Bản tin tuần Biển Đông (ngày 7 - 13/5/2022)

Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Ngày 10/5, Tuần dương hạm Mỹ USS Port Royal đi qua Eo biển Đài Loan, lần quá cảnh thứ 5 trong năm 2022. Thông cáo của Bộ Tư lệnh Ấn-Thái cho hay hoạt động này chứng tỏ cam kết của Mỹ đối khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Quân đội Mỹ sẽ bay, lưu thông và hoạt động ở mọi nơi luật pháp quốc tế cho phép.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Điều phối viên Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ Kurt Campbell ngày 9/5 cho biết, "Một trong những thách thức lớn nhất ở Thái Bình Dương là thực trạng đánh bắt cá trái phép. Chúng tôi tin rằng trong vài tuần tới, thông qua các tổ chức khác nhau, chúng tôi sẽ công bố một loạt khả năng nhằm cải thiện nhận thức biển". Theo ông Campell, Mỹ đang cân nhắc khả năng tiếp tục theo dõi khi tàu thuyền tắt thiết bị nhận dạng. Một số quốc gia trong khu vực thường có xung đột với đội tàu đánh cá khổng lồ của Trung Quốc với cáo buộc vi phạm các vùng EEZ và gây thiệt hại về môi trường.

Tờ “Taiwan news” ngày 9/5 cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đã xóa 2 cụm từ "Đài Loan thuộc Trung Quốc" và "Mỹ không ủng hộ Đài Loan độc lập" trên trang về Quan hệ Mỹ-Đài. Phán ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 10/5 khẳng định không hề có thay đổi. Những gì Mỹ làm là “cập nhật” trang thông tin về quan hệ ngoại giao của Mỹ. Việc này được tiến hành thường xuyên và Mỹ-Đài vẫn tiếp tục là mối quan hệ không chính thức.

Tờ “Nikkei Asia” ngày 12/5 dẫn nguồn tin cho hay Indonesia dự đính biến Natuna thành Vùng Kinh tế Đặc biệt (SEZ) để củng cố an ninh biển và thu hút đầu tư. Chính phủ Indonesia đã lập một nhóm công tác đầu năm 2022 để nghiên cứu khả năng này theo yêu cầu của Văn phòng Quần đảo (Natuna Regency Office). Văn phòng mong muốn hoàn tất kế hoạch trước khi Tổng thống Widodo kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 10/2024.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 13/5 cho hay Trung Quốc và ASEAN sẽ tiến hành tham vấn trực tiếp về COC tại Campuchia vào nửa cuối tháng 5. Trung Quốc tin tưởng các bên sẽ đạt được COC và mong có thể đẩy nhanh quá trình tham vấn cả trực tuyến và trực tiếp để sớm hoàn tất đàm phán COC.

Trong cuộc gặp ngày 12/5, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Đại tướng Phan Văn Giang và người đồng cấp Indonesia Prabowo Subianto đánh giá quan hệ quốc phòng phát triển, đạt được nhiều kết quả tích cực. Về Biển Đông, hai bên khẳng định sự cần thiết duy trì môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không, tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS năm 1982, thực hiện hiệu quả DOC ở Biển Đông và sớm hoàn tất COC thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế. Bộ trưởng Phan Văn Giang đề nghị  hai nước tăng cường trao đổi thông tin giữa cơ quan chấp pháp biển, xử lý ổn thỏa các vấn đề phát sinh, đối xử nhân đạo với các ngư dân.

Nhà Trắng ngày 12/5 giới thiệu Factsheet về quan hệ ASEAN-Mỹ, tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với khu vực và cam kết thúc đẩy hợp tác ASEAN-Mỹ: (i) ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và thịnh vượng; (ii) hỗ trợ tiếp cận giáo dục; (iii) mở rộng hợp tác biển; (iv) thúc đẩy y tế toàn cầu và an ninh y tế. Đặc biệt, Mỹ công bố các gói sáng kiến trị giá hơn 150 triệu USD để thắt chặt quan hệ, củng cố tính trung tâm của ASEAN. Đặc biệt, Mỹ tuyên bố chi 60 triệu USD cho các sáng kiến an ninh biển ở khu vực, chủ yếu do lực lượng cảnh sát biển Mỹ dẫn dắt. Mỹ sẽ triển khai 1 tàu cảnh sát biển tới khu vực để thực hiện nhiệm vụ huấn luyện và tham gia các hoạt động chung trên biển.

