Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc phản đối tàu chiến Mỹ tiến hành FONOP ở Trường Sa. Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 11/2, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết tàu USS Spruance và USS Preble đã tiến vào vùng nước của Bãi Cỏ Mây và Đá Vành Khăn mà chưa được Chính phủ Trung Quốc đồng ý. Hải quân Trung Quốc đã phát tín hiệu cảnh báo. Các hành động của tàu là xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, phá hoại hòa bình, an ninh và trật tự tại khu vực này. Hiện nay, với nỗ lực của Trung Quốc và ASEAN, tình hình ở Biển Đông đang ổn định. Trung Quốc kêu gọi Mỹ dừng ngay các hành động khiêu khích này, tôn trọng nỗ lực duy trì hòa bình ổn định của các quốc gia trong khu vực. Về bình luận của Đô đốc Đô đốc Philip Davidson trong buổi điều trần Thượng viện Mỹ, bà Hoa hôm 14/2 khẳng định, “Phát biểu của giới chức quân đội Mỹ chỉ là cớ để Mỹ triển khai nhiều hơn các hoạt động quân sự tại Biển Đông và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Chúng tôi hy vọng bên liên quan tôn trọng thiện chí và nỗ lực của Trung Quốc và các nước ASEAN trong duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông, không nên gây căng thẳng, làm phức tạp tình hình, và chung tay xây dựng cho hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông”.

Đài Loan phản đối Philippines xây dựng trên đảo Thị Tứ. Bình luận việc Manila xây dựng trên đảo Thị Tứ, Người Phát ngôn Cơ quan Ngoại giao Đài Loan Andrew Lee hôm 11/2 cho hay: “Đài Loan tái khẳng định chủ quyền các đảo ở Biển Đông và kêu gọi các bên kiềm chế, không có hành động làm leo thang căng thẳng khu vực. Đài Loan phản đối các hành động đơn phương gần đây của các bên liên quan làm phức tạp tình hình.” Theo ông Lee, “Quan điểm của Đài Loan là tranh chấp Biển Đông cần được giải quyết thông qua cơ chế đàm phán đa phương, dựa trên các nguyên tắc gác tranh chấp và cùng khai thác tài nguyên”.

+ Việt Nam:

Việt Nam đề cao thượng tôn pháp luật trên các đại dương. Ngày 15/2, trả lời câu hỏi phóng viên về việc tàu hải quân Mỹ đi qua khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Với tư cách là quốc gia thành viên UNCLOS năm 1982 và là quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông của các quốc gia, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS năm 1982. Những yêu sách biển và hành động liên quan của các quốc gia ven biển cần phù hợp với luật pháp quốc tế như được phản ánh trong UNCLOS năm 1982. Việt Nam đề nghị các nước tiếp tục có đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, tôn trọng và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý quốc tế liên quan, thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương”.

+ Malaysia:

Lãnh đạo Malaysia cảnh báo Đông Nam Á trước hành động của Trung Quốc. Phát biểu tại một diễn đàn ở Viện Quốc tế về tư tưởng Hồi giáo ở Virginia, Mỹ hôm 10/2, ông Anwar Ibrahim, người được cho là sẽ kế nhiệm Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, cho rằng các nước Đông Nam Á phải bảo vệ lãnh thổ của mình trước những hành động quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông, “Ở Biển Đông, chúng ta phải có lập trưởng bảo vệ lãnh thổ của chúng ta. Lựa chọn tốt nhất là hợp tác cùng các quốc gia nhỏ khác ở ASEAN để bảo vệ vị thế an ninh, đặc biệt là khi chúng ta không thể trông đợi Mỹ tích cực hơn với khu vực trong bối cảnh hiện tại”.

+ Mỹ:

Đô Đốc Mỹ khẳng định Trung Quốc đe dọa trật tự dựa trên luật pháp. Phát biểu trong buổi điều trần trước Ủy ban Quân vụ của Thượng viện Mỹ hôm 12/2, Đô đốc Philip Davidson, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cho hay, “Yêu sách Biển Đông của Bắc Kinh đi ngược lại luật pháp quốc tế và tạo ra mối đe dọa lâu dài đối với trật tự quốc tế dựa trên luật pháp. Tháng 4 năm 2018, Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các tiền đồn với việc triển khai các hệ thống quân sự hiện đại, bao gồm tên lửa và thiết bị gây nhiễu điện từ. Nhiều lần, Trung Quốc đáp máy bay vận tải ở Trường Sa và máy bay ném bom ở Hoàng Sa”. Theo Đô đốc Philip Davidson, “Bằng đe dọa và cưỡng ép, Bắc Kinh đang nỗ lực mở rộng hệ tư tưởng để bẻ cong, phá vỡ và thay thế trật tự quốc tế hiện hành. Với vị thế của mình, Bắc Kinh tìm cách tạo ra một trật tự mới, trật tự với dấu ấn Trung Quốc, do Trung Quốc lãnh đạo, thay thế trật tự đã giúp duy trì sự ổn định và hòa bình ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hơn 70 năm qua".

Hai tàu khu trục của Mỹ tiến hành FONOP ở Trường Sa. Phát ngôn viên hạm đội 7 của Mỹ, Trung tá Clay Doss cho biết hai khu trục hạm mang tên lửa hành trình USS Spruance (DDG 111) và USS Preble USS Preble (DDG 88) hôm 11/2 đã tiến hành hoạt động FONOP ở Biển Đông. Hai tàu đi vào khu vực 12 hải lý của thực thể ở Trường Sa để thách thức yêu sách biển quá mức và duy trì quyền tiếp cận các tuyến hải lộ theo quy định của luật pháp quốc tế”. Theo Trung tá Doss, “Lực lượng Mỹ hoạt động ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bao gồm Biển Đông, trên cơ sở hàng ngày. Tất cả các hoạt động này đều phù hợp với luật pháp quốc tế và chứng tỏ Mỹ sẽ bay, lưu thông và hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật pháp cho phép.” Đây là lần thứ hai trong năm 2019, Hải quân Mỹ tiến hành chiến dịch “tự do lưu thông hàng hải” ở Biển Đông. Vào tháng 1/2019, khu trục hạm USS McCampbell đã đi vào vùng 12 hải lý quần đảo Hoàng Sa.

+ Anh:

BTQP Anh tuyên bố triển khai tàu sân bay tiên hiện đại đến Biển Đông. Trong bài phát biểu tại RUSI ở London hôm 11/2, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho hay Anh sẽ triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới Biển Đông, “Anh là nhà đầu tư lớn thứ hai trong khu vực và nước này phải thể hiện sức mạnh cứng nhằm bảo vệ lợi ích”. Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth trị giá 3 tỷ bảng Anh (khoảng 3,9 tỷ USD) cũng sẽ tới Trung Đông và Địa Trung Hải. Theo ông Gavin Williamson, “Tàu sân bay sẽ mang theo số lượng lớn máy bay của Anh và F-35 của Mỹ. Mục đích nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và sức mạnh tấn công của quân đội Anh cũng như củng cố thực tế rằng Mỹ tiếp tục là đối tác thân cận nhất". Trong khi đó, Người Phát ngôn của Thủ tướng Anh cho rằng tàu sân bay này đến năm 2021 mới chính thức triển khai; tàu sẽ đến thăm nhiều địa điểm trên toàn cầu và Thủ tướng Anh sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về hành trình của tàu.

Động thái Đa phương

ASEAN – Trung Quốc tiếp tục đàm phán COC vào cuối tháng 2. Phát biểu tại Hội nghị bàn tròn về an ninh biển trong khuôn khổ Hội nghị An ninh Munich hôm 16/2, Bộ trưởng Ng Eng Hen cho hay: "Với tư cách là chủ tịch ADMM/ADMM+ năm 2018, chúng tôi đã thúc đẩy xây dựng Bộ quy tắc tránh va chạm quân sự trên không (Game), đây là bộ quy tắc đầu tiên như vậy trên thế giới.V ới tư cách là điều phối viên giữa ASEAN và Trung Quốc, chúng tôi cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện thành công cuộc tập trận trên biển ASEAN-Trung Quốc giữa các lực lượng hải quân của hai bên trong năm 2018". Bộ trưởng Ng Eng Hen cũng lưu ý sẽ không một nước nào dùng vũ lực đánh bật Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) ra khỏi các thực thể mà Bắc Kinh xây dựng ở Biển Đông. Để đảm bảo sự ổn định ở Biển Đông, ASEAN đã thực hiện cách tiếp cận thiết thực là thương lượng về COC để kiềm chế hành xử các bên. ASEAN và Trung Quốc tiếp tục đàm phán COC vào cuối tháng này.

Singapore – Malaysia căng thẳng do va chạm tàu ở vùng biển tranh chấp. Tàu Polaris của Malaysia hôm 9/2 đã va chạm với tàu chở hàng Piraeus của Hy Lạp ở ngoài khơi cảng Tuas. Tàu Piraeus đang trên hành trình từ Singapore tới cảng Tanjung Pelepas thuộc bang Johor của Malaysia. Vụ việc làm bùng phát tranh cãi về chủ quyền vùng biển giữa Singapore và Malaysia. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Singapore hôm 10/2 khẳng định, “Singapore kêu gọi Malaysia rút các tàu khỏi khu vực, sự hiện diện của các tàu này rõ ràng là mối đe dọa với an toàn hàng hải ở khu vực”. Trong khi đo, Bộ Ngoại giao Malaysia cho hay sau vụ va chạm, chính quyền Malaysia đã tạm giam tàu chở hàng Hy Lạp và bắt giữ thủy thủ đoàn của tàu.

Phân tích và đánh giá

Trung Quốc và câu chuyện niềm tin với láng giềng của tác giả Kornelius Purba. Phóng viên báo Jakarta Post mới đây đã thực hiện cuộc phỏng vấn với Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN Huang Xilian. Cuộc phỏng vấn dường như là một câu trả lời gián tiếp cho kết luận của một cuộc khảo sát tại Singapore rằng Trung Quốc đang phải đối mặt với sự thiếu hụt niềm tin nghiêm trọng từ các nước láng giềng nhỏ bé hơn của mình.

Trung tâm Nghiên cứu ASEAN tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á-Viện Yusof Ishak đã thực hiện một cuộc khảo sát trực tuyến mang tên “Tình hình Đông Nam Á: 2019”, từ ngày 18/11-5/12/2018 để tìm kiếm quan điểm về Trung Quốc từ giới chuyên gia và những người đóng góp ý kiến cho cộng đồng truyền thông, xã hội dân sự, kinh doanh, nghiên cứu và chính sách. Có 3 kết luận quan trọng đã được đưa ra từ cuộc khảo sát này. Trước tiên, hầu hết những người được hỏi không tin rằng Trung Quốc sẽ trở thành một cường quốc ôn hòa và nhân ái. Thứ hai, hầu hết những người được hỏi đều cho rằng Trung Quốc sẽ trở thành một cường quốc xét lại với ý định đưa Đông Nam Á vào phạm vi ảnh hưởng của mình. Thứ ba, hầu hết những người được hỏi đều có mức độ tin cậy thấp hoặc không tin rằng Trung Quốc sẽ làm "điều đúng đắn" trong việc đóng góp cho hòa bình, an ninh, thịnh vượng và quản trị toàn cầu.

Đại sứ Huang đã thẳng thắn giải đáp vấn đề nhạy cảm này, viện dẫn kế hoạch của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy hoạt động giao lưu văn hóa nhiều hơn nữa và trao đổi kinh nghiệm nhiều hơn nữa giữa lãnh đạo cấp cơ sở của Trung Quốc và đồng cấp ở các quốc gia Đông Nam Á. Cách giải đáp của vị đại sứ này phản ánh sự cởi mở gia tăng của Bắc Kinh đối với những lời chỉ trích dù không có giải pháp tức thời. Thế nhưng, ít nhất Trung Quốc đã cho thấy thiện chí chính trị mạnh mẽ để giải quyết tình trạng thiết hụt niềm tin. Nhà ngoại giao này nói hôm 14/1, "Về phía chính phủ, chúng tôi phải làm việc tích cực hơn nữa để gắn kết các nước với nhau. Đó là lý do tại sao chúng tôi cố gắng thể hiện bản thân trong một viễn cảnh tốt hơn nhiều đối với mọi người để đạt được sự thông hiểu lẫn nhau”.

Các kết quả khảo sát chỉ đơn thuần tái khẳng định cảm nhận chung của người dân, ít nhất là trong khu vực. Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất đối với rất nhiều quốc gia, song cũng gây ra xích mích, bất đồng và căng thẳng trong quan hệ với nhiều nước khu vực, kể cả trong quan hệ với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Vai trò của Trung Quốc như là một nhà cung cấp tín dụng cho các dự án cơ sở hạ tầng và nhiều lĩnh vực khác cũng đã chiếm ưu thế, ngay cả ở các nước công nghiệp phát triển.

Ngày càng có nhiều quan ngại về các khoản vay của Trung Quốc cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, đó có phải chỉ là vấn đề của riêng Trung Quốc hay không? Không phải như vậy. Các cường quốc kinh tế lớn khác như Nhật Bản, Mỹ và các nước phương Tây khác cũng gặp phải vấn đề với các đối tác thương mại yếu hơn. Indonesia cũng đã có trải nghiệm riêng với những thế lực cho vay tiền lớn.

Tháng 3/1992, Tổng thống lúc đó là Suharto đã phải giải thể hiệp hội các nhà tín dụng do Hà Lan lãnh đạo, Nhóm liên chính phủ về Indonesia (IGGI). Ông không hài lòng với Chủ tịch Jan Pronk, người mà ông cáo buộc đã đóng vai trò là thống đốc Hà Lan trong thời kỳ thuộc địa. Đóng góp của Hà Lan vào IGGI khá nhỏ trong khi đó Nhật Bản là nhà tài trợ lớn nhất cùng với Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Vào tháng 4/1992, Nhóm tham vấn về Indonesia (CGI) đã thay thế IGGI.

Cựu Tổng thống Suharto chẳng vui vẻ gì khi các nhà cho vay luôn áp đặt các điều kiện cho vay với các vấn đề nhân quyền trong nước. Mỹ từng ngăn chặn việc bán phụ tùng cho máy bay phản lực do Mỹ sản xuất và máy bay trực thăng Hercules do Washington không hài lòng với Jakarta, đặc biệt liên quan đến cáo buộc vi phạm nhân quyền của quân đội Indonesia.

Nhật Bản thì sao? Vào ngày 15/1/1974, Thủ tướng khi đó là Kakuei Tanaka đã đến thăm Jakarta và được "tiếp đón" bởi các cuộc bạo loạn lớn phản đối sự thống trị của Nhật Bản trong nền kinh tế Indonesia, mặc dù có nhiều giải thích khác nhau về nguyên nhân của các cuộc bạo loạn. Trong thời gian nắm quyền 32 năm của cựu Tổng thống Soeharto, Nhật Bản đã trở thành chủ nợ, nhà đầu tư lớn nhất và đối tác thương mại quan trọng nhất đối với Indonesia.

Ngày nay,Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và việc trở thành nền kinh tế số một thể giới đối với nước này chỉ còn là vấn đề thời gian. Đương nhiên, Trung Quốc cũng có thể đóng một vai trò chính trị và quân sự quan trọng hơn. Là quốc gia mới nổi, Trung Quốc cần thêm thời gian để tự điều chỉnh mình cho phù hợp với vị trí mới trên trường quốc tế.

Một diện mạo thân thiện hơn của Trung Quốc sẽ giúp giảm bớt sự thù địch. Các quốc gia láng giềng cũng cần kiên nhẫn hơn với Trung Quốc. Một ví dụ về việc thể hiện sức mạnh mềm hiệu quả hơn đối với Trung Quốc là việc chia sẻ bí quyết và cách quản lý của Trung Quốc đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trung Quốc có thể giúp đào tạo người Indonesia để cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế. Mở cửa thị trường khổng lồ của Trung Quốc cho hàng xuất khẩu của Indonesia đặc biệt là từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các thành viên ASEAN và Trung Quốc sẽ luôn là hàng xóm và mỗi bên cần cố gắng hành xử tốt đẹp hơn.

“Vấn đề Biển Đông đặt liên minh Philippines-Mỹ vào thế khó” của Richard Heydarian. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố “tách khỏi Mỹ” trong chuyến thăm đầu tiên của ông đến Trung Quốc. Hai năm sau đó, Philippines đã chính thức kêu gọi đánh giá lại mối quan hệ đồng minh lâu đời với Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana- cựu tùy viên quốc phòng tại Washington- đã nhấn mạnh rằng Manila không loại trừ khả năng hủy bỏ Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines năm 1951. Trong khi việc đánh giá này có thể giúp điều chỉnh quan hệ đồng minh Mỹ-Philippines, vốn bị trục trặc bởi những bất đồng và những vấn đề về cam kết trong những năm gần đây, nhưng nó chẳng khác nào là “con dao hai lưỡi”.

Lời kêu gọi đánh giá lại mối quan hệ Mỹ-Philippines đã gây sốc và hoài nghi cho nhiều nhà quan sát, họ kỳ vọng một sự cởi mở và duy trì quan hệ song phương sau khi Washington trả lại Bộ chuông Balangiga nổi tiếng cho Philippines. Ông Duterte đã hoan nghênh việc trả lại các vật phẩm lịch sử, vốn bị quân đội Mỹ lấy đi từ một nhà thờ Philippines trong thời kỳ thuộc địa và coi đó là kết thúc một chương đen tối trong lịch sử chung của hai nước. Thậm chí, người ta hi vọng rằng ông Duterte, người đã có 3 chuyến thăm chính thức đến Trung Quốc, cuối cùng sẽ nhận lời mời thăm Mỹ từ lâu của Nhà Trắng.

Tuy nhiên, ngay cả việc thiết lập phòng thủ chung, vốn là nền tảng trong quan hệ đồng minh song phương, Philippines dường như cũng đang thể hiện sự thất vọng ngày càng lớn trước sự mâu thuẫn chiến lược của Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines đã công khai than vãn về lập trường “mâu thuẫn” của Washington trong việc thực hiện các cam kết với Philippines, đặc biệt trong tranh chấp ở Biển Đông. Ông đặt câu hỏi liệu Hiệp ước phòng thủ chung có “còn liên quan đến an ninh của Philippines” hay chỉ phục vụ “lợi ích của các quốc gia khác”, cụ thể là Mỹ.

Vấn đề đầu tiên với liên minh chính là văn bản của hiệp ước. Theo Chương V của Hiệp ước phòng thủ chung, “một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào một trong hai bên được coi bao gồm một cuộc tấn công vũ trang vào lãnh thổ đô thị của một trong hai bên, hoặc các vùng đảo thuộc thẩm quyền của mình ở Thái Bình Dương hoặc vào các lực lượng vũ trang, tàu hay máy bay của mình ở Thái Bình Dương”.

Tuy nhiên, Washington đã nói lập lờ, chưa xác định rõ về phần “đô thị” và “các vùng lãnh đảo dưới thẩm quyền của mình” của Philippines là gì. Do đó, đồng minh của Mỹ chỉ biết đứng nhìn khi Trung Quốc năm 1994 chiếm đóng Đá Vành Khăn mà Philippines tuyên bố chủ quyền, cũng như trong cuộc đối đầu hải quân Philipppines-Trung Quốc kéo dài nhiều tháng ở Bãi cạn Scarborough hồi năm 2012.

Mỹ đã liên tục từ chối làm rõ liệu các cam kết của hiệp ước có áp dụng tại Biển Đông hay không, nơi Philippines đang mâu thuẫn với một số quốc gia có yêu sách khác.

Hơn nữa, có những hoài nghi liệu hiệp ước có cung cấp sự giúp đỡ quân sự thích hợp trong trường hợp xảy ra xung đột giữa Philippines với bất kỳ bên thù địch thứ ba nào hay không. Theo Chương IV của hiệp ước, mỗi bên “sẽ hành động để đối phó các mối đe dọa chung (trong thẩm quyền khu vực của họ) phù hợp với các quy trình hiến pháp của nó”.

Điều này có nghĩa Quốc hội Mỹ, và rộng hơn là dư luận Mỹ, có thể trì hoãn và từ chối các nỗ lực can thiệp quân sự khẩn cấp bởi bất kỳ chính quyền Mỹ nào dưới danh nghĩa đồng minh Philippines.

Thậm chí tệ hơn, ví dụ Washington đã làm rõ Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật 1951 áp dụng cho tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tại Biển Hoa Đông. Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Nhật cũng quy định rằng quân đội Mỹ đóng tại Nhật Bản “có thể được sử dụng để đóng góp... cho an ninh của Nhật Bản nhằm chống lại tấn công vũ trang từ bên ngoài”.

Vấn đề lớn khác nằm ở cách giải thích hạn hẹp của Mỹ về hiệp ước phòng thủ chung. Khởi đầu với chính quyền Nixon vào những năm 1970 của thế kỷ trước, Washington đã giới hạn các cam kết của mình đối với bất kỳ “cuộc tấn công nào của các lực lượng (Philippines) được triển khai nhằm vào nước thứ ba”, nhưng không phải trong các tình huống “nơi việc triển khai nhằm mục đích mở rộng lãnh thổ Philippines”.

Mỹ chính thức duy trì “sự trung lập” đối với hiện trạng chủ quyền của các đảo tranh chấp tại Biển Đông, nơi Philippines chiếm đóng 9 thực thể.

Manila lo lắng liệu họ có thể trông cậy vào hỗ trợ quân đội của Mỹ hay không nếu Trung Quốc hay các đối thủ khác trực tiếp đe dọa các tuyến đường cung ứng và quân đồn trú của mình tại khu vực này.

Bằng việc kêu gọi đánh giá lại quan hệ, việc thiết lập phòng thủ với Philippines có thể hy vọng hối thúc Mỹ xem xét lại nội dung và cách giải thích của Hiệp ước phòng thủ chung theo cách khiến hai bên hài lòng. Đổi lại, Manila có thể sẽ cho phép quân đội Mỹ mở rộng tiếp cận các cơ sở quân sự của họ, cụ thể là căn cứ không quân Bautista và Basa ở Biển Đông.

Dù vậy, quá trình đánh giá này cũng mở ra khoảng trống cho những chỉ trích cũng như những đề nghị cho các mối quan hệ nồng ấm hơn với Trung Quốc nhằm kêu gọi Philippines chính thức chấp nhận một chính sách trung lập về chiến lược và, theo đó, hạ thấp quan hệ liên minh song phương Philippines-Mỹ.

Điều này nhiều khả năng sẽ xảy ra nếu Washington vẫn giữ chính sách mơ hồ về chiến lược trước các cam kết của mình với Philippines tại Biển Đông. Ba năm trong nhiệm kỳ của Tổng thống Duterte, quan hệ đồng minh Philippines-Mỹ đang tạo ra một bước ngoặt lịch sử.

“Sóng ngầm ở Biển Đông khi Mỹ-Trung khởi động đàm phán thương mại”. Hạm đội thứ Bảy của Hải quân Mỹ cho biết đã cử hai tàu chiến áp sát các hòn đảo mà Trung Quốc yêu sách tại Biển Đông vào ngày 11/2, cùng thời điểm các nhà đàm phán Mỹ đang có mặt tại thủ đô Bắc Kinh để tiến hành thảo luận nhằm giải quyết mâu thuẫn thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Người phát ngôn Hạm đội thứ Bảy của Hải quân Mỹ, Đại úy Joe Keiley cho biết tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Spruance và USS Preble đã “tiến hành các chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải tại Biển Đông”, và hai tàu này đã đi vào “phạm vi 12 hải lý” của quần đảo Trường Sa. Ông Keiley nói rằng chiến dịch được tiến hành “nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền hàng hải quá mức và bảo vệ quyền tiếp cận các tuyến hàng hải theo đúng luật pháp quốc tế”.

Hạm đội thứ Bảy không nói cụ thể về các thực thể mà hai tàu khu trục của Mỹ tiếp cận song hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên nói rằng các tàu này đã đi qua Đá Vành khăn. Bắc Kinh đã tiến hành các hoạt động xây dựng và cải tạo quy mô lớn tại Đá Vành khăn, nơi hiện đang có một đường băng quân sự. Các thông tin gần đây cho biết Trung Quốc cũng đã vận chuyển tới hòn đảo nhân tạo này các tên lửa, xây dựng các hạ tầng và kho chứa quy mô lớn, và lắp đặt hàng loạt thiết bị có thể theo dấu vệ tinh, cũng như các hoạt động quân sự và thông tin liên lạc của nước ngoài.

Không chỉ có vậy, Trung Quốc còn thiết lập thêm nhiều tiền đồn quân sự trong khu vực, nơi có tuyến đường biển trọng yếu với khối lượng hàng hóa trị giá khoảng 3 nghìn tỷ USD được vận chuyển qua lại mỗi năm. Bắc Kinh khẳng định các hạ tầng mà họ xây dựng là nhằm mục đích phòng vệ song một số chuyên gia nói rằng đây là một phần trong tham vọng quy mô nhằm củng cố hơn nữa quyền kiểm soát thực tế vùng biển này.

Mỹ và Trung Quốc hiện đang nỗ lực tìm cách đạt một thỏa thuận trước thời hạn chót là ngày 1/3 tới, thời điểm Mỹ chính thức áp mức thuế 25% đối với số hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc thay vì mức 10% như hiện nay. Các cuộc thảo luận sơ bộ giữa các nhà đàm phán cấp thấp của Mỹ với phía Trung Quốc được tiến hành tại Bắc Kinh từ ngày 11/2, trước khi Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin chính thức có các cuộc thảo luận vào ngày 14-15/2 tới.

Một số nhà quan sát cho rằng việc Mỹ tăng cường tần suất tiến hành các chiến dịch FONOP nhằm gia tăng áp lực đối với Bắc Kinh trong giai đoạn đàm phán thương mại. Tuy nhiên, Mỹ đã phủ nhận điều này. Ông Keiley nói: “Chúng tôi tiến hành các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải thường lệ, cũng tương tự như những gì từng diễn ra trước đây và những gì mà chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện trong tương lai… Các chiến dịch tuần tra không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào và cũng không thể hiện bất kỳ tuyên bố chính trị nào”. Ông lưu ý rằng quân đội Mỹ triển khai tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, kể cả vùng Biển Đông “mỗi ngày”, và Mỹ “sẽ đưa máy bay, tàu chiến và hoạt động tại bất kỳ đâu mà luật quốc tế cho phép. Điều này đúng tại Biển Đông và những khu vực khác trên thế giới”.

Giữa tháng 1 vừa qua, tàu chiến của Mỹ và Anh đã lần đầu tiên tiến hành các cuộc tập trận tại Biển Đông từ khi Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo trong khu vực. Mỹ cũng tăng cường các cuộc tuần tra trong khu vực, kể cả chuyến đi của một trong các tàu khu trục tới gần quần đảo Hoàng Sa. Một ngày sau sự kiện này, truyền thông nhà nước Trung Quốc tuyên bố rằng loại tên lửa diệt tàu sân bay và chống hạm DF-26 đã được triển khai tại vùng Tây Bắc nước này, một hoạt động được xem là có liên quan tới các diễn biến ở Biển Đông. Một chuyên gia giấu tên nói rằng tên lửa DF-26, có tầm bắn ước tính vào khoảng 3.000-4.000 km, là loại vũ khí có thể “nhắc nhở người ta nhớ rằng Trung Quốc có khả năng bảo vệ lãnh thổ của mình”. Chuyên gia này nhấn mạnh: “Ngay cả khi được phóng từ khu vực sâu trong đất liền, DF-26 vẫn có tầm bắn đủ xa để bao trùm Biển Đông”.

"Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở cần sự đồng thuận” của Nazia Hussain. Những nhân tố chính đứng sau sáng kiến "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở" (FOIP) đang tiếp tục nỗ lực ngoại giao để đúc rút một chiến lược nhằm hiện thực hóa kế hoạch này. Tuy nhiên hiện vẫn chưa có sự đồng thuận về ý tưởng bao trùm sáng kiến này cũng như chưa rõ các cấu trúc cần thiết cho việc thực thi nó. Nói đúng hơn là mọi thứ vẫn còn rất mơ hồ. ASEAN và các quốc gia khác nên tham gia vào FOIP để đóng góp cho công cuộc xây dựng nó và hình thành được một trật tự khu vực mang tính tổng thể hơn.

Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ (nhóm JAI) đã tổ chức cuộc họp ba bên đầu tiên bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 hồi tháng 12/2018 tại Buenos Aires. Các lãnh đạo của ba nước này đã nhất trí rằng một trật tự “tự do, rộng mở và trên nền tảng các quy tắc” là thiết yếu đối với sự hòa bình và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Mỹ nhấn mạnh sức ảnh hưởng mềm làm nền tảng cho FOIP trong khi Nhật Bản đề cao tiềm năng kinh tế. Đối với Nhật Bản, FOIP cởi mở với tất cả các quốc gia tôn trọng luật pháp quốc tế, sự tự do lưu thông và những tiêu chuẩn liên quan đến sự minh bạch và phát triển bền vững. Còn Mỹ nhấn mạnh không ai nằm ngoài cuộc, khao khát hướng đến một trật tự khu vực của những quốc gia độc lập ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để bảo vệ người dân các nước này và tôn trọng giá trị nhân văn, cạnh tranh một cách công bằng trên thương trường và không bị siêu cường chi phối. Trong bối cảnh Mỹ chỉ trích và hoài nghi về Trung Quốc, Trung Quốc khó có thể trở thành một phần của FOIP dù Bắc Kinh luôn muốn tham gia kế hoạch này.

JAI đang định hình để đóng một vai trò chủ chốt trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Ấn Độ đề nghị ba nước cùng hợp tác trong các dự án cơ sở hạ tầng và các nỗ lực khác trong khu vực. Tokyo và New Delhi cũng đã nhất trí củng cố sự hợp tác an ninh biển và hải quân, đồng thời cộng tác trong các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước thứ ba, trong đó có Myanmar, Bangladesh và Sri Lanka nhằm củng cố sự kết nối chiến lược ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Về phần mình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đảm bảo với tất cả rằng FOIP sẽ cởi mở và mang tính tổng thể. Ông nhấn mạnh 5 điều giúp bảo đảm sự hợp tác và phát triển mạnh mẽ hơn phục vụ cho lợi ích chung là thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đó là: Sự kết nối, phát triển bền vững, an ninh biển, khắc phục thiên tai và tự do hàng hải. Ông Modi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng sự đồng thuận về một kiến trúc khu vực dựa trên nền tảng các quy tắc về lợi ích chung và sự tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Mặc dù các bên liên quan đã có một sự nhất trí chung cho các quy tắc của FOIP, song điều quan trọng phải thảo luận tới đây là việc thực thi chúng. Nếu không giải đáp được câu hỏi về thực thi này và thiếu sự minh bạch về các chi tiết, các quốc gia trong khu vực, bao gồm các nước ASEAN, sẽ tiếp tục dè dặt trong việc đi theo ý niệm của FOIP.

Các nước thành viên ASEAN đang thể hiện những mức độ hoài nghi khác nhau về FOIP. Philippines và Campuchia lúc đầu là những nước miễn cưỡng nhất trong việc đưa sáng kiến này vào thảo luận trong khuôn khổ ASEAN do lo ngại rằng điều đó có thể ảnh hưởng đến vai trò trung tâm của ASEAN, trong khi Lào và Myanmar thì im lặng. Sau đó, họ đã dễ dàng tiếp thu các cuộc thảo luận hơn khi có thêm nhiều chi tiết được sáng tỏ. Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Malaysia có vẻ ủng hộ sáng kiến này dù mỗi nước trong đó đều muốn định hình theo hướng phù hợp với các lợi ích chiến lược riêng.

Washington và New Delhi thường khẳng định vai trò trọng tâm của ASEAN mang tính then chốt đối với FOIP bởi khu vực này thể hiện sự tổng thể khu vực và thương mại đa phương. ASEAN đã có một tập hợp những cơ chế khu vực liên kết với nhau như là Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, Diễn đàn Khu vực ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN +, nhằm thu hút sự tham gia của các cường quốc lớn và các nước láng giềng.

Cấu trúc của FOIP nên tận dụng các cơ chế đang tồn tại này để đảm bảo rằng khu vực có các cơ chế bổ sung lẫn nhau chứ không phải cạnh tranh. Chẳng hạn, ASEAN có thể đưa Diễn đàn Hàng hải ASEAN để bổ sung cho các nỗ lực của Hiệp hội Hợp tác khu vực Vành đai Ấn Độ Dương và Hội nghị Hàng hải Ấn Độ Dương. ASEAN cũng có thể tham gia vào BIMSTEC - một tiểu nhóm kinh tế trong Vịnh Bengal bao gồm Banglades, Ấn Độ, Myanmar, Sri Lanka, Thái Lan, Nepal và Bhutan, đặc biệt là kể từ khi hai trong số các thành viên BIMSTEC là Myanmar và Thái Lan cũng trở thành thành viên của ASEAN. Các dự án kết nối của BIMSTEC tại Vịnh Bengal có thể hưởng lợi lớn từ sự tham gia của ASEAN.

Để tham gia vào sáng kiến FOIP, ASEAN cần phải đóng một vai trò trong việc định hình cấu trúc an ninh khu vực. Trong số các thành viên ASEAN, Indonesia là nước tích cực nhất trong việc đề cao phiên bản FOIP và đang hoàn tất một bản báo cáo về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại ASEAN.

Trong bối cảnh mỗi quốc gia đều đang có những nhận thức khác nhau về FOIP, điều quan trọng là phải đảm bảo rằng khái niệm này không gây ra những hiểu lầm. Cần phải tiếp tục sự hợp tác với các nước thành viên ASEAN và các bên liên quan khác trong khu vực, để tất cả các bên có thể cùng sánh vai nhau, đặc biệt là đối với các nước Úc, Ấn Độ và Indonesia đang chuẩn bị cho các chiến dịch bầu cử năm 2019.

Indonesia nỗ lực phân định ranh giới trên biển với láng giềng của tác giả I Made Andi Arsana. Năm 1969, Indonesia và Malaysia đã ký một thỏa thuận lịch sử để thiết lập ranh giới trên biển giữa hai nước. Trên thực tế, đó là thỏa thuận đầu tiên về ranh giới trên biển mà Indonesia từng ký. Thỏa thuận đã phân định lãnh hải giữa hai nước ở eo biển Malacca và Biển Đông. Bây giờ, sau 50 năm, Indonesia đã ký tổng cộng 18 thỏa thuận với 8 nước láng giềng. Tuy nhiên, Indonesia vẫn chưa hoàn thành đầy đủ việc ký kết các ranh giới trên biển với tất cả 10 nước láng giềng, bao gồm: Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Philippines, Palau, Papua New Guinea, Australia và Timor Leste, thậm chí không có ranh giới trên biển với Palau và Timor Leste.

