Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Ngày 3/9, Singapore - Indonesia kết thúc tập trận song phương Chandrapura lần thứ 27. Chandrapura bắt đầu từ năm 1994 với các nội dung diễn tập, trao đổi chuyên môn… nhằm tăng cường hiểu biết giữa quân đội hai nước. Trong ngày 3/9, quân đội Singapore và Thủy quân Lục chiến Mỹ cũng kết thúc cuộc tập trận thường niên Valian Mark lần thứ 24.

Anh ngày 7/9 triển khai 2 tàu chiến hoạt động 5 năm ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Từ năm 2021 - 2026, hai tàu tuần tra mới nhất HMS Tamar và HMS Spey hiện diện trên nhiều vùng biển khu vực, sử dụng các căn cứ và cảng tại Thái Bình Dương, phối hợp cùng các nước tuần tra chống buôn lậu, khủng bố và diễn tập chung.

Hải quân Mỹ ngày 8/9 cho biết đội tàu sân bay Carl Vinson đang hoạt động ở Biển Đông. Trước đó, tàu sân bay Carl Vinson tham gia tập trận quy mô lớn (Large Scale Exercise) 2021 cùng nhóm tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth và lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản. Ngày 9/9, tàu tác chiến ven bờ USS Tulsa lần đầu tiên phối hợp với nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson ở Biển Đông. Chuẩn Đô đốc hải quân Dan Martin cho biết tàu tác chiến ven bờ rất ít khi hoạt động cùng tàu sân bay.

Ngày 8/9, Hạm đội 7 hải quân Mỹ thông báo tàu khu trục USS Benfold di chuyển trong khu vực 12 hải lý ở đá Vành Khăn để “khẳng định quyền tự do hàng hải và sử dụng hợp pháp biển cả. Hoạt động FONOP để chứng tỏ Đá Vành Khăn là thực thể nửa chìm nửa nổi, không được hưởng vùng lãnh hải theo quy định của luật pháp quốc tế”. Hải quân Mỹ cũng bác bỏ tuyên bố của quân đội Trung Quốc về việc triển khai tàu "xua đuổi" tàu USS Benfold khỏi khu vực đá Vành Khăn.

Theo “SCMP” ngày 8/9, Chiến khu miền Nam Trung Quốc diễn tập đổ bộ ở Biển Đông với sự tham gia của tàu vận tải đổ bộ Wuzhishan, hai trực thăng, một xe tăng và ba tàu đổ bộ đệm khí. Cuộc tập trận được công bố sau khi tàu USS Benfold của Mỹ tiến hành FONOP ở Đá Vành Khăn. Theo SCMP, Trung Quốc đã tiến hành 20 cuộc tập trận chiếm đảo trong nửa đầu năm 2021, vượt xa con số 13 cuộc vào năm 2020.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Phát biểu sau cuộc gặp không chính thức các Ngoại trưởng EU ngày 3/9, Cao ủy EU phụ trách đối ngoại và an ninh Josep Borrell cho hay các Ngoại trưởng EU nhất trí cần áp dụng cách tiếp cận thực tế, nhất quán với Trung Quốc. Quan hệ EU - Trung Quốc đang ở thời điểm phức tạp, đặc biệt trong các vấn đề Hồng Kông và Tân Cương. Cạnh tranh nhưng hợp tác về thương mại - kinh tế là một phần quan trọng trong quan hệ hai bên.

Tại hội nghị an ninh biển ở Hawaii ngày 8/9, Phó Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Chuẩn Đô đốc Blake Converse đánh giá, “Hoạt động đánh bắt trái phép (IUU) không đơn thuần là vấn đề dân sự mà liên quan tới an ninh và chính trị bởi có yếu tố nhà nước. Đối phó IUU là một phần trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ. Mỹ sẽ giúp các quốc gia nhỏ, thiếu nguồn lực chống lại hành vi "cướp bóc" (predatory) trên biển”. Tại hội nghị trên, Phó Tư lệnh Tuần duyên Mỹ Đô đốc Linda Fagan cho biết “Tuần duyên Mỹ đang xây dựng chương trình đóng tàu lớn nhất từ Thế chiến II, mở rộng khả năng can dự trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương theo cách chưa từng có tiền lệ”.

Người phát ngôn Chiến khu miền Nam Trung Quốc Điền Quân Lí cho biết: “Ngày 8/9, tàu khu trục USS Benfold xâm nhập trái phép vùng biển của Đá Vành Khăn. Chiến khu miền Nam đã tổ chức lực lượng giám sát và xua đuổi. Hành động của Mỹ phương hại tới chủ quyền và lợi ích biển của Trung Quốc. Mỹ là bên “phá hoại” lớn nhất đối với hòa bình và ổn định Biển Đông".

Tuyên bố chung sau cuộc gặp Bộ trưởng “2+2” của Indonesia và Úc ngày 8/9 khẳng định “các Bộ trưởng quan ngại về các diễn biến ở Biển Đông; tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không ở khu vực; nhấn mạnh cần giải quyết hòa bình tranh chấp phù hợp với luật pháp, gồm UNCLOS; ghi nhận tiến trình đàm phán COC giữa ASEAN và Trung Quốc và mong muốn COC không phương hại tới quyền lợi của bên thứ ba theo quy định của luật pháp”.

Phát biểu tại Hội thảo trực tuyến kỷ niệm 70 năm Hiệp ước phòng thủ chung Philippines - Mỹ ngày 8/9, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nhấn mạnh hai bên cần làm mới quan hệ đồng minh và ứng phó tốt hơn với “các đe dọa vùng xám” như lực lượng dân quân biển. Ông Lorenzana cho biết Philippines không công nhận Luật an toàn giao thông hàng hải sửa đổi của Trung Quốc ở Biển Đông.

Phát biểu tại một diễn đàn ngày 8/9, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks cho biết Lầu Năm Góc ưu tiên phát triển chiến lược và năng lực để đối phó với Trung Quốc bởi nước này theo đuổi chính sách cưỡng ép và quyết đoán ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Bộ Quốc phòng đang xây dựng Chiến lược an ninh quốc gia, chiến lược hạt nhân và đề xuất ngân sách giai đoạn năm 2023-2027 để thực hiện mục tiêu này.

Trong cuộc gặp ngày 9/9 với Ngoại trưởng Philippines đang ở thăm Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định tầm quan trọng của quan hệ song phương; nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do lưu thông và tôn trọng luật pháp ở Biển Đông; nhắc lại việc Trung Quốc cần tuân thủ Phán quyết năm 2016. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa lãnh đạo ngoại giao hai nước.

Ngày 9/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình điện đàm 90 phút. Nhà Trắng cho biết hai lãnh đạo thảo luận nhiều vấn đề, thống nhất hợp tác một cách cởi mở và thẳng thắn. Tổng thống Biden nhấn mạnh lợi ích lâu dài của Mỹ đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hai bên cũng đề cập về trách nhiệm chung không để cạnh tranh leo thang thành xung đột.

Góc nhìn quốc tế

Về luật an toàn giao thông hàng hải sửa đổi của Trung Quốc, nhà nghiên cứu Pooja Bhatt (Đại học Jawaharlal Nehru) ngày 4/9 đánh giá việc Trung Quốc dùng thuật ngữ "vùng lãnh hải" thể hiện sự chọn lọc của Bắc Kinh khi trích dẫn UNCLOS và luật quốc tế cho phù hợp với lợi ích của nước này. Theo bà Pooja Bhatt, đây rõ ràng là nội luật của Trung Quốc, tuy nhiên sẽ không hiệu lực nếu xung đột với luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS 1982.

Trên “East Asia Forum” ngày 5/9, học giả Sheila A Smith đánh giá Mỹ - Nhật thời gian tới sẽ tăng cường tham vấn để đối phó với Trung Quốc, tập trung vào một số điểm: (i) Mỹ sẽ sử dụng căn cứ nào trong trường hợp nổ ra xung đột Đài Loan, (ii) hoạt động quân sự chung có những ưu tiên và nguyên tắc gì; (iii) Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cần làm gì khi xảy ra khủng hoảng. Theo ông Smith, răn đe không để Trung Quốc sử dụng vũ lực vẫn là cách tiếp cận tốt nhất. Theo đó, Nhật Bản cần: (i) một chiến lược ngoại giao thống nhất khi ủng hộ Chính quyền Đài Bắc; (ii) lên tiếng công khai về lợi ích chung và mối quan hệ hữu nghị lâu dài với Đài Bắc; (iii) củng cố mối quan hệ giữa nhân dân hai bên, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Trên “NHK” ngày 6/9, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Tanaka Hitoshi nhận định việc Nhật Bản thay đổi Thủ tướng trong thời gian ngắn không có lợi cho quan hệ đối ngoại. Trong bối cảnh Mỹ - Trung có xu hướng đối đầu, Thủ tướng mới của Nhật Bản cần chủ động tham vấn với Mỹ để tăng cường khả năng phối hợp trong tương lai. Tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Nhật Bản cần đẩy mạnh hợp tác với các nước và tổ chức khu vực, và tránh làm đổ vỡ quan hệ với Trung Quốc.

Viện trưởng Viện nghiên cứu Nam Hải Trung Quốc Ngô Sỹ Tồn ngày 6/9 bình luận Mỹ - Trung cần học hỏi cách thức hòa hợp từ lịch sử, đặt ra những giới hạn hoặc xây dựng quy tắc ứng xử chung trong quan hệ. Hai nước cần hiểu rằng bất kỳ cuộc cạnh tranh giữa hai bên đều đem lại hệ quả khốc liệt.

Bình luận của Viện Biển Đông

Từ ngày 31/8/2021, Trung Quốc triển khai tàu khảo sát HD10 và tàu hải cảnh hoạt động gần lô Tuna trong vùng EEZ của Indonesia. Indonesia chưa phản ứng mạnh, có thể bởi một số lý do: (i) Indonesia đang đối phó với đại dịch Covid-19. Ngày 9/9/2021 ghi nhận thêm hơn 5.000 ca mắc mới trong tổng số hơn 4 triệu ca mắc, và hơn 127.000 người chết do Covid-19 ở 34 tỉnh của Indonesia; (ii) Indonesia mắc kẹt trong tình thế lưỡng nan với Trung Quốc. Từ khi Trung Quốc giúp đỡ trục vớt tàu ngầm KRI Nanggala-402 và hợp tác xây dựng nhà máy sản xuất vắc xin tại Indonesia, Indonesia dường như bớt cứng rắn với Trung Quốc; (iii) Trung Quốc chưa cản phá hoạt động dầu khí của Indonesia. Tàu HD10 hiện diện gần nhưng không ngăn cản hoạt động của giàn khoan Noble Clyde Boudreaux. Đối phó với Covid-19 là quan trọng, nhưng nếu Indonesia không phản ứng mạnh, Trung Quốc sẽ lặp lại hoạt động này trong tương lai. Trung Quốc có thể coi điều này chứng tỏ Indonesia ngầm công nhận Trung Quốc có yêu sách trong EEZ của Indonesia - giống như giới học thuật Trung Quốc viện dẫn người gốc Hoa ở Indonesia lưu hành sách tiếng Trung có bản đồ 9 đoạn vào thập kỷ 1950 nghĩa là Indonesia công nhận đường 9 đoạn.

Hình ảnh Thực địa

Hoạt động của tàu khảo sát Trung Quốc (Hướng Dương Hồng 3; Hướng Dương Hồng 10, Jia Geng; Hải Đại Hào; HD 08 và HD 10) ở Biển Đông trong tháng qua

Bản PDF tại đây

Viện Biển Đông – Học viện Ngoại giao

“Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông” được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn