Động thái của các quốc gia
+ Trung Quốc:
Trung Quốc bao biện hoạt động bay thử nghiệm ở Trường Sa. Tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 14/1, về việc cơ quan hàng không dân dụng của Trung Quốc không thông báo thông tin bay cho Cục Hàng không của Việt Nam, đe dọa đến an toàn hàng không, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết: “Do phía Việt Nam cản trở một cách vô cớ, Trung Quốc đã chuyển hoạt động bay thử thành hoạt động bay quốc gia. Trước đó, vào lúc 17h46 ngày 28/12/2015, Trung tâm thông tin hàng không dân dụng Trung Quốc đã thông báo cho cơ quan quản lý bay FIR Hồ Chí Minh của Việt Nam về kế hoạch, hành trình tuyến bay và các thông tin kỹ thuật liên quan của hoạt động này. Tôi xin tái khẳng định, hoạt động bay thử tại sân bay mới xây trên Đá Chữ Thập hoàn toàn phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế”. Trước đó hôm 11/1, ông Hồng tuyên bố: “Theo quy định của luật pháp quốc tế, các hoạt động bay quốc gia, không bị ràng buộc bởi Công ước về hàng không dân dụng thế giới, các quy định có liên quan của ICAO, là hoạt động mà một quốc gia có chủ quyền được phép tiến hành. Đáng tiếc Việt Nam đã không nhìn nhận mặt chuyên môn và dân sự trong hoạt động bay thử nghiệm của Trung Quốc vì các lợi ích công khi tiếp tục ngăn cản các hoạt động bình thường của Trung Quốc. Về việc Philippines gửi công hàm phản đối Trung Quốc tiến hành bay thử nghiệm, ông Hồng hôm 13/1 tuyên bố: “Các chuyến bay của Trung Quốc từ đảo Hải Nam ra Đá Chữ Thập thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Những cáo buộc của Philippines mang các động cơ ngầm và không đáng để phản biện.”
Trung Quốc ngang nhiên đưa du khách ra Trường Sa. Máy bay của hãng Hainan Airlines, Trung Quốc hôm 15/11 đã chở một nhóm du khách hạ cánh xuống đá Chữ Thập. Những người này được cho là thân nhân của binh lính đồn trú trái phép đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở Trường Sa. Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 2/1 và 7/1 trao công hàm cho Trung Quốc, phản đối hoạt động đưa máy bay ra đá Chữ Thập và ngày 14/01/2016, Liên hợp quốc đã cho lưu hành 02 công hàm này như tài liệu chính thức của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 70.
Đài Loan kêu gọi tự do hàng hải ở Biển Đông. Lãnh đạo đắc cử của Đài Loan Thái Anh Văn ngày 16/1 đã kêu gọi sự tự do hàng hải ở Biển Đông và một giải pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp trên vùng biển này. Bà Thái Anh Văn cũng cho biết Đài Loan sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ với Nhật Bản. Theo bà Thái, “Người dân Đài Loan đã lựa chọn một chính phủ sẽ bảo vệ chủ quyền của Đài Loan. Hệ thống dân chủ, bản sắc quốc gia và không gian quốc tế phải được tôn trọng.”
+ Việt Nam:
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt việc bay ra đá Chữ Thập. Về nội dung phát biểu Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 11/1/2016 liên quan đến việc Trung Quốc thử nghiệm bay ra đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình ngày 12/1, nêu rõ: “Việt Nam kiên quyết bác bỏ các quan điểm sai trái trong phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 11/1/2016. Liên quan đến hoạt động bay của Trung Quốc, như đại diện Cục Hàng không Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, cơ quan quản lý FIR Hồ Chí Minh của Việt Nam không hề nhận được bất kỳ thông báo nào của Trung Quốc về kế hoạch bay như họ nói. Vào ngày 30/12/2015, khi đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội thông báo cho đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam về việc Trung Quốc sẽ sử dụng tàu bay dân sự thực hiện các chuyến bay ra đá Chữ Thập, Việt Nam đã ngay lập tức phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ hành động này.” Mặt khác, việc Trung Quốc cho máy bay bay ra đá Chữ Thập cho dù là dưới bất kỳ danh nghĩa nào với cách làm như vừa qua cũng đều ảnh hưởng đến an ninh an toàn tự do hàng không ở Biển Đông; đi ngược lại các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Chicago năm 1944 về Hàng không dân dụng và các Phụ lục liên quan đến Quy tắc bay qua vùng trời quốc tế, đặc biệt là Phụ lục 2 và Phụ lục 11.
Cục Hàng không Việt Nam bác bỏ tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Cục Hàng không Việt Nam hôm 12/1 khẳng định Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong cuộc họp báo hôm 11/1 đã đưa ra nhiều lập luận sai trái và nguy hiểm, uy hiếp đến hoạt động bình thường và an toàn hàng không tại Biển Đông. Theo đó, việc Trung Quốc tuyên bố “các chuyến bay thử của Trung Quốc tới sân bay mới xây dựng trên đá Chữ Thập là hoạt động hoàn toàn nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc” là cố tình khẳng định toàn bộ hành lang bay từ Đảo Hải Nam qua Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh đến bãi Chữ Thập thuộc vùng trời chủ quyền của Trung Quốc. Về việc Đại sứ quán Trung Quốc nói rằng đã gửi thông báo tới phía Việt Nam về các chuyến bay nói trên, Cục Hàng không Việt Nam và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã tổ chức kiểm tra công văn, điện văn, fax, e-mail, điện tín... tại tất cả các cơ quan, đơn vị có địa chỉ liên quan đã được công bố trong Tập thông báo tin tức hàng không Việt Nam (AIP) và liên lạc trực thoại của các cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu liên quan của Việt Nam từ 0 giờ 00 ngày 28/12 đến ngày 29/12/2015 (trong đó kiểm tra hơn 19.000 điện văn hàng không), nhưng hoàn toàn không nhận được bất cứ thông báo nào như phía Trung Quốc tuyên bố. Ngoài ra, Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, việc thông báo của cơ quan ngoại giao Trung Quốc cho cơ quan ngoại giao Việt Nam không thể thay thế cho việc thông báo bay và thiết lập liên lạc thoại trong vùng trời có kiểm soát với cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu theo quy trình hàng không để đảm bảo an toàn và điều hòa cho các hoạt động bay. Chiều 15/1, Cục Hàng không Việt Nam phát đi tuyên bố trong đó tiếp tục khẳng định, Cục không nhận được bất cứ thông báo nào của Trung tâm bay hiệu chuẩn của Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc.
Điều tra vụ tàu cá Bình Định bị tàu lạ đâm chìm ở Biển Đông. Ngày 13/1, về việc tàu cá của tỉnh Bình Định bị đâm chìm ngày 9/1 vừa qua, Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Lý Quốc Tuấn cho biết: “Dù trong bất kỳ tình huống nào, việc tàu của bất cứ nước nào gây ra vụ việc trên mà bỏ đi, không tổ chức cứu nạn cho thường dân là đáng lên án, kể cả từ góc độ pháp lý lẫn nhân đạo. Đây là đường hàng hải quốc tế đông đúc, do vậy, đề nghị ngư dân Việt Nam trong khi làm ăn trên biển cần hết sức cảnh giác, đề phòng các trường hợp tương tự xảy ra”.
Việt Nam đề nghị ICAO chỉnh sửa bản đồ có chữ “Tam Sa”. Về việc tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đăng bản đồ hàng không về FIR Tam Á trong đó có ghi dòng chữ tiếng Trung “thành phố Tam Sa – Trung Quốc” và có biểu tượng sân bay trên bãi đá Chữ Thập với dòng chữ tiếng Anh “Sân bay Vĩnh Thử - Tam Sa”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình ngày 15/1 nhấn mạnh: “Việt Nam đã nhiều lần phát biểu phản đối việc Trung Quốc thiết lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa, sân bay trên các đảo này…Liên quan đến các bản đồ về FIR Tam Á đăng trên mạng của ICAO, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã có công thư gửi ICAO khẳng định rõ chủ quyền của Việt Nam, lưu ý việc Trung Quốc mở đường bay ra đá Chữ Thập đã vi phạm các quy định của ICAO về an toàn hàng không. Việt Nam quan ngại sâu sắc trước những sự việc này; đồng thời đề nghị ICAO chỉnh sửa lại bản đồ hàng không về FIR Tam Á cho phù hợp”.
+ Philippines:
Tòa án Tối cao Philippines ủng hộ thỏa thuận quân sự với Mỹ. Phát ngôn viên Tòa án Tối cao Philippines ông Theodore Te cho biết ngày 12/1, tòa trên đã ra phán quyết khẳng định rằng Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) giữa Philippines với Mỹ là hợp hiến. Theo ông Theodore Te, tòa án gồm 15 thành viên này đã ra phán tuyết với tỷ lệ ủng hộ 10/4. Thỏa thuận EDCA hai nước được ký năm 2014 nhưng chưa được thực hiện do những cản trở pháp lý. Trong khi đó ngày 13/1, Người phát ngôn quân đội Philippines Đại tá Restituto Padilla cho biết nước này đã đề xuất để Mỹ sử dụng 8 căn cứ, qua đó Washington có thể xây dựng các cơ sở làm kho trang thiết bị và quân nhu. Ba trong số những căn cứ này gồm sân bay Clark (căn cứ trước đây của không quân Mỹ) và 2 căn cứ còn lại nằm trên hòn đảo phía Tây Palawan, gần Biển Đông.
Philippines đề nghị tuần tra chung với Mỹ trên Biển Đông. Phát biểu với báo giới hôm 14/11, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines ông Peter Paul Galvez cho hay, “Chúng ta cần phải tăng cường sự hiện diện mang tính phối hợp tại Biển Đông. Do đó, bên cạnh các chiến dịch thực hiện quyền tự do đi lại của Mỹ, chúng tôi đã đề xuất hai bên cùng nhau tuần tra khu vực.” Người phát ngôn Peter Paul Galvez cũng cho biết, “Mỹ đã nhấn mạnh rằng sẽ không cho phép Trung Quốc kiểm soát Biển Đông. Mỹ cam kết duy trì sự hiện diện ở Biển Đông bao gồm hải quân, không quân, lực lượng tàu ngầm và lực lượng đặc biệt”.
Philippines phản đối các chuyến bay của Trung Quốc ở Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose ngày 13/1 cho biết Manila vừa chính thức trao công hàm phản đối các chuyến bay thử nghiệm của Trung Quốc tới đường băng mà Bắc Kinh xây dựng trên Đá Chữ Thập. Theo ông Charles Jose, “Hoạt động bay thử nghiệm này là hành động khiêu khích, ảnh hưởng tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Nó làm gia tăng cẳng thẳng và lo ngại trong khu vực, đồng thời vi phạm nội dung và tinh thần của Tuyên bố DOC ở Biển Đông.”
+ Malaysia:
Malaysia lên án Trung Quốc bay thử nghiệm tại đá Chữ Thập. Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Anifah Aman hôm 11/1 cho rằng việc Trung Quốc tiến hành các chuyến bay thử nghiệm ra đá Chữ Thập làm gia tăng căng thẳng và gây khó khăn cho việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông do sự xói mòn lòng tin giữa các nước. Ông Anifah nhấn mạnh điều quan trọng đối với tất cả các bên là tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS năm 1982 và DOC ở Biển Đông. Tất cả các bên phải tìm cách nâng cao sự hiểu biết chung, tăng cường lòng tin và tránh bất kỳ hoạt động nào có thể làm gia tăng căng thẳng.
+ Mỹ:
Mỹ khẳng định tầm quan trọng của TPP. Trong thông điệp liên bang cuối cùng trong nhiệm kỳ, Tổng thống Barack Obama đã hối thúc quốc hội Mỹ thông qua Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, “Với TPP, Trung Quốc không thể đặt ra các quy tắc riêng cho khu vực, nhưng chúng ta có thể. Các ngài có muốn thể hiện sức mạnh của nước Mỹ trong thế kỷ này? Vậy hãy thông qua hiệp định này. Cho chúng tôi công cụ để thực thi nó”. Ông Obama nhấn mạnh: “Vai trò lãnh đạo của Mỹ trong thế kỷ 21 không phải là sự lựa chọn giữa việc nên hay không nên bỏ mặc phần còn lại của thế giới - trừ khi chúng ta tiêu diệt những kẻ khủng bố; hay chiếm đóng và tái thiết bất kỳ xã hội nào đang tan vỡ. Lãnh đạo có nghĩa là sử dụng sức mạnh quân sự một cách khôn ngoan và tập hợp thế giới đằng sau những sự nghiệp chính nghĩa. Nó đồng nghĩa với việc coi viện trợ nước ngoài là một phần của an ninh quốc gia chúng ta chứ không phải việc làm từ thiện.”
+ Nhật Bản:
Máy bay tuần tra P-3C của Nhật Bản sẽ thăm các nước quanh Biển Đông. Bộ Quốc phòng và Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã quyết định máy bay tuần tra P-3C của Nhật Bản sau khi kết thúc hoạt động chống hải tặc ở ngoài khơi Somalia sẽ hạ cánh xuống căn cứ của các nước xung quanh khu vực Biển Đông, trong đó có Philippines và Việt Nam. Máy bay Nhật Bản sẽ tham gia vào các hoạt động trao đổi quốc phòng tại các địa điểm đến thăm.
Quan hệ các nước
Mỹ - Philippines quan ngại về việc Trung Quốc bay thử nghiệm ở Trường Sa. Các Bộ trưởng quốc phòng - Ngoại giao của hai nước đã hội đàm tại Washington hôm 12/1, nhằm thảo luận về các vấn đề an ninh, thương mại và Biển Đông. Tuyên bố chung sau cuộc gặp khẳng định, “Các Bộ trưởng nhấn mạnh tất cả các bên cần kiềm chế hành động đơn phương và khiêu khích nhằm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, đồng thời lưu ý rằng phát quyết của Tòa trọng tài của Liên Hợp Quốc sẽ mang tính bắt buộc về pháp lý đối với cả Trung Quốc và Philippines. Đặc biệt, các Bộ trưởng cũng bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc tiến hành những chuyến bay thử nghiệm ra Đá Chữ Thập, bởi điều này làm gia tăng căng thẳng và đi ngược lại với cam kết của khu vực là kiềm chế hành động làm phức tạp và leo thang căng thẳng.”
Việt Nam - Thái Lan tăng cường hợp tác chống đánh bắt cá trái phép. Trong chuyến thăm và làm việc tại Thái Lan từ ngày 10 đến 14/1, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám đã có cuộc hội đàm với Phó Bí thư thường trực Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan Sakchai Sriboonsue. Hai bên nhất trí sớm hoàn tất thủ tục nội bộ, báo cáo bộ trưởng nông nghiệp hai nước tiến tới ký thỏa thuận thiết lập đường dây nóng trong hoạt động nghề cá giữa hai nước trong quý I/2016. Tại buổi làm việc với Tổng cục Thủy sản Thái Lan, hai bên cũng thống nhất cần sớm hoàn tất để có thể ký kết thỏa thuận thiết lập đường dây nóng trong hoạt động nghề cá hai nước.
Ấn Độ - Nhật Bản tập trận chung trên biển. Tàu chiến và máy bay của Lực lượng bảo vệ bờ biển hai nước ngày 15/1 đã bắt đầu cuộc tập trận chung mang tên Sahyog-Kaijin lần thứ 15 ở vịnh Bengal, ngoài khơi bờ biển Chennai, Ấn Độ. Phát biểu với báo giới, Phó Đô đốc Ấn Độ H.C.S Bisht cho biết cuộc tập trận lần này nhằm điều chỉnh khả năng phối hợp giữa hai lực lượng. Về phần mình, Phó Đô đốc Nhật Bản Hideyo Hanamizu hy vọng cuộc tập trận này trong tương lai sẽ không chỉ được mở rộng mà còn đi vào chiều sâu hơn.
Phân tích và đánh giá
“Những rủi ro hàng không không cần thiết” (bài xã luận đăng trên Bangkok Post)
Với tất cả các yêu sách chủ quyền đối với hầu như toàn bộ Biển Đông, Trung Quốc phải chịu trách nhiệm đối với việc gây ra và làm tiếp diễn các cuộc xung đột không cần thiết và thực sự nguy hiểm; Bắc Kinh nên xuống thang để ngăn chặn một thảm kịch có thể xảy bằng cách hành động phù hợp với lý lẽ hơn.
Mối nguy hiểm hiện hữu trước mắt là các chuyến bay từ lãnh thổ Trung Quốc trên đảo Hải Nam đến khu vực mới thâu tóm được trên quần đảo Trường Sa. Đây là một động thái hết sức nguy hiểm khi nhà chức trách Bắc Kinh coi các chuyến bay này là đường bay nội địa. Không quân và các hãng hàng không dân sự Trung Quốc đang vận hành các chuyến bay qua lại trên Biển Đông mà không có thông báo nào. Điều này thực sự tạo ra tình huống nguy hiểm chết người. Ngày 9/1, Việt Nam đã đệ đơn khiếu nại. Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam (CAAV) tuyên bố một cách hoàn toàn đúng đắn rằng, các chuyến bay của Trung Quốc “đe dọa an toàn của tất cả các chuyến bay trong khu vực”. Việt Nam đã chính thức đến khiếu nại đối với Bắc Kinh và với Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế của Liên Hợp Quốc (ICAO). Philippines còn đi xa hơn. Ngoại trưởng Albert del Rosario cho biết ông sẽ đưa vấn đề an toàn hàng không ra ASEAN, đồng thời bày tỏ lo ngại của Manila về việc Trung Quốc có thể đang xem xét tuyên bố ADIZ trên Biển Đông.
Quan điểm của Trung Quốc là dễ hiểu, nhưng không thể chấp nhận. Với những chứng cứ lịch sử không rõ ràng, Bắc Kinh vẫn tuyên bố có chủ quyền đầy đủ. Trung Quốc chuyển các bản đồ tới cộng đồng quốc tế, trong đó tuyên bố chủ quyền đối với các nhóm đảo như quần đảo Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa. Hơn nữa, Trung Quốc còn tuyên bố chủ quyền đối với gần toàn bộ Biển Đông, trong đó khu vực tuyên bố chủ quyền chạm tới đường 12 hải lý của Philippines, Malaysia, Indonesia và Việt Nam.
Trung Quốc đã gây ra căng thẳng trong tranh chấp hiện nay cũng như làm phát sinh rủi ro an toàn hàng không trên vùng trời quần đảo Trường Sa chỉ để củng cố yêu sách chủ quyền của mình. Đó là cách làm sai lầm. Đó là một quyết định khủng khiếp của Trung Quốc và phải được thay đổi ngay lập tức. Ít nhất Trung Quốc cũng phải đồng ý xuống thang để bảo đảm tốt nhất cho an toàn hàng không. Không một nước nào trong khu vực không nỗ lực làm vậy. Đây là chính là tình huống mà Cộng đồng ASEAN mới phải thể hiện được ý chí và khả năng hành động. ASEAN cần tiếp cận Trung Quốc với tư cách cả khối, buộc Bắc Kinh phải tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn hàng không phù hợp.
“Nhật Bản sẽ đẩy mạnh can dự mạnh mẽ hơn nữa trong tranh chấp Biển Đông”
Chưa đầy hai tuần đầu năm, một căng thẳng ngoại giao mới trong vấn đề Biển Đông lại thu hút sự chú ý. Lần này là việc Nhật Bản chuyển hướng máy bay tuần tra giám sát (vốn trước đó tuần tra chống cướp biển tại Châu Phi) tới các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Động thái này chắc chắn sẽ gây phản ứng từ Bắc Kinh. Điều đáng chú ý là các trạm tiếp nhiên liệu được hình thành từ kết quả của hàng loạt hội nghị quốc phòng cấp cao giữa Nhật Bản với các quốc gia tranh chấp được tổ chức năm 2015. Nói cách khác, quyết định này được tính toán kỹ lưỡng trước khi thực hiện.
Việc Trung Quốc quan ngại là hoàn toàn có thể hiểu được. Máy bay tuần tra P-3 được trang bị hệ thống giám sát hiện đại như rada do thám, loại được thiết kế truy tìm các mục tiêu có kích thước rất nhỏ như kính viễn vọng của tàu ngầm. Nhật Bản đã tuyên bố rất rõ ràng rằng, các trạm tiếp nhiên liệu từ các quốc gia không phải là căn cứ thường trực của P-3 và Nhật Bản cũng không có nghĩa vụ phải chia sẻ thông tin do thám cho các quốc gia liên quan.
Trên thực tế, về hình thức thì việc chuyển hướng tuần tra này chỉ là một bước đi khiêm tốn của Nhật Bản. Nhiều nhà quan sát tin rằng Tokyo thực sự đã chuẩn bị cho hoạt động tuần tra chung với Mỹ sau khi Quốc hội Nhật thông qua việc cải cách quốc phòng vào tháng 9/2015 vốn bị trì hoãn từ rất lâu. Tuy nhiên, những đánh giá này có lẽ đặt kỳ vọng quá lớn và quá sớm. Việc thông qua sửa đổi an ninh là bước đi chính trị đầy khó khăn của thủ tướng Abe và đàng cẩm quyền Dân chủ Tự do (LDP) của ông. Với ý định tập trung vào các mục tiêu chính, LDP biết rõ là thực sự không nên làm ảnh hưởng đến uy tín của mình trước cuộc bầu cử ở thượng viện vào mùa hè này bằng những động thái triển khai quân sự quá quyết đoán. Ngoài vấn đề chính trị trong nước, Nhật Bản cũng phải kiểm soát các vấn đề nhạy cảm đối với các quốc gia đối tác của mình, đó chính là quá khứ về sự chiếm đóng của Nhật Bản trong Thế chiến 2.
Một khi các trạm tiếp nhiên liệu cho Nhật Bản được thiết lập, Trung Quốc chắc chắc sẽ phản đối và cáo buộc Nhật Bản làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông. Do dó Bắc Kinh có thể sẽ tăng gấp đôi nỗ lực phát triển cơ sở dân sự và quân sự trên các thực thể tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Lúc này Trung Quốc có thể sẽ phản ứng mạnh mẽ hơn rất nhiều trước việc Nhật Bản đang dần vượt qua các rào cản về chính trị và hoạt động để thiết lập sự hiện diện của mình ở Biển Đông.
Việc Nhật Bản muốn đóng vai trò quân sự tích cực hơn nữa ở Thái Bình Dương thực sự là không có lựa chọn nào khác. Tuy nhiên để làm điều này Tokyo cần cần quốc gia đối tác phải sẵn sàng hỗ trợ. Nói một cách an toàn thì Nhật Bản sẽ không cố “lao tâm” thay đổi kế hoạch tuần tra của mình chỉ để có thêm một số trạm tiếp nhiên liệu trong thập kỷ tới. Bắt đầu bằng những chuyến thăm khiêm tốn, Nhật Bản hy vọng sẽ đặt nền móng cho sự hiện diện bền vững và lớn hơn ở khu vực. Và Trung Quốc quan ngại là điều hiển nhiên.
“Malaysia thực hiện ‘chính sách an toàn’ trong vấn đề Biển Đông” - World Politics Review
Trong bài phỏng vấn qua email, biên tập viên tờ The Diplomat Prashanth Parameswaran đã bình luận về chính sách của Malaysia trong việc bảo vệ yêu sách của nước này ở Biển Đông.
Yêu sách của Malaysia ở Biển Đông là gì? Yêu sách đó chồng lấn hay xung đột với quốc gia nào khác ở Biển Đông?
Ở Biển Đông, Malaysia yêu sách 11 thực thể ở quần đảo Trường Sa và vấn đề lớn nhất đối với Malaysia là tham vọng về đường 9 đoạn của Trung Quốc.
Chiến lược mà Malaysia theo đuổi ở Biển Đông là gì? Song phương, đa phương hay pháp lý?
Những năm gần đây, Malaysia thực hiện “chính sách an toàn” đối với vấn đề Biển Đông: họ tin vào khả năng bảo vệ yêu sách của mình nhưng lại thực hiện theo cách thức không làm xói mòn tổng thể mối quan hệ song phương, ổn định khu vực và luật pháp quốc tế. Trong cách tiếp cận này, Malaysia theo đuổi chính sách tổng hợp về ngoại giao, kinh tế, pháp lý và các sáng kiến an ninh.
Về ngoại giao thì đó khéo léo kiểm soát vấn đề Biển Đông thông qua việc bày tỏ quan ngại một cách kín đáo thay vì công khai chỉ trích. Song song với đó, Malaysia thể hiện mình sẵn sàng gạt vấn đề tranh chấp để phục vụ lợi ích kinh tế, như đã từng thực hiện với Brunei về phát triển khí gas và dầu vào 3/2009.
Về đa phương, Malaysia thực hiện một cách kín đáo nhằm đảm bảo duy trì sự đoàn kết ở mức độ cơ bản của ASEAN về vấn đề Biển Đông và thúc đẩy sớm hình thành COC.
Về an ninh, Malaysia tăng cường năng lực hải quân và thúc đẩy hợp tác quốc phòng với các quốc gia như Mỹ nhằm đối phó với các mối đe dọa, trong đó có cả vấn đề Biển Đông.
Về pháp lý, Malaysia cũng không hề ngần ngại trong việc bảo vệ yêu sách của mình, bằng chứng là bản đệ trình chung với Việt Nam năm 2009.
Với việc Trung Quốc ngày càng quyết đoán, cách tiếp cận của Malaysia về Biển Đông sẽ thay đổi như thế nào? Những tranh chấp ở Biển Đông sẽ ảnh hưởng đến khu vực và các mối quan hệ quốc tế của Malaysia ra sao?
Một mặt, cách tiếp cận tổng thể của Malaysia đối với Biển Đông cho đến giờ vẫn không thay đổi. Trong một vài năm qua, dù Trung Quốc ngày càng liều lĩnh và thường xuyên xâp phạm vùng biển của Malaysia, chính quyền thủ tướng Najib Razak vẫn tiếp tục tin tưởng rằng Malaysia có thể bảo vệ đường yêu sách của mình đồng thời cũng vẫn sẽ thắt chặt hơn mối quan hệ với Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của nước này.
Dù sao thì chúng ta vẫn nhận thấy có sự điều chỉnh và thay đổi trong cách tiếp cận này. Quan chức Malaysia đã ngày càng công khai thể hiện sự chỉ trích của mình đối với Trung Quốc. Trong nước, Malaysia nỗ lực tăng cường năng lực hải quân và lực lượng bảo vệ bở biển. Ở bên ngoài, Malaysia tăng cường thảo luận với các quốc gia yêu sách khác và âm thầm ủng hộ sự hiện diện mạnh mẽ hơn nữa của Mỹ trong khu vực.
“Thời khắc quan trọng đối với vụ kiện ở Biển Đông” của Ernest Z. Bower & Conor Cronin
Thời điểm Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) đưa ra phán quyết đối với vụ Philippines kiện đường 9 đoạn của Trung Quốc mang ý nghĩa địa chính trị rất sâu sắc đối với an ninh Châu Á. Nếu phán quyết được đưa ra trước bầu cử tổng thống Philippines vào tháng 5, điều này cho phép chính quyền ông Aquino có được hành động mang tính chiến lược và tiếp tục theo đuổi vụ việc dù kết quả có như thế nào. Nếu phán quyết đưa ra sau tháng 5, điều này sẽ gây ra một tình thế mang tính may rủi khi đặt ban lãnh đạo mới của Philippines tiếp quản vụ kiện này.
Cuộc khảo sát vào tháng 12/2015 của Social Weather Stations và Pulse Asia đã chứng kiến sự trở lại mạnh mẽ của đương kim phó tổng thống Jejoomar Binay. Nếu trở thành tổng thống, ông Biney có thể sẽ thay đổi các chính sách hiện nay của chính quyền Aquino. Sau khi từ chức vào tháng 6/2015, ông Binay đã công khai chỉ trích chính quyền Aquino và chủ đề đầu tiên là chỉ chích tổng thống trong việc xử lý mối quan hệ với Trung Quốc. Dù công khai khẳng định sẽ theo đuổi vụ kiện nhưng thật khó để ông Binay vừa theo đuổi một phán quyết có lợi cho Manila đồng thời lại vừa “ve vãn” Bắc Kinh. Trong một cuộc phỏng vấn trước khi từ chức, ông Binay nêu quan điểm thúc đẩy mối quan hệ gần gũi hơn nữa với Trung Quốc, kêu gọi giải quyết song phương tranh chấp và thậm chí là khai thác chung tài nguyên ở Biển Đông. Từng là nhà doanh nhân nên ông cho rằng “Trung Quốc có tiền, [Philippines] thì cần vốn”.
Trong khi đó, các ứng cử viên khác cũng cân nhắc đến việc theo đuổi vụ kiện nhưng đưa ra những phản ứng không đồng nhất trong việc ủng hộ sự hiện diện và tăng cường mối quan hệ với Mỹ cũng như quan điểm về hành vi và mối quan hệ với Trung Quốc. Grace Poe và Mar Roxas là hai ứng cử viên dường như sẽ tiếp tục chính sách của ông Aquino và theo đuổi vụ kiện. Bà Poe, dù độc lập nhưng gắn chặt với đảng Tự do (của ông Aquino). Roxas thì vốn từ lâu là thành viên của đảng Tự do và liên tục ủng hộ cách tiếp cận của ông Aquino đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, khả năng trụ lại trong cuộc đua của bà Poe dường như là rất khó khi bà bị Ủy ban Bầu cử truất tư cách tranh cử của bà. Còn Roxas thì chỉ đứng ở vị trí trung bình trong cuộc thăm dò hồi tháng 12 vừa qua.
Nếu như khi phán quyết được đưa ra và chính quyền mới của Philippines bỏ qua phán quyết và theo đuổi đàm phán song phương với Trung Quốc, điều này sẽ làm giảm nhiệt huyết của các quốc gia nhỏ muốn dựa vào tòa án và luật quốc tế. Nếu như Philippines vẫn tiếp tục theo đuổi vụ kiện thì tại sao Việt Nam hay Malaysia cần phải theo đuổi biện pháp này trong tương lai? Vì khi các biện pháp giải quyết tranh chấp công bằng khác không còn, các quốc gia sẽ ngày càng chuyển sang việc xây dựng quân đội để bảo vệ lợi ích của mình bằng vũ lực.
Trong ngắn hạn, việc thực thi phán quyết của tòa mang lại ý nghĩa quan trọng về mặt luật quốc tế đối với lợi ích của Philippines. Để đảm bảo cho việc thực hiện điều này, điều quan trọng là tổng thống Aquino cần có đủ thời gian để hình thành phương thức phản ứng đối với phán quyết của tòa.
“Tàu thân trắng của Trung Quốc – Thách thức đối với vấn đề Biển Đông” của Koh Swee Lean Collin
Đối với tranh chấp biển ở Hoa Đông và Biển Đông, trong khi thế giới vẫn đang tập trung sự chú ý vào vấn đề phát triển hải quân, thì cuộc cạnh tranh phát triển CMLE giữa các quốc gia tranh chấp đang ngày một gia tăng.
“Tàu khổng lồ” sẽ xuất hiện ở Biển Đông?
Khác với tàu của PLA, theo quy định, tàu của CCG không ghi tên và đặc điểm là được đánh số trên tàu (với tên tổ chức phía trước, chẳng hạn Hải giám 3910), chúng thể hiện rõ đặc điểm về kỹ thuật, địa phương/đơn vị quản lý tàu. Số tàu thường có 4 hoặc 5 số và có thể thể hiện sực khác nhau về chức năng, cụ thể là về lý do hoạt động an ninh.
Với những tàu có 4 số, thì số đầu tiên luôn thể hiện ba đơn vị: số 1 biểu thị cho đơn vị Biển Bắc, số 2 là Hoa Đông và số 3 là Biển Đông. Với tàu có 5 chữ số thì 2 số đầu thể hiện cho địa phương quản lý, chẳng hạn tàu 3129 thì số 31 là Thượng Hải, nơi tàu trú đậu. Hai số tiếp theo là trọng lượng rẽ nước của tàu, chẳng hạn số 0 thì trọng lượng rẽ nước là dưới 1.000 tấn. Hai số cuối cùng biểu thị cho đơn vị hoặc tàu trước đó được chuyển sang nhiệm vụ khác, chẳng hản tàu Hải giám 31239 thì hai số cuối 39 trước đó là tàu hải quân với mã số là 539.
Ở Biển Đông, tàu Hải giám 3901 cho đến hiện tại là còn tàu lớn nhất của CCG thuộc đơn vị Biển Đông. Con tàu này lấn át hoàn toàn so với các loại tàu CMLE của các quốc gia yêu sách khác.
“Tàu thân trắng” gây bất ổn khu vực?
Điều khiến cho tàu “thân trắng” không làm gia tăng bất ổn so với tàu “thân xám” (hải quân) là chúng thiếu trang bị vũ khí tấn công. Tuy nhiên một số lực lượng của CMLE lại có thể đóng vai trò thứ cấp trong thời chiến và được trang bị các loại vũ khí tấn công như tên lửa chống tàu.
Trung Quốc có lợi thế gần như không thể so sánh khi có nguồn tài chính lớn để phát triển các loại tàu. Bên cạnh việc tiếp nhận những tàu cũ chuyển đổi từ PLAN, CCG cũng đang đóng những chiếc tàu tuần tra xa bờ (OPV) mới với chất lượng tốt hơn, kích thước lớn hơn. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tận dụng được lợi thế nhân công và chi phí giá rẻ của mình. Có nhiều dấu hiệu cho thấy rằng, giống như PLAN, CCG cũng đang tiêu chuân hóa thiết kế đại trà để đẩy nhanh sản xuất.
Tương lai CCG ở Biển Đông
Nếu Trung Quốc đẩy mạnh sản xuất tàu diễn ra, CCG sẽ là mối quan ngại rất lớn. Tàu “thân trắng” của Trung Quốc vốn đã từng đóng vai trò chính trong hầu hết các hoạt động chấp pháp hung hăng ở Biển Đông.
Quy mô và sức mạnh của những con tàu đã được thể hiện trong các cuộc va đâm giữa CCG và các quốc gia tranh chấp khác, chẳng hạn như với Việt Nam và Philippines. Trong tương lai, tàu Hải giám 3901 sẽ được sử dụng trong bất kỳ tình huống xung đột nào với các quốc gia nhỏ hơn. Dưới vỏ bọc “chấp pháp dân sự”, các tàu của CCG thậm chí còn thách thức cả lực lượng hải quân các quốc gia khác bởi thỏa thuận Chống và đâm Bất ngờ trên biển(CUES) không áp dụng cho các lực lượng CMLE./.