Tuyên bố chung sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 12/5 cho hay, “các bên cam kết hiện thực hóa khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở; quan ngại về tình hình Biển Hoa Đông và Biển Đông; phản đối các hành động đơn phương thay đổi nguyên trạng và gia tăng căng thẳng phương hại tới ổn định khu vực và trật tự dựa trên luật lệ quốc tế; tái khẳng định tầm quan trọng việc tôn trọng luật pháp, bao gồm UNCLOS năm 1982, đặc biệt là giải quyết hòa bình tranh chấp, duy trì tự do hàng hải, hàng không và nghĩa vụ tuân thủ các quyết định của tòa theo quy trình hợp pháp được UNCLOS quy định”.

Phát biểu tại Thượng đỉnh ASEAN-Mỹ ngày 13/5, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho rằng Biển Đông cần phải được duy trì tự do hàng hải. Bất kỳ xung đột nào trong khu vực cũng ảnh hưởng đến các chuỗi cung ứng toàn cầu. Các nước cần tôn trọng lập trường chung của ASEAN trong vấn đề này. Về hợp tác biển, Thủ tướng Malaysia cho rằng ASEAN - Mỹ cần tăng cường hợp tác trong xây dựng năng lực, cũng như trao đổi và chia sẻ thông tin, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính cho hay, “Việt Nam tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, nhấn mạnh giải quyết hòa bình mọi tranh chấp, khác biệt, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982”. Thủ tướng hoan nghênh các sáng kiến tăng cường hợp tác biển của Mỹ ở khu vực và việc các đối tác ủng hộ ASEAN thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982”. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết việc duy trì quyền tự do hàng hải ở Biển Đông quan trọng không chỉ với các bên yêu sách, mà còn cộng đồng quốc tế nói chung. Singapore ủng hộ ký kết COC ở Biển Đông phù hợp với luật quốc tế được công nhận rộng rãi, gồm UNCLOS 1982 và một COC đảm bảo quyền và lợi ích của tất cả các bên. Trong khi đó, Thủ tướng Thái Lan Chan-o-cha nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình bền vững, khả năng phục hồi và sẵn sàng ứng phó của khu vực trước các thay đổi trong khi tiến tới kỷ nguyên bình thường mới. Về phần mình, Thủ tướng Campuchia Hun Sen khẳng định chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế là 2 trụ cột quan trọng duy trì, đảm bảo an ninh, ổn định và phát triển. Quan điểm nhất quán của Campuchia là cần duy trì một Biển Đông hòa bình, ổn định, hợp tác.

Tuyên bố chung của Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN ngày 13/5, tại Washington DC nhấn mạnh, “AOIP và IPS của Mỹ chia sẻ các nguyên tắc cơ bản về thúc đẩy một cấu trúc khu vực cởi mở, bao trùm, dựa trên luật lệ. ASEAN giữ vai trò trung tâm, cùng các đối tác chia sẻ mục tiêu này. Các bên ghi nhận lợi ích của một Biển Đông hòa bình, ổn định và tầm quan trọng của các biện pháp thực tế giúp giảm thiểu căng thẳng và các nguy cơ tính toán sai lầm; tái khẳng định UNCLOS 1982 xác định khung khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển; kêu các bên theo đuổi biện pháp hòa bình cho tranh chấp phù hợp với các nguyên tắc phổ quát của luật pháp quốc tế bao gồm UNCLOS, thực thi đầy đủ, hiệu quả DOC, tạo điều kiện để hoàn tất COC, hiệu lực, thực chất”.

Góc nhìn quốc tế

Trên “Crisisgroup” ngày 13/5, nhà phân tích Georgi Engelbrecht (ICG) đánh giá Tân Tổng thống Philippines Marcos Jr. sẽ khó khăn trong xử lý các vấn đề đối ngoại: (i) Chập chững trong vấn đề Ukraine. Lúc đầu ông Marcos bày tỏ trung lập trong vấn đề Ukraine nhưng sau đó nhấn mạnh cần tôn trọng tự do của Ukraine; (ii) Tiến thoái lưỡng nan trong xử lý quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Ông Marcos không thể phớt lờ tâm lý thân Mỹ trong giới quân đội và an ninh Philippines. Ông muốn phát triển quan hệ nồng ấm với Trung Quốc nhưng không thể bỏ qua việc công chúng Philippines thiếu lòng tin về Trung Quốc; (iii) Ông Marcos tỏ ra nghi ngờ giá trị thực tiễn của Phán quyết năm 2016 vì Trung Quốc không chấp nhận Phán quyết. Philippines có thể sử dụng các kênh song phương với Trung Quốc để quản lý căng thẳng song không thể bỏ qua thực tế Trung Quốc quyết đoán và không từ bỏ tham vọng ở Biển Đông.

Trên “Bangkokpost” ngày 13/5, nhà phân tích Thitinan Pongsudhirak (ISIS Thái Lan) nhận định Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN bộc lộ sự thiếu liên kết: (i) Thành phần tham dự của ASEAN không đầy đủ. Tổng thống Philippines Duterte không tham dự do Philippines bầu cử Tổng thống mới, Chính quyền quân sự Myanmar không được mời tham dự; (ii) các nước ASEAN tham dự hội nghị trong tâm thế không đồng quan điểm với Mỹ ở một số vấn đề quan trọng như cạnh tranh Mỹ-Trung, khủng hoảng Myanmar và chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine; (iii) Mỹ muốn xoa dịu khu vực về cam kết và quyết tâm trong triển khai chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhưng vẫn phải can dự vào châu Âu; (iv) ASEAN muốn Tổng thống Mỹ tham dự trực tiếp ba hội nghị vào tháng 11/2022 (Cấp cao ASEAN, APEC và G20 lần lượt do Campuchia, Thái Lan và Indonesia tổ chức) nhưng chưa chắc ông Biden đã tham dự, đặc biệt khi có sự hiện diện của lãnh đạo Nga.

Bình luận của Viện Biển Đông

Tháng 4/2022, CSIS công bố báo cáo mang tên Quan điểm Khu vực về Khung Kinh tế Ấn - Thái (IPEF) dựa trên kết quả phỏng vấn chuyên gia khu vực, với một số nội dung đáng chú ý: 1/ Về thành viên: Phần đông muốn IPEF mang tính bao trùm và muốn Mỹ mời tất cả ASEAN tham gia nhưng kịch bản này không khả thi vì vấn đề Myanmar, lợi ích kinh tế có hạn của Mỹ tại Lào, Campuchia và Brunei; 2/ Về giá trị: Phần đông ý kiến hoan nghênh IPEF nhưng coi đây là lựa chọn thứ 2. Các ý kiến vẫn ưu tiên Mỹ quay lại CP-TPP hoặc tham gia thể chế kinh tế khu vực sẵn có hơn. Một số cho rằng trụ cột thương mại trong IPEF khó thu hút khu vực vì không đem lại thị trường lớn hơn tại Mỹ cho các đối tác và nhiều nội dung trùng với các thỏa thuận sẵn có; 3/ Về các điều khoản: Các nước vẫn chưa biết IPEF cụ thể và có nhiều quan ngại. Liệu Mỹ có dùng các điều khoản cụ thể trong IPEF để gây sức ép lên khu vực về lao động và kinh tế số hay không? Nếu tham gia, các nước có nguồn lực để đạt được mục tiêu về phát triển bền vững/xanh Mỹ đặt ra không? Nhiều nước khu vực không có thỏa thuận về thuế riêng với Mỹ trong khi thuế là trụ cột thứ 4 trong IPEF. CSIS không cung cấp thông tin về nguồn/số lượng khảo sát nên các ý kiến có thể không phản ánh đầy đủ góc nhìn khu vực. Mỹ sẽ "sớm" công bố IPEF trong năm nay. Quan chức Mỹ cũng đã gửi tín hiệu muốn lắng nghe phản hồi từ khu vực về IPEF trước khi công bố, sẵn sàng để các đối tác tham gia IPEF theo từng vấn đề riêng rẽ (thay vì "trọn gói"). Do đó, có khả năng Mỹ vẫn có không gian điều chỉnh nội dung và cách triển khai IPEF với từng đối tác cụ thể./.

Bản PDF tại đây

Viện Biển Đông – Học viện Ngoại giao

“Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông” được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn