Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

INDOPACOM ngày 25/6 thông cáo lực lượng Mỹ, Úc và Nhật Bản hoàn tất cuộc diễn tập “Southern Jackaroo 2021” (bắt đầu từ ngày 15/6) tại Darwin. Nhật Bản và Úc năm nay đóng góp nhiều khí tài hơn trong cuộc diễn tập.   

Indonesia và Mỹ ngày 25/6 động thổ xây dựng trung tâm huấn luyện hàng hải trị giá 3,5 triệu USD ở khu vực Batam, thuộc quần đảo Riau. Tham dự sự kiện qua mạng, Đại sứ Mỹ tại Indonesia Sung Kim cho hay, "Là một người bạn và đối tác của Indonesia, Mỹ cam kết hỗ trợ vai trò quan trọng của Indonesia trong việc duy trì hòa bình và an ninh khu vực".

Tập đoàn dầu khí hải dương quốc gia Trung Quốc (CNOOC) ngày 26/6 thông báo bắt đầu sản xuất tại ​​mỏ khí nước sâu Lăng thủy ở Biển Đông. Mỏ khí Lăng thủy được Trung Quốc lần đầu tiên với trữ lượng tài nguyên khí tự nhiên ước tính lên tới hơn 100 tỷ mét khối. CNOOC dự kiến vận hành đạt sản lượng khai thác cao nhất là 328 triệu feet khối khí tự nhiên mỗi ngày vào năm 2022.

Tàu "Đại học Trung Sơn" của Trung Quốc dự kiến khảo sát tại Hoàng Sa vào tháng 10/2021. Ngày 26/6, tàu thăm dò khảo sát khoa học hải dương lớn nhất Trung Quốc được bàn giao cho Đại học Trung Sơn tại Đảo Trường Hưng, Thượng Hải. Nhiệm vụ đầu tiên của tàu “Đại học Trung Sơn” là khảo sát tại Hoàng Sa. Theo Chủ nhiệm Trung tâm Khảo sát khoa học biển Giáo sư Vu Vệ Đông, Biển Đông vào mùa Thu có điều kiện thuận lợi để theo dõi bão lớn.

Nhóm tác chiến sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh dự kiến tập trận chung với hải quân Ấn Độ tại vịnh Bengal vào tháng 7 và tại biển Ả Rập vào tháng 10. Các động thái trên diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ và Anh tăng cường hợp tác quân sự tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm đảm bảo tự do hàng hải tại Biển Đông.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Úc ngày 25/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định hai bên cần tăng cường hợp tác để giải quyết các thách thức an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; thúc đẩy hợp tác với các nước cùng quan điểm. Hai bên sẽ tổ chức họp Bộ trưởng AUSMIN mùa thu năm nay, kỷ niệm 70 năm thành lập liên minh.

Trả lời báo chí sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Pháp ngày 25/6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng, “Pháp và Mỹ chia sẻ quan điểm về mối đe dọa từ một Trung Quốc trỗi dậy và một nước Nga quyết đoán. Mục tiêu không phải cản trở hay kiềm chế Trung Quốc nhưng khi cần bảo vệ trật tự quốc tế, hai nước sẽ đứng lên". Theo ông Blinken, một trật tự thế giới Trung Quốc lãnh đạo có thể "hoàn toàn phi tự do về bản chất".

Trả lời tờ “Financial Times” trước khi mãn nhiệm ngày 25/6, Chủ tịch Ủy ban điều phối Quân sự NATO Stuart Peach cho hay, “Thật kinh ngạc với tốc độ đóng tàu và hiện đại hóa lực lượng không quân của Trung Quốc. Nguồn lực Trung Quốc đầu tư vào không gian mạng và các hình thức quản lý thông tin khác, đặc biệt là nhận dạng khuôn mặt cũng rất đáng ngạc nhiên”. Ông Peach lưu ý quan hệ quốc phòng Trung Quốc - Nga ngày càng bền chặt, tuy nhiên điều này có thể không kéo dài.

Trong cuộc hội đàm trực tuyến ngày 25/6, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và Campuchia cam kết tăng cường hợp tác quốc phòng song phương. Bộ trưởng Nobuo Kishi bày tỏ quan ngại về  hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông và Hoa Đông. Trong khi đó, Bộ trưởng Tea Banh nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở; cần thúc đẩy hợp tác đa phương, thượng tôn pháp luật để giữ gìn môi trường an ninh, hòa bình, thinh vượng.

Trong cuộc gặp với người đồng cấp Ấn Độ hôm 26/6, Bộ trưởng Ngoại giao Hy Lạp Nikon Dendidas chia sẻ quan điểm với Ấn Độ về tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở. Hy Lạp sẽ tham gia chính thức Liên minh Năng lượng Mặt trời Toàn cầu do Ấn Độ khởi xướng. Đây là kết quả quan trọng khi Ấn Độ tái khởi động hợp tác với các nước châu Âu.

Phát biểu trong chương trình “State of the Union” của CNN ngày 27/6, Thượng nghị sĩ Mỹ Mitt Romney đánh giá, "Trung Quốc đang trở thành nước mạnh nhất về kinh tế và quân sự. Nước này sẽ là thách thức lớn trong những thập kỷ tới. Tôi nghĩ Tổng thống Biden và Ngoại trưởng Blinken ngày càng nhận thức rõ về điều này. Mỹ đang nỗ lực kêu gọi các đồng minh  thức tỉnh và cùng ngăn chặn Trung Quốc".

Ngày 28/6, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết nước này sẽ triển khai tàu chiến tham gia cuộc tập trận “Talisman Sabre” do Mỹ và Úc tổ chức trong tháng 7. Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc tham gia cuộc tập trận với mục tiêu tăng cường năng lực phối hợp. Năm 2019, Hàn Quốc tham gia với vai trò quan sát viên. “Talisman Sabre” diễn ra 2 năm một lần là hoạt động diễn tập lớn nhất giữa Mỹ và Úc.

Tại Đại lễ đường nhân dân Trung Quốc ngày 29/6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trao tặng “Huân chương 1/7” cho 29 cá nhân tiêu biểu. Bí thư Chi bộ thôn kiêm Phó Đại đội trưởng Đại đội dân binh biển huyện Đàm Môn Vương Thư Mậu được trao huân chương do có nhiều thành tích trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ họp ngày 30/6 để thảo luận và chỉnh sửa dự thảo đạo luật “Bảo đảm sự lãnh đạo và can dự toàn cầu của Mỹ”. Dự luật 470 trang được Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Gregory Meeks giới thiệu, đề cập nhiều vấn đề như tăng cường hoạt động thương mại của Mỹ, hợp tác với đồng minh, tái can dự các tổ chức quốc tế, coi hành động của Trung Quốc với người Duy Ngô Nhĩ mang tính diệt chủng.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 1/7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố, “Sự trỗi dậy của Trung Quốc là tất yếu lịch sử và Trung Quốc không còn bị nước ngoài bắt nạt, áp bức. Trung Quốc sẽ tiếp tục xu hướng không đối đầu và hợp tác, chống lại bá quyền và chính trị cường quyền”.

Phát biểu với “Nikkei” ngày 1/7, Giám đốc phụ trách chính sách châu Âu và NATO của Bộ Quốc phòng Mỹ Andrew Winternitz cho hay Mỹ đang xem xét khuyến khích các đối tác ở châu Âu và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tham gia nhiều hơn vào các cuộc tập trận chung. Theo ông Winternitz, “NATO có thể không xem Trung Quốc là mối đe dọa quân sự trực tiếp, nhưng hành động của nước này là mối đe dọa đối với hệ thống quốc tế và phương hại tới giá trị của các bên”.

Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 1/7, Người phát ngôn Ned Price cho hay Trung Quốc đang tăng cường tích trữ kho vũ khí hạt nhân, “Động thái này rất đang lo ngại. Chúng tôi khuyến khích Bắc Kinh hợp tác để tìm ra những biện pháp giúp giảm bớt nguy cơ chiến tranh hạt nhân”. Trước đó, tờ “Washington Post” đưa tin Trung Quốc bắt đầu xây dựng hơn 100 hầm chứa tên lửa mới tại khu vực sa mạc phía tây nước này.

Trong cuộc điện đàm ngày 1/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh và Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đánh giá quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Mỹ phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực. Hai bên trao đổi các vấn đề cùng quan tâm như hợp tác Tiểu vùng Mekong, ứng phó biến đổi khí hậu; khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, tự do hàng hải, giải quyết tranh chấp tại Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, gồm UNCLOS 1982.

Góc nhìn quốc tế

Viện trưởng Viện nghiên cứu Nam Hải Trung Quốc Ngô Sĩ Tồn ngày 25/6 đánh giá thách thức và cơ hội của Trung Quốc tại Biển Đông. Về cơ hội: (i) quan hệ tổng thể Trung Quốc - ASEAN ổn định; (ii) Trung Quốc đã xây dựng cơ chế đối thoại với các bên tranh chấp ở Biển Đông; (iii) các dự án hợp tác về nghề cá, chấp pháp và bảo vệ môi trường biển do Trung Quốc khởi xướng đang được triển khai và đạt được thành quả bước đầu; (iv) Trung Quốc dẫn dắt tiến trình đàm phán COC được các nước ASEAN hưởng ứng; (v) khả năng bảo vệ các quyền lợi biển và cung cấp dịch vụ công tại Biển Đông của Trung Quốc được nâng cao. Về thách thức: (i) tranh chấp trên biển làm suy giảm lòng tin chính trị giữa Trung Quốc và các nước; (ii) khả năng đối phó với hành động khiêu khích của một số quốc gia ngoài khu vực chưa cao; (iii) những thách thức pháp lý vẫn hiện diện; (iv) ảnh hưởng của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông chưa cao.

Bình luận trên “Foreign Policy” ngày 27/6, nhà phân tích James Crabtree đánh giá chính quyền Biden chưa nỗ lực trong chính sách với các nước Đông Nam Á, và đẩy các nước này xích lại gần Trung Quốc. Trong thời qua, chính quyền Biden đã không can dự nhiều vào các công việc của khu vực như Ngoại trưởng Blinken không tham gia cuộc họp ASEAN vì lý do kỹ thuật, Tổng thống Biden không có nhiều cuộc điện đàm với lãnh đạo các nước Đông Nam Á, phản ứng với khủng hoảng Myanmar khá mờ nhạt. Theo ông Crabtree, rào cản lớn trong chính sách của Mỹ với Đông Nam Á hiện nay là thiếu nghị trình hợp tác kinh tế, thiếu thông điệp chính sách rõ ràng và thường đề cao các giá trị dân chủ, nhân quyền. Căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng có thể đẩy các nước khu vực vào thế khó và việc Mỹ đề cao nhóm Quad có thể làm lu mờ vai trò của ASEAN. 

Bình luận của Viện Biển Đông

Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ có được tiếp tục duy trì dưới thời Tổng thống Biden? Tiếp nối đà từ các giai đoạn trước, Chính quyền Biden tiếp tục tăng cường hợp tác chiến lược với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Kể từ khi cầm quyền, Chính quyền Biden đã thúc đẩy các bước đi trong quan hệ chiến lược với khu vực trên nhiều lĩnh vực, cho thấy việc Mỹ tăng hợp tác chiến lược với khu vực có thể là một xu hướng dài hạn. Tuy nhiên, các bước đi này cũng tạo ra những quan ngại nhất định từ khu vực và nếu không được xử lý thích đáng sẽ làm giảm hiệu quả hợp tác của Mỹ với khu vực.

Ba điểm mới liên quan đến Biển Đông trong Sách trắng Quốc phòng Brunei năm 2021. Thứ nhất, Brunei chú ý hơn đến các mối đe doạ an ninh từ Biển Đông. Sách Trắng 2021 khẳng định Brunei đối mặt với các mối đe doạ tổng hợp và vùng xám, căng thẳng liên quan đến yêu sách chồng lấn ở Biển Đông khi quốc gia tìm cách thống trị, quân sự hoá các thực thể, yêu sacys vượt quá EEZ được công nhận. Thứ hai, Brunei ngầm ám chỉ Trung Quốc là mối đe doạ an ninh đối với Brunei. Tuy Sách Trắng 2021 không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng những cụm từ như mối đe doạ “tổng hợp và vùng xám”, “lợi dụng luật pháp được công nhận quốc tế”, “quân sự hoá các thực thể” và “vươn xa quá vùng biển từ đất liền và EEZ” là những ngôn ngữ thường thấy trong các chỉ trích của khu vực và quốc tế đối với các hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông. Thứ ba, Brunei đề cao luật pháp quốc tế hơn. Sách Trắng 2021 có riêng một tiểu mục khẳng định bảo vệ luật pháp quốc tế, các bộ quy tắc ứng xử và các chuẩn mực, lần đầu tiên đề cập UNCLOS (2 lần) và nhắc lại 10 lần cụm từ “trật tự quốc tế/toàn cầu dựa trên luật lệ”.

Hoạt động tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông dưới thời Biden: Tiếp nối và điều chỉnh. Sau hơn 5 tháng cầm quyền, chính sách của Chính quyền Biden với khu vực Đông Nam Á và với Biển Đông có thể chưa rõ nét. Nhưng từ góc độ FONOP, có thể thấy một mặt Mỹ vẫn duy trì tần suất các hoạt động này, mặt khác có xu hướng hoá giải các chỉ trích về cách thức công bố và triển khai trên thực tế. Về số lượng, tính đến nay, Mỹ đã tiến hành 3 FONOP dưới thời Biden (ít hơn 2 lần so với cùng kỳ của năm 2020 nhưng nhiều và sớm hơn những tháng đầu của Chính quyền Trump). Đặc biệt, có 2 điểm đáng chú ý trong cách tiếp cận của Chính quyền Biden trong việc triển khai FONOP. Thứ nhất, tuy tần suất không cao (ví dụ trong tháng 3 và tháng 4 không có FONOP nào) nhưng Mỹ thể hiện xu hướng “bình thường hoá” và giảm nhạy cảm cho FONOP ở Biển Đông bằng cách ra thông cáo riêng về FONOP ở các vùng biển khác tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thay vì chỉ tổng hợp trong bản báo cáo cuối năm. Thứ hai, Mỹ thể hiện xu hướng làm rõ mục đích của mỗi hoạt động FONOP cùng những lý giải pháp lý cụ thể. Trong cả 2 FONOP ngày 5/2 và ngày 20/5, Mỹ đều khẳng định rõ FONOP lần này nhằm thách thức việc hạn chế bất hợp pháp quyền qua lại vô hại và yêu sách đường cơ sở thẳng của Trung Quốc với Hoàng Sa.

Bản PDF tại đây

@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao

"Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email:  scsi@dav.edu.vn