Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Hãng tin “Express” ngày 9/8 cho hay hệ thống sonar của tàu khu trục bảo vệ tàu MS Queen Elizabeth phát hiện hai tàu ngầm lớp Shang 093 của Trung Quốc “bám đuôi” khi tàu sân bay Anh di chuyển ở Thái Bình Dương.

Hải quân Mỹ ngày 10/8 khởi động cuộc tập trận Hợp tác và Huấn luyện Đông Nam Á (SEACAT) ở Singapore. SEACAT 2021 kết hợp hội nghị trực tuyến và diễn tập thực địa, có sự tham gia của 20 quốc gia với khoảng 400 quân và 10 tàu. Hải quân Mỹ triển khai tàu tác chiến ven biển Tulsa, máy bay P-8A Poseidon cùng binh sĩ từ Lực lượng Đặc nhiệm 73, 76 và Hạm đội 7.

Ngày 12/8, Đài Loan xác nhận thông tin tàu chiến Pháp FS Provence thả neo gần Đài Loan; khẳng định sẽ theo dõi sát và phản ứng theo quy định để đảm bảo an ninh.

“Bộ Quốc phòng Đài Loan” ngày 12/8 cho biết Trung Quốc đã triển khai 7 máy bay quân sự vào vùng ADIZ phía Tây Nam của Đài Loan. Máy bay Trung Quốc xâm nhập ADIZ của Đài Loan gần như hàng ngày trong vòng 2 năm qua. Đài Loan phản ứng bằng việc triển khai máy bay theo dõi, phát cảnh báo vô tuyến và báo động hệ thống phòng không đến khi máy bay Trung Quốc rời đi.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Trong điện đàm 30 phút ngày 6/8, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tái khẳng định cam kết tăng cường liên minh Mỹ-Nhật và hiện thực hóa khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hai bên cũng chia sẻ quan điểm về các vấn đề khu vực trong các Hội nghị Ngoại trưởng của ASEAN và đối tác.

Phát biểu tại Hội nghị diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 28 ngày 6/8, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của thúc đẩy lòng tin, kiềm chế các hành động làm phức tạp tình hình và giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình ở Biển Đông. Việt Nam sẽ tích cực cùng các nước xây dựng bộ Quy tắc COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS năm 1982.

Phát biểu tại ARF-28 ngày 6/8, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin khẳng định: (i) an ninh biển là một lĩnh vực hợp tác quan trọng trong Kế hoạch Hành động Hà Nội II; (ii) thượng tôn UNCLOS 1982 là khung khổ pháp lý cho tất cả các hoạt động trên đại dương; (iii) lập trường của Philippines dựa vào luật pháp và khẳng định giá trị Phán quyết Toà; (iv) Philipines luôn nỗ lực thúc đẩy tiến trình đàm phán COC. Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - EU cùng ngày, Bộ trưởng Locsin hoan nghênh tuyên bố kỷ niệm 5 năm Phán quyết của EU. Điều đó chứng tỏ Philippines không đơn độc.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia ngày 7/8 cho hay tại Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN - EU, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia Prak Sokhonn khẳng định Campuchia hoan nghênh việc nối lại đàm phán (COC. Điều này phản ánh ý chí và cam kết mạnh mẽ của ASEAN và Trung Quốc nhằm duy trì ổn định khu vực, kiềm chế những hành động làm leo thang căng thẳng trên cơ sở hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS năm 1982.

Trong cuộc gặp giữa Cố vấn An ninh Quốc gia Nhật Bản Akiba Takeo và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ở Washington ngày 9/8, hai bên nhấn mạnh, “Tầm quan trọng của liên minh Mỹ - Nhật trong việc duy trì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bao trùm, tự do và rộng mở; phản đối nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông; khẳng định cam kết duy trì hòa bình và ổn định, hoạt động thương mại hợp pháp không bị cản trở và thượng tôn luật pháp, bao gồm quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông”.

Chủ trì phiên thảo luận mở trực tuyến về an ninh biển tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 9/8, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đưa ra 5 nguyên tắc: (i) loại bỏ các rào cản đối với hoạt động thương mại biển hợp pháp; (ii) tranh chấp biển cần được giải quyết hoà bình và dựa trên luật pháp quốc tế; (iii) chung tay đối phó với thiên tai và các mối đe doạ trên biển do các chủ thể phi quốc gia gây ra; (iv) cần bảo tồn môi trường biển và tài nguyên biển; (v) khuyến khích hình thành các kết nối biển. Phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu 3 đề xuất: (i) cần có nhận thức toàn diện và đầy đủ về tầm quan trọng của biển và những nguy cơ đe dọa an ninh biển; (ii) an ninh biển là vấn đề toàn cầu nên cần có giải pháp toàn cầu, tổng thể trên cơ sở hợp tác đối thoại và luật pháp quốc tế; (iii) các quốc gia cần tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và UNCLOS năm 1982, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển.

Phát biểu tại phiên họp về an ninh biển ở Liên hợp quốc ngày 9/8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định, “Xung đột ở Biển Đông, hay bất kỳ vùng biển nào khác, đều dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng về an ninh và thương mại trên toàn cầu. Khi một quốc gia không phải chịu bất kỳ hậu quả nào từ việc phớt lờ luật lệ, họ sẽ gây ra bất ổn và tình trạng bất tuân trật tự ở mọi nơi”. Đáp lại, Phó Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Đới Binh tuyên bố, “Hội đồng Bảo an không phải nơi thích hợp để thảo luận vấn đề Biển Đông. Trung Quốc phản đối việc Mỹ đề cập vấn đề Biển Đông. Mỹ đã trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình và ổn định vì hành động gây rối và tùy tiện đưa các máy bay và tàu chiến vào Biển Đông”.

Thượng viện Mỹ ngày 10/8 bỏ phiếu (53 - 46) bác bỏ đề xuất của Đảng Cộng hòa về bổ sung 50 tỷ USD cho hạ tầng quốc phòng trong kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng của Chính quyền Biden. Đề xuất do Phó Chủ tịch Ủy ban Phân bổ Ngân sách Thượng viện Richard Shelby bảo trợ với mục tiêu chi hàng tỷ USD cho các dự án cải tạo nhà máy đóng tàu, kho tiếp liệu, cơ sở hạ tầng hạt nhân và thiết bị viễn thông 5G.

Ngày 11/8, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Kramp-Karrenbauer cho hay tàu khu trục Bayern sẽ tập trận với Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và thăm cảng Tokyo vào tháng 11/2021, dự kiến thăm Việt Nam, Úc, và các nước khác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Bộ trưởng Kramp-Karrenbauer tuyên bố Đức muốn "gửi đi tín hiệu rõ ràng" về việc củng cố trật tự và chủ nghĩa đa phương.

Ngày 11/8, tờ “SCMP” cho hay Mỹ và Đài Loan nhất trí đối thoại thường xuyên giữa hai lực lượng tuần duyên. Trước đó ngày 9/8, truyền thông Đài Loan đưa tin Đài Loan đã điều tàu tuần tra lớn nhất Gia Nghĩa và hai tàu nhỏ hơn đến vùng biển ngoài khơi huyện Hoa Liên (phía đông Đài Loan) để diễn tập với Mỹ. Tuy nhiên, tuần duyên Đài Loan hôm 10/8 đã phủ nhận thông tin trên.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 12/8 cho biết các quan chức cấp cao Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ đã thảo luận trực tuyến về tình hình Đài Loan và Myanmar, các thách thức chiến lược ở khu vực, vấn đề về dân chủ nhân quyền…và việc chuẩn bị Hội nghị thượng đỉnh Quad vào cuối năm. Bốn nước cũng khẳng định sự ủng hộ của QUAD với vai trò trung tâm của ASEAN và Tầm nhìn AOIP.

Góc nhìn quốc tế

Trên “Foreign Affairs” ngày 6/8, cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd nhận định thời kỳ đầu của Bộ tứ (trước 2017), Trung Quốc không lo ngại. Nhưng sau đó, đặc biệt sau cuộc gặp Ngoại trưởng Quad tháng 10/2020 và Ấn Độ mời Úc tham gia tập trận Malabar, Trung Quốc bắt đầu lo ngại Quad bởi: (i) Các nước thành viên có thể can dự quân sự khi xung đột Mỹ - Trung nổ ra liên quan đến Đài Loan, Biển Đông, Biển Hoa Đông; (ii) Phát triển hợp tác chia sẻ thông tin tình báo với Ngũ Nhãn; (iii) Trở thành nền tảng tập hợp lực lượng chống Trung Quốc ở phạm vi toàn cầu với các nước châu Âu, EU và NATO; (iv) Là cơ sở tăng cường hợp tác về kinh tế, hải quân, hệ tiêu chuẩn, chuỗi cung ứng.

Trên tờ “The Wire” ngày 8/8, học giả John Elliott cho rằng sứ mệnh của tàu Anh tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không đạt kỳ vọng như ban đầu bởi hải quân Anh đang bị cắt giảm chi phí. Nhóm tàu Anh được Mỹ và Hà Lan hỗ trợ nhiều trong khi một tàu khu trục hộ tống gặp trục trặc động cơ, phải quay lại cảng ở Ý. Trung Quốc sẽ không quan tâm tới sự hiện diện của 1 tàu Đức, một vài tàu Anh hay Ấn Độ. Không hải quân nước nào ngoài Mỹ đủ sức răn đe Trung Quốc. 

Tờ “Financial Times” ngày 11/8 bình luận việc Trung Quốc đầu tư vào tàu sân bay để tăng cường sức mạnh biển có thể phản tác dụng. Các tàu sân bay sẽ trở thành điểm yếu của Trung Quốc, như Mỹ, bởi dễ dàng trở thành mục tiêu của tên lửa. Mỹ có thể áp dụng chiến lược A2/AD đối với Trung Quốc như chính cách Trung Quốc đã và đang đối phó Mỹ ở Biển Đông.

Trên “USNI” ngày 11/8, nhà phân tích Sam LaGrone bình luận Trung Quốc rõ ràng lo ngại tàu tác chiến ven biển (LCS) trang bị tên lửa của Mỹ ở Biển Đông. Trung Quốc phải triển khai ba tàu giám sát hoạt động của tàu LCS, trong khi tàu khu trục tên lửa dẫn hướng lớp Arleigh Burke thường chỉ bị một tàu chiến Trung Quốc “bám đuôi”.

Trên “Tạp chí Tri thức Thế giới” kỳ 15/2021, ông Quách Diên Quân, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á - Học viện Ngoại giao Trung Quốc, đánh giá so với ông Trump, chính sách Trung Quốc của Chính quyền Biden điều chỉnh từ “cạnh tranh người thắng, kẻ thua” sang cạnh tranh toàn diện, nhưng hợp tác dần được khôi phục. “Trạng thái bình thường mới” có thể khái quát chính xu thế phát triển hiện nay của quan hệ hai nước. Quan hệ Trung - Mỹ sẽ bước vào giai đoạn đối đầu chiến lược trong thời gian dài.

Về khuyến nghị của Nghị sỹ Elaine Luria (Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ) cần tăng ngân sách cho hải quân để đối phó với các thách thức mới, Cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lawrence Korb đánh giá chính quyền Mỹ phải cân đối giữa nhiều mục tiêu, trong đó giảm thâm hụt ngân sách là vấn đề quan trọng nhất. Đề xuất ngân sách quốc phòng 715 tỷ USD là hợp lý, cao hơn cả ngân sách quốc phòng của Trung Quốc và Nga cộng lại. Mức ngân sách cho hải quân chiếm 30% tổng thể và bằng với không quân thể hiện sự đầu tư đúng mức.

Bình luận của Viện Biển Đông

Nhật Bản, như đa số các nước khác, vốn thận trọng về vấn đề Đài Loan nhưng gần đây thường xuyên đề cập vấn đề này. Một số lý do có thể giải thích điều này: (i) Nhận thức chung về mối đe dọa Trung Quốc ngày càng tăng. Nếu Trung Quốc chiếm Đài Loan, Okinawa và Senkaku sẽ nằm trong tầm ngắm của Trung Quốc và mạn sườn phía Nam của Nhật Bản hoàn toàn sơ hở; (ii) Không loại trừ sức ép từ Mỹ buộc Nhật Bản phải thay đổi quan điểm phù hợp với cách tiếp cận của Chính quyền Biden; (iii) Quan điểm không thiện cảm với Trung Quốc ngày càng tăng. Theo khảo sát, tỷ lệ người dân Nhật Bản đánh giá cao việc duy trì quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc giảm xuống mức thấp lịch sử là 64%; (iv) Vấn đề nội bộ của Nhật Bản. Tác động của những nhân vật diều hâu và có ảnh hưởng rất quan trọng, đặc biệt trong chính sách của Nhật Bản đối với Trung Quốc, gồm Thủ tướng Suga Yoshihide, Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi (người ủng hộ mạnh mẽ Đài Loan và là bạn của Tổng thống Thái Anh Văn)…

Bản PDF tại đây

Viện Biển Đông – Học viện Ngoại giao

“Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông” được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn