Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

“Bộ Quốc phòng” Đài Loan ngày 9/11 lần đầu công bố báo cáo về những phát triển quân sự bằng tiếng Trung và tiếng Anh. Đây là báo cáo thường kỳ hai năm một lần bắt đầu từ năm 1992. Trong hơn 30 năm qua, Đài Loan luôn công bố bản tiếng Trung trước, sau đó ít nhất 1,5 tháng bản tiếng Anh mới được dịch và đưa lên mạng. Đây là động thái tăng cường tuyên truyền của Đài Loan trong bối cảnh mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc gia tăng.

Tờ “Taiwan news” ngày 9/11 đưa tin Đài Loan cử tàu ngầm Hải Long trập trận tại đảo Ba Bình. Thông tin về thời gian và hoạt động của tàu ngầm Hải Long không được tiết lộ song con tàu nhận nhiệm vụ bảo vệ các tuyến đường biển.

Học viện Hải quân Mỹ ngày 10/11 công bố hình ảnh mô hình tàu sân bay Mỹ thứ hai đang được Trung Quốc sử dụng ở Tân Cương để thử nghiệm tên lửa đạn đạo chống hạm. Trước đó, Maxar Technologies ngày 8/11 công bố hình ảnh các cấu trúc mô phỏng một tàu sân bay cỡ lớn và ít nhất hai tàu khu trục lớp Arleigh Burke tại sa mạc Taklamakan cũng ở Tân Cương. Các nhà phân tích cho rằng các việc Trung Quốc để Mỹ "phát hiện" các hình ảnh này nhằm gửi thông điệp răn đe tới Mỹ.

CSIS cho biết việc đóng tàu sân bay thứ ba (Lớp 003) của Trung Quốc đang duy trì  tiến độ và dự kiến được hạ thủy vào tháng 2/2022. So với hai tàu sân bay hiện này của Trung Quốc là Sơn Đông và Liêu Ninh, tàu 003 có thêm một số kết cấu quan trọng, bao gồm các bệ phóng điện từ dùng để phóng máy bay từ tàu. Đây là "một bước tiến lớn" vì với hệ thống điện từ, máy bay có thể được phóng lên từ tàu sân bay nhanh hơn và chứa nhiều nhiên liệu, vũ khí hơn.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Ngày 5/11, Ngoại trưởng Úc Marise Payne dự kiến thăm Malaysia, Campuchia, Indonesia và Việt Nam sau khi ASEAN và Úc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. Chuyến thăm khẳng định đóng góp của Úc giúp tăng cường hợp tác tại khu vực, nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN trong tầm nhìn của Úc tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tại Đối thoại Chiến lược an ninh Pháp - Ấn ngày 6/11, hai bên thảo luận về môi trường an ninh toàn cầu, trong đó có những diễn biến ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, khẳng định tăng cường hợp tác song phương. Pháp ủng hộ tầm nhìn "Ấn Độ tự cường”, hợp tác nghiên cứu và phát triển công nghệ ở Ấn Độ; nhấn mạnh Pháp là đối tác hàng đầu của Ấn Độ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 9/11, Tư lệnh hải quân Đức Phó Đô đốc Kay-Achim Schönbach cho biết việc Đức triển khai tàu chiến Bayern tới khu vực thể hiện quan ngại về trật tự luật lệ đang bị thách thức. Đức muốn triển khai tàu 2 năm 1 lần tới khu vực và sẽ diễn tập cùng các đối tác khu vực. Trước đó ngày 5/11, tàu chiến Bayern là tàu quân sự đầu tiên của Đức cập cảng Nhật Bản trong gần 20 năm.

Đoàn nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ có chuyến thăm Đài Loan vào ngày 9/11. Văn phòng "Tổng thống" và "Bộ Quốc phòng" Đài Loan từ chối bình luận về việc này trong khi Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Quốc vụ viện Trung Quốc tuyên bố nước này không khoan nhượng các hành động ly khai và kêu gọi các nghị sĩ Mỹ tôn trọng nguyên tắc "một Trung Quốc."

Ngày 11/11, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Mỹ Đô đốc John Aquilino có chuyến thăm và trao đổi với các cấp lãnh đạo của Nhật Bản. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Fumio Kishida, hai bên chia sẻ quan ngại về hành động của Trung Quốc ở khu vực, cam kết tăng cường hợp tác tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi và tân Bộ trưởng Ngoại giao Yoshimasa Hayashi, ông Aquilino kêu gọi hai bên củng cố khả năng răn đe trong bối cảnh an ninh xung quanh Nhật Bản phức tạp.

Góc nhìn quốc tế

Trên “Project-syndicate” ngày 5/11, GS Melvyn B. Krauss, Đại học New York cho rằng Đức sẽ khó thay đổi chính sách thân Trung Quốc dưới thời Thủ tướng mới. Dù Đảng Xanh, Đảng Dân chủ tự do, các lực lượng nòng cốt của chính phủ liên bang Đức sắp tới ủng hộ việc đối đầu với Trung Quốc trong các vấn đề như Hong Kong và Tân Cương, chính sách thân thiện với Trung Quốc của Đức sẽ khó thay đổi khi lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội Olaf Scholz nhậm chức thủ tướng Đức. Lý do là nền kinh tế Đức quá lệ thuộc vào xuất khẩu sang Trung Quốc. Việc Đức tiếp tục chính sách hòa hoãn với Trung Quốc đang tạo ra áp lực buộc các nước EU phải lựa chọn giữa đoàn kết nội khối (ủng hộ Đức và chính sách thân thiện với Trung Quốc) hay giữ mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương với Mỹ (và ủng hộ cuộc cạnh tranh với Trung Quốc do Mỹ dẫn dắt).

Trên “Aspistrategist” ngày 10/11, học giả Euan Graham (IISS) bình luận báo giới và học giả Úc gần đây có xu hướng coi Anh chỉ đóng "vai phụ" trong AUKUS và thậm chí ủng hộ Canberra mua tàu hạt nhân của Mỹ thay vì tàu Anh thiết kế. Tuy nhiên, Canberra cần thận trọng trong cách tiếp cận với Anh bởi: (i) giới chức Úc biết rõ Úc là nước yếu thế nhất trong bộ ba và ngay từ đầu đã lôi kéo Anh để "dễ nói chuyện" hơn với Mỹ; (ii) AUKUS là kết quả của “khát khao hạt nhân đến mức tuyệt vọng" của Úc, và minh chứng đối tác nào là quan trọng nhất đối với Canberra. Nếu Úc hành xử khiến Anh phật lòng, như đã làm với Pháp, đó là sai lầm lớn về chiến lược.

Bản PDF tại đây

Viện Biển Đông – Học viện Ngoại giao

“Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông” được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn