành công tốt đẹp và báo hiệu cho việc khôi phục hoàn toàn quan hệ song phương.

u hải quân Trung Quốc thăm cảng Campuchia. Đội tàu hộ tống gồm 3 tàu Tương Đàm, Châu Sơn và Sào Hồ đã cập cảng Sihanoukville, thuộc tỉnh Preah Sihanouk của Campuchia ngày 16/10 trong chuyến thăm 5 ngày. Trong thời gian chuyến thăm, các quân nhân thuộc Hải quân Trung Quốc và Campuchia sẽ trao đổi kinh nghiệm về an ninh biển  và tham gia đấu giao hữu thể thao. Đội tàu trên vừa kết thúc nhiệm vụ kéo dài 4 tháng trên Vịnh Aden và vùng biển ngoài khơi bờ biển Somalia trước khi trở về Trung Quốc.

Tàu SAMRAT của Ấn Độ thăm Đà Nẵng. Tàu SAMRAT của Lực lượng Bảo vệ Ấn Độ đã có chuyến thăm hữu nghị Việt Nam và Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tại thành phố Đà Nẵng từ ngày 23-27/10. Hai bên sẽ tiến hành một số hoạt động diễn tập tìm kiếm và cứu nạn trên biển. Chuyến thăm là cơ hội để hai bên chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm trong đảm bảo an ninh biển cũng như tăng cường giao lưu, hợp tác. Tàu SAMRAT dài 105m, rộng 12,9m chở theo 20 sỹ quan và 120 thủy thủ đoàn dưới sự chỉ huy của Đại tá DS SANI.

Phân tích và đánh giá

Xích lại gần với Trung Quốc và cái giá phải trả cho Tổng thống Dutertecủa Greg Rushford

Kể từ khi lên nắm quyền vào ngày 30/6, Tổng thống Philippines Duterte đã gây sự chú ý của cộng đồng quốc tế về chiến dịch chống ma túy khắc nghiệt vốn dẫn việc tử hình không cần xét xử hơn 3.600 đối tượng tình nghi buôn bán ma túy trên khắp quốc gia. Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu và Mỹ đã lên tiếng báo động về chiến dịch trấn áp có phần cực đoan của Manila. Đáp lại, ông Duterte đã chỉ trích Tổng thống Mỹ Barack Obama, đồng thời tuyên bố sẽ “chia tay với Mỹ”.

Vậy tại sao Philippines có sự thay đổi trong chính sách đối ngoại? Ở một cấp độ nào đó, việc ông Duterte muốn tìm kiếm mối quan hệ thân thiện với Trung Quốc phản ánh sự quyết tâm nhằm làm dịu đi quan điểm gây hấn của Bắc Kinh tại những vùng biển tranh chấp. Trong sự “háo hức” chung nhằm thiết lập mối quan hệ kinh tế gần gũi với Bắc Kinh, Tổng thống Duterte cho biết ông đang tìm cách làm sống lại hàng loạt dự án kinh doanh chung Trung Quốc-Philippines vốn được vạch ra một thập kỷ trước dưới thời Tổng thống Gloria Arroyo. Dự án đáng chú ý nhất liên quan đến một hợp đồng viễn thông trị giá 329 triệu USD với tập đoàn nhà nước ZTE của Trung Quốc.

Trong khi không có cáo buộc tham nhũng xuất hiện trong chính quyền mới của ông Duterte, những mối quan ngại về các hậu quả tiêu cực của việc kinh doanh với Trung Quốc vẫn còn. Như Giáo sư Philippine Aileen Baviera đã chỉ ra, thỏa thuận ZTE “là một ví dụ về sự giàu có của Trung Quốc có thể làm xói mòn các thể chế và quy tắc của chính phủ vốn đã yếu kém ở một quốc gia chuyên đi nhận viện trợ như thế nào”.

Bên cạnh đó, một số thành viên thuộc tầng lớp tinh hoa của Manila lo ngại rằng chiến dịch (chống tội phạm ma túy) của ông Duterte đe dọa làm xói mòn các quy chuẩn pháp luật vốn rất khó khăn mới đạt được. Và trong khi ông Duterte hiện đang có uy tín cao trong các cuộc thăm dò dư luận, dấu hiệu của một làn sóng phản ứng dữ dội đã bắt đầu xuất hiện. Một dấu hiệu đáng chú ý đã xuất hiện hồi tuần trước khi một chính khách cao tuổi rất được tôn trọng, cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos - người mà ông Duterte tuyên bố sẽ được cử làm đặc phái viên của Philippines tới Trung Quốc - công khai bày tỏ sự quan ngại sâu sắc đối với chính quyền Duterte. Ông Ramos than thở rằng “chính quyền Duterte đang thất bại thảm hại”. Cũng trong tuần qua, Chánh án Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio thậm chí cảm thấy cần thiết phải nhắc nhở ông Duterte rằng việc từ bỏ quyền chủ quyền của Philippines sẽ là một “hành vi có thể bị buộc tội phản quốc”.

Nếu ông Duterte tiếp tục đường lối hiện nay của mình - hạ thấp vai trò phán quyết của Tòa trọng tài, và làm dịu đi những yêu sách lãnh thổ của Philippines – “tuần trăng mật” của ông với cử tri có thể sẽ kết thúc một cách nhanh chóng, bởi vì Philippines vẫn là một trong những nước có nhiều người ủng hộ Mỹ nhất trên thế giới; trong một khảo sát gần đây, một con số khổng lồ với 92% số người được hỏi vẫn giữ thái độ tích cực đối với Mỹ.

Xoay trục sang Trung Quốc nhưng tổng thống Philippines Duterte sẽ vẫn duy trì mối quan hệ với Nhật Bảncủa Renato Cruz de Castro

Dù nhiều nhà phân tích đánh giá chuyến đi của ông Duterte tới Trung Quốc cũng nhưng giọng điệu chống phương Tây là dấu hiệu cho thấy ông Duterte từ bỏ Mỹ và xoay trục hoàn toàn sang Trung Quốc, thì mối quan hệ an ninh với Nhật Bản cho thấy một hành động cân bằng trong tầm nhìn chính sách đối ngoại của ông.

Trước vài ngày chuyến thăm Trung Quốc, ông Duterte đã tán dương sự trợ giúp của Nhật Bản đối với Philippines. Phát biểu trong lễ kỷ niệm 115 năm ngày thành lập Cảnh sát Biển Philippines, ông Duterte ca ngợi Nhật Bản là một trong những bên hộ trợ ODA hàng đầu cho người dân Philippines, và ông cũng đề cập đến sự hộ trợ của JICA Nhật Bản đối với Davao trong thời gian ông làm thị trưởng tại đây.

Dù tìm cách đưa Trung Quốc vào các vấn đề thương mại cũng như kiểm soát căng thẳng ở Biển Đông, nhưng điều thú vị là ông cũng nhận thấy nhu cầu cần thiết có thêm nhiều tàu từ sự hỗ trợ của Nhật Bản để tuần tra vùng lãnh thổ trên biển của mình. Dù đang nỗ lực xích lại gần hơn với Trung Quốc, rời bỏ Mỹ nhưng Manila cũng nhận thấy cần phải thận trọng để  duy trì mối quan hệ đối tác an ninh với Nhật Bản.

Ông Duterta đang theo đuổi một chính sách cân bằng tương đối: xích lại gần hơn với Trung Quốc trong khi tạo ra khoảng cách ngoại giao với Mỹ. Đối với Trung Quốc, ông Duterte tuyên bố sẵn sàng đàm phán song phương với Trung Quốc. Về chính sách đối ngoại, Ngoại trưởng Philippines tuyên bố “mối quan hệ hai bên không nên chỉ giới hạn trong vấn đề tranh chấp biển. Còn các các lĩnh vực khác mà hai bên quan tâm như đầu tư, thương mai và du lịch…”. Đối với Mỹ, ông Duterte yêu cầu Lực lượng Đặc nhiệm Mỹ hoạt động ở Mindanao rút khỏi khu vực này; yêu cầu Hải quân Philippines hoãn các cuộc tuần tra chung với Mỹ ở Biển Đông.

Việc Philippines xích lại gần hơn với Trung Quốc đồng thời xa lánh Mỹ đã khiến cho cả Mỹ và Nhật Bản lúng túng. Bối rối trước những thay đổi này, Nhật Bản đã thúc đẩy tiếp cận với Philippines. Trong khi Tokyo và Mỹ đều có cùng mục tiêu với Philippines, Nhật Bản thực hiện cách tiếp cận khác trong mối quan hệ với Philippines bởi có một số thứ mà Manila chỉ có thể chấp thuận khi Nhật Bản cung cấp. Trong khi ông Duterte có những phát biểu chống Mỹ, Nhật Bản sẽ vẫn tiếp tục gắn kết toàn diện với Philippines.

Việc xích lại với Trung Quốc trong khi mối quan hệ với Mỹ đang bị xói mòn gây ra nhận thức sai lầm đang phổ biến hiện nay là Philippines sẽ dựa chủ yếu vào chính sách xoay trục về Trung Quốc. Nhưng sự khởi đầu hứa hện với Trung Quốc cũng trùng với tình thần sẵn sàng hợp tác với Nhật Bản. Sự chỉ trích của ông về mối quan hệ Philippines-Mỹ không hề ảnh hưởng đến mối quan hệ an ninh với Nhật Bản.

Khi ông Duterte đẩy mạnh mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, duy trì một mối quan hệ tốt đẹp với Nhật Bản sẽ tạo đối trọng quan trọng trước một viễn cảnh Trung Quốc sẽ gia tăng ảnh hưởng đối với Philippines. Duy trì mối quan hệ an ninh với Nhật Bản cho phép Philippines lợi dụng hiệu quả sự cạnh tranh giữa các cường quốc.

Bí mật ở Biển Đông: Lệnh đánh cácủa Robert A. Manning

Động lực của Bắc Kinh có vẻ rõ ràng là nhằm: thiết lập vị trí vị trí độc tôn ở Đông Á và chứng minh cho khu vực thấy rằng Mỹ không thể kiềm chế được hành động của mình, nỗ lực thể hiện vị thế của một cường quốc biển lớn, kiểm soát chuỗi đảo thứ nhất nhằm kiềm chế hoặc gây tổn thất cho Mỹ khi can thiệp vào một cuộc xung đột. Tuy nhiên, một nhân tố chưa được đánh giá đúng mức vốn chi phối chính sách biển của Trung Quốc: đó chính là nguồn cá.

Trung Quốc là nước có đội tàu đánh bắt lớn nhất thế giới, với gần 200.000 tàu hoạt động đánh bắt, cùng với đó là 2.460 tàu đánh bắt xa bờ ngoài vùng 200 hải lý, xuống tận ngư trường Nam Phi và Aregentina. Ngư dân của Trung Quốc lên đến 4,4 triệu và cũng là quốc gia có ngành công nghiệp chế biến cá lớn nhất thế giới. Trung Quốc là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cá lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 1/3 sản lượng sản xuất cá thế giới, xuất khẩu khoảng 20 tỷ USD năm 2014. Chính phủ Trung Quốc cũng trợ cấp rất lớn cho nghề cá: nhiên liệu, tàu cỡ lớn.

Tuy nhiên việc Trung Quốc đánh bắt quá mức trong vùng nội thủy và vùng EEZ 200 hải lý, cùng các yếu tố khác là ô nhiễm môi trường, thị hiếu khách hàng đã khiến nguồn cá bị suy giảm nghiêm trọng. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc khuyến khích ngư dân đánh bắt bên ngoài vùng biển của mình. Trung Quốc đã tuyên bố toàn bộ khu vực nằm ngoài phạm vi vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý là “ngư trường đánh bắt truyền thống của người Trung Quốc”, một yêu sách “ đã bị  Phán quyết Tòa Trọng tài bác bỏ hoàn toàn.

Tuy nhiên, sự quyết đoán này lại nhiều phần tỏ ra phản tác dụng. Trên thực tế, hành động quyết đoán trên biển này của Trung Quốc cũng đang gây ra lo ngại đối với các nước trong khu vực về vấn đề môi trường và tranh chấp lãnh thổ, ví dụ như Indonesia và Hàn Quốc. Không những làm tổn hại đến chính ngư trường cá của mình, chính sách biển của Trung Quốc đang ảnh hưởng tiêu cực đến ngư trường của khu vực và thậm chí cả toàn cầu, theo tính toán của Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc, hơn 70% loài cá trên thế giới đang bị khai thác cạn kiệt hoặc suy giảm. Bên cạnh đó, sự quyết đoán này còn làm gia tăng thêm nhiều tranh chấp trên biển và khiến các nước trong khu vực tập trung nhiều hơn vào chiến lược “phòng bị nước đôi” do ngày càng lo ngại về ý định của nước này. Ngoài ra, tình trạng đánh bắt cá quá mức cũng dẫn đến những hệ quả tiêu cực về mặt kinh tế cho chính Trung Quốc.

Trung Quốc cần có hành động nhằm hạ nhiệt căng thẳng, khôi phục hình ảnh đất nước và đảm bảo cho mọi ngư dân được hoạt động lâu dài trong khu vực. Trung Quốc và Mỹ triển khai các cuộc đàm phán trong khuôn khổ của Liên hợp quốc hoặc Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á để ký kết một thỏa thuận xác định quy chế đánh cá và phân định rõ các quyền đánh cá ở Biển Đông.

Các mối đe dọa an ninh biển Đông Nam Á: Cách tiếp cận tập thểcủa Bernard Miranda

Là quốc đảo nhỏ với các tuyến đường biển nhộn nhịp và đông đúc, Singapre phải đối mặt với những thách thức an ninh biển rất lớn, đặc biệt là khủng bố trên biển, một mối đe dọa chung mà các quốc gia láng giềng cũng phải đối mặt. Do đó việc chia sẻ thông tin, hợp tác liên tổ chức và quốc tế sẽ là con đường cho giải pháp tập thể đối phó với những thách thức này.

Chia sẻ thông tin và hợp tác quốc tế

Sau vụ bắt giữ 6 tên hải tặc ở quốc gia láng giềng Indonesia, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Singapore đã tuyên bố rằng Singapore nhận thức được hoạt động của chúng và ghi nhận việc hợp tác giữa các cơ quan an ninh Singapore và các đồng nghiệp Indonesia trong việc giám sát chặt chẽ và tiến tới bắt giữ các thủ phạm.

Hoạt động chia sẻ thông tin và hợp tác như vậy là kết quả trong nhiều năm từ cam kết và nỗ lực, bao gồm các mối liên kết được thiết lập giữa hải quân và các cơ quan chấp pháp biển. Một cơ chế như Trung tâm Thông tin Hỗn hợp (IFC) tại Trung tâm Chỉ huy và Điều khiển Changi (CC2C) đã phát triển về tính hiệu quả và tầm vóc với vai trò là hình mẫu cho hợp tác hải quân khu vực.

Với trọng tâm chính là tập trung vào mọi lĩnh vực an ninh biển, IFC đã thiết lập được văn phòng liên lạc và hệ thống kết nối hiệu quả, các cơ sở dữ liệu và công cụ phân tích dữ liệu. Ngoài ra còn có hệ thống chia sẻ thông tin an ninh cho thành viên của Diễn đàn Hải quân Tây Thái Bình Dương và hệ thống chia sẻ thông tin Tuần tra Eo biển Malacca trong việc chia sẻ thông tin thực giữa Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan.

Trung tâm Xử lý Khủng hoảng trên Biển Singapore (SMCC) – Hợp tác Liên tổ chức

Trung tâm này trong thời gian ngắn đã đạt được những thành tựu rất lớn. Năng lực của SMCC đạt được thông qua: 1) cam kết từ các cơ quan về quyền góp tài chính và nhân lực từ 5 cơ quan là Hải quân, Cảnh sát, Cục Quản lý Cửa khẩu và Nhập cư, Hải quan, Cục Cảng Biển; 2) thiết lập Trung tâm Chỉ huy Khủng hoảng tại CC2C, công cụ xử lý dữ liệu và hệ thống hoạt động; 3) quản lý và lãnh đạo thống nhất; 4) có khung tập huấn và huấn luyện cấp quốc gia; 5) thống nhất kế hoạch truyền thông để nhấn mạnh đến sự cận thiết phải cảnh giác đối với tội phạm tiềm năng.

Sự điều phối và thách thức trong tương lai

Đối phó với khủng bố trên biển đòi hỏi cách tiếp cận từng giai đoạn và linh hoạt để đạt được hiệu quả. Khả năng điều phối được thực hiện trên cơ sở hoạt động thường nhật từ các cuộc họp nhóm công tác, đào tạo và huấn luyện giữa các cơ quan với quá trình và kế hoạch được tất cả các cơ quan thông qua.

Trong môi trường mối đe dọa luôn thay đổi và với nguồn lực khan hiếm, việc chia sẻ thông tin và các sáng kiến hợp tác quốc tế và SMCC buộc phải tiếp tục thể hiện được khả năng điều phối, quản lý và đưa ra sự hỗ trợ về lãnh đạo trong việc đối phó với khủng bố trên biển. Về mặt này, các quốc gia và cơ quan khác nhau cần tiếp tục hỗ trợ các tổ chức như IFC và SMCC và duy trì khuôn khổ liên tổ chức và quốc tế này.

Trung Quốc có đạt được điều mong muốn ở Đông Á?của Evelyn Goh

Trái với cách tiếp cận tập trung vào an ninh của Mỹ, mối quan hệ của Trung Quốc với các quốc gia đang phát triển Châu Á tập trung vào phát triển chung, cam kết về phát triển và tăng trưởng kinh tế. Do đó, mối quan hệ với an ninh với các quốc gia này rõ ràng được lồng vào các mối quan hệ kinh tế và chính trị.

Khi phân tích tác động về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với trật tự khu vực, cần phải xem xét 5 khía cạnh chính.

Thứ nhất, không có nhiều trường hợp mà ở đó, Bắc Kinh cố buộc các quốc gia đang phát triển nhỏ và yếu hơn làm những điều mà đáng lẽ họ sẽ không làm. Thay vào đó, Trung Quốc sẽ vận dụng ảnh hưởng bằng việc tận dụng nhu cầu cùng phát triển kinh tế và đáp ứng các nhu cầu cho các khoản đầu tư song phương nhanh chóng và không có sự minh bạch. Do đó, ảnh hưởng của Trung Quốc thường dấn đến sự liên tục hơn là thay đổi.

Hai là, trong cách tiếp cận theo chủ nghĩa phát triển, ý định chiến lược rộng lớn của Trung Quốc là đầu tư tầm ảnh hưởng trong tương lai ở Châu Á. Việc tránh những nỗ lực cưỡng ép các quốc gia láng giềng nhỏ sẽ giúp Trung Quốc che đậy được những rủi ro liên quan đến nguồn lực phát triển và “nuôi dưỡng” thiện chí đề phòng sự phản đối trong tương lai.

Ba là, Trung Quốc không dễ gì đạt được những gì mong muốn – ngay cả đối với các quốc gia yếu hơn. Thay vào đó, việc mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc có xu hướng phụ thuộc vào sự vận động nội bộ của các quốc gia láng giềng. Điều đó có thể bị xói mòn bởi nhiều hệ quả không như mong muốn. Cạnh tranh chính trị và lợi ích nhóm ở các quốc gia có thể thúc đẩy hoặc hạn chế lợi ích của Trung Quốc.

Bốn là, ảnh hưởng mang tính hệ thống về sức mạnh của Trung Quốc trong việc phát triển Châu Á cũng bị hạn chế bởi các điều kiện mang tính cấu trúc ở phạm vi lớn hơn. Các quy định mang tính thế chế quốc tế như Bretton Woods và Liên Hợp Quốc sẽ vẫn là các thể chế do phương Tây chi phối.

Hạn chế cuối cùng chính là cách thức mà Trung Quốc vận dụng sức mạnh của mình. Có hai điểm về các quốc gia láng giềng đang phát triển mà dường như các nhà hoạch định và phân tích của Trung Quốc bỏ qua. Thứ nhất là Trung Quốc thường hạ thấp tính độc lập của các quốc gia yếu hơn. Thứ hai là thường bỏ qua mối liên kết giữa các mô thức ảnh hưởng mang tính hòa dịu của Trung Quốc với hệ quả mang tính xói mòn từ các hành vi cưỡng ép hoặc không phù hợp trên cùng một vấn đề rất giống nhau.

Hai vấn đề này đặc biệt rõ ràng trong tranh chấp Biển Đông. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc thường có xu hướng nhìn nhận lập trường cứng rắn của các quốc gia yêu sách là do chính sách tái cân bằng của Mỹ thúc đẩy chứ không phải là phản ứng mang tính chủ nghĩa dân tộc đối với hành vi quyết đoán của Trung Quốc. Các nhà phân tích, hoạch định chính sách và công luận Trung Quốc chưa dung hòa được giữa một bên là sức mạnh vật chất và một bên là độ trễ về vị thế, ảnh hưởng và hiệu quả trong lĩnh vực quốc tế./.