Bản tin tuần Biển Đông (ngày 29.7-4.8.2023)

Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia của Mỹ USS North Carolina ngày 4/8 đã thăm cảng quân sự Stirling ở Tây Úc sau khi tham gia cuộc tập trận "Thanh Kiếm Talisman" ngoài khơi bang Queensland (Úc). Cố vấn cấp cao về AUKUS của Bộ trưởng Quốc phòng Úc Abe Denmark cho biết, “Các chuyến thăm cảng này là một bước đi cần thiết để Úc xây dựng năng lực và kỹ năng cần thiết để quản lý và vận hành hạm đội tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân trong tương lai”. Cảng Stirling được nâng cấp thành căn cứ cho tàu ngầm hạt nhân của Mỹ và Anh vào năm 2027, dựa trên Thỏa thuận AUKUS.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Trong cuộc gặp với người đồng cấp Philippines ngày 28/7, Bộ trưởng Ngoại giao Bồ Đào Nha João Gomes Cravinho khẳng định, “hai bên trao đổi các vấn đề cùng quan tâm như trật tự luật lệ và trật tự toàn cầu. Về vấn đề này, tôi muốn nhấn mạnh Bồ Đào Nha ủng hộ Phán quyết Trọng tài năm 2016”. Gần đây, nhiều nước có tuyên bố ủng hộ Phán quyết nhân kỷ niệm 7 năm như Mỹ, Nhật Bản, Canada…Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Ngoại giao Bồ Đào Nha thăm Philippines kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1946.

Tuyên bố chung “2+2” Mỹ - Úc ngày 29/7 khẳng định, “Hai nước phản đối mạnh mẽ các hành động gây bất ổn ở Biển Đông, ví dụ như các tình huống không an toàn trên biển và trên không, hoạt động quân sự hóa các thực thể tranh chấp, hành động nguy hiểm của tàu hải cảnh và dân binh biển; cam kết tăng cường xây dựng năng lực cho các đối tác Đông Nam Á để quản lý các không gian biển; nêu quan ngại về yêu biển quá mức của Trung Quốc không phù hợp với luật pháp quốc tế; tái khẳng định Phán quyết Trọng tài 2016 là cuối cùng và có giá trị ràng buộc đối với các bên”.

Giám đốc Vụ Thực thi pháp luật và phối hợp của Lực lượng chấp pháp Malaysia (MMEA) Phó Đô đốc Aminuddin Abdul Rashid ngày 30/7 cho hay hợp tác giữa các lực lượng chấp pháp của Malaysia, Indonesia và Singapore đóng vai trò quan trọng để bảo đảm chủ quyền trên biển, bao gồm các hoạt động phối tìm kiếm cứu nạn, huấn luyện chung cũng như trao đổi thông tin. Theo ông Rashid, hoạt động huấn luyện chung giữa 03 nước này cần phải được thực hiện ít nhất 1 lần/năm.

Phát biểu trong cuộc gặp với Tổng thống Philippines ngày 31/7, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu bà Ursula von der Leyen cho hay, “EU nhấn mạnh Phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài có giá trị ràng buộc pháp lý và tạo cơ sở cho việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. EU sẵn sàng tăng cường hợp tác với Philippines về an ninh biển thông qua chia sẻ thông tin và xây dựng năng lực cho Trung tâm Giám sát Bờ biển và Lực lượng Cảnh sát biển của Philippines”. Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Philippines, bà Ursula von der Leyen khẳng định, “Việc Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự ở Biển Đông và Biển Hoa Đông cũng như ở Eo biển Đài Loan ảnh hưởng trực tiếp đến Philippines và các đối tác khác trong khu vực. Đó là lý do tại sao EU tăng cường can dự vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. EU mong muốn thúc đẩy một khu vực tự do và rộng mở, củng cố thượng tôn luật pháp quốc tế. Với Philippines, EU đang thúc đẩy quan hệ đối tác an ninh, đặc biệt là về an ninh biển và hợp tác không gian mạng”.

Trả lời phỏng vấn của “AFP” ngày 31/7, chỉ huy Sư đoàn bộ binh 25 của Mỹ ở Hawaii Thiếu tướng Joseph Ryan cho hay Mỹ sẽ dựa vào các đồng minh thay vì mở rộng quy mô các lực lượng để đối phó với nguy cơ quân sự từ Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Thiếu tướng Joseph Ryan nhấn mạnh Trung Quốc có quyền hoạt động trong khu vực nhưng cần tuân thủ các quy tắc quốc tế đã được thiết lập từ Thế chiến thứ hai. Việc Mỹ đang tham gia cuộc tập trận “Thanh kiếm Talisman” tại Úc thể hiện cam kết rõ ràng của Mỹ với các đối tác.

Ngày 1/8, Thượng viện Philippines ra Nghị quyết lên án Trung Quốc liên tục quấy rối ngư dân nước này, vi phạm vùng biển Philippines và đề nghị Chính phủ Philippines có hành động thích hợp để bảo vệ quyền chủ quyền, yêu cầu Trung Quốc dừng các hoạt động bất hợp pháp. Nghị quyết này đã được toàn thể các Thượng Nghị sĩ thông qua tuy nhiên các Nghị quyết trên không có giá trị ràng buộc pháp lý với Chính phủ.

Từ ngày 2-3/8 tại thành phố Đà Nẵng, Việt - Trung đã tiến hành đàm phán vòng 16 Nhóm công tác về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển. Hai bên trao đổi về việc thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển; rà soát và kiểm điểm tình hình triển khai một số thỏa thuận/dự án đã được hai bên nhất trí; trao đổi ý kiến về một số đề xuất hợp tác mới trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS năm 1982 và luật pháp của mỗi bên; nhất trí tiến hành đàm phán vòng 17 về hợp tác trong lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển trong năm 2024 tại Trung Quốc.

Tại Hội nghị Quan chức Quốc phòng cấp cao ASEAN mở rộng ngày 3/8, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến khẳng định Việt Nam luôn kiên trì nguyên tắc giải quyết tranh chấp, bất đồng ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia, tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982, thực thi đầy đủ DOC; sớm kết thúc đàm phán, ký kết COC ở Biển Đông thực chất, hiệu quả,

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa. Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao ngày 3/8, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ: “Việc Trung Quốc đưa một phần quần đảo Hoàng Sa vào khu vực tập trận ngày 29/7 - 2/8 đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này và đi ngược lại tinh thần DOC, gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về COC trên Biển Đông. Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và không tái diễn vi phạm tương tự”.

Ngày 4/8, New Zealand công bố Chiến lược An ninh Quốc gia đầu tiên. Chiến lược nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và có sức chống chịu. Phát biểu tại lễ công bố, Bộ trưởng Quốc phòng Andrew Little cho biết: “Năm 2023, chúng ta không sống trong một môi trường chiến lược yên ả. New Zealand đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn hơn những gì chúng ta đã trải qua trong nhiều thập kỷ - biến đổi khí hậu, khủng bố, tấn công mạng, tội phạm xuyên quốc gia, thông tin sai lệch và cũng như những cạnh tranh trong khu vực đến tận gần đây, chúng ta vẫn nghĩ an toàn do cách biệt về địa lý”. New Zealand nhấn mạnh Úc là đối tác gần gũi nhất trong khi Mỹ là đối tác an ninh hết sức quan trọng. Đối với Trung Quốc, New Zealand nhìn nhận Trung Quốc ngày càng quyết đoán và sẵn sàng thách thức các luật lệ quốc tế.

Góc nhìn quốc tế

Tháng 6/2023, Báo cáo của nhóm sinh viên Đại học Stanford đánh giá kế hoạch nhà máy hạt nhân nổi (FNPP) của Trung Quốc ở Biển Đông với 3 nguy cơ: (i) củng cố quyền kiểm soát của Trung Quốc; (ii) thúc đẩy xu hướng quân sự hóa; (iii) tăng nguy cơ rủi ro hạt nhân ở khu vực. Theo nhóm tác giả, Trung Quốc triển khai FNPP vì 3 lý do: hỗ trợ năng lượng - nước sạch cho các đảo nhân tạo; hỗ trợ hậu cần cho PLA, đặc biệt là tàu ngầm hạt nhân; và thúc đẩy lĩnh vực công nghệ mới. Nhóm tác giả kiến nghị các bên liên quan cần: (i) tiến hành trao đổi Kênh 2 để tăng cường nhận thức về hệ lụy từ FNPP của Trung Quốc; (ii) xây dựng năng lực giám sát, chia sẻ thông tin cho các nước ASEAN; (iii) đưa vấn đề ra thảo luận tại các diễn đàn, cơ chế quốc tế như IAEA, IMO...để xem xét và bù lấp lỗ hổng pháp lý của FNPP.

Trên tờ “The Diplomat” ngày 2/8, NCS. Kathrin Reed (Đại học Delaware, Mỹ) bình luận việc Campuchia nâng cấp căn cứ hải quân Ream cần được nhìn nhận từ chính lợi ích của Campuchia. Nước này có cả lợi ích an ninh (nâng cao năng lực quốc phòng, tăng khả năng giải quyết các thách thức truyền thống & phi truyền thống trên vịnh Thái Lan và lợi ích kinh tế), điều mà giới phân tích thường bỏ qua. Theo ông Reed, không nên chỉ nhìn nhận, đánh giá hành động của nước nhỏ dưới lăng kính quan hệ với nước lớn hoặc cạnh tranh Mỹ - Trung.