Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Lực lượng Không quân Mỹ tại Thái Bình Dương (PACAF) ngày 6/6 bác bỏ thông tin Trung Quốc nói rằng chỉ hai máy bay Trung Quốc áp sát không phận Malaysia. Theo đó, số lượng máy bay Trung Quốc “gần đúng” với số liệu Không quân Hoàng gia Malaysia công bố là 16 chiếc. Mỹ cũng ủng hộ cách hành xử của Không quân Malaysia điều chiến đấu cơ lên áp sát, chặn đầu máy bay Trung Quốc ở vị trí cách bờ biển Sarawak khoảng 100 km.

Ngày 7/6, Tư lệnh các lực lượng vũ trang Philippines (AFP) Cirilito Sobejana có chuyến thăm Thị Tứ nhằm khích lệ tinh thần binh sĩ đóng chốt tại khu vực. AFP gần đây đã tăng cường lực lượng không quân và hải quân cho Bộ Tư lệnh miền Tây (WesCom) ở Palawan.

Theo “Nikkei” ngày 7/6, máy bay Trung Quốc giảm hành động khiêu khích Đài Loan sau tuyên bố chung Mỹ - Nhật ngày 16/4. Trong 104 ngày từ 1/1 đến 16/4, Trung Quốc điều máy bay quân sự vào ADIZ của Đài Loan 75 ngày, khoảng 5 ngày mỗi tuần. Tuy nhiên sau ngày 16/4, hoạt động của Bắc Kinh giảm dần cả về quy mô và tần suất. Trung bình mỗi ngày khoảng 2 máy bay Trung Quốc xâm nhập ADIZ của Đài Loan và chưa ghi nhận trường hợp nào hơn 10 máy bay được ghi nhận.

Ngày 11/6, Tàu USS Curtis Wilbur và HMAS Ballarat kết thúc hoạt động diễn tập một tuần ở Biển Đông với nội dung phối hợp di chuyển, tiếp liệu trên biển và bắn đạn thật. Chỉ huy trưởng tàu USS Curtis Wilbur Anthony Massey cho hay, “Sự phối hợp chặt chẽ giữa hai bên thể hiện quyết tâm và cam kết không ngừng nhằm duy trì một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, thúc đẩy an ninh và thịnh vượng trong khu vực”.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Trong cuộc họp báo trực tuyến từ Hawaii ngày 4/6, Chỉ huy Lực lượng Không quân Mỹ tại Thái Bình Dương Tướng Kenneth S. Wilsbach cho hay, “Trung Quốc hành động ám muội khi chiếm các thực thể ở Biển Đông và Biển Hoa Đông vốn không thuộc nước này”. Theo ông Wilsbach, việc Trung Quốc điều máy bay đến gần Malaysia và Đài Loan là hành động “leo thang và gây bất ổn”. Không quân Mỹ luôn theo dõi chặt chẽ các động thái quân sự của Bắc Kinh.

Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Trung Quốc Khắc Cường ngày 4/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị hai bên nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định, xử lý vấn đề trên biển theo nhận thức chung cấp cao, phù hợp luật pháp quốc tế, gồm UNCLOS 1982, kiểm soát bất đồng và cùng ASEAN xây dựng COC hiệu quả, thực chất. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định coi trọng quan hệ với Việt Nam; mong muốn thúc đẩy các cơ chế đàm phán trên biển giữa hai nước để sớm đạt tiến triển thực chất.

Ngày 4/6, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana hoan nghênh nhóm tàu sân bay Anh hiện diện ở khu vực. Nhóm tàu Anh dự kiến đến thăm nhiều địa điểm, bao gồm Philippines, trong hành trình kéo dài 7 tháng. Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines Arsenio Andolong, hành động của Anh giúp khẳng định tự do hàng hải ở Biển Đông. Trước đó trong cuộc trao đổi trực tuyến với Bộ trưởng Lorenzana ngày 2/6, đại sứ Anh tại Philippines Daniel Pruce khẳng định "hỗ trợ Philippines nâng cao nhận thức và khả năng xử lý tình hình ở Biển Đông”.

Ngày 5/6, cựu Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Francis Jardeleza cùng hai chuyên gia gửi thư kèm một đề xuất dự luật cho Tổng thống Duterte. Lá thư bày tỏ sự thất vọng, vì 5 năm sau chiến thắng ở Tòa Trọng tài, Philippines vẫn chia rẽ về việc áp dụng Phán quyết. Nhóm chuyên gia đề nghị cần nhanh chóng đặt tên cho ít nhất 128 thực thể trên Biển Đông và 35 mỏm đá ngoài khơi. Thay vì yêu sách cả quần đảo Trường Sa, tốt nhất Philippines nên yêu sách chủ quyền thực thể nhỏ cùng với lãnh hải xung quanh.

Mỹ hoan nghênh cuộc gặp đầu tiên của Nhóm Điều hành Mạng lưới Biển Xanh (Blue Dot Network) do OECD tổ chức vào ngày 7/6. Đây là sáng kiến Mỹ, Úc và Nhật đưa ra vào năm 2019 (dưới thời Trump) để cung cấp các dự án hạ tầng cơ sở chất lượng cao. Ngoài ra, Chính quyền Biden cũng hoan nghênh kết quả khảo sát của OECD cho thấy mức độ ủng hộ cao đối với Mạng lưới Biển Xanh.

Phát biểu tại Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện ngày 7/6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Bliken đề xuất ngân sách cho Bộ Ngoại giao trong năm tài khoá 2022, tập trung vào: (i) an ninh y tế toàn cầu; (ii) biến đổi khí hậu; (iii) dân chủ-nhân quyền; (iv) vấn đề nhập cư; (v) vai trò lãnh đạo của Mỹ trong vấn đề nhân đạo; (vi) bổ sung ngân sách cho các tổ chức quốc tế, các sáng kiến và nỗ lực gìn giữ hoà bình và (vii) cho các vấn đề nhân sự và nội bộ khác.

Phát biểu tại Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc ngày 7/6, tại Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề cao tầm quan trọng của nỗ lực giữa ASEAN và Trung Quốc giúp duy trì môi trường hòa bình, an ninh, ổn định, thượng tôn pháp luật ở khu vực, giải quyết hoà bình các tranh chấp. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục cùng các nước ASEAN và Trung Quốc triển khai đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố DOC và xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, gồm UNCLOS năm 1982. 

Tại Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc ngày 7/6, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan bày tỏ mong muốn sớm đạt được COC hiệu quả, thực chất. Những năm qua, hai bên nỗ lực để đạt được tiến bộ trong đàm phán COC, hướng tới một quy tắc ứng xử giúp duy trì ổn định, hòa bình và thịnh vượng ở Biển Đông. Trong khi đó, người đồng cấp Indonesia Retno Marsudi kêu gọi ASEAN-Trung Quốc sớm khôi phục đàm phán về COC. Theo bà Marsudi, việc quản lý tranh chấp giúp tăng cường quan hệ đối tác bình đẳng giữa hai bên.

Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc tại Trung Quốc, Hội nghị lần thứ 19 Quan chức cao cấp ASEAN - Trung Quốc về thực thi DOC (SOM DOC) diễn ra ngày 7/6. Các nước bày tỏ quan ngại về diễn biến phức tạp ở Biển Đông thời gian qua, trong đó có các hoạt động đơn phương đi ngược lại luật pháp quốc tế. Các quan chức cao cấp hai bên nhất trí thúc đẩy tiến trình đàm phán COC và chỉ đạo Nhóm công tác chung sớm nối lại đàm phán COC. Đây là cuộc họp đầu tiên kể từ Hội nghị SOM DOC-18 ở Đà Lạt tháng 10/2019.

Bên lề Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc tại Trùng Khánh - Trung Quốc ngày 8/6, Ngoại trưởng nước chủ nhà Vương Nghị có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. Hai bên khẳng định, không có “chiếc bẫy” nào trong hợp tác Trung Quốc- Philippines. Một số khác biệt về vấn đề Biển Đông mặc dù là thách thức trong quan hệ hai bên, nhưng không ảnh hưởng đến quan hệ hữu nghị cũng như hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực.

Trong cuộc điện đàm với Đô đốc Hải quân Indonesai Yudo Margono ngày 8/6, Chuẩn Đô đốc Trần Thanh Nghiêm nhấn mạnh hợp tác giữa hai nước không ngừng được củng cố. Đô đốc Margono cam kết phối hợp với hải quân Việt Nam xây dựng và duy trì hòa bình, ổn định ở vùng biển hai nước, tạo điều kiện cho ngư dân hoạt động, không xâm phạm vùng biển của nhau. Hai bên nhất trí các bước tiến hành đào tạo chung, cải thiện phối hợp hải quân đối phó với thách thức an ninh biển.

Trong cuộc hội đàm ngày 8/6, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị nhất trí duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, sớm đạt COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, gồm UNCLOS năm 1982. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị nghiêm túc thực hiện nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao, tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS năm 1982, các cơ chế đàm phán, tìm kiếm các giải pháp cơ bản và lâu dài.

Trong chương trình phỏng vấn ngày 8/6, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chỉ trích phát ngôn của Thượng nghị sĩ, đồng thời là võ sĩ quyền Anh lừng danh Manny Pacquiao “nông cạn” về chính sách đối ngoại khi chỉ trích ông Duterte không cứng rắn với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Tổng thống Duterte cho hay ông không thấy ai xứng đáng thay thế ông sau cuộc bầu cử năm 2022, nhưng khẳng định đã sẵn sàng để nghỉ hưu.

Phát biểu tại một sự kiện ngày 8/6, điều phối viên về vấn đề Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Kurt Campbell cho hay, “Trong một hoặc hai năm qua, quốc gia gây ra nhiều vấn đề nhất cho Trung Quốc không phải là Mỹ mà là chính Trung Quốc”. Theo ông Campbell, chính sách của Trung Quốc, như quân sự hóa ở Biển Đông, hành xử quyết đoán trong hoạt động đối ngoại, gây ra phản ứng dữ dội đối với Bắc Kinh.

Ngày 9/6, Quan chức đối ngoại cấp cao EU Joseph Borrell cho hay, EU “sẽ tăng cường phản ứng trước tình hình Hong Kong, đặc biệt hỗ trợ cho xã hội dân chủ và giới truyền thông tại đây. EU sẽ cân nhắc tiến hành một chuyến thăm của giới chức cao cấp tới đây”. Trong tháng 5, Hong Kong có thay đổi về luật bầu cử, theo đó giảm tỉ lệ số ghế trong cơ quan lập pháp được bầu trực tiếp từ một nửa xuống còn ít hơn một phần tư.

Ngày 9/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ban hành một chỉ thị nội bộ tái định hướng quân đội, giúp cạnh tranh tốt hơn với Trung Quốc. Bộ trưởng Lloyd Austin cho biết, “Chỉ thị tôi đưa ra sẽ cải thiện năng lực của Bộ Quốc phòng, tăng cường khả năng răn đe và đẩy nhanh việc hiện đại hóa quân đội và phát triển các hoạt động mới, năng lực mới”. Động thái trên dựa trên khuyến nghị của Lực lượng Đặc nhiệm về Trung Quốc của Bộ Quốc phòng được Tổng thống Joe Biden thành lập vào tháng 2/2021.

Trong cuộc điện đàm với Người phát ngôn Hội đồng Lập pháp Brunei Pehin Dato Abdul Rahman Taib ngày 9/6, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ khẳng định cần tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN, củng cố cấu trúc khu vực dựa trên luật lệ, với trọng tâm là hợp tác đa phương; nhấn mạnh các bên cần tôn trọng pháp quyền, UNCLOS 1982, hướng tới một COC hiệu quả và thực chất ở Biển Đông. Trước đó ngày 7/6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã điện đàm với Chủ tịch Hạ viện Úc Tony Smith. Hai bên khẳng định ủng hộ an toàn tự do hàng hải và hàng không; giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, gồm UNCLOS năm 1982.

Nhân kỷ niệm 46 năm quan hệ ngoại giao Trung Quốc - Philippines ngày 9/6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gửi thư cho Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, khẳng định thắt chặt quan hệ hữu nghị hai bên. Về phần mình, Tổng thống Duterte ca ngợi mối quan hệ kéo dài hàng thế kỷ giữa nhân dân hai nước, cam kết hợp tác cùng có lợi với Trung Quốc để đảm bảo hòa bình, tiến bộ và sự thịnh vượng. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Philippines Teodoro Locsin Jr. cũng trao đổi thư nhân dịp này.

Ngày 10/6, bình luận việc tàu Trung Quốc xuất hiện gần đảo Tri Tôn (Hoàng Sa), Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định, “Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hành động xâm phạm chủ quyền và các quyền liên quan của Việt Nam đối với Hoàng Sa; yêu cầu các bên không làm phức tạp tình hình, đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán COC”.

Tại Hội nghị thường niên Úc-Singapore lần thứ 6 tại Istana ngày 10/6, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Thủ tướng Úc Scott Morrison nhấn mạnh hai bên cam kết thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định khu vực; ủng hộ mạnh mẽ tự do hàng hải, hàng không, hoạt động thương mại không bị cản trở ở Biển Đông; kêu gọi kiềm chế tránh làm căng thẳng leo thang và thực hiện các bước xây dựng lòng tin.

Ngày 10/6, Người phát ngôn Phủ Tổng thống Harry Roque cho biết Tổng thống Duterte đã yêu cầu xem xét dự luật sửa đổi đường cơ sở do cựu Thẩm phán Tòa án Tối cao Francis Jardeleza đề xuất. Theo ông Roque, Tổng thống đánh giá cao đề xuất này giúp củng cố yêu sách Philippines ở Biển Đông.

Góc bình luận, Phân tích

Ngày 3/6, nghiên cứu viên Patrica M. Kim, Viện Nghiên cứu Hoà bình đánh giá nhiều quốc gia ủng hộ cách tiếp cận vừa hợp tác, vừa cạnh tranh với Trung Quốc của Chính quyền Biden. Các nước này không muốn Mỹ - Trung rơi vào vòng xoáy xung đột phải chọn phe nhưng cũng không muốn hai nước trở nên thân thiết. Theo Kim, một số biện pháp giúp duy trì sự ổn định chiến lược Mỹ -Trung: (i) xác định các lĩnh vực dễ dẫn đến nguy cơ va chạm chiến lược; (ii) đánh giá các cơ chế giảm thiểu rủi ro và quản lý khủng hoảng hiện có giữa hai nước; (iii) nghiên cứu các biện pháp kiểm soát vũ khí; (iv) tham vấn với đồng minh và đối tác trước khi tiếp cận Bắc Kinh; (v) Mỹ nên can dự với Trung Quốc trên cả phương diện song phương và đa phương.

Ngày 4/6, học giả Rahul Mishra, Malaysia cho rằng nỗ lực ngoại giao của Nhật Bản tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có ý nghĩa quan trọng giúp duy trì ổn định khu vực, đặc biệt thúc đẩy quan hệ với các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Quan hệ thân thiết với Việt Nam là cơ sở để Nhật Bản xây dựng trật tự khu vực dựa trên luật lệ. Nhật Bản có cách “tiếp cận thân thiện” với Việt Nam, phù hợp với nhận thức và chính sách của Việt Nam.  Hiện nay, hợp tác quốc phòng và thương mại là hai khía cạnh phát triển nhất trong quan hệ song phương.

Bình luận trên “SCMP” ngày 8/6, học giả Richard Heydarian, Philippines đánh giá, “đến nay, Chính quyền Biden gây thất vọng lớn cho các nước Đông Nam Á". Theo ông Richard, Mỹ đã không nhắc đến Philippines và Thái Lan trong bản Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời, không tích cực đàm phán VFA với Philippines, để Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN phải chờ 45 phút trong họp trực tuyến. Trong khi đó, Trung Quốc duy trì các tiếp xúc tích cực với các nước khu vực.

Bình luận trên “Foreign Policy” ngày 9/6, học giả Ali Wyne (Eurasia Group) nhận định chính sách ngoại giao của Trung Quốc đang hạn chế tham vọng của nước này. Với “Ngoại giao Chiến lang”, Trung Quốc biến mình thành đối tượng chỉ trích của phương Tây. Khoảng cách ngày càng lớn giữa sức mạnh kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc sẽ hạn chế ảnh hưởng của nước này. Trung Quốc cũng đang gặp nhiều trở ngại: (i) QUAD  có nhiều động lực nhất từ khi bắt đầu, (ii) NATO chỉ trích mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc; (iii) G7 bắt đầu lên tiếng về tình hình dân chủ tại Trung Quốc; (iv) EU hoài nghi hơn về hành động của Trung Quốc.

Về động thái máy bay Trung Quốc bay vào không phận của Malaysia ngày 31/5, cần nhìn nhận bối cảnh hành động của Trung Quốc từ đó đánh giá các tác động đến tình hình Biển Đông: (i) các nước Đông Nam Á khác có tranh chấp như Philippines thể hiện cứng rắn hơn trong chính sách tại Biển Đông; (ii) Đây là ngày kỷ niệm 47 năm thành lập quan hệ Trung Quốc – Malaysia (31/5). Quan hệ của hai nước trong vấn đề Biển Đông bắt đầu căng thẳng hơn trước khi trong năm 2020 tàu Hải cảnh Trung Quốc và giàn khoan HD08 đã gây sức ép lên hoạt động dầu khí của tàu West Capella; (iii) Mỹ hiện diện nhiều hơn tại Biển Đông trong thời gian trở lại đây. Vậy nên hoạt động của Trung Quốc lần này thể hiện sự đáp trả đối với động thái và phản ứng của các nước. Tác động của sự việc sẽ không ảnh hưởng riêng đến Malaysia mà sẽ lan ra toàn bộ khu vực, cụ thể: (i) Làm xấu đi quan hệ của Trung Quốc và Malaysia bất chấp quan hệ tốt đẹp giữa Bộ trưởng Ngoại giao hai nước; (ii) Các nước khác cẩn trọng hơn với các động thái ve vãn của Trung Quốc, tập trung hơn và sẵn sàng lên tiếng nhiều hơn trên vấn đề tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, bất chấp sự kêu gọi hợp tác từ các kênh học giả và kênh ngoại giao Trung Quốc; (iii) Gây mất an toàn cho các tuyến hàng không bay qua Biển Đông. Các nước cần cảnh giác hơn với các hoạt động núp bóng huấn luyện quân sự để mở rộng vùng tài phán trên Biển Đông của nước này.

Cuối tháng 5 đầu tháng 6/2021, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ có chuyến thăm ba nước Đông Nam Á gồm Indonesia, Campuchia và Thái Lan. Chuyến công du có những điểm đáng chú ý: (i) Tại Indonesia, Thứ trưởng Sherman đã có cuộc họp với Ban Thư ký ASEAN và đại diện các nước thành viên, tái khẳng định cam kết của Mỹ với vai trò trung tâm của ASEAN, Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ - Thái Bình Dương và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ; (ii) Thứ trưởng Sherman bày tỏ lo ngại về sự hiện diện quân sự và việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại Căn cứ Quân sự Hải quân Ream của Trung Quốc; (iii) Mỹ khẳng định Thái Lan là đồng minh và đối tác lâu năm, sẽ tiếp tục hợp tác để thúc đẩy quan điểm chung về an ninh, thịnh vượng và giá trị ở khu vực; (iv) Tại tất cả các điểm đến, Bà Sherman đều nhấn mạnh đến quan tâm và nỗ lực của Mỹ cho các vấn đề toàn cầu hiện nay bao gồm biến đổi khí hậu và cuộc chiến chống Covid; (v) Ngoài ra, có 2 điểm đáng lưu ý trong họp báo của Thứ trưởng Sherman sau khi kết thúc chuyến công du. Thứ nhất, Mỹ sẽ cạnh tranh với Trung Quốc trong thế kỷ 21 và sẽ thách thức Trung Quốc trong nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề nhân quyền và Biển Đông. Thứ hai, Mỹ xem QUAD là tổ chức khu vực quan trọng nhưng không phải để thay thế ASEAN. Hiện Chính quyền Biden vẫn trong giai đoạn định hình chính sách. Mỹ còn nhiều khu vực, vấn đề cần sắp xếp và ưu tiên giải quyết. Chuyến thăm lần này có thể sẽ là mở đầu tích cực, thuận lợi cho các hợp tác Mỹ - Đông Nam Á dưới thời Chính quyền Biden trong thời gian tới?

Bản PDF tại đây

@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao

"Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn