Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Trang “Reuters” ngày 9/7 dẫn lời ngư dân Philippines cho hay sau Phán quyết, tàu Trung Quốc hiện diện thường xuyên hơn trước. Nhiều tàu cá của Philippines bị tàu Trung Quốc làm đắm hoặc bị tấn công bằng vòi rồng khi đang hoạt động tại ngư trường truyền thống. Philippines đã gửi 128 công hàm ngoại giao phản đối các hoạt động của tàu Trung Quốc từ năm 2016.

Ngày 9/7, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Đô đốc Samuel Paparo có chuyến thăm đầu tiên đến Philippines. Đô đốc Paparo đã thảo luận với giới chức quốc phòng Philippines về việc tăng cường hợp tác song phương ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong bối cảnh hiện nay.

Hạm đội 7 của Mỹ ngày 12/7 tuyên bố tàu khu trục USS Benfold tiến hành FONOP gần Quần đảo Hoàng Sa. Hoạt động này thách thức tuyên bố giới hạn quyền qua lại vô hại và việc Trung Quốc vẽ đường cơ sở thẳng quanh Hoàng Sa. Theo Hạm đội 7, tuyên bố “xua đuổi” tàu Mỹ của Trung Quốc không đúng sự thật bởi tàu Benfold hoạt động đúng với quy định của luật pháp quốc tế.

Tờ “Washington Times” ngày 13/7 đưa tin hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã triển khai máy bay cảnh báo trên không KJ-500 tới Đá Vành Khăn trong tháng 5 và 6/2021, một máy bay vận tải Y-9 và một máy bay trực thăng Z-8 đến đá Xu Bi vào tháng 6 và 7/2021. Đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc bắt đầu tiến hành các chuyến bay quân sự thường xuyên tới đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Ngày 13/7, công ty phân tích ảnh vệ tinh Simularity, Mỹ cáo buộc 236 chiếc tàu Trung Quốc xả thải trực tiếp xuống biển khi neo đậu dài ngày ở Trường Sa, gây hư hại san hô và phá hủy nghiêm trọng môi trường biển. Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana chỉ đạo quân đội điều tra thông tin này.

Ngày 13/7, trang SCSPI - Trung Quốc đánh giá hoạt động của tàu chiến Mỹ ở Biển Đông trong 6 tháng đầu: (i) Phạm vi hoạt động chủ yếu của tàu Mỹ ở những vùng nước sâu hơn 2000m, có địa hình phức tạp; (i) Số ngày tàu chiến Mỹ hiện diện ở Biển Đông là 161/181 ngày; (iii) Mục đích "nhằm vào Trung Quốc" rõ ràng thông qua lộ trình di chuyển của các tàu.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Trong cuộc điện đàm ngày 10/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Ấn Độ. Hai Thủ tướng nhất trí phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS năm 1982.

Bộ Ngoại giao Canada hôm 11/7 ra Tuyên bố: “Nhân kỷ niệm 5 năm Phán quyết của Tòa Trọng tài, Canada tái khẳng định các bên liên quan cần tuân thủ Phán quyết. Đây là một dấu mốc lịch sử và cơ sở quan trọng để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông”.

Nhân kỷ niệm 5 năm ngày Tòa Trọng tài ra Phán quyết, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 11/7 nhấn mạnh, “Trật tự biển quốc tế đang gặp thách thức lớn nhất ở Biển Đông. Trung Quốc tiếp tục cưỡng ép các quốc gia Đông Nam Á, đe dọa tự do hàng hải trên tuyến đường biển huyết mạch này. Trung Quốc có nghĩa vụ tuân thủ Phán quyết.” Ngoại trưởng Blinken khẳng định bất cứ cuộc tấn công nào vào lực lượng quân sự, tàu thuyền hay máy bay của Philippines ở Biển Đông, Mỹ can thiệp theo Hiệp ước phòng thủ giữa hai nước.

Phát biểu tại hội nghị Liên minh Tình báo và An ninh Quốc gia ngày 12/7, Chuẩn Đô đốc Mike Studeman cho rằng mối nguy hiểm từ Trung Quốc trở nên rất rõ ràng. Điều đáng ngại là giới chức ở Washington không thực sự lắng nghe các khuyến cáo từ cộng đồng tình báo Mỹ về Trung Quốc. Đề xuất ngân sách quốc phòng của Lầu Năm Góc cho năm tài khóa 2022 không phản ánh sự tập trung đúng mức vào mối đe dọa Trung Quốc, bất chấp Chính quyền Biden quan ngại về Trung Quốc.

Phát biểu tại Diễn đàn toàn cầu tương lai Trung Quốc ngày 12/7, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng điều phối chính sách kinh tế Singapore Heng Swee Keat khẳng định các nước lớn hay nhỏ phải hành xử trong khuôn khổ của luật pháp quốc tế, bao gồm giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông theo luật pháp, bao gồm UNCLOS năm 1982.

Người Phát ngôn Phủ Tổng thống Harry Roque ngày 12/7 khẳng định Chính quyền Tổng thống Duterte đã làm mọi việc có thể để khẳng định yêu sách của Philipines ở Biển Đông. Do không có lực lượng hay cơ chế thực thi Phán quyết, Philippines nỗ lực thúc đẩy Phán quyết như bài phát biểu của Tổng thống Duterte tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc.

Nhân kỷ niệm 5 năm Phán quyết, Ngoại trưởng Úc Marise Payne ngày 12/7 tuyên bố, “Phán quyết là chung thẩm và có giá trị ràng buộc với cả Trung Quốc và Philippines. Tòa xác định việc Trung Quốc tuyên bố quyền lịch sử hay quyền lợi biển dựa trên thực tiễn lịch sử ở Biển Đông đi ngược lại UNCLOS và không có giá trị. Úc tiếp tục ủng hộ các nước giải quyết hòa bình tranh chấp phù hợp luật quốc tế”.

Tuyên bố của Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu ngày 12/7 khẳng định, “Vì Phán quyết của Tòa năm 2016 là chung thẩm và ràng buộc đối với các bên tranh chấp, Philippines và Trung Quốc cần tuân thủ Phán quyết. Việc Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận Phán quyết đi ngược lại nguyên tắc giải quyết tranh chấp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS, và phương hại tới thượng tôn pháp luật”.

Nhân kỷ niệm 5 năm Tòa trọng tài ra Phán quyết, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 12/7 khẳng định: “Với tư cách là quốc gia thành viên Công ước và quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam đề nghị tất cả các bên liên quan tôn trọng và thực thi đầy đủ các nghĩa vụ pháp lý được quy định trong Công ước, cùng nhau hợp tác, đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hoà bình, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không và trật tự ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế”.

Nhân kỉ niệm 5 năm Phán quyết, Phái đoàn EU tại Philippines ngày 12/7 đăng Twitter, “Những gì xảy ra tại Biển Đông có ý nghĩa quan trọng với EU, ASEAN và toàn thế giới. EU nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gìn giữ và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông”. Trên twitter ngày 12/7, Đại sứ Đức Anke Reiffenstuel tại Philippines nhấn mạnh Philippines đã tạo ra lịch sử với Phán quyết của Tòa; trật tự biển dựa trên luật lệ, gồm UNCLOS, giúp đảm bảo sự ổn định và hợp tác quốc tế.

Tuyên bố kỷ niệm 5 năm ngày Tòa Trọng tài ra Phán quyết ngày 12/7, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana coi đây là dấu mốc trong lịch sử Philippines bởi Phán quyết đã xác nhận yêu sách Biển Đông của Philippines. Philippines quan ngại sâu sắc về các yêu sách biển quá mức; hối thúc các bên tuân thủ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và kiềm chế các hành động có thể làm gia tăng căng thẳng.

Tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 13/7, ứng viên Bộ trưởng Hải quân Mỹ Carlos Del Toro khẳng định ủng hộ kế hoạch nâng số tàu chiến Mỹ lên 355 tàu; kêu gọi Quốc hội tăng cường đầu tư nhằm nâng cao khả năng ứng phó của hải quân trước các thách thức, đặc biệt là “mối đe dọa thường xuyên” từ Trung Quốc. Ông Toro cho hay biến đổi khí hậu và Trung Quốc là hai thách thức lớn nhất mà hải quân Mỹ phải đối mặt, do mực nước biển dâng gây khó khăn cho việc lắp đặt các khí tài phục vụ việc triển khai quân đội ở các mặt trận.

Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 13/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên: (i) nhắc lại chủ quyền và quyền của Trung Quốc ở Biển Đông được hình thành trong lịch sử, có đầy đủ cơ sở lịch sử, pháp lý và tính kế thừa; (ii) phê phán Phán quyết đã vi phạm nguyên tắc sự đồng thuận của quốc gia, xét xử không đúng thẩm quyền; (iii) khẳng định lập trường của Trung Quốc là giải quyết vấn đề Biển Đông thông qua đàm phán trong khi Mỹ là bên “gây rối”, thường triển khai tàu và máy bay đến Biển Đông. Trước đó ngày 12/7, bình luận về tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ nhân dịp 5 năm Phán quyết, ông Triệu cho rằng, “Tuyên bố của Mỹ coi thường giá trị lịch sử và sự thật khách quan của vấn đề Biển Đông, bóp méo luật pháp quốc tế, đồng thời phá vỡ cam kết lâu nay của Chính phủ Mỹ là không đưa ra lập trường về vấn đề chủ quyền. Trung Quốc kiên quyết phản đối hành động sai trái của Mỹ”.

Theo “Taiwan News” ngày 14/7, Sách trắng Quốc phòng năm 2021 của Nhật Bản đã xóa Đài Loan khỏi phần bản đồ Trung Quốc, và chỉ đề cập đến Đài Loan trong phần viết về quan hệ Mỹ-Trung. Trong các phiên bản trước của Sách trắng Nhật Bản, Đài Loan được nhắc đến như một khu vực của Trung Quốc và bản đồ minh họa cũng thể hiện điều này.

Phát biểu tại một hội thảo của Viện Quan hệ Quốc tế New Zealand (NZIIA) ngày 14/7, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tuyên bố, “ủng hộ khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như một ngôi nhà rộng lớn của New Zealand và quan ngại sâu sắc về tình hình ở Biển Đông, bao gồm việc xây dựng đảo nhân tạo, quân sự hóa và các hoạt động đe dọa tự do hàng hải và hàng không”.

Ngày 14/7, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Mỹ diễn ra theo hình thức trực tuyến, hơn 1 tháng sau khi sự kiện này bị trì hoãn phút chót. Hội nghị tập trung thảo luận một số vấn đề như khủng hoảng chính trị ở Myanmar, công tác ứng phó với đại dịch COVID-19 và tình hình Biển Đông. Tại Hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tái khẳng định Mỹ ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; nhấn mạnh Mỹ bác bỏ các yêu sách trái luật của Trung Quốc ở Biển Đông và sát cánh với nước khu vực đối phó với hành vi bắt nạt của Bắc Kinh.

Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Mỹ ngày 14/7, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp quốc tế, giải quyết hòa bình tranh chấp, đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định; khẳng định lập trường nguyên tắc nhất quán của ASEAN về Biển Đông. Trước đó tại Hội nghị Bộ trưởng Phong trào Không liên kết ngày 13/7, Bộ trưởng Bùi Thành Sơn khẳng định Việt Nam đề cao các nguyên tắc cốt lõi của Phong trào Không liên kết; bao gồm tôn trọng độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ các quốc gia, giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế.

Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Mỹ ngày 14/7, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin: (i) hoan nghênh Mỹ ủng hộ công khai Phán quyết; (ii) khẳng định Phán quyết mang tính  ràng buộc và chung thẩm; (iii) cam kết tích cực điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc cho lần đọc thứ hai COC và chuyển giao cho Myanmar trong 2 tháng tới. Tại hội nghị trên, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Hishammuddin khẳng định bảo vệ ổn định khu vực luôn là ưu tiên hàng đầu của Malaysia. Các bên cần giải quyết tranh chấp hòa bình, có tính xây dựng thông qua đối thoại và đàm phán, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS năm 1982. Tại Hội nghị trên, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia Prak Sokhonn cho rằng các bên cần nỗ lực thúc đẩy ký kết COC thực chất và hiệu quả, triển khai các biện pháp đã nhất trí để duy trì hoà bình, ổn định và an ninh ở khu vực.

Ngày 15/7, Quyền Bộ trưởng Lục quân John E. Whitley đề xuất Quốc hội Mỹ cần thảo luận một kế hoạch hành động toàn diện ở khu vực Thái Bình Dương để bảo vệ Đài Loan và các mục tiêu an ninh khác của Mỹ. Ông Whitley cho rằng một chiến dịch bảo vệ Đài Loan gồm 2 giai đoạn: (i) ngăn ngừa một cuộc đổ bộ của quân Trung Quốc lên Đài Loan bằng cách triển khai các cuộc tấn công tên lửa; (2) quân Mỹ trực tiếp đổ bộ lên Đài Loan để đẩy lùi quân Trung Quốc và kết thúc cuộc chiến. Quốc hội Mỹ cần tăng cường ngân sách quốc phòng thay vì cắt giảm hay chỉ tập trung vào việc phát triển các hệ thống vũ khí cho hải quân và không quân.

Trong cuộc điện đàm ngày 15/7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhất trí thúc đẩy đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn, giải quyết vấn đề phát sinh trên tinh thần hữu nghị và Đối tác chiến lược. Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế, bao gồm vấn đề Biển Đông và tình hình tại Myanmar, hai nhà lãnh đạo cam kết tăng cường phối hợp chặt chẽ tại các tổ chức, diễn đàn đa phương và khu vực.

Tuyên bố chung ngày 15/7 giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Angela  Merkel khẳng định, “Hai nước cam kết duy trì trật tự luật lệ, thúc đẩy tính minh bạch và quản trị hiệu quả, tôn trọng quyền con người. Kinh tế Mỹ và Đức phụ thuộc vào các tuyến giao thương tự do trên thế giới, nên hai nước nhấn mạnh tầm quan trọng cốt yếu của tự do hàng hải, hàng không và sử dụng hợp pháp biển cả theo luật pháp”. Trước đó trong cuộc họp báo, Thủ tướng Đức Merkel cho biết hai bên chia sẻ nhận thức chung về Trung Quốc, coi nước này là đối thủ trong nhiều lĩnh vực. Tổng thống Mỹ Biden bày tỏ quan ngại tình hình Hong Kong đang xấu đi và Trung Quốc không giữ đúng cam kết.

Phát biểu tại Thượng đỉnh APEC trực tuyến ngày 16/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định Mỹ: (i) là quốc gia Thái Bình Dương và luôn can dự mạnh mẽ tại khu vực; (ii) ủng hộ vắc-xin nhưng không bán hay đi kèm điều kiện về kinh tế hay chính trị; (iii) thúc đẩy kế hoạch “Build Back Better World” đem lại giải pháp về xây dựng hạ tầng chất lượng cao, minh bạch và đảm bảo về môi trường cho các nước APEC.

Góc nhìn quốc tế

Trên “Asia Times” ngày 9/7, nhà nghiên cứu David Hutt đánh giá kết quả khảo sát ý kiến của “Pew Research Center” tháng 6 vừa qua - tỷ lệ người dân thiếu thiện cảm với Trung Quốc ở một số nước như Pháp, Anh và Tây Ban Nha năm 2021 đã giảm so với năm 2020 - có thể không phản ánh đúng thực tế, do các câu hỏi khảo sát rất rộng, không cụ thể. Mặc dù hiện nay sự chú ý vào dịch bệnh Covid phần nào giảm, dân EU ngày càng nhìn rõ mối đe dọa từ Trung Quốc, thể hiện qua cách Trung Quốc xử lý các vấn đề về nhân quyền ở Hong Kong, Tân Cương, Đài Loan… và đặc biệt là các biện pháp cưỡng ép mà Trung Quốc đang sử dụng với lãnh đạo các nước Châu Âu để đạt điều mình muốn. Trong khi đó, thái độ của người dân các nước Châu Âu đối với Chính quyền Biden đã cải thiện đáng kể so với thời Trump.

Trả lời phỏng vấn “Nikkei Asia” ngày 10/7 nhân dịp kỉ niệm 50 năm chuyến thăm Trung Quốc lịch sử của Tổng thống Nixon, Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Russel nhấn một số nội dung: (i) Năm 2015, ông Tập Cận Bình hứa không quân sự hóa các thực thể ở Biển Đông và sau đó không  thực hiện cam kết; (ii) Thay đổi chế độ tại Trung Quốc là không thực tế và không khôn ngoan. Mỹ không hướng tới mục tiêu này bởi sẽ thất bại tương tự như tại Trung Đông; (iii) Mỹ cần thắng trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc để đảm bảo quan hệ ổn định. Chỉ khi lãnh đạo Trung Quốc thấy Mỹ và sức mạnh của cộng đồng dân chủ tiếp tục vững mạnh, nước này sẽ hành xử cẩn trọng hơn. Không giống các lãnh đạo trước, ông Tập Cận Bình theo chủ nghĩa dân tộc và trường phái Lenin mang tính ý thức hệ nhiều hơn, tin rằng càng kiểm soát càng có lợi và tự do hóa chính trị sẽ là thảm họa cho Trung Quốc.

Trên “Defense News” ngày 11/7, học giả Maseh Zarif và Jane Tilles cho rằng Quốc hội Mỹ cần hỗ trợ các nỗ lực đối phó Trung Quốc thông qua: (i) đề xuất các đạo luật công khai ủng hộ đồng minh và đối tác của Mỹ chống lại sự bắt nạt của Trung Quốc; (ii) theo dõi chặt chẽ các hoạt động của Trung Quốc đe dọa đến an ninh quốc gia và yêu cầu chính quyền Biden có các biện pháp ứng phó; (iii) tăng cường giám sát để đảm bảo các đạo luật Quốc hội thông qua được chính quyền Biden triển khai đầy đủ và chính xác, đặc biệt là Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương.

Trên “Modern Diplomacy” ngày 11/7, GS. Pankaj Jha bình luận sau 5 năm, tình hình Biển Đông ngày càng xấu đi. Trung Quốc mở rộng quyền kiểm soát chiến lược, duy trì sự hiện diện thông qua triển khai tàu dân binh, hải cảnh và tàu khảo sát tới Biển Đông. Sau Phán quyết, nhiều nước lên án Trung Quốc nhưng chỉ là những tuyên bố thay vì hành động đáp trả mạnh mẽ. Điều này khiến Trung Quốc tiếp tục tôn tạo đảo, quân sự hóa và phá hoại hệ sinh thái ở Biển Đông.

Trên “Times of India” ngày 12/7, chuyên gia SD Pradhan nhận định Phán quyết năm 2016 thực sự có giá trị lịch sử và đã giải quyết những vấn đề mấu chốt của tranh chấp Biển Đông. Tuy nhiên, việc Trung Quốc phản đối Phán quyết cho thấy Trung Quốc bất chấp các kỳ vọng từ một quốc gia có trách nhiệm, đặc biệt với tư cách là một thành viên thường trực của Hội đồng bảo an. Bên cạnh đó, trong thời gian đại dịch Covid, Trung Quốc tiếp tục quyết đoán, khẳng định yêu sách ở Biển Đông. Những hành động này làm suy yếu đáng kể vị thế của Trung Quốc.

Trên “Rappler” ngày 15/7, nhà phân tích Sofia Tomacruz và Jairo Bolledo bình luận chiến lược thoả hiệp của Tổng thống Duterte với Trung Quốc ở Biển Đông đã thất bại vì: (i) Philippines không thúc đẩy được lợi ích của mình ở Biển Đông, (ii) các dự án hợp tác với Trung Quốc không tiến triển, và (iii) Philippines phải quản lý tranh chấp theo cách thức Trung Quốc thúc đẩy thông qua cơ chế tham vấn song phương. 

Cựu Thẩm phán Antonio Capio ngày 15/7 kiến nghị 5 biện pháp để Philippines bảo vệ Biển Đông: (i) Philippines thu hồi việc cho phép ngư dân Trung Quốc đánh cá trong EEZ của nước này; (ii) Tổng thống Duterte rút lại tuyên bố rằng Trung Quốc sở hữu Biển Đông; (iii) tham gia các hoạt động FONOP chung với Mỹ và các nước khác như Anh, Pháp, Nhật Bản, Úc, Canada, Ấn Độ, Đức, Hà Lan; (iv) tuần tra chung với các nước ASEAN ven Biển Đông như Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei; (v) đệ trình thềm lục địa mở rộng lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc.

Trên “The Economist” ngày 15/7, học giả Auf Wiedersehen bình luận dù Đức gần đây có nhiều động thái cứng rắn hơn với Trung Quốc, nhưng Berlin sẽ tiếp tục theo đuổi quan hệ với Trung Quốc do Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính của Đức. Đức cũng không từ bỏ quan hệ với Nga do lệ thuộc vào nguồn cung dầu khí của Nga. Do đó, quan điểm của Đức về Nga và Trung Quốc không hoàn toàn trùng khớp với góc nhìn của Mỹ. Chính sách mềm dẻo của Đức sẽ khó thay đổi ngay cả khi Đức có lãnh đạo mới từ tháng 9/2021. Theo khảo sát mới nhất, hai trong số 3 ứng cử viên kế nhiệm Thủ tướng Markel hiện nay bày tỏ quan ngại về “tư duy Chiến tranh lạnh” của Mỹ, trong khi ứng cử viên duy nhất muốn cứng rắn với Trung Quốc hiện chỉ nhận được tỷ lệ ủng hộ chưa tới 20%, so với 2 ứng cử viên còn lại.

Bình luận của Viện Biển Đông

Ba lý do Philippnies ra tuyên bố kỷ niệm Phán quyết sớm hơn ba tuần. Nhân kỷ niệm 5 năm Phán quyết Biển ĐÔng, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin ngày 22/6 ra tuyên bố khẳng định giá trị của Phán quyết. Một vài nguyên nhân có thể lý giải cho việc Philippines ra tuyên bố sớm như vậy: Thứ nhất, nhằm định hướng tuyên truyền trong nước. Chính quyền Duterte có thể xác định cơ sở để giới truyền thông và học giả Philippines dựa vào đó phát triển lập luận đấu tranh bảo vệ quyền lợi của Philippines trên Biển Đông, hạn chế các luồng ý kiến và dư luận trái chiều so với quan điểm chính thống. Thứ hai, phục vụ mục tiêu chính trị nội bộ. Việc khẳng định Phán quyết là “ngôi sao Bắc Đẩu”, là “cột mốc trong văn kiện luật quốc tế” nhằm thể hiện sự tích cực của chính quyền Duterte trong việc đẩy Phán quyết nói riêng và bảo vệ quyền lợi ở Biển Đông nói riêng. Việc này có tác dụng tranh thủ sự ủng hộ của cử tri đối với các ứng cử viên thân cận với chính quyền Duterte trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2022. Thứ ba, thu hút sự ủng hộ của dư luận quốc tế. Việc ra tuyên bố trước, đặc biệt nhắc lại lời Tổng thống Duterte tại Liên Hợp Quốc tháng 9/2020, nhằm gửi thông điệp vận động các nước liên quan có tuyên bố về Phán quyết. Các nước liên quan có đủ thời gian để nghiên cứu và đưa ra tuyên bố phù hợp với lập trường và lợi ích của mình đồng thời tạo thành “làn sóng” quốc tế làm sống lại Phán quyết vào dịp ngày 12/7.

Ba điểm đáng chú ý trong FONOP ở Hoàng Sa của Mỹ. Ngày 12/7, Hạm đội 7 của Mỹ tuyên bố tàu khu trục USS Benfold đã thực hiện hoạt động tự do hàng hải (FONOP) tại Hoàng Sa. FONOP Biển Đông lần này của Mỹ có một số nét đáng chú ý: (i) Mỹ chủ động hơn trong định hướng dư luận về hoạt động FONOP. Khi Chiến khu Nam của quân đội Trung Quốc thông báo “xua đuổi” tàu chiến Mỹ trong 2 hoạt động FONOP gần nhất ngày 20/5 và 12/7, Hạm đội 7 đã nhanh chóng ra tuyên bố để bác bỏ mọi thông tin phía Trung Quốc; (ii) Thời điểm tiến hành FONOP lần này trùng vào ngày kỷ niệm 5 năm Phán quyết Biển Đông năm 2016 của Tòa Trọng tài PCA. Một ngày trước khi triển khai FONOP, Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã ra tuyên bố kỷ niệm 5 năm Phán quyết, khẳng định Phán quyết là ràng buộc; (iii) Đây là FONOP đầu tiên của Mỹ dùng tàu USS Benfold. USS Benfold là tàu khu trục đã từng 9 lần đoạt giải Battle E - giải thưởng về hiệu quả trong chiến trận của quân đội Mỹ, cùng nhiều giải thưởng danh giá khác.

Bản PDF tại đây

@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao

"Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn