Bản tin tuần Biển Đông (ngày 25 - 31/3/2022)

Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Từ ngày 13-25/3, Singapore, Thái Lan và Mỹ tập trận Cope Tiger lần thứ 26 tại Korat, Thái Lan. Tham gia tập trận có hơn 1.100 binh sĩ với 24 máy bay các loại (máy bay chiến đấu F-16D, máy bay Cảnh báo sớm trên không G550, máy bay vận tải C -130…) Cope Tiger nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, thúc đẩy quan hệ và hiểu biết lẫn nhau giữa các lực lượng không quân tham gia. Cuộc tập trận bị gián đoạn năm 2020 do tình hình COVID-19.

Ngày 25/3, tàu sân bay Mỹ USS Abraham Lincoln cập cảng Manila sau 1 thời gian hoạt động tại Biển Đông và Biển Philippines. Sau đó, tàu Lincoln và tàu đổ bộ viễn chinh USS Miguel Keith sẽ tham gia tập trận Balikatan 2022 giữa Mỹ và Philippines từ ngày 28/3-8/4/2022. Quy mô cuộc tập trận dự kiến lớn nhất từ trước tới nay của quân đội hai bên.

Ngày 27/3, tàu cá Việt Nam số hiệu KH 94356 TS bị lực lượng Malaysia bắt giữ khi đang khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam. Qua hệ thống giám sát tàu cá, lúc 16 giờ 58 phút ngày 27/3, tàu cá KH 94356 TS hoạt động ở khu vực cách ranh giới vùng biển nước ngoài 7,83 hải lý. Đến 6 giờ 30 phút ngày 28/3, tàu cá này bị kéo ra khỏi ranh giới vùng biển Việt Nam, về phía vùng biển Malaysia. Chi cục Thủy sản kiến nghị Cục Kiểm ngư và các cơ quan liên quan có biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho tàu cá bị lực lượng nước ngoài bắt giữ trái phép.

Lực lượng Cảnh sát biển Philippines (PCG) ngày 27/3 lên án tàu Trung Quốc “áp sát cự ly gần” tàu Philippines là vi phạm Quy định Quốc tế về Phòng ngừa va chạm trên biển năm 1972. Vụ việc xảy ra ngày 2/3 khi tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 3305 tiếp cận tàu BRP Malabrigo (MRRV-4402) ở khoảng cách 19,2m ở gần Bãi cạn Scarborough. Tư lệnh PCG Artemio Abu cho biết đây là lần thứ tư tàu Philippines đụng độ tàu hải cảnh ở vùng biển tranh chấp, ba vụ việc khác từng xảy vào tháng 5 và tháng 6 năm  2021.

Từ ngày 28/3-8/4, Mỹ - Philippines tiến hành cuộc tập trận Balikatan lần thứ 37 trên đảo Luzon. 3.800 binh sĩ của Lực lượng vũ trang Philippines (AFP) và 5.100 quân nhân Mỹ sẽ tham gia nhiều hoạt động như đổ bộ, huấn luyện bắn đạn thật, tác chiến môi trường đô thị, chống khủng bố, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa. Tư lệnh Sư đoàn Thủy quân lục chiến 3 của Philippines Thiếu tướng Jay Bargeron cho biết “quân đội hai nước hướng tới tăng cường khả năng phối hợp và ứng phó trước thách thức trong thế giới thực”.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar tại New Delhi ngày 25/3, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng hai nước cần tăng cường trao đổi, phối hợp lập trường và bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhau. Trao đổi về các vấn đề quốc tế, hai bên nhấn mạnh việc kiên trì chủ nghĩa đa phương, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và Luật quốc tế, kêu gọi các bên giải quyết hòa bình bất đồng thông qua phương thức đối thoại.

Ngày 28/3, Bộ Quốc phòng Mỹ trình "Chiến lược An ninh Quốc phòng" (NDS) lên Quốc hội. NDS đề ra 4 ưu tiên quốc phòng: (i) Bảo vệ nước Mỹ trước mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc; (ii) Ngăn chặn các cuộc tấn công chiến lược nhằm vào Mỹ, các đồng minh và đối tác; (iii) Răn đe các hành vi gây hấn, đồng thời sẵn sàng chiến thắng trong xung đột khi cần thiết, chú trọng các thách thức từ Trung Quốc ở Ấn-Thái và từ Nga ở châu Âu; (iv) Xây dựng Lực lượng Chung và hệ sinh thái quốc phòng bền bỉ (a resilient Joint Force and defense ecosystem). Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố đề xuất "Ngân sách quốc phòng năm tài chính 2023" đạt mức 773 tỷ USD.

Phát biểu tại Hội nghị và Triển lãm Quốc phòng Châu Á lần thứ 17 tại Malaysia ngày 29/3, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen nêu bật các thách thức an ninh khu vực như gián đoạn chuỗi cung ứng, cạnh tranh địa chính trị, khủng bố, tấn công mạng. Để đối phó hiệu quả các thách thức này, ASEAN cần: (i) tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ mỗi quốc gia; (ii) tiếp tục áp dụng các khuôn khổ hợp tác hiện có; (iii) khuyến khích đối thoại và xây dựng lòng tin thông qua các cơ chế đã thiết lập như ADMM, ADMM+. Tại sự kiện trên, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Datuk Seri Hishammuddin Hussein tuyên bố Malaysia, Indonesia, Philippines đã đạt được thỏa thuận ba bên nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng. Theo đó, ba nước thúc đẩy hoạt động tuần tra biển, trao đổi thông tin và dự kiến họp mặt ít nhất 1 lần/năm. 

Tuyên bố chung sau cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Washington ngày 29/3 khẳng định, “hai Lãnh đạo nhấn mạnh quyền tự do hàng hải, hàng không và quyền sử dụng hợp pháp biển cả theo quy định của luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS năm 1982; tái khẳng định các bên liên quan cần theo đuổi giải pháp hòa bình cho tranh chấp Biển Đông; tuân thủ DOC và ủng hộ các nỗ lực chung hướng tới COC hiệu quả và thực chất ở Biển Đông”.

Trong chuyến thăm Philippines ngày 30/3, Cố vấn cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ Derek Chollet khẳng định, “Mỹ phản đối hành vi quyết đoán và cưỡng ép của Trung Quốc tại Biển Đông. Quan điểm của Mỹ rất rõ ràng: Trung Quốc không có yêu sách hợp pháp đối với khu vực Tòa Trọng tài quyết định là một phần của Philippines  - vùng EEZ và thềm lục địa. Mỹ công nhận quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines đối với Bãi Cỏ Rong và Bãi Cỏ Mây theo quy định của UNCLOS”.

Trên “Twitter” ngày 30/3, Đại sứ Nhật Bản tại Philippines Kashikawa Kazuhiko khẳng định việc bảo đảm trật tự luật lệ, một Biển Đông tự do và rộng mở là quan tâm chính đáng của cộng đồng quốc tế. Nhật Bản ủng hộ việc tuân thủ Phán quyết Tòa trọng năm 2016. Trước đó ngày 28/3, Đại sứ Kazuhiko nhấn mạnh mọi hành động đe dọa sử dụng vũ lực đều không thể chấp nhận được. Trật tự luật lệ quan trọng với mọi quốc gia, bất kể lớn hay nhỏ. Bình luận trên được đưa ra sau vụ việc tàu hải cảnh Trung Quốc áp sát tàu Cảnh sát biển Philippines tại Bãi cạn Scarborough.

Trong cuộc họp báo ngày 31/3, Người Phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm tuyên bố Mỹ là bên quân sự hóa Biển Đông khi thường xuyên hiện diện quân sự tại khu vực. Các phát ngôn gần đây của Mỹ đi ngược cam kết trong đối thoại thượng đỉnh Mỹ-Trung rằng Mỹ không muốn Chiến tranh Lạnh với Trung Quốc; không đối đầu thông qua tăng cường liên minh và ủng hộ “Đài Loan độc lập”…Trung Quốc mong muốn quan hệ hai nước trở lại đúng hướng phát triển, đóng góp nhiều hơn cho hòa bình và ổn định thế giới.

Nhật Bản ngày 31/3 bắt đầu cải hoán "tàu khu trục Kaga" thành "hàng không mẫu hạm hạng nhẹ" tại Nhà máy Kure, Hiroshima. Việc sửa đổi giúp máy bay chiến đấu F35B có khả năng cất cánh cự ly ngắn và hạ cánh thẳng đứng trên "tàu khu trục Kaga". Bộ Quốc phòng Nhật Bản dự kiến mua 157 máy bay F-35, trong đó có 42 chiếc F-35B để triển khai trên các tàu lớp Izumo. Hợp đồng đã ký kết 8 chiếc đầu tiên, trong đó 4 chiếc sẽ bàn giao vào năm 2024.

Góc nhìn quốc tế

Trên tờ “Nanhai” ngày 30/3, Viện trưởng Viện Nam Hải Vương Thắng nhận định Biển Đông có tiềm năng phát triển du lịch tàu biển để theo kịp xu hướng này ở châu Á và trên thế giới. Du lịch tàu biển sẽ đóng góp vào tăng trưởng GDP, tạo cơ hội việc làm và thúc đẩy cơ sở hạ tầng địa phương. Các quốc gia khu vực có mối liên hệ gần gũi về địa lý, văn hóa, phong tục nên cần thúc đẩy hợp tác. Những đơn vị làm du lịch có thể phối hợp để đa dạng gói sản phẩm, đưa du lịch biển trở thành động lực tăng trưởng kinh tế ở Biển Đông.

Trên tờ “Nanhai” ngày 25/3, học giả Ding Duo, (Viện Nghiên cứu Nam Hải) nhận xét Mỹ đang cố gắng kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông thông qua các hoạt động quân sự. Do tác động lâu dài của cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine, Mỹ có thể nhận thấy sự cấp bách của việc tăng cường hiện diện quân sự và đầu tư nguồn lực ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong thời gian tới, cạnh tranh về luật chơi (the game of rules) sẽ là hình thức cạnh tranh và tương tác chính giữa Bắc Kinh và Washington.

Bản PDF tại đây

Viện Biển Đông – Học viện Ngoại giao

“Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông” được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn