Biển Đông đang nằm trong tâm điểm của vòng xoáy cạnh tranh địa chiến lược, địa quân sự, địa kinh tế, địa chính trị do vùng biển này hội tụ nhiều nhân tố quan trọng liên quan tới giao thông đường biển, đường không, kinh tế biển, vận tải quân sự và hợp tác quốc tế. Biển Đông cũng là nơi giao nhau về lợi ích của một số nước lớn trên thế giới như Mỹ, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ Australia và cận kề với một số nền kinh tế năng động tốc độ phát triển nhanh như Việt Nam, Malaysia, Indosesia, Philippines và Singapore. Biển Đông trong năm 2019 đã có những diễn biến phức tạp khi Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác bất chấp các quy định của luật pháp quốc tế. Dự báo, trong năm 2020 và những năm tiếp theo tình hình ở Biển Đông sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp do cạnh tranh giữa các nước lớn sẽ ngày càng gay gắt.

Những động thái của Trung Quốc

Năm 2018, tình hình Biển Đông không có quá nhiều biến động lớn. Trung Quốc nhiều lần triển khai máy bay ném bom H-6K hạ cánh xuống đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, xây dựng thêm cấu trúc quân sự mới phi pháp trên Đá Bông Bay thuộc nhóm đảo An Vĩnh, quần đảo Hoàng Sa. Trong khi đó, Mỹ và các nước đồng minh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải và hàng không quốc tế. Mục đích của các cuộc tuần tra nhằm hướng đến ngăn chặn mưu đồ phong tỏa đường biển, hạn chế tiếp cận các vùng biển.

Năm 2019, Trung Quốc bước vào giai đoạn sử dụng một số đảo nhân tạo ở huyện đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Nhà nước Việt Nam nhằm phục vụ cho mục đích huấn luyện, diễn tập quân sự. Trong đó đặc biệt phải kể đến việc Trung Quốc nâng cấp cầu cảng ở đá Chữ Thập thành cảng cung ứng dịch vụ hậu cần, quân sự. Trung Quốc cũng nhiều lần điều máy bay vận tải quân sự tới đá Vành Khăn, lắp đặt thiết bị gây nhiễu tiên tiến trên đá Vành Khăn và đá Chữ Thập, triển khai tên lửa đối không cùng tên lửa hành trình diệt hạm trên một số đảo nhân tạo phi pháp ở cả quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Nhà nước Việt Nam. Trung Quốc tiếp tục đưa tàu hải quân đến Trường Sa và cho các tàu của lực lượng dân quân biển hiện diện ở khu vực vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Từ ngày 04/07/2019-24/10/2019, Trung Quốc đã triển khai tàu HD-8 và nhóm tàu bảo vệ, xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.[1]

Về mặt quân sự: Trong năm 2019, Trung Quốc chủ yếu tập trung vào việc sử dụng 7 đảo đá đã được quân sự hóa ở quần đảo Trường Sa, như cho máy bay quân sự hạ cánh xuống sân bay ở đá Chữ Thập và tiến hành các hoạt động diễn tập, huấn luyện khác. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng tiếp tục triển khai thêm một số trang thiết bị, khí tài quân sự ra đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đồng thời tiến hành nhiều cuộc tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông. Trong đó, có nhiều cuộc tập trận huy động một lượng lớn phương tiện vũ khí cũng như quân nhân tham gia. Hầu hết các cuộc tập trận của Trung Quốc đều diễn ra ở khu vực biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Từ ngày 03/07 - 24/10/2019, tàu khảo sát Hải dương Địa chất 8 (Haiyang Dizhi 8) của Trung Quốc đã vào thăm dò trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông, đi theo bảo vệ tàu này có các tàu cảnh sát biển và các tàu dân quân biển[2]. Việc đẩy mạnh các hoạt động tuần tra, tập trận phi pháp trong khu vực không chỉ đi ngược lại cam kết của Trung Quốc là gìn giữ môi trường hòa bình ở Biển Đông, mà còn vi phạm hiến chương Liên hợp quốc, vi phạm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển quốc tế năm 1982, vi phạm Tuyên bố ứng xử các bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký với ASEAN năm 2002 ở thủ đô PhnomPenh của Campuchia.

Trung Quốc đã biên chế nhiều loại vũ khí khủng ở Biển Đông: Trong năm 2019, Trung Quốc đã hạ thủy và đưa vào hoạt động tàu hàng không mẫu hạm Type 001A, là tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự sản xuất và có thể chở theo 32 chiến đấu cơ J-1. Tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự đóng lẽ ra phải được đưa vào biên chế hải quân từ tháng 4, nhưng giai đoạn thử nghiệm con tàu kéo dài hơn dự kiến, khiến một số nhà quan sát cho rằng nó gặp trục trặc về kỹ thuật[3]. Ngoài ra còn có tàu khu trục 12.000 tấn được trang bị tên lửa dẫn đường, được đánh giá là một trong những chiến hạm đáng gờm nhất trên thế giới và tàu ngầm Type 095, sở hữu hệ thống đẩy không khí độc lập mới- AIP tạo điều kiện để tàu ngầm này duy trì hoạt động dưới mặt nước trong nhiều tháng. Trung Quốc sẽ đưa vào sử dụng một số loại hình máy bay mới như máy bay cảnh báo sớm JK-600, máy bay ném bom chiến lược H-20, máy bay tiêm kích J-20, máy bay vận tải cỡ lớn Y-20, trực thăng Z-20.

Về mặt đối ngoại: Trung Quốc đã tiến thực hiện các hoạt động mang tính chất song phương trong giải quyết vấn đề Biển Đông, nhằm mục đích tránh quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, mặt khác Trung Quốc lại không thực hiện nghiêm túc Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa[4]. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, Chủ tịch Tập Cận Bình đã ký tuyên bố chung Việt - Trung[5], trong đó khẳng định lại hai bên cam kết đảm bảo hòa bình ổn định khu vực. Trong chuyến thăm Hoa Kỳ, đặc biệt, trong cuộc họp báo quốc tế ở nhà trắng, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố rằng Trung Quốc không quân sự hóa Biển Đông[6]. Tuy nhiên, trên thực tế Trung Quốc đã đi ngược lại với điều cam kết của mình. Hành động của Trung Quốc sẽ khiến cộng đồng quốc tế hiểu rõ bản chất âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Điều này không chỉ khiến Trung Quốc đã tự cô lập họ trong khu vực, đặc biệt trong mối quan hệ với các nước ASEAN, mà còn khiến uy tín, danh dự quốc gia của Trung Quốc bị tụt giảm nghiêm trọng.Về mặt khai thác tài nguyên khoáng sản ở Biển Đông: Trung Quốc một mặt đẩy mạnh các hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản, dầu khí ở Biển Đông, bao gồm tiếp tục hỗ trợ, đầu tư cho ngư dân đánh bắt, nuôi trồng hải sản trên biển, nhất là tại các vùng biển tồn tại tranh chấp ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc gọi là Hoàng Nham. Mặt khác, Trung Quốc tiếp tục áp đặt các lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương hàng năm trên biển, đồng thời gia tăng các hoạt động tuần tra, giám sát, bắt giữ, xua đuổi tàu cá các nước khác, vốn hoạt động hợp pháp trong các ngư trường truyền thống của họ. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc hằng năm thường đơn phương ra thông báo ngừng đánh cá từ 12h ngày 01/5 đến 12h ngày 16/8 trên vùng biển từ 12 độ vĩ Bắc đến đường giao giới vùng biển Phúc Kiến - Quảng Đông, kể cả vịnh Bắc Bộ và vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn tiếp tục gia tăng các hoạt động ngăn cản các nước ven Biển Đông hợp tác khai thác dầu khí với nước ngoài.

Về mặt nghiên cứu: Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu về Biển Đông. Nước này đã thành lập thêm các Trung tâm nghiên cứu khoa học tổng hợp về biển cấp quốc gia nhằm mở rộng giao lưu hợp tác biển giữa Trung Quốc và ASEAN, thúc đẩy phát triển kinh tế biển và góp phần xây dựng đại chiến lược Vành đai và con đường. Mặt khác, Trung Quốc cũng dùng chính những hoạt động nghiên cứu khoa học này để bao biện cho các tuyên bố chủ quyền của mình trên Biển Đông.

Ngày 05/12/2019, tại họp báo thường kỳ, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước thông tin Trung Quốc triển khai khinh khí cầu do thám ở đá Vành Khăn, Biển Đông và việc tàu Hải cảnh của Trung Quốc hiện diện ở Biển Đông ngày 29/11/2019, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: Một lần nữa, tôi xin khẳng định: Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử Việt Nam khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Việt Nam đề nghị các bên liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế và có những đóng góp trách nhiệm, xây dựng, duy trì an ninh, an toàn, hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông. Về thông tin liên quan đến việc tàu của Trung Quốc đi vào vùng biển của Việt Nam, chúng tôi sẽ xác minh thông tin này. Tuy nhiên, tôi xin khẳng định: Các lực lượng chức năng của Việt Nam luôn giám sát chặt chẽ mọi hoạt động trên vùng biển của Việt Nam được xác lập phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển -UNCLOS 1982. Mọi hoạt động trên vùng biển của Việt Nam cần tuân thủ các quy định của UNCLOS 1982 và các quy định liên quan của Việt Nam."[7]

Cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động trên thực địa và củng cố chứng cứ pháp lý nhằm khẳng định chủ quyền phi pháp ở Biển Đông, Trung Quốc tiếp tục tuyên truyền về biển đảo một cách nhất quán, thống nhất từ trung ương đến địa phương. Nội dung tuyên truyền của Trung Quốc tiếp tục xoay quanh việc tự bao biện cho cái gọi là “chủ quyền” và hành động phi pháp ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông, tìm cách chỉ trích, đổ lỗi cho các nước khác gây căng thẳng trong khu vực và mua chuộc, lôi kéo, thậm chí là ép buộc các nước ủng hộ Trung Quốc. Bắc Kinh vẫn tập trung sử dụng cơ quan truyền thông đại chúng chẳng hạn như các cơ quan thông tấn, truyền thông và báo chí như Tân Hoa xã, Phượng Hoàng, Hoàn Cầu, Sina, Sohu v.v…, để đưa tin, hình ảnh, bài viết cập nhật về các hoạt động được gọi là “bảo vệ chủ quyền biển đảo” của quân, dân Trung Quốc trong năm 2019. Trong đó, có nhiều trang chính thống và phi chính thống như diễn đàn quân sự, diễn đàn Nam Hải v.v…, chuyên đăng các thông tin liên quan tới Biển Đông nhằm tuyên truyền về vấn đề “chủ quyền”, kích động tinh thần dân tộc và phát tán các thông tin xuyên tạc sự thật khiến người dân Trung Quốc và cộng đồng quốc tế ngộ nhận về “chủ quyền không thể tranh cãi” của Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngư nghiệp, Văn phòng Quốc vụ Viện và Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc tiếp tục là những cơ quan đầu não trong việc tuyên truyền về chủ quyền biển đảo của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc, các Viện nghiên cứu, trường Đại học, hãng phim truyền hình v.v…, sẽ tiếp tục xuất bản nhiều ấn phẩm văn hóa liên quan tới vấn đề Biển Đông, tích cực thông qua các hoạt động du lịch của người dân để tuyền truyền, khẳng định chủ quyền của nước này ở Biển Đông.

Các hoạt động của Mỹ

Trong năm 2019, Mỹ đã thúc đẩy nhiều hoạt động thực tế như tăng cường tuần tra ở Biển Đông nhằm duy trì tự do hàng hải và hàng không quốc tế, gia tăng cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc trong khu vực. Những tuyên bố, hoạt động của Mỹ ở Biển Đông đều được triển khai dựa trên chính sách mới của Chính quyền Tổng thống Donald Trump. Theo đó: Mỹ sẽ thúc đẩy các hoạt động tự do hàng hải, ngoại giao pháp lý, hỗ trợ an ninh trên biển và hỗ trợ các nước ASEAN đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông với Trung Quốc nhằm mục tiêu thực hiện chính sách nhất quán của Mỹ ở Biển Đông và cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc ở vùng biển này. Mỹ đã nhiều lần cho chiến hạm tiến sát một số đảo nhân tạo phi pháp trong các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải.

Dự báo trong năm 2020, Mỹ vẫn tiếp tục chỉ trích các hoạt động phi pháp của Trung Quốc nhằm tăng cường ảnh hưởng và tiến hành quân sự hóa ở Biển Đông. Chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ không lùi bước trước áp lực từ Trung Quốc, hải quân Mỹ sẽ tiếp tục cho máy bay, tàu chiến áp sát đảo nhân đạo phi pháp mà Trung Quốc xây dựng nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Cùng với những hoạt động trên thực địa và tuyên bố ngoại giao, Mỹ sẽ tăng cường quan hệ với các nước đồng minh thân thiết trong khu vực như Nhật Bản, Australia, Philippines, Thái Lan để tìm cách kiềm chế và ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc. Ngoài ra, không loại trừ khả năng Mỹ sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế để yêu cầu Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế, chấm dứt các hoạt động khiêu khích, đe dọa tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

Philippines chưa sử dụng phán quyết của Tòa Trọng tài

Trong chuyến thăm Philippines của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ ngày 20-21/11/2018, Philippines và Trung Quốc đã trao đổi và đạt được nhiều thỏa thuận liên quan tới vấn đề Biển Đông. Trong bức thư ngỏ gửi Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ vài giờ trước khi nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Manila, cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã kêu gọi Chủ tịch Trung Quốc “theo đuổi con đường ôn hòa, lý trí và công bằng” trong việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông[8]. Năm 2019, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã đưa ra nhiều tuyên bố thể hiện mong muốn củng cố quan hệ với Trung Quốc và từng bước thúc đẩy hợp tác khai thác tài nguyên với Bắc Kinh ở Biển Đông. Philippines và Trung Quốc cũng đã tổ chức tham vấn lần thứ 3 về vấn đề Biển Đông. Tính đến thời điểm hiện tại, các vòng tham vấn mới chỉ mang tính chất trao đổi quan điểm của hai nước về vấn đề Biển Đông và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong một số lĩnh vực như ngư nghiệp, dầu khí, bảo vệ môi trường và tăng cường lòng tin chính trị giữa hai nước. Có lẽ cái gọi là bước tiến lớn nhất trong ba vòng đàm phán vừa qua là các công ty của Trung Quốc và Philippines đang trao đổi về khả năng thỏa thuận thăm dò dầu khí tại lô 57 và lô 72 nằm trong vùng biển  ở Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) của Philippines mà Trung Quốc cho rằng còn tranh chấp.

Tiếp bước những gì đã đạt được trong năm 2019, Chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ tiếp tục duy trì chính sách hiện nay đối với vấn đề Biển Đông, trong đó nhấn mạnh vào việc cải thiện quan hệ với Bắc Kinh và tập trung hợp tác khai thác tài nguyên ở Biển Đông.

Thái Lan đã thúc đẩy vấn đề Biển Đông trên cương vị Chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2019

Thái Lan tuy không liên quan trực tiếp tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, song Bangkok có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy giải quyết hòa bình các tranh chấp trong khu vực. Trên cương vị Chủ tịch luân phiên của ASEAN, Thái Lan có những đóng góp quan trọng trong vấn đề Biển Đông.

Trong năm 2019, Thái Lan đã tích cực đóng vai trò trung gian, cùng tìm ra hướng giải quyết thích hợp nhất cho tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông dựa trên một số điểm cơ bản như: (i). Giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế. (ii). Duy trì hòa bình, ổn định, đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. (iii). Thực hiện nghiêm túc Tuyên bố 6 điểm của ASEAN và DOC. (iv). Sớm thúc đẩy xây dựng COC. Thái Lan cũng muốn thông qua vấn đề Biển Đông để nâng cao vai trò, vị trí của Bangkok trong ASEAN. Hơn nữa, do những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua là nguy cơ đe dọa tới hoà bình ổn định của khu vực, điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến lợi ích và vai trò của Thái Lan. Vì vậy, là một thành viên trong cộng đồng ASEAN, Thái Lan sẽ không thể thờ ơ trước những căng thẳng ngày một leo thang ở Biển Đông. Tuy nhiên, do có quan hệ đối tác khá chặt chẽ về kinh tế lẫn quân sự với Trung Quốc, đồng thời phải đối mặt với biến động về chính trị nội bộ cũng như bất ổn tại miền Nam và ảnh hưởng trong quan hệ với Mỹ, Thái Lan đã gặp nhiều khó khăn khi tìm cách tăng cường sự đồng thuận, thống nhất cao trong vấn đề Biển Đông khi giữ chức Chủ tịch luân phiên của ASEAN. Dù vậy, Tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN đã dành hẳn một phần đề cập đến tình hình ở Biển Đông. Ngày 31/07/2019, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 52 (AMM 52) diễn ra tại Thái Lan cũng đã đề cập đến tình hình Biển Đông. Trong Tuyên bố chung sau hội nghị được đăng trên trang web của Ban Thư ký quốc gia về ASEAN của Thái Lan, ngoại trưởng các nước nhấn mạnh tầm quan trọng cũng như lợi ích của việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông: "Chúng tôi đã thảo luận về tình hình ở Biển Đông và nhiều bộ trưởng bày tỏ quan ngại về các hành vi cải tạo, hoạt động và các sự cố nghiêm trọng trong khu vực đã làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực."[9]

Tương lai của việc thảo luận Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông

Đàm phán về một Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông COC là một nhiệm vụ được đưa ra trong Tuyên bố về Ứng xử của Các Bên ở Biển Đông năm 2002 nhằm bảo vệ hòa bình và thúc đẩy hợp tác giữa các nước ASEAN và Trung Quốc tại khu vực. Dự án COC bế tắc trong hơn 18 năm, do bất đồng quan điểm, và vấn đề này còn phải tiếp tục được các bên kiên trì thảo luận. Năm 2016, Trung Quốc bị xử thua trong vụ kiện Biển Đông, mà Philippines khiếu nại lên Tòa Trọng Tài Thường Trực. Năm 2018, Bắc Kinh đột nhiên muốn thúc đẩy đàm phán về COC, nhưng lại chưa có dấu hiệu khả quan để thông qua trong năm 2019, do còn nhiều quan điểm bất đồng. Nhiều người hy vọng việc ASEAN và Trung Quốc đạt được COC sẽ giúp Biển Đông lặng sóng. Nhưng không ít chuyên gia lo ngại Trung Quốc gây áp lực lên các nước nhỏ trong thương thuyết, gây chia rẽ, hoặc dùng đàm phán đã câu giờ, nhằm thực thi chính sách lấn dần từng bước. Còn đối với một số nước ASEAN, một Bộ COC không mang tính ràng buộc sẽ không ngăn chặn được tham vọng chủ quyền biển đảo của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Năm 2019, Trung Quốc và các nước ASEAN đã tích cực thúc đẩy đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông - COC có tính ràng buộc và hữu hiệu. Dưới sự nỗ lực của các bên liên quan, COC bước đầu đã đạt được một số thành công nhất định. Tuy được Trung Quốc và ASEAN thúc đẩy đàm phán, song vẫn còn gặp nhiều khó khăn để đạt được COC trong thời gian sắp tới. Nguyên nhân chính là do có những tranh chấp phức tạp về mặt pháp lý trong việc xác lập các vùng biển và thềm lục địa xuất phát từ việc giải thích và áp dụng khác nhau các quy định của UNCLOS 1982. Quan điểm về chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của một số quốc gia ở Biển Đông còn khác xa nhau, vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với các đảo, đá ở huyện đảo Trường Sa của Việt Nam có nhiều diễn biến phức tạp. Đặc biệt là một số thành viên khi tham gia với những động cơ chính trị khác nhau, mà điển hình là Trung Quốc, đã có những hoạt động vi phạm các quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các quốc gia khác xung quanh Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế và các cam kết chính trị đã đạt được. Trung Quốc đã và đang tìm cách trì hoãn quá trình thương thảo để tranh thủ tạo được lợi thế trong đàm phán về COC. Chừng nào yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc chưa được hợp thức hóa trong việc xác lập phạm vi điều chỉnh COC thì chừng đó không thể có được COC. Điều đó đồng nghĩa với việc Trung Quốc phải thực hiện bằng được chiến lược độc chiếm Biển Đông, dùng Biển Đông để vươn lên tranh giành vị trí siêu cường số một thế giới đối trọng với Mỹ. Và như vậy có thể thấy rằng cái gọi là đã đạt được bản thảo đầu tiên của COC do Trung Quốc chủ động thông tin là cố ý thổi phồng, nhằm mục đích tuyên truyền, mê hoặc dư luận vì động cơ chính trị. Có chăng chỉ có thể là đã đạt tiến triển tốt trong việc xây dựng Khung COC với Trung Quốc.

Trong năm 2020, COC sẽ không có nhiều bước tiến triển mới, chủ yếu vẫn là các cuộc đàm phán, trao đổi giữa ASEAN và Trung Quốc. Hai bên có thể đạt được nhất trí về việc xây dựng Văn bản dự thảo sơ bộ, tên chính thức là Single Draft COC Negotiating Text, gọi tắt là Văn bản SDNT chính thức dùng làm cơ sở cho thương lượng về tiến trình đàm phán. Tuy nhiên, việc Trung Quốc cố tình trì hoãn COC chỉ khiến việc thảo luận, trao đổi tiếp tục rơi vào thế bế tắc, không đạt được kết quả thực chất. Trong khi đó, ASEAN sẽ tiếp tục bị chia rẽ, không thống nhất lập trường chung trong vấn đề COC nói riêng và Biển Đông nói chung, khiến bản thân ASEAN cũng không đạt được nhất trí chung về các điều khoản trong COC.

Đồng minh của Mỹ tăng cường tập trận, tuần tra trên Biển Đông

Trong năm 2019, các nước đồng minh của Mỹ trong khu vực có Philippines, Thái Lan và nhất là Australia, Nhật Bản, Anh v.v…, đã thông qua nhiều hình thức, biện pháp để tăng cường hiện diện tại Biển Đông nhằm đảm bảo hoạt động tự do hàng hải, hàng không và hòa bình, ổn định ở khu vực. Việc các nước trên thúc đẩy chính sách, hoạt động trong khu vực đã tạo nên hiệu ứng, góp phần duy trì ổn định ở Biển Đông. Australia tiếp tục tăng cường hiện diện ở Biển Đông, đưa ra nhiều tuyên bố chỉ trích hoạt động phi pháp của Trung Quốc trong khu vực, đồng thời thúc đẩy hợp tác, giao lưu với các nước liên quan nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Ngoài việc tăng cường hiện diện, tuần tra, Nhật Bản cũng tích cực thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương với các nước liên quan nhằm đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Ấn Độ cũng tích cực tăng cường hiện diện ở Biển Đông thông qua thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương. Ngoài việc tăng cường tuần tra ở Biển Đông, Anh và Pháp cũng tích cực hợp tác với các nước trong vấn đề Biển Đông.

Xu thế này sẽ được các nước đồng minh của Mỹ duy trì và đẩy mạnh trong năm 2020. Tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết Pháp sẽ gửi tàu chiến đến Biển Đông ít nhất 2 lần mỗi năm. Năm 2019, tàu sân bay Charles de Gaulle cũng được Pháp triển khai tới khu vực với lực lượng mạnh chưa từng có. Tàu sân bay Charles de Gaulle vừa hoàn tất chương trình tu chỉnh định kỳ vào năm 2017, thực hiện chuyến tuần tra trên biển đầu tiên bằng toàn bộ khả năng tác chiến với gần 40 tiêm kích Rafale M. Rafale M, chiến đấu cơ đa năng có tầm tác chiến bao trùm hơn 3.000 km và là loại máy bay chiến đấu nước ngoài duy nhất được phép hoạt động trên các hàng không mẫu hạm của Mỹ. Charles de Gaulle cũng là tàu sân bay duy nhất của đồng minh nhận mọi loại chiến đấu cơ Mỹ tính từ F18 C/D đáp xuống và bay đi an toàn trong giới hạn 80 lượt cất cánh/ngày. Charles de Gaulle có lịch sử hoạt động khá ấn tượng và là một trong những tàu sân bay tham chiến nhiều nhất trên thế giới. Dự kiến trong năm 2020, cùng với Pháp, Anh cũng sẽ điều hai hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth R08 và HMS Prince of Wales R09 đến Biển Đông để phối hợp với các hoạt động quân sự của Nhật Bản và Mỹ khi cần thiết. Ngoài ra, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia…, có thể sẽ điều tàu sân bay, tàu chiến tới tuần tra ở Biển Đông.

Kết luận

Việc các nước liên quan còn nhiều bất đồng quan điểm về vấn đề chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên các vùng biển đảo ở Biển Đông, kết hợp với hàng loạt những hoạt động quân sự, tập trận không thông báo trước ở Biển Đông trong năm 2019 đã tạo nên những hiệu ứng tiêu cực. Những hành động như vậy sẽ tiếp tục gia tăng sự mất ổn định ở Biển Đông trong thời gian tới. Trong năm 2020, dự báo Trung Quốc sẽ có những hoạt động quyết đoán trên thực địa, gia tăng các hoạt động diễn tập, tập trận bắn đạn thật, khẳng định chủ quyền một cách vô căn cứ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Mặc dù không có xung đột quân sự kể cả ở quy mô nhỏ, song sự tiếp diễn của những hành động như tập trận bắn đạt thật, ban hành lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương, tuần tra quân sự của Mỹ, can dự từ một số nước lớn khác vào Biển Đông,… sẽ làm cho tình hình khu vực có nhiều biến chuyển mới. Do vậy, cần có những nghiên cứu chuyên sâu, bám sát tình hình Biển Đông để cung cấp những dự báo chính xác về vấn đề này ở tầm dài hạn, trung hạn và nhất là ở tầm ngắn hạn, để các cấp có thêm những luận cứ khoa học.

TS. Nguyễn Thanh Minh, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam


[1] Tàu HD -8 và nhóm tàu bảo đã hoạt động 04 đợt, đợt 1 từ ngày 04/7-07-8/2019 đi trên 64 tuyến tại khu vực các lô dầu khí 131÷133, 153÷157, đợt 2 từ ngày 13/8-02/9/2019, đi trên 46 tuyến tại khu vực các lô dầu khí 128÷133, 154÷157, đợt 3 từ ngày 07-23/9/2019 hoạt động trên 19 tuyến tại khu vực các lô dầu khí 128÷133, 154÷175, đợt 4 từ ngày 28/9-24/10/2019, đã hoạt động trên 20 tuyến tại khu vực các lô dầu khí 145÷152 của Việt Nam. Số liệu này tác giả nghiên cứu tổng hợp.

[6] Hồi năm 2016, Trong chuyến thăm Hoa Kỳ, Chủ tịch Tập Cận Bình đã hứa với Tổng thống Barack Obama rằng họ sẽ không quân sự hóa các thực thể ở Biển Đông. Xem tại : https://plo.vn/quoc-te/su-kien/ong-tap-can-binh-da-that-hua-tren-bien-dong-836905.html. Truy cập ngày 12/02/2020.