Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Tàu ngầm Mỹ USS Connecticut va núi ngầm khi hoạt động ở Biển Đông. Phát ngôn viên Hạm đội 7 Hayley Sims ngày 1/11 cho biết, “Các nhà điều tra kết luận USS Connecticut đã đâm vào một ngọn núi ngầm chưa được khám phá khi hoạt động ở vùng biển quốc tế tại Biển Đông”.  USS Connecticut là một trong ba chiếc thuộc lớp Seawolf, loại tàu ngầm tấn công đắt nhất thế giới giá trị ước tính 8,5 tỷ USD/chiếc.

Sáng kiến Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) ngày 3/11 cho biết Mỹ triển khai hơn 2.000 chuyến bay trinh sát trên Biển Đông, biển Hoa Đông và Hoàng Hải trong 10 tháng đầu năm 2021, tăng gấp đôi năm 2020, với 14 lượt B-52H và B-1B tại Biển Đông. Theo giám đốc SCSPI Hồ Ba, “Mỹ tăng cường đáng kể hoạt động quân sự ở Biển Đông từ năm 2009, nhưng năm nay tăng mạnh so với năm 2020".

+ Chính trị - Ngoại giao:

Philippines yêu cầu Netflix xóa hai tập phim liên quan đến bản đồ "đường chín đoạn". Ngày 1/11, Netflix đã xóa 2 tập của phim “Pine Gap” khỏi dịch vụ ở Philippines, sau khi nước này phản đối một nội dung có hình ảnh "đường lưỡi bò". Trước đó, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết sau khi xem xét kỹ lưỡng, hội đồng thẩm định phim của Philippines kết luận một số tập phim của Pine Gap "không thích hợp để trình chiếu công khai".

Ngày 2/11, Thượng nghĩ sĩ Đảng Cộng hòa Josh Hawley đề xuất "Đạo luật Vũ trang Đài Loan 2021" (Arm Taiwan Act of 2021) nhằm tăng cường khả năng phòng thủ cho Đài Loan. Dự luật kêu gọi thành lập "Sáng kiến ​​Hỗ trợ An ninh Đài Loan" và ngân sách cho sáng kiến này là 3 tỷ USD từ năm 2023-202. Dự luật quy định việc bán, vận chuyển vũ khí của Mỹ cho Đài Loan trong tương lai chỉ diễn ra nếu Đài Loan đạt được tiến bộ rõ ràng trong lĩnh vực phòng vệ.

Trong cuộc họp báo ngày 2/11, người đứng đầu quân đội Đài Loan Chiu Kuo-cheng xác nhận lực lượng lính thủy đánh bộ Đài Loan đã được gửi đến huấn luyện tại căn cứ quân sự của Mỹ ở Guam. Ông Chiu cho biết chương trình huấn luyện này là một trong số các chương trình trao đổi song phương "lâu đời" giữa Đài Bắc và Washington. Trước đó, Apple Daily đưa tin  40 lính thủy đánh bộ Đài Loan đã tham gia khóa huấn luyện một tháng tại Guam.

Ngày 3/11, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố "Báo cáo Sức mạnh Quân sự Trung Quốc 2021" cung cấp thông tin về chiến lược quốc gia, mục tiêu đối ngoại, kế hoạch phát triển kinh tế và quân sự của Trung Quốc. Báo cáo cho rằng đến năm 2030 Trung Quốc có thể sở hữu ít nhất 1.000 đầu đạn hạt nhân. Trung Quốc tiếp tục thể hiện tham vọng cường quốc quân sự toàn cầu, tìm cách thiết lập căn cứu ở nước ngoài cho phép PLA triển khai sức mạnh ở những khu vực xa xôi.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút tàu cá khỏi vùng biển Sinh Tồn Đông, Trường Sa. Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 4/11, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ: “Việc các tàu Trung Quốc hoạt động trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm các quy định của UNCLOS 1982, đi ngược lại tinh thần và nội dung của DOC. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút tàu cá khỏi khu vực nói trên và tôn trọng chủ quyền của Việt Nam; thiện chí thực hiện UNCLOS 1982; nghiêm chỉnh tuân thủ DOC; tạo môi trường thuận lợi để đạt được COC”.

Góc nhìn quốc tế

Trên “SCMP” ngày 31/10, học giả Laura Zhou, Trung Quốc đánh giá một viễn cảnh xấu nhất dành cho Trung Quốc là Hàn Quốc bắt tay với Mỹ trong trường hợp xung đột Đài Loan, theo đó: (i) Mỹ và Hàn Quốc đã bắt đầu trao đổi để chuyển giao quyền chỉ huy quân đội thời chiến cho Seoul vào năm tới; (ii) Mỹ dỡ bỏ hạn chế việc sản xuất tên lửa với Hàn Quốc. Qua đó, khả năng sử dụng tên lửa của Hàn Quốc là mối đe dọa với Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. Nếu như một cuộc chiến diễn ra, với tư cách đồng minh, ​​quân đội Hàn Quốc sẽ hợp sức với Mỹ.

Trên “Tehrantimes” ngày 2/11, học giả Dost Muhammad Barrech, Ấn Độ đánh giá: (i) AUKUS là sự phản bội của Mỹ với Pháp, một đối tác Ấn Độ coi trọng; (ii) khả năng xuất hiện nhiều tàu ngầm tại Đông Ấn Độ Dương sau thỏa thuận AUKUS có thể khiến vị thế hoạt động dưới mặt biển của Ấn Độ suy giảm; (iii) AUKUS làm lu mờ vai trò của QUAD. QUAD không có cam kết về an ninh tập thể trong khi AUKUS là một thỏa thuận an ninh; (iv) Trung Quốc có thể cung cấp tàu ngầm cho các đối tác của nước này, khiến Ấn Độ lâm vào thế khó an ninh trong khu vực. AUKUS làm xáo trộn chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ.

Trên “Eurasiareview” ngày 2/11, học giả Aristyo Rizka Darmawan, Indonesia bình luận AUKUS có ý nghĩa quân sự rất lớn, đặc biệt tại Biển Đông. Điều này dẫn tới những phản ứng khác nhau trong khu vực: (i) Philippines cho rằng sự hiện diện mạnh mẽ của phương Tây có thể khiến Trung Quốc hành động quyết đoán hơn tại Biển Đông; (ii) Indonesia đánh giá AUKUS thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang và ảnh hưởng nỗ lực không phổ biến hạt nhân trong khu vực; (iii) Malaysia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối thoại với Trung Quốc. Phản ứng của Trung Quốc với AUKUS là chỉ dấu quan trọng xác định khả năng xảy ra xung đột hay leo thang căng thẳng tại Biển Đông. Mặc dù khó xảy ra cuộc chiến công khai ở Biển Đông nhưng khu vực nên chuẩn bị cho mọi tình huống.

Trên “Mailchi” ngày 3/11, học giả Marie Jourdain, Pháp cho rằng AUKUS không chỉ là vấn đề của Pháp mà cả Châu Âu bởi: (i) Cách AUKUS được đàm phán và công bố cho thấy châu Âu không còn là ưu tiên của Mỹ. Nếu Mỹ có thể đối xử như vậy với Pháp, quốc gia có quân đội mạnh nhất và nền kinh tế lớn thứ hai của EU, Washington có thể làm điều tương tự với bất kỳ quốc gia châu Âu nào; (ii) AUKUS tác động trực tiếp đến cấu trúc an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, khu vực EU có lợi ích chiến lược và cách tiếp cận riêng.

Bản PDF tại đây

Viện Biển Đông – Học viện Ngoại giao

“Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông” được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn