Động thái của các quốc gia


+ Việt Nam:

Phó Thủ tướng nhấn mạnh ‘COC phải ràng buộc pháp lý và thực thi được’. Ngày 15/1, trao đổi với Dân trí về vấn đề Biển Đông, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho hay, “Các nước quan tâm và có nhiều hoạt động quân sự diễn tập tại khu vực làm cho tình hình Biển Đông nóng hơn. Biển Đông là mối quan tâm chung, không được tiến hành các hoạt động có thể dẫn đến sự cố, gây xung đột trong khu vực. Việt Nam sẽ là nước chịu ảnh hưởng lớn nhất nếu xảy ra xung đột trên Biển Đông”. Về COC, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chia sẻ, “Hiện trong DOC có nhiều điều khoản chưa thực hiện được, dù hàng năm vẫn kiểm điểm đánh giá việc thực hiện DOC, trong đó có thay đổi các hiện trạng tại Biển Đông là điều DOC chưa làm được, do đó COC phải đảm bảo các yếu tố có tính chất pháp lý ràng buộc.”

+ Philippines:

Nghị sỹ Philippines lo ngại khả năng Trung Quốc kiểm soát nhà máy Hanjin. Ngày 15/1, Hạ Nghị sỹ Alejano (đảng Magdalo) đã cảnh báo những tác động an ninh trong trường hợp Trung Quốc kiểm soát Nhà máy Đóng tàu Hajin vì đây là nhà máy đóng tàu lớn nhất của Philippines ở Subic. Trung Quốc có thể tiếp cận không hạn chế trang thiết bị hải quân và hàng hải quan trọng của Philippines. Ông Alejano đồng ý với quan ngại của cựu Tư lệnh Hải quân Alexander Pama khi cho rằng Nhà máy Đóng tàu Hanjin ở Subic trông ra Biển Đông có thể giúp Trung Quốc tiếp cận dễ dàng hơn lãnh thổ Philippines. Ông Alejano kêu gọi Chính phủ Tổng thống Duterte chú ý những tác động an ninh khi Trung Quốc có thể kiểm soát Nhà máy đóng tàu Hanjin.

Philippines muốn Mỹ làm rõ hiệp ước phòng thủ tương hỗ ở Biển Đông. Phát biểu tại hội nghị của Hiệp hội các nhà báo quốc tế ở Manila hôm 17/1, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho rằng Manila nên xem xét lại hiệp ước đồng minh với Washington để làm rõ khi nào Mỹ sẽ hỗ trợ nước này trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông là thách thức an ninh "lớn nhất" của Philippines: "Chúng tôi tin rằng đến lúc cần ngồi lại với Mỹ và xem xét lại các điều khoản về mối quan hệ đồng minh. Chúng ta là đối tác. Chúng ta có quan hệ lịch sử sâu sắc. Chúng ta cần xác định rõ vai trò và trách nhiệm khi có nhu cầu về hỗ trợ quân sự". Ông Lorenzana cho biết một trong các vấn đề ông muốn làm rõ là điều kiện nào sẽ kích hoạt phản ứng hỗ trợ lẫn nhau giữa Mỹ và Philippines theo hiệp ước bảo vệ đồng minh".

Philippines dự kiến mua máy bay trực thăng Blackhawk của Mỹ. Ngày 17/1, Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana cho biết Tổng thống Duterte đã đồng ý mua máy bay trực thăng Blackhawk theo đề nghị của không quân, ngược với tuyên bố trước đây rằng Chính phủ Philippines sẽ không mua trang thiết bị từ Mỹ nhằm phục vụ chương trình hiện đại hóa quân đội. Không quân Philippnes quyết định mua may bay trực thăng Blackhawk sau khi xem xét các loại máy bay khác như Bell 412, MI-17 của Nga, Surion của Hàn Quốc và Agusta 139. Philippines xem xét mua 16 máy bay Blackhawk với ngân sách là 240 triệu USD.

Quan chức Philippines: ‘Trung Quốc đang dạy sai sự thật về Biển Đông’. Phát biểu tại một diễn đàn hôm 17/1, Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines ông Antonio Carpio cho biết, “Trung Quốc nói rằng họ đã thực hiện các hoạt động ở Biển Đông bắt đầu từ 2.000 năm trước… Trung Quốc cho rằng họ là quốc gia đầu tiên khám phá, đặt tên và phát hiện các nguồn tài nguyên ở Biển Đông. Họ coi đây là căn cứ lịch sử để yêu sách ở Biển Đông. Người Trung Quốc từ tiểu học đến đại học đều được học như vậy và họ đã tin vào điều này. Các nhà ngoại giao, tướng lĩnh, đô đốc, chuyên gia và doanh nhân Trung Quốc đều biết rõ điều này [về phán quyết của tòa La Hay]… Chính phủ Trung Quốc không thể tuân thủ phán quyết cho đến khi người dân nước này thay đổi nhận thức, vì nếu tuân thủ phán quyết, người dân Trung Quốc có thể phản đối họ”. Theo ông Carpio, chính phủ Philippines phải khẳng định mạnh mẽ chủ quyền trên Biển Đông.

Philippines dự kiến cử tàu chiến tham gia cuộc thao diễn tại Trung Quốc. Ngày 21/1, Tư lệnh Hải quân Philippines Phó đô đốc Robert Empedrad cho biết lần đầu tiên Hải quân Philippines sẽ cử một tàu hải quân tham dự cuộc thao diễn quốc tế Trung Quốc tổ chức ngày 23/4 tại Thanh Đảo nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Hải quân Trung Quốc. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana, việc cử tàu tham gia sự kiện này là biện pháp xây dựng lòng tin giữa hai quốc gia.

+ Singapore:

Singapore lựa chọn mua máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ. Ngày 18/1, Bộ Quốc phòng Singapore cho biết các máy bay F-16 của Singapore sẽ ngừng phục vụ sau năm 2030 và máy bay tấn công hỗn hợp F-35 được xác định là sự thay thế phù hợp nhất để duy trì khả năng của Không quân Singapore. Không quân nước này trước hết mua "một số lượng nhỏ" F-35 "để đánh giá đầy đủ về khả năng và sự phù hợp trước khi quyết định về một phi đoàn đầy đủ”. Singapore phải mất hơn 5 năm để đưa ra quyết định vì họ phải xem xét kỹ các thông số kỹ thuật và những gì cần thiết.

+ Mỹ:

Tư lệnh hải quân Mỹ - Trung đối thoại nhằm giảm thiểu nguy cơ trên biển. Trong chuyến thăm Trung Quốc ba ngày, Tư lệnh hải quân Mỹ John Richardson ngày 14/1 đã đối thoại với người đồng cấp Trung Quốc Thẩm Kim Long. Hai bên thảo luận về hoạt động tương tác chuyên nghiệp trên biển, đặc biệt nhằm giảm thiểu các nguy cơ và tuân thủ các nguyên tắc hành xử trên biển. Theo ông Richardson, “Do trách nhiệm của hải quân trong tổng thể quan hệ giữa hai nước, chúng tôi cần hợp tác. Những cuộc gặp kiểu này cho phép chúng tôi trao đổi thẳng thắn về những lĩnh vực hai bên nhất trí và cách thức để quản lý nguy cơ khi hai bên đang có bất đồng.” Đây là chuyến thăm Trung Quốc thứ hai của Đô đốc Richardson kể từ khi ông giữ chức Tư lệnh hải quân Mỹ.

Quan hệ các nước

Tàu chiến Trung Quốc thăm Philippines 4 ngày. Theo Hải quân Philippines, biên đội tàu Trung Quốc gồm tàu khu trục trang bị tên lửa Wu Hu, tàu khu trục Han Dan và tàu tiếp tế Dong Ping Hu sẽ đến Manila từ 17 - 20/1. Lần gần đây nhất tàu chiến Trung Quốc thăm Philippines là tháng 4/2017 tại thành phố Davao, quê hương của Tổng thống Duterte. Sĩ quan truyền thông của hải quân Philippines Jonathan Zatacho hay, “Chuyến thăm tăng cường mối quan hệ giữa hai lực lượng hải quân. Hoạt động trao đổi quân sự và tăng cường lòng tin sẽ được đẩy mạnh thông qua ngoại giao hải quân”. Tàu chiến Trung Quốc thăm Philippines sau khi tàu chiến Nga thăm Philippines trong 5 ngày.

Mỹ-Úc tập trận chống ngầm nhằm đảm bảo tự do hàng hải. Cuộc tập trận Rồng Biển 2019 bắt đầu hôm 14/1 và dự kiến diễn ra trong 11 ngày. Đại úy Brian Erickson cho hay cuộc diễn tập là ‘cơ hội để tăng cường sự thuần thục trong chiến tranh chống hạm và tăng cường mức độ sát thương trong chiến đấu”.  Cũng theo ông Erickson, “Cuộc diễn tập cho thấy Mỹ và các đối tác của chúng tôi sẵn sàng bảo đảm tự do hàng hải và hoạt động thương mại không bị cản trở ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”.

ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hóa Biển Đông. Trong các ngày 17 – 18/1 tại Thái Lan đã diễn ra Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao. Tuyên bố chung sau hội nghị cho hay, “Các Bộ trưởng đã thảo luận về vấn đề Biển Đông và ghi nhận quan ngại về việc cải tạo đất và một số hoạt động trong khu vực. Chúng tôi tái khẳng định sự cần thiết  của việc xây dựng lòng tin, tự kiềm chế và tránh các hành động có thể làm phức tạp tình hình, theo đuổi các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các bên phi quân sự hóa và kiềm chế các hành động, đã đề cập trong DOC, có thể làm phức tạp tình hình hoặc leo thang căng thẳng ở Biển Đông”.

Phân tích và đánh giá

ASEAN có thể giúp giảm bớt căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung của Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện nghiên cứu An ninh và Quốc tế, trường Đại học Chulalongkorn. Sau hơn 50 năm tồn tại, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang đứng trước nguy cơ bị đẩy sang bên lề trong các vấn đề khu vực. Những yếu tố thúc đẩy sự hình thành ASEAN trước đây như cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn hay bất ổn nội bộ giờ hiện hữu trở lại, trong khi khu vực dường như thiếu sự gắn kết và dẫn dắt. Ở thời điểm ASEAN cho thấy dễ bị tổn thương nhất trước sự dịch chuyển cán cân quyền lực, Hiệp hội lại cần hoà bình và ổn định khu vực hơn bao giờ hết.

Việc ASEAN ra đời năm 1967 là minh chứng cho sự lãnh đạo khu vực nhằm thách thức môi trường thù địch của thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Thế hệ lãnh đạo tiếp theo của ASEAN củng cố nền kinh tế khu vực và vị thế địa chính trị nhằm lãnh đạo, dẫn dắt khu vực này, trong đó phải kể đến sự hình thành của Diễn đàn hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương, khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN và Diễn đàn Khu vực ASEAN trong những năm 1990. Từ đó đến nay, ASEAN đã thành lập thêm các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như Hội nghị Cấp cao Đông Á hay Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng, từ đó từng bước khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực tại Châu Á - Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, thời cuộc đã có nhiều thay đổi và nhiều tư tưởng không còn phù hợp, vai trò trung tâm của ASEAN đang bị phai mờ và có nguy cơ biến mất. Một trong những thách thức đến từ cạnh tranh quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc. ASEAN đã từng rất thành công trong việc cân bằng quan hệ Mỹ và Liên Xô thời kỳ Chiến tranh lạnh, giữ quyền tự chủ khu vực và phát triển kinh tế trong môi trường chính trị tương đối ổn định. Trong bối cảnh khu vực đối mặt với cạnh tranh và đối đầu giữa một cặp cường quốc khác là Mỹ và Trung Quốc, bất cứ ai dẫn dắt ASEAN cũng cần phải tìm cách giải quyết mối thách thức này trước. Tương tự như những gì đã làm trước đây, ASEAN cần bảo đảm không để các nước lớn kiểm soát khu vực, trong khi đó duy trì hoà bình, hợp tác giữa các nước thành viên và thúc đẩy phát triển kinh tế.

ASEAN có thể gặt hái nhiều thành công trong kinh tế và hoà bình xuyên biên giới nhưng lại bị phân hoá bởi thách thức từ các cường quốc mới nổi. Điển hình là ASEAN đã không có phản ứng hiệu quả trước các hành động mở rộng của Trung Quốc tại Biển Đông và xây dựng các đập nước ở thượng nguồn sông Mê Công. ASEAN có thể tự hào khi nhất trí với Trung Quốc một "văn bản duy nhất" để đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nhưng Trung Quốc lại chưa thể hiện nhượng bộ hay ý định tuân thủ một cam kết rằng buộc với một nhóm các nước nhỏ. Tại lục địa Đông Nam Á, Uỷ hội Sông Mê Công với nhiệm vụ quản lý tài nguyên nước đã bị lấn át bởi sáng kiến Hợp tác Hạ nguồn sông Mê Công của Trung Quốc. Bên cạnh đó, thách thức lớn nhất đối với ASEAN hiện nay là việc nhóm các nước do Mỹ cầm đầu gồm Úc, Nhật Bản và Ấn Độ, muốn kiềm chế Trung Quốc qua cái gọi là sáng kiến "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do" (FOIP). Đồng thời, nếu ASEAN muốn đóng vai trò lớn hơn như trong tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) của 16 nền thương mại, Hiệp hội cũng cần tham gia một cách sâu rộng hơn vào nền tảng tự do thương mại này.

Với vai trò Chủ tịch ASEAN, Thái Lan sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý vấn đề Biển Đông và Rohingya, một phần do các yếu tố bất ổn chính trị trong nước. Vai trò Chủ tịch ASEAN của Thái sẽ gặp hạn chế từ chính cuộc tổng tuyển cử mù mờ và một kết quả khó lường, ngay sau lễ đăng quang của vua mới vào ngày 4/5. Lâu nay một nước ASEAN ít khi tiến hành tuyển cử khi đảm nhận vai trò Chủ tịch, tuy nhiên Thái Lan là một trong các trường hợp ngoại lệ. Năm Chủ tịch của Thái Lan cách đây một thập kỷ cũng đánh dấu bởi sự lộn xộn, biểu tình và huỷ hoãn một loạt các cuộc họp cấp cao, do đó, Thái Lan khó mà đưa ra sự lãnh đạo cần thiết.

Tuy nhiên, sự leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc cho thấy không thể thiếu vai trò của ASEAN ở khu vực. Nếu không có ASEAN là đòn bẩy, cầu nối hay trung gian, sự canh tranh giữa các nước lớn nhiều khả năng sẽ dẫn tới đối đầu do ở khu vực không tồn tại một tổ chức hay cơ chế giải quyết khủng hoảng nào khác. Mặc dù ASEAN có thể bị coi là cơ chế không hiệu quả khi chỉ biết tổ chức các cuộc họp nhưng nếu không có các cơ chế khu vực do ASEAN dẫn dắt, nguy cơ xung đột Mỹ - Trung sẽ ngày càng gia tăng, khi Washington thúc đẩy sáng kiến FOIP, hợp tác hàng hải và tăng cường căng thẳng thương mại, trong khi Bắc Kinh đầu từ vào Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, các dự án cơ sở hạ tầng và các hoạt động quân sự hoá ở Biển Đông. Đây là cơ hội cho cả Thái Lan và Việt Nam cùng nắm bắt nhằm đưa ra những quyết sách giải quyết căng thẳng giữa các cường quốc trước bờ vực khủng hoảng.

Mỹ thực sự chuyển trọng tâm sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương?” của Manoj Kumar Mishra. Ngay sau khi nhậm chức, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát đi những tín hiệu gây bối rối như dọa rút khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, Tổ chức Thương mại Thế giới và Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Chính quyền Trump cũng áp đặt cấm vận đối với Iran và Nga nhằm ngăn chặn những nước này thông qua các chiến lược đi ngược với lợi ích của Mỹ.

Gần đây, Washington dường như chuẩn bị rút quân khỏi Yemen, Syria và Afghanistan. Ngoài ra, quyết tâm của Tổng thống Trump xây dựng một bức tường biên giới để ngăn chặn dòng người tị nạn từ Mexico đã đẩy nước Mỹ vào tình trạng tạm thời hỗn loạn chính trị nội bộ.

Mặt khác, chính quyền Trump ủng hộ các biện pháp tăng cường vai trò của mình và kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Mỹ không chỉ kết nối một cách sáng tạo việc mở rộng địa lý cho khu vực “châu Á-Thái Bình Dương” bằng cách đặt lại tên là “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” và nhấn mạnh trung tâm của Ấn Độ đối với khu vực này, mà còn kiềm chế Trung Quốc và hình thành một nhóm đồng minh trở thành trọng tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ.

Để cụ thể hóa can dự khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tháng 7/2018 Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thông báo khoản đầu tư 113 triệu USD vào các sáng kiến công nghệ mới, năng lượng và cơ sở hạ tầng với mục tiêu trở thành đối tác đáng tin cậy ở khu vực. Sau đó, ông cũng cam kết cung cấp 300 triệu USD để bảo đảm an ninh cho khu vực.

Cũng trong tháng 7, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop nói rằng “Úc, Mỹ và Nhật Bản đã thông báo về một đối tác ba bên để đầu tư vào các dự án… mà sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng, giải quyết những thách thức phát triển, tăng cường kết nối và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.

Nhiều người tin rằng chính quyền Trump với đường lối “Nước Mỹ trước tiên” sẽ cản trở hệ thống đồng minh nhưng điều này bị bác bỏ bởi họ đang tập trung hình thành một hệ thống đồng minh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Chính quyền Mỹ đã kết thúc một hội nghị 2+2 với Ấn Độ hôm 6/9 vừa qua, trong đó giành nhiều thời gian thảo luận về việc định hình chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, và mong muốn đưa Ấn Độ gần hơn với Mỹ trong chia sẻ quan điểm chung về vai trò và khát vọng của hai nước trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Theo quan điểm của Washington, New Delhi là một đối tác bất đắc dĩ trong tổng thể chiến lược của Mỹ để củng cố cấu trúc bốn bên Mỹ-Nhật Bản-Ấn Độ-Úc nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Chính quyền Trump dường như muốn có những đối tác ổn định ở khu vực này trong bối cảnh vai trò ngày càng nổi bật của Trung Quốc thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Việc ký kết thỏa thuận quốc phòng, mang tên Hiệp ước an ninh và tương thích liên lạc (COMCASA) ngay trước cuộc đối thoại 2+2 là nhằm cho phép các lực lượng hải quân và vũ trang của Mỹ và Ấn Độ phối hợp hoạt động hiệu quả, đồng thời giúp Ấn Độ giám sát chặt chẽ các động thái của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương và dãy núi Himalayas.

Trong cuộc đối thoại này, Mỹ và Ấn Độ cũng đã nhất trí tiến hành cuộc tập trận ba bên. Để thúc đẩy quan hệ chiến lược Mỹ-Ấn, giới lãnh đạo Mỹ đã cấp quy chế quyền thương mại chiến lược (STA-1) cho Ấn Độ với mục đích nới lỏng kiểm soát xuất khẩu và buôn bán công nghệ cao. Quy chế này đến nay chỉ áp dụng cho các đồng minh NATO của Mỹ.

Mặt khác, Chính quyền Mỹ vẫn rất thận trọng trước ảnh hưởng địa chính trị ngày càng gia tăng của Bắc Kinh thông qua BRI, mà Mỹ tin rằng nước này có thể nổi lên thống trị toàn cầu nếu không được kiểm soát. Chính quyền Trump tiếp tục phản đối BRI của Trung Quốc về nhiều vấn đề, nhất là lo ngại các nước tham gia mắc nợ do thiếu sự minh bạch, và thực hiện những biện pháp hạn chế thương mại để kiểm soát ảnh hưởng kinh tế ngày càng lớn của Bắc Kinh.

Cần phải nói rằng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không chỉ giàu có về tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là hiđrôcácbon để tiếp nhiên liệu cho các đầu máy công nghiệp của các nền kinh tế thế giới. Khu vực này cũng đang nổi lên là trọng tâm của đầu tư và thương mại quốc tế, một thị trường rộng lớn chiếm gần 1/2 dân số thế giới. Thực tế, có nhiều dự báo rằng đến năm 2050, một nửa trong số 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ nằm ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia và Nhật Bản sẽ nằm trong nhóm 5 nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Trung Quốc chuẩn bị cho chiến tranh ở Biển Đông?” của Lyle J. Goldstein. Thời gian gần đây, giới truyền thông đưa nhiều tin về một số vũ khí quân sự của Trung Quốc như tên lửa đạn đạo săn hạm DF-26 (ASBM) hay máy bay chiến đấu J-20, nhưng không hề đả động đến chương trình phát triển tàu sân bay của nước này. Có nhiều đồn đoán rằng Trung Quốc cũng sẽ sớm giới thiệu một chiếc máy bay ném bom tàng hình, và không “nên bỏ qua những món đồ ít hào hoáng trong hộp dụng cụ của Bắc Kinh” mà có thể tác động lớn tới thế cân bằng chiến lược.

Việc thống trị biển khơi sẽ là yếu tố quyết định trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Nhiều năm qua, hệ thống Mắt Rồng của Trung Quốc đã theo dõi giám sát các bãi mìn dưới biển, các tàu khu trục cỡ nhỏ (loại 056), máy bay trực thăng tác chiến săn ngầm (ASW), máy bay đổ bộ cỡ lớn, phương tiện không người lái trên biển (UUV) và tàu ngầm. Vì vậy, các chiến lược gia Mỹ nên đặc biệt lưu tâm đến việc Trung Quốc thông báo thành lập một đơn vị mới trực thuộc Hải quân Trung Quốc (PLAN) mà lần đầu tiên sẽ sử dụng máy bay giám sát hàng hải tầm xa nhằm chiếm ưu thế trong cuộc chiến chống ngầm.

Các nhà phân tích hải quân Trung Quốc cho rằng các loại ASW của nước này như SH-5 hoặc thậm chí Z-9 còn yếu và khả năng hạn chế, chính vì vậy “Hải quân Trung Quốc cần phải được trang bị một loại ASW có cách dài rộng hơn” và họ đã phát triển GX-6. Với những ưu thế về tốc độ tối đa (660km/h), tầm hoạt động (5.000 km), trọng tải lớn (61 tấn), GX-6 được coi là “kẻ trừng phạt” tàu ngầm. Đặc điểm ưu việt của loại máy bay này là một ụ tròn rađa 360 độ nhô ra bên ngoài ngay dưới buồng lái, được thiết kế để phát hiện mọi di biến động của tàu ngầm kể cả ống thở, kính viễn vọng hoặc nơi đặt phao. Theo đánh giá, khả năng phát hiện tàu ngầm của GX-6 tốt hơn so với máy bay săn ngầm P3C của Mỹ. GX-6 được cho là có thể mang đến 100 quả pháo âm (để phát hiện tàu ngầm). Những tính năng này, cùng với thiết bị cảm biến ở sau đuôi, có thể được sử dụng để định vị chính xác mục tiêu. Thiết bị cảm biến này, theo các nhà phân tích Trung Quốc, có thể phát hiện tàu ngầm ở độ sâu 900m hoặc thậm chí 1.000m. Dù đúng hay không, hay đơn giản chỉ để khuếch trương, thì hình ảnh đồ họa của loại máy bay này cho thấy rằng thiết bị cảm biến là phần thiết kế đặc biệt quan trọng của GX-6.

Máy bay chống ngầm GX-6 sẽ thích hợp sử dụng ở các khu vực của Biển Hoa Đông và Biển Đông, cũng như “có thể hộ tống và cảnh báo sớm cho các lực lượng hải quân triển khai diễn tập quân sự ở Tây Thái Bình Dương”. GX-6 chắc chắn sẽ được sử dụng ở Biển Đông và điều đó sẽ cho phép Hải quân Trung Quốc theo dấu các tàu ngầm nước ngoài và có thể đánh bại “các lực lượng dưới biển này trong một cuộc tấn công bất ngờ”. Ngoài ra, GX-6 cũng có thể bảo đảm an ninh cho các tàu ngầm hạt nhân chiến lược (SSBN) của Trung Quốc và vì thế đóng một vai trò trong “khả năng ngăn chặn phản công hạt nhân thứ hai”. Thiết kế đã hoàn thành, GX-6 sẽ “nhanh chóng được sản xuất” và quy mô của lực lượng này sẽ lớn mạnh đáng kể - một “bước nhảy vọt” cho lực lượng săn ngầm từ trên không của Trung Quốc. Tuy nhiên, không nên so sánh GX-6 với máy bay tối tân nhất của Mỹ P-8 và máy bay ASW P-1 của Nhật Bản. Điều quan trọng nhất, các kỹ sư Trung Quốc cuối cùng đã giải quyết được vấn đề sải cánh dài của máy bay ASW.

Cùng với những khả năng săn ngầm khác của Trung Quốc, các tàu ngầm Mỹ sẽ phải đối mặt với một đối thủ được trang bị tốt hơn ở Tây Thái Bình Dương. Thủy thủ trên các tàu ngầm Mỹ có thể đã quen với việc hoạt động tự do trong hơn thập kỷ qua, nhưng tình hình đang thay đổi nhanh chóng. Trung Quốc ngày càng có khả năng đe dọa các căn cứ không quân của quân đồng minh để đảm bảo cho họ chiếm ưu thế ngay ở những giai đoạn đầu tiên của một cuộc xung đột. Do đó, trong khi P-8 của Hải quân Mỹ có thể là một ASW siêu hạng, nhưng nó không thể dễ dàng bay qua bầu trời Tây Thái Bình Dương vì sẽ vấp phải chiến đấu cơ dày đặc của Trung Quốc. Đồng thời, máy bay ASW của Trung Quốc sẽ tự do tìm kiếm vì được bảo vệ theo đội hình con thoi. Bằng cách này, sức mạnh không quân Trung Quốc có thể bắt đầu thu hẹp lợi thế “gần như bất khả xâm phạm” trước đó của Mỹ trong cuộc chiến tranh trên biển.

Điểm đáng chú ý cuối cùng, GX-6 có liên quan đến chiến lược răn đe hạt nhân của Trung Quốc. Với tất cả câu chuyện trong những năm qua về các căn cứ mới của Trung Quốc trên Biển Đông, hầu như không có chiến lược gia nào nghiên cứu về những khía cạnh chiến lược hạt nhân cho những sân bay mới này ở quần đảo Trường Sa. Nếu Hải quân Trung Quốc sử dụng những căn cứ này cho các loại vũ khí săn ngầm như GX-6, chúng có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Trung Quốc từ căn cứ Hải Nam. Theo lý thuyết, vì các cuộc chiến tranh hạt nhân khó xảy ra, sự tồn tại lâu dài của căn cứ này có thể không phải là vấn đề. Tuy nhiên, nếu những căn cứ này được xây dựng để hỗ trợ cho chiến lược hạt nhân vốn đang phát triển mạnh của Trung Quốc, thì điều đó có thể giải thích tại sao Bắc Kinh lại xây dựng công phu như vậy. Hiểu được hoàn toàn về các động thái của Bắc Kinh, bao gồm cả nhân tố hạt nhân, ở Biển Đông mới có thể giúp Mỹ và đồng minh phản ứng một cách phù hợp.

Khía cạnh địa chính trị của dầu khí ở Biển Đông” của Mercy A. Kuo. Một số trao đổi giữa biên tập viên của tạp chí The Diplomat Mercy Kuo cùng hai chuyên gia chiến lược và chính sách châu Á là Eufracia Taylor và Hugo Brennan, thuộc cơ quan tư vấn rủi ro toàn cầu Verisk Maplecroft.

Khai thác chung và tính toán của Trung Quốc

Việc khẳng định chủ quyền đối với các thực thể tranh chấp ở Biển Đông chỉ là tên của một ván bài và Bắc Kinh coi hoạt động khai thác dầu khí là một công cụ chính sách quan trọng để theo đuổi ván bài này. Các tín hiệu của việc các nước có tuyên bố chủ quyền đang đàm phán với Bắc Kinh để khai thác chung tài nguyên ở Vùng đặc quyền kinh tế của họ giúp hợp thức hóa cái mà Bắc Kinh gọi là "đường 9 đoạn". Trung Quốc đang thực hiện chiêu bài "cây gậy và củ cà rốt". Ví dụ, một mặt, Trung Quốc phản đối Việt Nam về kế hoạch khai thác dầu khí đơn phương ở vùng biển mà Bắc Kinh cho là của họ, thậm chí có tin tức còn nói rằng Bắc Kinh đe dọa sử dụng vũ lực đối với Hà Nội. Mặt khác, Bắc Kinh lại triển khai những nỗ lực khai thác chung, được đóng khung trong một ngôn từ hoa mỹ là quan hệ đối tác và được xây dựng trên những cam kết về hỗ trợ kỹ thuật, vốn và đầu tư ở quy mô sâu rộng hơn, lại giúp nâng cao vị thế của Bắc Kinh là một đối tác quan trọng chứ không phải là một nước thù địch.

Tại sao Brunei và Philippines lại ký bản ghi nhớ chung với Trung Quốc về khai thác dầu khí?

Các nước Đông Nam Á và các nhà khai thác dầu khí tiềm năng đối mặt với những rủi ro địa chính trị đáng kể do những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh. Tuy nhiên, các nước Đông Nam Á nhỏ hơn lại có những nhu cầu cấp bách trong nước về phát triển năng lượng trong tương lai. Cả Brunei và Philippines đều đang có bước đi theo chiều hướng chủ nghĩa thực dụng và dường như sẵn sàng bỏ qua những yêu cầu chủ quyền gây tranh cãi của mình để thực hiện được các mục tiêu trong nước. Bản ghi nhớ chung giữa Philippines và Trung Quốc được hai bên ký kết trong bối cảnh Manila quan ngại về an ninh năng lượng, như tình trạng khai thác ngoài khơi trong nhiều năm qua, suy giảm đầu tư, cạn kiệt tài nguyên ở mỏ Malampaya và nhu cầu tăng doanh thu nhà nước. Manila cũng sẽ thúc đẩy triển khai dự án nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng trị giá 2 tỷ USD, một dự án đánh dấu một hình thái đáng kể cho mối quan hệ hợp tác Trung Quốc-Philippines và mối quan hệ này đang nuôi dưỡng mối quan hệ đối tác rộng lớn hơn về lĩnh vực năng lượng giữa hai bên.

Brunei lâu nay thường im ắng dù là một bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Những hy vọng rằng các khoản đầu tư lớn hơn của Trung Quốc sẽ giúp khôi phục tăng trưởng và đa dạng hóa nền kinh tế cũng như đem lại vị thế chính trị cho chính quyền dường như đang là lá bài của vương quốc này đối với các vấn đề về Biển Đông.

Kế hoạch của Trung Quốc về khai thác các nguồn năng lượng ở Biển Đông có bối cảnh chiến lược như thế nào?

Bối cảnh chiến lược ảnh hưởng sự phát triển về kinh tế, xã hội và môi trường ở Biển Đông là một Trung Quốc đang trỗi dậy, ngày càng có khả năng và sẵn sàng theo đuổi các nguồn tài nguyên một cách quyết đoán. Ngoài việc là công cụ để khẳng định chủ quyền mà Bắc Kinh tự "khoanh" ở vùng "9 đoạn", việc khai thác chung ở các vùng biển tranh chấp cũng xuất phát từ chính những quan ngại an ninh của Bắc Kinh. Trung Quốc đang ngày càng lệ thuộc vào lượng dầu khí nhập khẩu mà nước này lo ngại rằng sẽ có thể xảy ra tình trạng gián đoạn vì một lý do nào đó. Vì vậy, việc khai thác chung các nguồn dầu khí ngoài Biển Đông là một lựa chọn chiến lược của Bắc Kinh.

Các nước Đông Nam Á muốn đơn phương khai thác dầu khí ở vùng tranh chấp phải tính toán những rủi ro địa chính trị khi không chịu "nghe lời" Trung Quốc, một đối tác đầu tư và thương mại chính luôn sẵn sàng dùng vũ lực để đe dọa và khẳng định các tuyên bố chủ quyền.

Trong hơn 20 năm qua, Trung Quốc và các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã thảo luận về khả năng hình thành Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Thế nhưng, COC sẽ không thể giải quyết được những yêu sách chủ quyền chồng lấn, chỉ nhằm đưa ra một số quy tắc và luật lệ được hai bên cùng nhất trí nhằm giúp ngăn tranh chấp Biển Đông leo thang căng thẳng.

Việc công bố văn bản dự thảo đàm phán hồi tháng 8/2018 là một bước đi quan trọng dẫn đến một số ẩn ý chính sách đáng lưu tâm. Quan trọng nhất là việc Washington bày tỏ quan ngại về các điều khoản dự thảo do Trung Quốc đưa ra nhằm đặt ra giới hạn cho các các bên liên quan COC trong việc tiến hành các cuộc tập trận chung với các đối tác an ninh bên ngoài và ngăn chặn các công ty dầu khí từ các nước thứ ba tiến hành khai thác ở vùng lãnh hải tranh chấp. Tuy nhiên, các bên dường như phải trải qua cả một chặng đường dài mới có thể đạt được một thỏa thuận cuối cùng và có thể sẽ có nhiều thay đổi xảy ra.

Vấn đề an ninh năng lượng của Trung Quốc ở Đông Nam Á có thể ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của Mỹ ở khu vực như thế nào?

Bắc Kinh coi Biển Đông là vùng biển chiến lược đối với những lợi ích an ninh năng lượng của mình, xét về khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường song quan trọng hơn, Bắc Kinh coi đây là tuyến đường vận chuyển dầu khí nhập khẩu của mình từ Trung Đông và châu Phi. Ý nghĩa chiến lược của vùng biển này giải thích vì sao Bắc Kinh lâu nay triển khai các hoạt động quân sự hóa các thực thể tranh chấp ở Biển Đông. Sự thành công trong chiến lược "lát cắt salami" của Bắc Kinh là rõ ràng khi Đô đốc hải quân Mỹ Philip S. Davidson, Tư lệnh Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ, thừa nhận Trung Quốc hiện có thể kiểm soát Biển Đông trong mọi kịch bản xảy ra một cuộc chiến. Sự thừa nhận này là một cú đấm chí mạng vào vai trò lãnh đạo của Mỹ ở khu vực, trong khi đó, Washington lại chưa thể vạch ra được một chiến lược thống nhất về vấn đề Biển Đông để có thể đảo ngược những lợi ích chiến lược mà Bắc Kinh đã đạt được ở vùng biển này.

Tranh chấp Biển Đông tạo ra một cuộc Chiến tranh Lạnh mới? của KB Teo, nhà ngoại giao tại Đại sứ quán Singapore ở Cairo, Ai cập. Bất chấp việc Trung Quốc phản đối phán quyết của Tòa trọng tài PCA năm 2016, căng thẳng tại Biển Đông đã phần nào giảm bớt. Tuy vậy, Biển Đông vẫn là một nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn. Giữa tháng 10 vừa qua, một vụ va chạm đã suýt xảy ra giữa tàu khu trục Decatur của Mỹ và tàu chiến Lữ Dương của Trung Quốc. Theo đó, tàu khu trục Decatur đang trên đường thực hiện chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) tại Biển Đông nhằm khẳng định quyền tự do đi qua các vùng biển quốc tế bị tàu chiến Lữ Dương của Trung Quốc tiếp cận, ngăn chặn. Trước đó, hôm 4/10, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã có một bài phát biểu công kích chính sách của Trung Quốc.

Ảnh hưởng của các cường quốc đối với tình hình Biển Đông

Ảnh hưởng lớn nhất và bao trùm đối với hòa bình hay căng thẳng tại Biển Đông chính là Trung Quốc và Mỹ. Thêm vào đó, Nhật Bản, một cường quốc khu vực, hiện đang nổi lên là một nhân tố có thể tác động tới tình hình Biển Đông bởi mối lo ngại rằng kinh tế nước này bị ảnh hưởng bởi những căng thẳng tại khu vực Biển Đông.

Mục tiêu của Trung Quốc tại Biển Đông?

Mục tiêu của Trung Quốc là giành quyền thống trị Biển Đông. Điều này giúp Trung Quốc đạt được hai lợi thế. Thứ nhất đó là việc kiểm soát toàn bộ nguồn tài nguyên dầu khí, khí đốt và thủy sản rộng lớn tại đây sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hàng năm của nước này, vốn đã giảm từ 10% (sau chính sách mở cửa của Đặng Tiểu Bình từ 40 năm trước) xuống chỉ còn 6,5%. Theo ước tính, 1/3 lượng hàng vận chuyển toàn cầu đi qua khu vực Biển Đông. Thứ hai, kiểm soát Biển Đông sẽ giúp Trung Quốc ngăn chặn các đối thủ tiếp cận khu vực này. Kể từ năm 2005, Bắc Kinh đã đơn phương tiến hành các hoạt động quân sự hóa tại đây với việc triển khai máy bay chiến đấu và tên lửa tầm xa trên các thực thể tại Biển Đông. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như xem Biển Đông là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, ngang bằng với các khu vực khác như Đài Loan, Tân Cương hay Tây Tạng. Tháng 6/2018, trong chuyến thăm của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Jim Mattis, Tập đã tuyên bố Trung Quốc sẽ "không nhượng bộ dù chỉ là một tấc đất". Trên thực tế, Bắc Kinh đã xây dựng một học thuyết nhằm thống trị châu Á, đây là một phần trong tham vọng thực hiện "Giấc mộng Trung Hoa" được ông Tập đưa ra năm 2013.

Chiến lược răn đe của Tập Cận Bình?

Ông Tập Cận Bình từng nhiều lần hô hào quân đội nước này sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng trong điều kiện hiện nay. Điều này liên hệ về ký ức của Bắc Kinh về "một thế kỷ sỉ nhục" của nước này trong giai đoạn 1839-1849.

Ông Tập cũng nhìn thấy việc Mỹ đang tìm cách kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc với việc Mỹ sử dụng liên minh Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines để kiềm tỏa Trung Quốc. Do vậy, Bắc Kinh mong muốn có quan hệ tốt với Mỹ. Phát biểu tại một hội chợ tổ chức hồi tháng 11 vừa qua, Tập đã phát biểu rằng Trung Quốc sẽ mở cửa hơn nữa cho việc nhập khẩu hàng hóa. Một tuyên bố tương tự cũng được Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn đưa ra trong chuyến thăm Singapore hồi đầu tháng 11.

Cũng trong tháng 11/2018, Trung Quốc và Mỹ đã nối lại các cuộc đàm phán cấp cao, ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) tại Singapore. Tiếp đó, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp nhau bên lề Hội nghị G20 tại Argentina. Trong khi các vấn đề tranh chấp thương mại giữa hai bên là chủ đề chính của cuộc họp, không có bất cứ một đề cập nào về vấn đề Biển Đông được đưa ra.

Nhật Bản ngày càng quan tâm đến Biển Đông

Tokyo không có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông. Nhưng nước này quan ngại sâu sắc trước những hoạt động của Trung Quốc tại đây. Tháng 11/2014, Bắc Kinh đã đơn phương tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Hoa Đông.

Theo thống kê, tất cả lượng dầu mỏ và khí đốt Nhật Bản nhập khẩu đều vận chuyển qua khu vực Biển Đông và Eo biển Malacca. Do vậy, Trung Quốc kiểm soát Biển Đông sẽ đe dọa trực tiếp huyết mạch kinh tế của Nhật Bản. Điều này rõ ràng là không thể chấp nhận được đối với Tokyo trong bối cảnh hai nước có sự cạnh tranh chiến lược ngày càng tăng tại khu vực. Bên cạnh đó, Nhật Bản và Trung Quốc cũng có tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tại khu vực Biển Hoa Đông. Chính vì vậy, thời gian qua, Nhật Bản đã bán tàu tuần tra bờ biển cho Việt Nam và Philippines. Tháng 10 vừa qua, Nhật Bản đã cử tàu khu trục và tiến hành diễn tập tầu ngầm lần đầu tiên tại khu vực Biển Đông, đưa ra thông điệp đối với Bắc Kinh về quyền tự do đi lại tại vùng biển quốc tế. Điều này giống với thông điệp mà Mỹ đưa ra khi tiến hành các chiến dịch FONOP.

Nhưng do phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, cả Nhật Bản và Trung Quốc đều cố gắng hạn chế sự cạnh tranh giữa hai bên. Điều này lý giải vì sao Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tiến hành chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 10/2018 nhằm thúc đẩy quan hệ song phương. Đây là chuyến thăm cấp cao đầu tiên được tiến hành trong 7 năm qua.

Mỹ sẽ cứng rắn hơn?

Về phần mình, Washington phản đối các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông. Năm 2017, Tổng thống Trump đã gọi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh xứng tầm và Mỹ sẽ không chấp nhận việc Bắc Kinh tìm kiếm bá quyền. Phát biểu tại Đối thoại Shangrila tổ chức tại Singapore hồi tháng 6 năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đã công khai yêu cầu Trung Quốc chấm dứt việc quân sự hóa Biển Đông. Ông cảnh báo Bắc Kinh sẽ phải gánh chịu những hậu quả khôn lường. Đô đốc Philip S.Davidson, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hồi tháng 10/2018 cho rằng Mỹ đã mất quyền kiểm soát Biển Đông bởi nước này "thiếu chiến tranh với Trung Quốc".

Liệu có hình thành một cuộc Chiến tranh Lạnh mới?

Trung Quốc đã có một cách tiếp cận cứng rắn nhưng thực dụng đối với các tranh chấp tại Biển Đông. Và không có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh sẽ từ bỏ các yêu sách của họ. Kết quả là một cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 33 vừa kết thúc tại Singapore, tranh chấp Biển Đông đã được đưa ra thảo luận. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hy vọng mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc được duy trì ổn định bởi ASEAN không muốn phải lựa chọn giữa một trong hai cường quốc thế giới. Trung Quốc và Mỹ hiện là hai đối tác thương mại lớn nhất của các nước ASEAN. Nhưng nếu Bắc Kinh và Washington leo thang xung đột, ASEAN sẽ không tránh khỏi bị ảnh hưởng tiêu cực.

Tại Hội nghị thượng đỉnh APEC vừa kết thúc ở Papua New Guinea, thế giới lại chứng kiến sự khác biệt lớn về thương mại và an ninh giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo đó, lần đầu tiên trong lịch sử, APEC không ra được tuyên bố chung bởi chia rẽ về thương mại giữa hai cường quốc. Nhưng dường như đó không chỉ đơn thuần là bất đồng về thương mại giữa hai nước. Mỹ nhận thấy Bắc Kinh đang cố gắng thiết lập một trật tự thế giới theo kiểu Trung Quốc để thay thế trật tự thế giới kiểu Mỹ. Kết quả dẫn tới dường như sẽ là một cuộc Chiến tranh Lạnh mới./.

Thực hiện: Đinh Anh