Bản PDF tại đây

Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc phản đối đề xuất tuần tra chung trên Biển Đông của Mỹ. Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 20/3, Người phát ngôn Hồng Lỗi tuyên bố:Đề xuất của Mỹ không giúp gì trong việc giải quyết tranh chấp hoặc đóng góp vào hòa bình và ổn định trên Biển Đông. Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ tôn trọng cam kết không đứng về bên nào trong tranh chấp, ngừng đưa ra những phát ngôn thiếu trách nhiệm và đóng góp nhiều hơn vào quá trình thúc đẩy lòng tin duy trì hòa bình, ổn định khu vực.”

+ Việt Nam:

Thủ tướng Việt Nam thăm chính thức Úc. Chiều 16/3 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tới thành phố Sydney, bắt đầu chuyến thăm chính thức Úc theo lời mời của Thủ tướng Úc Tony Abbott. Trong khuôn khổ chuyến thăm, ngày 18/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội đàm chính thức với Thủ tướng Tony Abbott. Hai Thủ tướng đã thảo luận và đánh giá cao sự phát triển của mối quan hệ song phương, nhất trí tăng cường và làm sâu sắc hơn mối quan hệ Đối tác toàn diện hiện nay. Tuyên bố chung sau cuộc gặp cho hay, “Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông cũng như giải quyết các tranh chấp biển dựa trên luật pháp quốc tế, đồng thời kêu gọi tất cả các bên thực hiện đầy đủ DOC ở Biển Đông, kiềm chế và không có những hành động làm gia tăng căng thẳng tình hình khu vực, trong đó có việc cưỡng ép hoặc sử dụng vũ lực để đơn phương thay đổi nguyên trạng.”

+ Philippines:

Philippines đệ trình tài liệu mới lên Tòa Trọng tài. Philippines hôm 16/3 đã nộp 3.000 trang tài liệu bổ sung theo yêu cầu của Tòa trọng tài. Tài liệu bổ sung này để trả lời 26 câu hỏi mà Tòa trọng tài gửi Philippines vào ngày 16/12/2014. Trong số 12 tập tài liệu nộp cho tòa, tập 1 gồm 200 trang lập luận, tập 2 bao gồm 200 trang thông tin chi tiết về 49 đảo, đá và thực thể ở Biển Đông. Thông cáo của Bộ Ngoại giao  Philippines cho hay, “Philippines tự tin rằng việc trả lời các câu hỏi của tòa cho thấy rằng Tòa án có thẩm quyền đối với vụ kiện và những tuyên bố của Philippines, đặc biệt là liên quan đến đường chín đoạn, là có căn cứ trên thực tế và pháp lý.”

Philippines ủng hộ hoạt động tuần tra chung trên Biển Đông. Về việc Tư lệnh hạm đội 7 của Mỹ gợi ý rằng các nước ASEAN có thể tiến hành tuần tra chung ở Biển Đông, Phó Đô đốc Hải quân Philippines Jesus C. Millan cho hay, Manila đã hỗ trợ các cuộc tuần tra hỗn hợp chống hải tặc, như ở eo biển Malacca, và việc đó đã rất thành công. Trên cơ sở này, Philippines sẵn sàng tham gia lực lượng tuần tra hỗn hợp nếu mục tiêu là bảo vệ sự ổn định và quyền tự do lưu thông trên biển. Theo Đô đốc Millan, khuôn khổ các hoạt động tuần tra chung phải được các quốc gia liên quan soạn thảo và ủng hộ vì điều này dựa trên nền tảng tin tưởng lẫn nhau. Ngoài ra, những vùng biển có tranh chấp như ở Biển Đông có thể không được đưa vào phạm vi tuần tra hỗn hợp.

+ Malaysia:

Malaysia đề xuất thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình ASEAN. Phát biểu tại Triển lãm Hàng không và Hàng hải Quốc tế Langkawi hôm 18/3, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Husein cho hay một lực lượng gìn giữ hòa bình chung sẽ giúp các nước Đông Nam Á xây dựng lại niềm tin sau những tranh cãi gay gắt về cách thức giải quyết tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông, Chúng ta cần phải tìm những vấn đề giúp chúng ta đoàn kết lại. Nếu chúng ta chỉ tiếp tục chú ý đến đường đứt đoạn và yêu sách chủ quyền, tương lai có vẻ rất ảm đạm.” Theo ông Hishammuddin, thành lập một lực lượng gìn giữ hòa bình chung cho khu vực là nhiệm vụ quan trọng trong năm Malaysia nắm giữ cương vị Chủ tịch ASEAN.

+ Thái Lan:

Thái Lan sẽ thúc đẩy tham vấn về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Chiều 20/3, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Thanasak Patimapragorn đang thăm chính thức Việt Nam. Chủ tịch nước đánh giá cao về vai trò của Thái Lan trong cộng đồng ASEAN; mong muốn Thái Lan có tiếng nói quan trọng, hành động thiết thực cùng các thành viên khác trong ASEAN hợp tác cùng vì một ASEAN phát triển thịnh vượng. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Thanasak Patimapragorn cho biết Thái Lan với tư cách là nước điều phối quan hệ đối thoại ASEAN - Trung Quốc, sẽ tích cực phối hợp với các bên liên quan thúc đẩy tham vấn thực chất về COC; cùng với các nước thành viên ASEAN khác duy trì vai trò trung tâm và dẫn dắt của ASEAN trong giải quyết các vấn đề chiến lược ở khu vực.

+ Singapore:

Singapore muốn Ấn Độ đóng vai trò lớn hơn ở Biển Đông. Trả lời phỏng vấn của hãng Bloomberg hôm 16/3, sau khi kết thúc hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN ở Malaysia, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cho hay, “Chúng tôi hy vọng rằng sự hiện diện và tham gia của Ấn Độ sẽ gia tăng, điều đó thực sự góp phần xây dựng lòng tin và hiểu biết lẫn nhau. Ấn Độ là một quốc gia lớn có ảnh hưởng, Các nhà lãnh đạo ASEAN đã đều thống nhất rằng không nên sử dụng vũ lực ở Biển Đông.

+ Indonesia:

Tổng thống Indonesia: ‘Yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc vô căn cứ’. Trả lời phỏng vấn của tờ Yomiuri trong chuyến thăm Nhật Bản, Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc với phần lớn Biển Đông là không có cơ sở pháp lý theo luật pháp quốc tế và Indonesia muốn duy trì vài trò “người trung gian trung thực” đối với tranh chấp này. Ông Widodo nhấn mạnh, Chúng tôi cần hòa bình và ổn định trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Sự ổn định chính trị và an ninh là rất quan trọng để chúng tôi phát triển kinh tế. Vì vậy chúng tôi ủng hộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông cũng như đối thoại giữa Trung Quốc với Nhật Bản, Trung Quốc với ASEAN.”

+ Ấn Độ:

Ấn Độ ủng hộ giải pháp hòa bình đối với tranh chấp biển. Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Philippines ngày 16/3, tại cuộc họp quan chức cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 17 ở Ấn Độ, quan chức cấp cao hai bên đã bàn về những diễn biến gần đây Biển Đông. Thứ trưởng Ngoại giao Philippines, Evan Garcia đã tuyên bố,Những hoạt động bồi đắp đảo làm trầm trọng thêm tình hình địa chính trị vốn đã nhạy cảm, có thể dẫn đến nguy cơ gia tăng quân sự hóa”. Ngoại trưởng Ấn Độ Anti Wadha cảm ơn Philippines đã chia sẻ những thông tin về tình hình và cho rằng một phương diện quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Ấn Độ là tăng cường trách nhiệm đối với an ninh chính trị khu vực. Vì vậy Ấn Độ sẽ thúc đẩy giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông.

+ Mỹ:

Mỹ kêu gọi ASEAN tuần tra chung trên biển. Phát biểu với tư lệnh Hải quân các nước khác tại Triển lãm Hàng không và Hàng hải Quốc tế Langkawi ở Malaysia hôm 17/3, Phó đô đốc Robert Thomas thuộc Hạm đội 7 của Mỹ kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á nên thành lập một lực lượng hỗn hợp tuần tra chung trên Biển Đông, tương tự như hợp tác quốc tế trong chiến dịch chống cướp biển ở Vịnh Aden. Ông Thomas nhấn mạnh, Sáng kiến này có thể củng cố các mục tiêu hoạt động trong các hoạt động huấn luyện mà ASEAN đang hướng tới. Nếu các thành viên ASEAN muốn đi đầu trong hoạt động trên, hãy tin tôi, Hạm đội 7 Mỹ, sẽ sẵn sàng hỗ trợ.

Nghị sỹ Mỹ yêu cầu có chiến lược đối phó Trung Quốc ở Biển Đông. Trong bức thư đề ngày 19/3/2015 gửi Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter và Ngoại trưởng John Kerry, bốn thượng nghị sỹ - gồm Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Corker (đều thuộc đảng Cộng hòa) cùng hai thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Jack Reed và Bob Menendez, lên tiếng yêu cầu chính quyền Tổng thống Barack Obama phải có một chiến lược toàn diện để ngăn chặn các hành vi gây mất ổn định của Trung Quốc tại Biển Đông. Các thượng nghị sỹ nhận định rằng hiện nay, các hoạt động cải tạo thực địa của Trung Quốc tại Biển Đông đã lên đến mức đáng báo động, cả về quy mô lẫn tốc độ. Nếu Mỹ không có một chiến lược toàn diện vì lợi ích lâu dài của mình cũng như các đồng minh và đối tác, nguy cơ phải đối mặt là rất đáng kể. Các thượng nghị sĩ Mỹ cho biết, hoạt động xây dựng cải tạo đất của Trung Quốc ở Trường Sa có nguy cơ biến các địa điểm này thành căn cứ quân sự, Trong khi các quốc gia khác chỉ xây dựng trên vùng đất hiện có, Trung Quốc lại thay đổi kích thước, cấu trúc và đặc điểm tự nhiên của các thực thể, với mục đích thay đổi hiện trạng ở Biển Đông. Về các biện pháp đối phó, các thượng nghị sỹ cho rằng hai bộ Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ phải xem xét việc công bố thông tin tình báo thường xuyên hơn về các hành vi gây mất ổn định của Trung Quốc; xem xét ngừng lại một số loại hình hợp tác an ninh với Trung Quốc nếu Bắc Kinh vẫn tiếp tục các hoạt động bồi đắp đảo, hay khả năng tăng cường một số lĩnh vực hợp tác cụ thể nếu Trung Quốc thay đổi hành vi…

Mỹ khẳng định ‘lợi ích quốc gia’ đối với tự do hàng hải ở Biển Đông. Về việc các thượng nghị sĩ Mỹ gửi thư báo động về quy mô và tốc độ bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke hôm 20/3 cho hay, “Chúng tôi đã nhận được và sẽ phản hồi lá thư này. Mỹ có lợi ích quốc gia đối với tự do hàng hải, hàng không, hoạt động thương mại hợp pháp không bị cản trở, sự tôn trọng luật pháp. Hiện tại, Mỹ thường xuyên bày tỏ quan ngại với Trung Quốc về hoạt động cải tạo đất quy mô lớn của nước này, điều đang ảnh hướng tới hòa bình, ổn định không chỉ ở Biển Đông mà còn cả khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Nước Mỹ đang tiến hành các biện pháp tích cực, tăng cường hợp tác an ninh biển và hỗ trợ các bên yêu sách Đông Nam Á, ủng hộ các công cụ quản lý khủng hoảng và tăng cường vai trò của Mỹ với tư cách cường quốc Châu Á - Thái Bình Dương trong quan hệ với các đồng minh và đối tác khu vực.

Quan hệ các nước

Hải quân Singapore, Malaysia kết thúc tập trận chung trên biển. Ngày 15/3, Singapore và Malaysia đã kết thúc cuộc tập trận thường niên kéo dài 12 ngày mang tên Malapura, với sự tham gia của khoảng 600 quân nhân thuộc Hải quân Singapore và Hải quân Hoàng gia Malaysia. Hải quân hai nước đã tiến hành tập luyện tại Căn cứ Hải quân Changi và diễn tập tác chiến trên biển ở Eo biển Malacca. Hai nước đã tiến hành tập trận trên biển thường niên từ năm 1984. Năm nay, Malaysia là nước đăng cai cuộc tập trận này.

Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN tại Malaysia. Sáng 16/3, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 9 đã chính thức khai mạc tại Langkawi, Malaysia. Tham dự hội nghị có các đoàn đại biểu đến từ 10 nước thành viên của ASEAN và Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh. Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề về an ninh khu vực, an ninh truyền thống và phi truyền thống có tác động ảnh hưởng đến an ninh khu vực. Chiều 16/3, kết thúc Hội nghị, các Bộ trưởng đã ký Tuyên bố chung về Duy trì an ninh và ổn định trong khu vực vì nhân dân và do nhân dân. Các Bộ trưởng tái khẳng định cam kết của ADMM về tăng cường hợp tác quốc phòng trong các nước ASEAN và với ADMM mở rộng (ADMM+), góp phần vào việc hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015, trong đó có Cộng đồng Chính trị - An ninh.

Trung Quốc kêu gọi Mỹ tăng cường xây dựng lòng tin chiến lược. Trong buổi tiếp cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 17/3, ông Tập Cận Bình đã nêu bật tầm quan trọng của việc xây dựng quan hệ Trung - Mỹ kiểu mới cũng như kiến tạo hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới, Trung Quốc rất coi trọng quan hệ với Washington và sẵn sàng nỗ lực với Mỹ để nuôi dưỡng mối quan hệ này.” Theo ông Tập, để nâng tầm quan hệ Trung - Mỹ, hai nước cần rút ra bài học từ lịch sử, cân nhắc tình hình tổng thể và tăng cường hiểu biết lẫn nhau nhằm xây dựng lòng tin chiến lược.

Phân tích và đánh giá

“Vịnh Cam Ranh và vị thế của Nga tại Việt Nam: Mỹ nên hành xử như thế nào?” của Phuong Nguyen

Hôm 11/3, Washington đã bày tỏ lo ngại tới Hà Nội về việc Nga sử dụng Cảng Cam Ranh để hỗ trợ máy bay ném bom tại Châu Á - Thái Bình Dương. Vụ việc đã một lần làm dấy lên tranh luận về vai trò của cảng này trong bối cảnh quan hệ quốc phòng Việt - Mỹ đang phát triển nhanh chóng. Rõ ràng là Washington thấy không thoải mái về vị trí mà hiện Nga vẫn đang có tại Việt Nam, đối tác quan trọng của Mỹ tại Đông Nam Á, khi mà Tư lệnh Lục quân Thái Bình Dương, Tướng Vincent Brooks xác nhận rằng trong thời gian gần đây, máy bay chiến đấu của Nga lượn quanh đảo Guam đã được tiếp liệu bởi các tàu chở dầu tại Cảng Cam Ranh.

Nhìn một cách thực tế, có lẽ sẽ hợp lý hơn nếu Mỹ tập trung vào xây dựng quan hệ an ninh đã có với Việt Nam thay vì tìm cách chiếm lấy vị trí của Nga tại Việt Nam.

Theo quan điểm của Việt Nam, Nga vẫn là nguồn cung vũ khí lớn nhất và là nguồn chuyển giao công nghệ quân sự lớn nhất bởi mối quan hệ đã có từ thời Chiến tranh Lạnh. Trong khi đó, Mỹ mới chỉ dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam vào năm ngoái. Nước Nga đã giúp đào tạo nhiều thế hệ lãnh đạo Việt Nam và đã ủng hộ Việt Nam trong suốt những thập kỷ mà họ bị quốc tế cô lập. Bởi vậy, các quan chức Việt Nam sẽ không quay lưng lại với Nga ngay cả khi họ tăng cường quan hệ đối tác với phương Tây và tham gia vào các thỏa thuận thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Mặc dù Mỹ và Việt Nam đã có nhiều cuộc thảo luận quốc phòng kể từ năm 2008, nhưng quan hệ giữa hai bên vẫn chưa đến mức độ tin tưởng lẫn nhau một cách tuyệt đối. Nhận thức của một phần giới chức Việt Nam cho rằng ưu tiên của Mỹ dành cho Việt Nam trong chiến lược tái cân bằng tới Châu Á là không côngnhững toan tính nước lớn của Washington là nguy cơ có thật. Không có gì quan trọng với Việt Nam bằng một chính sách đối ngoại độc lập. Việt Nam có một lịch sử phức tạp, và các lãnh đạo của họ không muốn quốc gia của mình một lần nữa lại bị kẹt giữa các cường quốc. Bất cứ động thái nào giống với sự can thiệp của Mỹ tới quan hệ Việt - Nga sẽ vô tình làm nghiêm trọng hơn nỗi sợ này.

Mặc dù Mỹ nên để Nga và Việt Nam tự sắp đặt các chương trình hợp tác quốc phòng của mình, nhưng Việt Nam cũng nên tạo điều kiện để Hải quân Mỹ thực hiện nhiều chuyến viếng thăm tới các cảng hơn, bao gồm cả Vịnh Cam Ranh. Nếu từ chối sự tiếp cận của Mỹ tới Cảnh Cam Ranh, đây sẽ là một sai lầm chiến lược bởi sự hiện diện rõ ràng hơn của Mỹ tại phía tây Biển Đông nằm trong lợi ích của cả hai quốc gia.

Quan trọng không kém, Việt Nam nên sớm làm rõ những khí tài quân sự nào mà họ có kế hoạch mua từ Mỹ. Hiện tại, lệnh cấm bán vũ khí sát thương đã được dỡ bỏ, do đó về mặt logic, bước tiếp theo sẽ là thiết lập quan hệ mua sắm quốc phòng nhằm xây dựng lòng tin giữa quân đội hai nước.

Trong bối cảnh hai bên đã có những bước tiến đáng khích lệ trong những năm qua, câu chuyện về việc Nga sử dụng Cảng Cam Ranh không nên bị trở thành một sự hiểu lầm lớn hơn. Để quan hệ Việt - Mỹ tiếp tục phát triển trong tương lai, Mỹ cần tôn trọng lịch sử Việt Nam và có cái nhìn thực tế hơn về vị trí hiện tại của quan hệ song phương hai nước.

“Chiến tranh nghề cá: Sự hung hăng của Trung Quốc sẽ châm ngòi cho xung đột tương lai” của Johan BergenasAriella Knight

Là nước sản xuất cá lớn nhất thế giới từ năm 1990, Trung Quốc nhận thấy mình đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nguồn cung cá với 30% nguồn cá của nước này bị cạn kiệt, và 20% bị đánh bắt quá mức. Trong khi đó, lượng tiêu dùng cá của Trung Quốc tăng trung bình 6%/năm trong giai đoạn từ 1999-2010 và cũng khoảng thời gian đó dân số nước này lại tăng thêm 80 triệu người - tương đương với toàn bộ dân số của nước Đức.

Trung Quốc biết là họ đang phải đối mặt với khủng hoảng an ninh lương thực đang đến gần, có thể dẫn đến bất ổn xã hội và đe dọa đến chính thể trong nước. Do đó, tăng sản lượng cá là một phần trong chiến lược tổng thể nhằm duy trì sự tồn tại của chế độ - Trung Quốc cũng hung hăng hơn và mở rộng đánh bắt cá trái phép bằng tàu kéo lưới khắp thế giới, đặc biệt ở các vùng biển láng giềng trong khu vực Đông Á như Nhật Bản và Nga.

Nguồn cá đang dần cạn kiệt phần nào thúc đẩy Bắc Kinh yêu sách lãnh thổ trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản ở Biển Hoa Đông, Việt Nam và Philippines ở Biển Đông. Ngoài ra, do dân số thế giới và tầng lớp trung lưu tiếp tục gia tăng, kéo theo đó là lượng tiêu thụ cá trên toàn cầu, nên xung đột về nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguồn cung thực phẩm cũng tăng lên đáng kể và dễ dẫn đến bạo lực. Theo đó, cách hành xử của Trung Quốc có thể được xem như là tín hiệu cảnh báo sớm về hệ lụy an ninh của các nguồn cá không được quản lý và việc đánh bắt cá trái phép có thể dẫn đến xung đột trong tương lai.

Trước thực trạng đó, các nước đã bắt đầu đơn phương áp dụng các biện pháp mạnh để chống đánh bắt cá trái phép. Ví dụ, Tổng thống mới đắc cử của Indonesia Joko Widodo đã đề ra chính sách “liệu pháp sốc” (shock therapy) để ngăn chặn việc đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của nước này, bao gồm đánh chìm tất cả tàu cá đánh bắt trái phép. Đây là hình phạt hiếm thấy, ít nhiều gây bất ngờ và bất bình ở các nước láng giềng có ngư dân bị bắt. Quốc đảo Palau ở Thái Bình Dương cũng đã cấm hoàn toàn việc đánh bắt cá trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và đang trong quá trình điều máy bay không người lái đến để tuần tra việc đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của nước này. Dưới áp lực của Mỹ và EU, Hàn Quốc cũng đang lên kế hoạch tăng hình phạt đối với việc đánh bắt cá trái phép lên mức cao nhất - gấp 5 lần giá trị đánh bắt.

Thách thức đặt ra là nguồn dự trữ cá thì giảm còn xung đột về nguồn cá lại gia tăng. Đây là một trường hợp kinh điển về “bi kịch của các tài sản công” (tragedy of commons), dẫn đến một thế giới dễ nảy sinh xung đột. Để đối phó với thách thức này, cần phải có giải pháp dài hạn là thay đổi thói quen tiêu dùng và tăng cường quản lý nguồn tài nguyên của thế giới một cách cân bằng hơn, thông qua thỏa thuận quốc tế như Hiệp định về các biện pháp nhà nước có cảng (PSM) hay thông qua các dự án của các tổ chức phi chính phủ như Dự án Chấm dứt Đánh bắt cá trái phép của Tổ chức nhân đạo Pew.

Trong lịch sử thì xung đột hải quân thường xảy ra do cạnh tranh về các tuyến đường biển và khả năng tiếp cận biển. Tuy nhiên, trong tương lai, khi dân số tăng lên và nguồn cá bị kiệt dần, xung đột có thể nổ ra vì nguồn tài nguyên phong phú nằm dưới mặt nước biển - còn hòa bình thì phụ thuộc vào việc quản lý các nguồn tài nguyên đó như thế nào.

“Indonesia cần cân nhắc lại chính sách trục biển” của Pandu Utama Manggala

Tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á diễn ra ở Nay Pyi Taw, Myanmar, Tổng thống Indonesia Jokowi đã nhấn mạnh về tham vọng biến Indonesia trở thành “trục biển toàn cầu”, và tuyên bố rằng cùng với “sự trỗi dậy” của Châu Á, biển sẽ có tác động to lớn tới vận mệnh của Indonesia. Học thuyết biển mới bao gồm 5 nhân tố quan trọng: gắn liền với văn hóa biển, xây dựng cơ sở hạ tầng biển thông qua chuỗi cao tốc trên biển giữa các đảo, tăng cường phát triển tài nguyên biển của Indonesia, đặt tranh chấp lãnh thổ và biên giới vào trọng tâm của chính sách ngoại giao, cùng với đó là tăng cường an ninh biển.

Học thuyết đối ngoại này sẽ gặp phải ít nhất ba thách thức, cụ thể đó là bản sắc biển, ngoại giao biển cũng như kết nối hàng hải.

Thứ nhất, đưa văn hóa biển vào chính sách không phải là một câu chuyện đơn giản. Trong nhiệm kỳ đầu của cựu Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono, Indonesia đã cố lồng ghép bản sắc Hồi giáo ở mức độ vừa phải vào trong chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, mặc dù Hồi giáo là tôn giáo lớn nhất tại Indonesia, nhưng tôn giáo này này lại không đóng vai trò chủ đạo trong nền chính trị hay trong giới hoạch định chính sách thời hậu độc lập.

Thứ hai, học thuyết trục biển không xây dựng được một chiến lược để quản lý Eo biển Malacca. Với vị trí là một trong những eo biển nhộn nhịp nhất thế giới và được biết đến là một tuyến huyết mạch của kinh tế thế giới, Eo biển Malacca là một trong những nút thắt cổ chai quan trọng của thương mại quốc tế. Tuy nhiên, Indonesia được cho là đã mất hơn 30 nghìn tỷ Rupiah (2,3 tỷ USD) mỗi năm từ các tàu lưu trú và các tàu đánh bắt cá trái phép tại eo biển.

Do đó, nhiệm vụ bảo vệ và quản lý Eo biển Malacca với các quốc gia khác đang ngày càng trở nên quan trọng. Một bước quan trọng đó là kêu gọi đóng góp cho hoạt động viện trợ và xây dựng năng lực từ các quốc gia sử dụng eo biển thông qua Tổ chức Hàng hải Quốc tế.

Thứ ba, kế hoạch tăng cường kết nối giữa các đảo bằng việc xây 24 cảng biển và cảng nước sâu cũng như nâng cấp cơ sở hạ tầng tại cảng sẽ gặp phải những khó khăn về tài chính. Ngành biển đã bị gạt khỏi chương trình phát triển của quốc gia trong một giai đoạn quá dài. Indonesia vẫn chưa thiết lập được một quỹ đặc biệt để thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng và cho đến nay vẫn dựa chủ yếu vào đầu tư nước ngoài. Để so sánh, Trung Quốc đã triển khai Quỹ Con đường Tơ lụa với số vốn 40 t USD và Ngân hàng Đầu tư Cơ shtầng Châu Á để hỗ trợ cho Con đường Tơ lụa trên Biển trong thế kỷ 21.

Thế kỷ 21 chắc chắn sẽ là thế kỷ của biển. Hầu hết hoạt động thương mại toàn cầu diễn ra trên biển, hầu hết dân số thế giới sống trong phạm vi 200 dặm tính từ bờ biển, thế giới vẫn tiếp tục dựa vào biển như là nguồn cung protein, và hệ sinh thái đại dương đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ quá trình biển đổi khí hậu toàn cầu. Do đó, một tầm nhìn rõ ràng về các vấn đề trên biển sẽ định hình các vấn đề chính trị quốc tế trong thế kỷ này. Bởi vậy, để tham vọng trở thành trục biển toàn cầu trở thành hiện thực, Indonesia cần làm tốt nhiệm vụ đưa các vấn đề liên quan tới đại dương trở thành chủ đề chính tại các diễn đàn quốc tế cũng như triển khai có hiệu quả tầm nhìn chiến lược với vai trò là chủ tịch Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương trong nhiệm kỳ 2015 - 2017.

“Lực lượng tuần tra ASEAN trên Biển Đông: Liệu có khả thi?” của Prashanth Parameswaran

Đầu tuần này, Tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ, Phó Đô đốc Robert Thomas, đã đưa ra đề xuất rằng các quốc gia ASEAN có thể cùng nhau hợp tác để lập ra một lực lượng trên biển với nhiệm vụ tuần tra các khu vực tại Biển Đông. Ngay sau đó, Phó Đô đốc Philippines Jesus Milan đã nói rằng hải quân Philippines tán thành đề xuất của ông Thomas. Đây là điều không hề bất ngờ.

Tuy nhiên, như chính ông Milan chỉ ra, đây là một “sáng kiến cần nguồn lực đáng kể” và để thành công cần phải có sự chung tay của tất cả các quốc gia liên quan. Các quốc gia ASEAN có cách xử lý vấn đề Biển Đông không giống nhau, và bản thân ý tưởng này có vẻ sẽ gây ra nhiều tranh cãi cho những quốc gia lo sợ về phản ứng thái quá của Bắc Kinh. Bộ Ngoại giao Trung Quốc, như dự đoán, đã phản ứng trước đề xuất của ông Thomas với việc nói rằng nước này hy vọng các quốc gia trong khu vực sẽ hợp tác với Trung Quốc, trong khi đó, các quốc gia ngoài khu vực sẽ “duy trì lập trường trung lập, đặc biệt trong vấn đề chủ quyền.”

Hoạt động này sẽ được diễn ra như thế nào trong thực tế? Ông Milan nói rằng khái niệm này không quá khác so với hoạt động Tuần tra Eo biển Malacca (MSP) được thực hiện bởi Malaysia, Indonesia, Singapore và Thái Lan. MSP, được bắt đầu vào năm 2004, là một bộ các biện pháp hợp tác trong đó bao gồm tuần tra trên không và trên biển giữa các quốc gia nhằm đối phó cướp biển. Tuy nhiên, việc đưa sáng kiến hợp tác này đi vào thực tiễn là một điều không hề dễ dàng. Như ông Milan đã đề cập, một chương trình như vậy cần phải được quản trị bởi một cơ chế hợp tác hoặc một quy trình hoạt động tiêu chuẩn. Ngoài ra, không chắc là các quốc gia có thể hợp tác trong việc chia sẻ trang thiết bị và trao đổi thông tin tình báo một cách có hiệu quả hay không. Không chỉ vậy, các yêu sách chủ quyền mâu thuẫn nhau ở Biển Đông có thể khiến việc tuần tra tại một vài khu vực trở thành câu chuyện rắc rối.

“Những tử huyệt của quân đội Trung Quốc” của David Tweed

Chiến dịch chống tham nhũng đánh vào giới quân đội của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang được đẩy mạnh trong thời gian qua, tuy nhiên quá trình cải tổ để quân đội trở thành một lực lượng có thể “chiến đấu và chiến thắng các cuộc chiến” của Trung Quốc vẫn mới chỉ ở bước đầu.

“PLA (Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc) là một bộ máy đồ sộ, cồng kềnh, thiếu hiệu quả và không có khả năng chiến đấu”, ông Trương Bạc Hối, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương tại Đại học Lĩnh Nam ở Hồng Kông cho hay. “Ông Tập đang cải tổ lại quân đội Trung Quốc và tham nhũng chỉ là một phần trong đó.”

Còn theo ông Dennis Blasko, nhà phân tích cao cấp tại Nhóm các vấn đề an ninh Trung Quốc, CNA và là cựu quan chức tình báo quân đội Mỹ, vấn đề của quân đội Trung Quốc còn nằm ở cấu trúc chỉ huy của họ: “Các chỉ huy của PLA chia sẻ trách nhiệm quản lý đơn vị với những nhân vật bên đảng - những người phụ trách khâu giáo dục ý thức hệ và quản lý quá trình thăng tiến của cán bộ nhân viên”.

Ngoài ra, PLA cũng có xu hướng không muốn phải huấn luyện trong điều kiện khắc nghiệt, và các cuộc diễn tập được coi như là cơ hội để họ đánh bóng bản thân hơn là giải quyết các vấn đề - đây là câu chuyện mà ngay cả truyền thông nhà nước cũng đã bắt đầu lên tiếng.

“Nhiều binh lính chỉ muốn sống một cuộc sống dễ dàng, với họ các cuộc diễn tập quân sự giống như là sân khấu biểu diễn,” Đại tá Lưu Minh Phúc, Giáo sư tại Đại học Quốc phòng Quốc gia Trung Quốc cho biết. “Đó là lý do ông Tập yêu cầu binh lính cần phải có nhiệt huyết. Họ không được lùi bước trước khó khăn và không được ngại hy sinh tính mạng.”

Một điểm yếu khác của quân đội đó là kể từ Chiến tranh Triều Tiên, đã hơn 50 quân đội Trung Quốc chưa tham chiến trong một cuộc chiến tranh khốc liệt nào, và con số này của hải quân còn lớn hơn - kể từ Hải chiến Hoàng Hải với Nhật năm 1894.

“Binh sĩ Trung Quốc muốn trở thành nhân viên bàn giấy hơn là muốn chiến đấu”, ông Lưu cho biết. “Nhân viên của PLA có năng lực thực hiện công việc hành chính tốt hơn năng lực chiến đấu.”