Giải quyết các ranh giới trên biển có thể mất nhiều thập kỷ. Ví dụ, với Malaysia, không có thêm thỏa thuận nào đạt được kể từ lần đầu tiên vào năm 1969. Thỏa thuận mới nhất được ký vào tháng 9/2014 về ranh giới trên biển giữa Indonesia và Singapore, 4 tháng trước đó là với Philippines và bước đầu đàm phán với Việt Nam vào tháng 6/2003. Phân định ranh giới trên biển liên quan rất nhiều đến vấn đề kỹ thuật cũng như luật pháp, được điều chỉnh bởi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà hiện có hơn 165 quốc gia trên thế giới phê chuẩn.

Indonesia là quốc gia sớm tham gia ký các thỏa thuận về lãnh hải và có những đóng góp tích cực vào các cuộc đàm phán. Giá trị của Luật biển quốc tế hiện tại, ở một mức độ nào đó, cũng được tạo ra bởi các nhà làm luật người Indonesia. Thiết lập ranh giới trên biển đòi hỏi một cách tiếp cận đa ngành. Chuyên môn pháp lý là cơ bản vì nó được điều chỉnh bởi các công cụ pháp lý quốc tế. Những quy định pháp lý được cụ thể hóa bằng các thuật ngữ kỹ thuật. Chuyên môn trong khảo sát và lập bản đồ hoặc trắc địa là rất cần thiết trong việc chuyển các quy định pháp lý thành thực tế trong lĩnh vực này. Việc đàm phán, phân định lãnh hải cũng tạo thành một giải pháp chính trị. Có thể nói, phân định ranh giới trên biển là một quá trình chính trị.

Sau nửa thế kỷ đấu tranh và nỗ lực để bảo vệ vùng biển, giờ đây làm thế nào để có thể hoàn thiện? Đầu tiên, chính phủ Indonesia cần tuyên bố phân định ranh giới trên biển là ưu tiên hàng đầu. Giới hạn và ranh giới là cơ bản cho quản lý đại dương. Vì Indonesia đang khao khát trở thành một trục biển toàn cầu nên điều này đòi hỏi sự rõ ràng về lãnh thổ và quyền tài phán của quốc gia về không gian đại dương. Làm thế nào để có thể quản lý vùng biển và tài nguyên của mình trong khi chúng ta thậm chí không giải quyết được vấn đề biên giới trên biển với các nước láng giềng? Do đó, ý chí chính trị là bắt buộc.

Thứ hai, nên xem xét việc giao phó cho các đặc phái viên hoặc các tổ chức liên quan cụ thể đến việc phân định ranh giới trên biển. Những người hoặc tổ chức cần phải có một thẩm quyền vững chắc ngoài các vấn đề kỹ thuật và pháp lý. Nhiều chính phủ đã giao cho các đặc phái viên đàm phán phân định ranh giới trên biển với các nước láng giềng. Indonesia từng có một đặc phái viên về phân định ranh giới trên biển với Malaysia. Tuy nhiên, vì đặc phái viên là một người được chỉ định mang yếu tố chính trị, bất kỳ thay đổi nào trong chính trị có thể dễ dàng thay đổi vai trò của đặc phái viên này và có thể làm ảnh hưởng đến quá trình đàm phán.

Thứ ba, để làm được điều này cần có nhiều người được đào tạo tốt trong lĩnh vực đặc biệt này. Indonesia có một chuyên gia và bậc thầy cao cấp, như Hasjim Djalal, một Giáo sư có kinh nghiệm đầu tiên trong việc tạo ra UNCLOS. Một số người đang theo bước của ông nhưng hầu hết các vấn đề đại dương học và luật biển không hẳn là mối quan tâm thực sự của họ. Đối với luật sư, nghiên cứu luật biển quốc tế rõ ràng là kém hấp dẫn về tài chính hơn so với nghiên cứu các lĩnh vực khác. Lĩnh vực khảo sát và lập bản đồ hoặc trắc địa cũng đối mặt với những thách thức tương tự. Do đó, sự can thiệp tích cực từ chính phủ thông qua lĩnh vực giáo dục chưa bao giờ cấp bách hơn.

Cuối cùng, các vấn đề đại dương và luật biển phải đi vào phạm vi phổ biến. Giới thiệu vấn đề này càng sớm càng tốt cho thế hệ trẻ luôn tốt hơn để xây dựng và củng cố văn hóa hàng hải. Với từng bước đi hiệu quả và kịp thời, Indonesia chắc chắn sẽ đạt được tiến bộ. Indonesia sẽ phấn đấu để có thể ký kết việc phân định lãnh hải với tất cả các quốc gia láng giềng, như nhà thơ người Mỹ Robert Frost từng nói “có hàng rào tốt làm cho những người hàng xóm đối xử tốt hơn với nhau”./.

Thực hiện: Đinh Anh