Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Về thông tin Anh triển khai tàu chiến tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm ngày 30/7 tuyên bố Trung Quốc hy vọng các tàu quân sự khi đi qua Biển Đông cần tuần thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền, quyền và lợi ích của các quốc gia ven biển, và tránh các hành động phương hại tới hòa bình và ổn định khu vực.

Trước sự chứng kiến của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Locsin và Đại biện Đại sứ quán Mỹ tại Manila ngày 30/7 ký Thoả thuận tìm kiếm cứu nạn hàng không và hàng hải (AMSAR). Các Bộ, ngành của Philippines như Bộ Giao thông, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Cảnh sát biển… đã đàm phán hiệp định này với Mỹ từ tháng 9/2018.

Ngày 30/7, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng tổ chức bàn giao tàu tìm kiếm cứu nạn tàu ngầm đa năng 927-Yết Kiêu cho Quân chủng Hải quân. Đây là loại tàu cứu hộ thế hệ mới, thực hiện nhiệm vụ cứu hộ tàu ngầm với các thiết bị chuyên dụng có tính vượt trội, có thể hoạt động liên tục trên biển 30 ngày đêm.

Quân đội Indonesia và Mỹ ngày 1/8 tiến hành cuộc tập trận “Lá chắn Garuda” lớn nhất từ trước đến nay. Cuộc tập trận kéo dài 2 tuần tại các đảo Sumatra, Sulawesi và Kalimantan, với sự tham gia của 4.500 binh sĩ.

Thông cáo của Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc ngày 2/8 cho biết, Trung Quốc bắt đầu sản xuất dầu khí tại mỏ dầu Liuhua 21-2. Mỏ này nằm ở phía Đông Nam Biển Đông, độ sâu trung bình là 437 m. Dự kiến Trung Quốc sẽ khai thác 8 giếng tại mỏ này, đến năm 2023, đạt sản lượng ước tính 15.070 thùng/ ngày.

Từ ngày 2-27/8, Mỹ khởi động cuộc tập trận quy mô lớn (Large Scale Global Exercise 21) với sự tham gia của Anh, Úc, Nhật Bản. LSGE 21 diễn ra trên toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với các khoa mục huấn luyện thực địa, hỗ trợ hậu cần, đổ bộ, diễn tập trên không, trên biển, cùng các hoạt động tác chiến đặc biệt.

Thông cáo của Hải quân Ấn Độ ngày 2/8 cho biết một nhóm 4 tàu chiến gồm tàu khu trục ‘Ranvijay’, tàu khu trục ‘Shivalik’, tàu chống ngầm ‘Kadmatt’ và tàu hộ tống ‘Kora’ sẽ sớm được triển khai đến Biển Đông để tham gia các cuộc tập trận song phương với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia và Úc. Biên đội tàu này cũng đến Tây Thái Bình Dương để tham gia cuộc tập trận 'Malabar 21' với hải quân các nước Quad.

Đức ngày 2/8 triển khai tàu chiến tới Biển Đông, lần đầu tiên sau 2 thập kỷ. Dự kiến tàu Bayern có hải trình kéo dài 7 tháng và sẽ đến Biển Đông vào giữa tháng 12. Phát biểu tại lễ khởi hành của tàu Bayern, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer khẳng định, "Đức muốn luật pháp hiện nay được tôn trọng, các tuyến đường biển có thể đi lại tự do, các xã hội cởi mở được bảo vệ và hoạt động thương mại tuân thủ những quy tắc công bằng".

Ngày 4/8, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam thông báo Trung Quốc sẽ tiến hành cuộc tập trận ở phía Bắc Biển Đông từ ngày 6 - 10/8. Khu vực tập trận có diện tích hơn 100.000 km vuông lớn nhất từ trước đến nay, trải rộng từ phía đông đảo Hải Nam xuống đến quần đảo Hoàng Sa. Động thái trên diễn ra sau khi Mỹ tiến hành Cuộc tập trận Quy mô Toàn cầu (Large Scale Global Exercise 21) từ ngày 2-27/8.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Về chuyến thăm Philippines của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin ngày 30/7 khẳng định: (i) liên minh Philippines - Mỹ ngày càng bền vững; (ii) sự hiện diện của Mỹ giúp duy trì hoà bình, ổn định ở Đông Nam Á; (iii) Mỹ thể hiện cam kết tuân thủ nghĩa vụ đồng minh; (iv) Tổng thống Duterte đã trao Công hàm ngoại giao rút lại việc huỷ bỏ Thỏa thuận VFA.

Tham dự tọa đàm do Hải quân Mỹ tổ chức ngày 2/8, Tham mưu trưởng Hải quân Michael M. Gilday, Tư lệnh Thủy quân lục chiến David H. Berger và Tư lệnh Cảnh sát biển Karl L. Schultz thảo luận chiến lược xây dựng một lực lượng biển thiện chiến vào cuối thập kỷ này. “Chiến lược tích hợp ba lực lượng biển” được thông qua vào tháng 12/2020, hướng tới tăng cường khả năng phối hợp, tác chiến và đối phó với các thách thức từ Nga và Trung Quốc.

Phát biểu khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 (AMM - 54), Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định hòa bình, an ninh, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích chung của tất cả các nước; nhấn mạnh UNCLOS năm 1982 là cơ sở xác định quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, là khuôn khổ điều chỉnh mọi hoạt động trên tất cả các vùng biển và đại dương. Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc ngày 3/8, nhấn mạnh các bên cần duy trì thượng tôn pháp luật, giải quyết các tranh chấp và khác biệt thông qua các biện pháp hòa bình; khẳng định Việt Nam cam kết cùng các nước ASEAN và Trung Quốc tiếp tục triển khai đầy đủ và hiệu quả DOC, nối lại đàm phán COC. Tại Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Mỹ, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của xây dựng lòng tin, kiềm chế, không quân sự hóa; mong muốn Mỹ tiếp tục đóng vai trò xây dựng, ủng hộ ASEAN trong việc duy trì hoà bình, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Tham dự Hội nghị EAS lần thứ 11, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tái khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; kêu gọi các bên nỗ lực hoàn tất bộ Quy tắc ứng xử hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS năm 1982.

Tuyên bố chung ngày 2/8 của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 54 khẳng định các Bộ trưởng: (i) quan ngại về tình trạng bồi đắp, các vụ việc nghiêm trọng ở khu vực gây tổn hại lòng tin, đe dọa hòa bình và ổn định khu vực; (ii) khẳng định lập trường nhất quán giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; kiềm chế, không quân sự hóa, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; (iii) tái khẳng định tầm quan trọng của thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, nối lại đàm phán COC, duy trì môi trường thuận lợi cho đàm phán COC hiệu quả, thực chất, phù hợp luật quốc tế, bao gồm UNCLOS năm 1982. Tại AMM - 54 , Các Bộ trưởng ASEAN nhất trí thiết lập quan hệ Đối tác đối thoại với Anh. Trường hợp của Anh đặc biệt khi năm 1990, ASEAN tạm dừng kết nạp các ứng viên làm đối tác đối thoại.

Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN - Nhật Bản ngày 3/8, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi khẳng định Nhật Bản ủng hộ AOIP của ASEAN, coi đây là nền tảng của khu vực “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở”; phản đối mạnh mẽ các nỗ lực thay đổi nguyên trạng trên biển; kêu gọi giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông và việc tuân thủ Phán quyết. Theo Ngoại trưởng Motegi, Bộ Quy tắc ứng ở Biển Đông cần phù hợp với UNCLOS năm 1982 và không phương hại đến quyền và lợi ích của các bên liên quan.

Trong cuộc họp báo ngày 3/8, Người Phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John F. Kirby khẳng định Mỹ không vận động các nước Anh, Đức, Ấn Độ đưa tàu chiến đến Biển Đông, “Việc triển khai tàu chiến là quyết định của những nước có chủ quyền trên tinh thần thượng tôn luật pháp và mong muốn bảo vệ trật tự luật lệ”. Theo ông Kirby, các quyết định này phản ánh “nhận thức và mối quan tâm” lớn của các nước trước những thách thức Trung Quốc tạo ra ở Biển Đông.

Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc ngày 3/8, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin nhấn mạnh, “Một Biển Đông hòa bình cần được bảo vệ và quản lý bền vững. Tranh chấp Biển Đông cần giải quyết hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS năm 1982, và Phán quyết giúp làm sáng rõ các vấn đề biển. Là Quốc gia Điều phối đàm phán COC thời gian qua, Philippines luôn cố gắng thúc đẩy đàm phán COC”.

Ngày 3/8, Phái đoán thường trực của New Zealand tại Liên hợp quốc lưu hành Công hàm số 08/21/02, bày tỏ quan điểm với tất cả Công hàm của Trung Quốc tại Liên hợp quốc, trong hồ sơ liên quan đến đệ trình thềm lục địa mở rộng của Malaysia tại khu vực Bắc Biển Đông. Công hàm có một số nội dung chính: (i) Khẳng định tính phổ cập và thống nhất của UNCLOS khi UNCLOS thiết lập khuôn khổ điều chỉnh tất cả các hoạt động trên biển và đại dương; (ii) Việc xác định các vùng biển phải tuân thủ UNCLOS; (iii) New Zealand là thành viên tham gia nhiều Công ước đa phương về không gian biển. Dù sau thời điểm có hiệu lực của UNCLOS nhưng các điều ước này được thực thi rộng rãi và phù hợp với UNCLOS; (iv) UNCLOS bảo vệ các quyền tự do biển cả, trong đó có quyền tự do lưu thông, cũng như quyền qua lại không gây hại trong lãnh hải; (v) Theo Phán quyết của Toà, các quốc gia yêu sách quyền lịch sử là không có cơ sở.

Tờ “SCMP” ngày 3/8 dẫn nguồn tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay, “Đức đã đề nghị Trung Quốc cho tàu chiến Bayern ghé thăm Thượng Hải nhưng về hoạt động của tàu, các thông tin Đức đưa ra rất khó hiểu. Trung Quốc sẽ quyết định sau khi Đức làm rõ mục đích”. Trung Quốc cũng yêu cầu tàu chiến Đức “tuân thủ luật quốc tế” khi di chuyển trên Biển Đông và “tránh các hành động làm tổn hại đến ổn định, an ninh khu vực”.

Mỹ - Indonesia ngày 4/8 đối thoại chiến lược lần thứ nhất nhân chuyến thăm của Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi. Thông cáo chung của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, “Tầm quan trọng của Đối tác chiến lược Mỹ - Indonesia đối với một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương an ninh và thịnh vượng”. Trong đối thoại, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp cam kết tăng cường hợp tác chống dịch Covid-19, đẩy mạnh quan hệ thương mại, và bảo vệ quyền tự do lưu thông ở Biển Đông.

Phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen ở Colorado ngày 4/8, Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương John C. Aquilino khẳng định diễn biến ở Hồng Kông, biên giới Ấn - Trung và Tân Cương cho thấy Trung Quốc thường “cam kết một đằng, làm một nẻo”. Theo ông Aquilino, “các yêu sách trái luật của Trung Quốc ở Biển Đông tác động trực tiếp đến các quốc gia khu vực”. Đã đến lúc Mỹ phải thực thi chiến lược răn đe tổng thể với Trung Quốc.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Cấp cao Đông Á lần thứ 11 ngày 4/8, Bộ trưởng  Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đề xuất các bên cần đạt "bốn tôn trọng" trong vấn đề Biển Đông, bao gồm: (i) tôn trọng sự thật; (ii) tôn trọng pháp luật; (iii) tôn trọng đồng thuận; (iv) tôn trọng các nước trong khu vực. 

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 4/8 khẳng định Mỹ “ủng hộ ASEAN đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; hoan nghênh Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của ASEAN và các nguyên tắc như sự bao hàm, cởi mở là nền tảng của một khu vực quản trị tốt và thượng tôn pháp luật.” Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với ASEAN trong 4 lĩnh vực: (i) thúc đẩy hợp tác biển vì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương an toàn; (ii) mở rộng kết nối cơ sở hạ tầng, (iii) hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc; (iv) Tăng cường hợp tác kinh tế.

Hội đàm tại Lầu Năm Góc ngày 5/8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Tổng thống Cộng hòa Palau Surangel Whipps nhấn mạnh vai trò của quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Palau trong việc “tăng cường năng lực răn đe” và đảm bảo “một khu vực tự do và rộng mở.” Trước đó ngày 4/8, Tổng thống Palau cũng có cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Thông cáo sau cuộc gặp cho hay hai bên thảo luận về việc thúc đẩy hợp tác với các nước để xây dựng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Góc nhìn quốc tế

Về Thông điệp Liên bang của Tổng thống Philippines Duterte ngày 26/7, cựu Thẩm phán Antonio Carpio nhận định có điểm đáng chú ý khi ông Duterte có thể xem xét dự thảo luật đường cơ sở do một nhóm chuyên gia đề xuất. Yêu sách về nhóm đảo KIG trong PD 1956 và trong Luật Cộng hoà RA 9522 năm 2009 chưa từng khẳng định chủ quyền đối với Louisa Reef (Brunei), Swallow Reef (Malaysia) và đảo Trường Sa (Việt Nam). Hiện nay, dự thảo luật mới của Philippines rõ ràng đều yêu sách ba thực thể trên. Theo ông Carpio, Philippines chưa bao giờ khẳng định yêu sách với toàn bộ Quần đảo Trường Sa. Việc thông qua dự thảo luật này sẽ tổn hại quan hệ với Brunei, Malaysia và Việt Nam.

Trên “East Asia Forum” ngày 30/7, học giả Aristyo Darmawan, Đại học Indonesia cho rằng trong đàm phán COC, các nước phải xem xét và giải quyết bốn vấn đề pháp lý quan trọng: (i) phải xác định phạm vi địa lý áp dụng COC; (ii) xác định giá trị pháp lý của COC; (iii) cần phải xây dựng cơ chế giám sát và tuân thủ; (iv) COC phải có cơ chế giải quyết tranh chấp. Có thể lựa chọn nhiều cơ chế quốc tế như Tòa án Công lý Quốc tế, Tòa Trọng tài Thường trực ở La Hay, hoặc Tòa án Quốc tế về Luật Biển ở Hamburg.

Trên “Vera Files” ngày 1/8, học giả Herbert A.Loja cho rằng Phán quyết của Toà đặt vấn đề xem xét lại hệ thống đường cơ sở thẳng trong Sắc lệnh Tổng thống 1596 của Philippines. Theo Sắc lệnh này, Philippines tuyên bố chủ quyền đối với khu vực mở rộng quanh quần đảo Trường Sa thông qua một hệ thống các đường cơ sở thẳng, đặt tên là Nhóm đảo Kalayaan (KIG). Sắc lệnh này không đề cập tới vùng nước nối liền hoặc bao quanh và giữa các nhóm đảo, đá và vùng nước ở thềm lục địa; cũng không giải thích về bản chất chính xác của đường này. Từ đó tới nay, Philippines tiếp tục duy trì sự mơ hồ chiến lược trong sắc lệnh Tổng thống 1596. Mục 2 Đạo luật Cộng hoà RA 9522 (2009) đặt nhóm đảo KIG ở chế độ các đảo nhằm xác định đường cơ sở  phù hợp với Điều 121 UNCLOS. Tuy nhiên, chưa có một sự bãi bỏ hay sửa đổi rõ ràng đối với Sắc lệnh 1596 và các đường bao quanh đó. 

Tại Tọa đàm Đại học La Trobe và Asia Society tổ chức ngày 4/8, học giả Oriana Skylar Mastro nhận định Trung Quốc hiện không tấn công Đài Loan nhưng sẽ hành động trong vòng 5-6 năm tới vì cho rằng có thể chiếm ưu thế ở Đài Loan ngay cả khi Mỹ can thiệp. Theo nhà nghiên cứu Nick Bisley, căng thẳng gia tăng giữa Nhật Bản và Trung Quốc ở phía Bắc Đài Loan và Biển Hoa Đông khiến khả năng xảy ra đụng độ và leo thang quân sự ở khu vực này tăng cao. Đồng quan điểm, học giả Guy Boekenstein nhận định 5-6 năm tới chưa có một cuộc tấn công quy mô vào Đài Loan nhưng không loại trừ khả năng xung đột sớm do sơ ý hoặc sai lầm.

Bình luận của Viện Biển Đông

Khi Brunei đảm nhiệm vai trò chủ tịch ASEAN năm 2021, khu vực lo ngại vấn đề Biển Đông có thể bị giảm quan tâm do vấn đề Myanmar và Brunei có cách tiếp cận mềm mỏng trong vấn đề Biển Đông. Thực tế, Biển Đông vẫn nhận được quan tâm đầy đủ tại AMM-54 và các Hội nghị liên quan: Thông cáo chung AMM-54 có bước tiến bộ trong việc khẳng định vai trò của UNCLOS 1982 ở Biển Đông, giữ đầy đủ các thành tố về Biển Đông trong Thông cáo chung Hội nghị AMM-53 trước đó đồng thời bổ sung thêm việc cần duy trì tính toàn vẹn của UNCLOS 1982. Vấn đề Biển Đông đã được đề cập đầy đủ trong các Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các nước đối thoại, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao EAS và ARF-28. Các nước lớn đối tác đối thoại đều khẳng định ủng hộ lập trường và nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông và thượng tôn luật pháp ở Biển Đông, gồm UNCLOS 1982.

Về việc Phái đoàn thường trực của New Zealand tại Liên hợp quốc lưu hành công hàm số 08/21/02, có một số điểm đáng chú ý: (i) Đây là lần đầu tiên New Zealand tham gia vào cuộc tranh luận công hàm về Biển Đông tại Liên hợp quốc. Công hàm của New Zealand thể hiện một quan điểm đầy đủ và toàn diện của nước này về UNCLOS và về các nội dung trong phán quyết của Toà ngày 12/7/2016; (ii) New Zealand là một trong các nước sớm có những phản hồi bình luận tích cực về Phán quyết ngay sau khi Toà công bố Phán quyết. Theo đó, New Zealand "hy vọng phán quyết có thể cung cấp một nền tảng để giải quyết các vấn đề phức tạp và lâu dài ở Biển Đông và chúng tôi kêu gọi tất cả các bên cùng nỗ lực hướng tới mục tiêu này"; (iii) Mặc dù New Zealand không có tuyên bố cụ thể trong dịp kỉ niệm 5 năm Phán quyết của Toà Trọng tài, nhưng Công hàm 08/21/02 ngày 3/8/2021 là một minh chứng rõ ràng thể hiện quan điểm của New Zealand đối với Phán quyết. Công hàm của New Zealand trong hồ sơ tranh luận về Biển Đông tại Liên hợp quốc đóng góp thêm một tiếng nói, một góc nhìn của cộng đồng quốc tế trong việc đảm bảo trật tự pháp lý trên Biển Đông.

Bản PDF tại đây

Viện Biển Đông – Học viện Ngoại giao

“Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông” được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn