Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Ngày 23/7, Đại sứ quán Anh tại Thái Lan cho hay tàu HMS Richmond, thuộc đội tàu sân bay HMS Queen Elizabeth, lần đầu tập trận với Hải quân Thái Lan ngày 24/7. Sự hiện diện của Anh tại Thái Lan thể hiện cam kết đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, có lợi cho an ninh và thịnh vượng khu vực và toàn cầu.

Nhóm tàu sân bay Anh ngày 28/7 lần đầu diễn tập với Hải quân Singapore ở Biển Đông. Cuộc diễn tập có sự tham gia của 8 tàu chiến, trong đó có 3 tàu Singapore (gồm tàu hộ vệ RSS Intrepid, tàu tuần tra ven bờ RSS Unity và tàu đổ bộ RSS Resolution). Cao ủy Anh tại Singapore Kara Owen cho hay, “Hoạt động chung thể hiện khả năng phối hợp hiệu quả của hai bên, phản ánh quan hệ quốc phòng và an ninh phát triển mạnh mẽ”.

Hạm đội 7 ngày 28/7 cho biết tàu tác chiến ven biển USS Tulsa, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Kidd và một đơn vị chuyên xử lý chất nổ đã hình thành Nhóm tác chiến mặt nước (SAG) ở Biển Đông. SAG triển khai nhiệm vụ tấn công trên biển, chống ngầm và thủy lôi.

Tuần duyên Mỹ bổ sung ba tàu phản ứng nhanh đồn trú ở Guam. Tư lệnh Lực lượng Tuần duyên Mỹ Đô đốc Karl Schultz ngày 29/7 cho hay đội tàu thế hệ mới gồm 3 tàu Frederick Hatch, Myrtle Hazard và Oliver Henry. Mỗi tàu trị giá 65 triệu USD, có thể hoạt động trên biển liên tục 5 ngày với phạm vi di chuyển 4.600 km.

Tờ “SCMP” ngày 29/7 cho hay trong vòng 6 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc tiến hành 20 cuộc tập trận đổ bộ, tăng nhiều so với tổng số 13 cuộc tương tự trong năm 2020. Cuộc tập trận gần đây mô phỏng kịch bản tấn công đổ bộ và pháo kích vào mục tiêu có điều kiện địa hình tương tự Đài Loan.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Trước thềm chuyến thăm Đông Nam Á của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio ngày 23/7 kêu gọi Bộ trưởng Lloyd Austin thúc đẩy hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông và khuyến khích các đối tác tham gia hoạt động quân sự đa phương với Quad và Đài Loan trong khu vực. Theo ông Rubio, “Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có tầm quan trọng cả về kinh tế và quân sự với Mỹ”.

Ngày 23/7, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến và Thứ trưởng Quốc phòng Canada Jody Thomas đồng chủ trì Đối thoại Chính sách Quốc phòng Việt Nam - Canada lần thứ nhất. Hai bên khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải, hàng không, đề cao thượng tôn pháp luật; nhấn mạnh giải quyết hòa bình các bất đồng, theo luật pháp quốc tế, trong đó UNCLOS năm 1982, coi đây là trách nhiệm chung của các nước và cộng đồng quốc tế. 

Tuyên bố chung sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Pháp và Thủ tướng Nhật Bản ngày 24/7 ở Tokyo khẳng định, “Hai bên cam kết thúc đẩy an ninh biển và phát triển cơ sở hạ tầng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, phù hợp với lộ trình hợp tác song phương đã được thống nhất vào năm 2019. Hai bên quan ngại sâu sắc về cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông và Tân Cương”.

Thông cáo chung sau Đối thoại chiến lược Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc - Pakistan ngày 24/7 khẳng định, “Hai bên cam kết ủng hộ các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của nhau. Pakistan tái khẳng định việc tuân thủ chính sách một Trung Quốc, kiên quyết ủng hộ Trung Quốc trong các vấn đề thuộc lợi ích cốt lõi như Đài Loan, Tân Cương, Tây Tạng, Hồng Kông và Biển Đông”.

Ngày 24/7, Lãnh sự quán Trung Quốc tại New York chỉ trính đài “NBC” của Mỹ không hiển thị Đài Loan và các thực thể ở Biển Đông trong bản đồ Trung Quốc tại bản tin về Olympic Tokyo 2020. Trong bài đăng trên trang Weibo, Lãnh sự quán cho rằng NBC “tổn thương cảm xúc của người dân Trung Quốc và cần có biện pháp sửa lỗi”.

Phát biểu trong chuyến thăm Trung Quốc ngày 25/7, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman nhấn mạnh “Mỹ cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc nhưng không hướng tới đối đầu. Mỹ nhiều lần bày tỏ quan ngại về hành động của Trung Quốc đi ngược lợi ích của Mỹ và các đồng minh, phương hại tới trật tự luật pháp như các hành động trên không gian mạng, Eo biển Đài Loan, Biển Hoa Đông và Biển Đông”.

Trong hội đàm với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman ngày 26/7, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong cho rằng “Quan hệ song phương bế tắc do một số người Mỹ coi Trung Quốc là kẻ thù tưởng tượng và bôi xấu hình ảnh Trung Quốc. Tuyên truyền ‘cạnh tranh, hợp tác và đối đầu’ của Mỹ là cái cớ nhằm kiềm chế Trung Quốc. Các cáo buộc của Mỹ về Trung Quốc ‘diệt chủng’ và ‘cưỡng bức lao động’ ở Tân Cương là hoàn toàn vu khống. Thế giới ngày nay cần các nước đoàn kết, và giúp đỡ lẫn nhau”.

Trong thông điệp quốc gia lần thứ sáu ngày 26/7, Tổng thống Duterte khẳng định Phán quyết là một phần của luật pháp quốc tế, các bên không thể hạ thấp giá trị hay từ bỏ. Tuy nhiên, Phán quyết không ràng buộc Trung Quốc do nước này không tham gia. Theo ông Duterte, Mỹ nói sẽ bảo vệ Philippines nếu Philippines bị tấn công nhưng Mỹ cũng từng tuyên bố không can dự vào xung đột liên quan đến biên giới của nước khác.

Về việc Bộ trưởng Quốc phòng Anh phản đối yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc trong chuyến thăm Việt Nam, Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh ngày 27/7 tuyên bố phát ngôn của Bộ trưởng Ben Wallace là vô trách nhiệm. Anh đang áp dụng cách tiếp cận đạo đức giả và tiêu chuẩn kép. Trung Quốc kêu gọi Anh nghiên cứu lịch sử và tôn trọng sự thật lịch sử.

Tuyên bố chung sau cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Singapore và Mỹ ngày 27/7 cho hay “Hai Bộ trưởng thảo luận về an ninh khu vực, nhấn mạnh tầm quan trọng của trật tự dựa trên luật lệ. Hai bên nhất trí mở rộng vai trò trong việc duy trì ổn định khu vực, gồm tăng cường hợp tác an ninh mạng và cải thiện hệ thống thông tin trong các tình huống chiến lược”.

Phát biểu tại sự kiện IISS tổ chức ở Singapore ngày 27/7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố “Yêu sách của Bắc Kinh đối với phần lớn Biển Đông không có cơ sở theo luật pháp. Yêu sách này chà đạp lên chủ quyền của các nước trong khu vực. Mỹ ủng hộ các nước ven biển duy trì các quyền theo luật pháp; cam kết thực hiện nghĩa vụ hiệp ước đối với Nhật Bản ở quần đảo Senkaku và Philippines ở Biển Đông”. Theo Bộ trưởng Austin, Mỹ không muốn đối đầu với Trung Quốc nhưng sẽ không chùn bước khi các lợi ích bị đe dọa.

Phát biểu sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 28/7, Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar cho hay “Sự ổn định, phát triển và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đối mặt nhiều thách thức. Hai nước nhấn mạnh tầm quan trọng tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS năm 1982. Trong khuôn khổ Quad, Mỹ-Ấn sẽ hợp tác về an ninh biển, chống khủng bố, kết nối, cơ sở hạ tầng, không gian mạng”. Trước đó trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định, “Hòa bình và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có ý nghĩa quan trọng. Việc củng cố Quad thành nền tảng hợp tác là lợi ích chung của hai nước”.

Trả lời phỏng vấn “Times of India” ngày 28/7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định “Trung Quốc hành xử mang tính đàn áp ở trong nước và quyết đoán trên trường quốc tế. Điều này là mối đe dọa với tất cả các bên. Quan hệ Mỹ - Trung hiện nay bao gồm cả cạnh tranh lẫn hợp tác. Cách hiệu quả nhất để can dự với Trung Quốc là hợp tác với các nước đang gặp thách thức tương tự. Ấn Độ là đối tác gần gũi của Mỹ”.

Trong chuyến thăm đầu tiên tới Ấn Độ ngày 28/7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có cuộc hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Subrahmanyam Jaishankar. Hai bên thảo luận về các vấn đề như cung cấp vắc-xin, hợp tác Bộ Tứ và những quan ngại chung với Trung Quốc. Ngoại trưởng Blinken khẳng định “quan hệ Mỹ-Ấn là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất trên thế giới”.

Cựu thẩm phán Philippines Antonio Carpio ngày 28/7 cho rằng Tổng thống Duterte sai lầm khi nói Phán quyết không ràng buộc Trung Quốc vì nước này không tham gia vụ kiện. Thực tế, Toà Trọng tài đã tạo mọi cơ hội để Trung Quốc bày tỏ quan điểm. Trung Quốc không tham gia nhưng đã đệ trình bản lập trường lên Toà. Philippines cũng gửi Trung Quốc tất cả các đệ trình lên Toà.

Đảng Makabayan trong Hạ viện Philippines ngày 28/7 yêu cầu Chính phủ điều tra thiết bị đo địa chấn đáy đại dương (OBS) có ký tự Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Ngư dân Philippines phát hiện thiết bị OBS ngày 1/7/2021 khi đánh bắt ở vùng biển cách Thị trấn Infanta, Tỉnh Pangasinan 129 hải lý về phía Tây Bắc.

Phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam ngày 29/7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định Mỹ tôn trọng hệ thống chính trị, chính sách đối ngoại độc lập và cân bằng của Việt Nam. Mỹ muốn đảm bảo quyền tự do và không gian riêng của các đồng minh; nhấn mạnh tầm quan trọng của một Việt Nam vững mạnh và độc lập đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Phát biểu khai mạc Hội nghị kỷ niệm 30 năm quan hệ Trung Quốc - ASEAN ngày 29/7,  Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho hay Trung Quốc kiên trì đại cục, mong muốn cùng các nước ở Biển Đông tăng cường đối thoại, quản lý tranh chấp, triển khai các hợp tác thực chất trên biển. Các bên cần tiếp tục thực hiện toàn diện hiệu quả DOC, thúc đẩy đàm phán COC, sớm đạt được một Bộ quy tắc thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS năm 1982.

Góc nhìn quốc tế

Bình luận việc Anh tăng cường hiện diện tại khu vực, ông Carl O.Schuster (cựu quan chức Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương) ngày 24/7 cho rằng Anh lâu nay vẫn duy trì các liên kết kinh tế với Châu Á. Hành động của Trung Quốc ở Biển Đông có khả năng đe dọa quan hệ kinh tế của Anh với Nhật Bản, Malaysia và Singapore. Brexit khiến London có thêm động lực mới để thiết lập vị thế mới ngoài châu Âu. Bên cạnh đó, Anh cùng với Úc, Malaysia, Singapore và New Zealand là thành viên của “Hiệp ước phòng thủ ngũ cường”. Ngay cả khi chưa xem Trung Quốc là mối đe dọa, Anh cũng quan tâm đến các hành động ở Biển Đông của Trung Quốc.

Trên “The Guardian” ngày 25/7, nhà phân tích Simon Tisdall bình luận lưỡng đảng Mỹ thống nhất về cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc, nhưng chưa chắc các đồng minh của Mỹ nghĩ vậy. Việc Mỹ huy động NATO, EU và nhiều nước lên tiếng về thách thức an ninh mạng của Mỹ là một ngoại lệ. Từ đầu năm, nỗ lực vận động các đồng minh của Chính quyền Biden chống lại Trung Quốc không hoàn toàn thuyết phục bởi: (i) Đức, Pháp đều không muốn khơi mào một cuộc chiến tranh lạnh mới, còn các nước EU khác như Hungary, Hy Lạp và Ý phụ thuộc nhiều vào đầu tư Trung Quốc; (ii) NATO không quan tâm đến hoạt động ở Châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt sau kết quả không mấy tốt đẹp trong cuộc chiến Afghanistan.

Trên “Inquirer” ngày 25/7, hai học giả Melissa Loja và Romel Bagares nhận định Phán quyết của Toà đã không xem xét bản đồ Murillo (nổi tiếng trong giới sưu tập bản đồ) vì hai lý do: (i) Bản đồ này không có giá trị trong tranh chấp lãnh thổ và biển. Bản đồ không được xem là một bằng chứng cho danh nghĩa lãnh thổ. (ii) Trong vụ kiện, hồ sơ của Philippines đề cập bản đồ Murillo để chứng minh cho hoạt động đánh bắt cá truyền thống của ngư dân Philippines. Theo các nguyên tắc nghiêm ngặt về thụ đắc lãnh thổ trong luật quốc tế, bản đồ Murillo không có giá trị nhiều. Philippines cần có những hành vi chứng minh danh nghĩa lãnh thổ cụ thể hơn, như đề xuất về luật đường cơ sở của Francis H. Jardeleza.

Học giả  Lucio Blanco Pitlo III, Philippines ngày 26/7 cho rằng để thúc đẩy Phán quyết của Toà Trọng tài, Philippines cần: (i) tiếp tục nêu công khai Phán quyết; (ii) lấy Phán quyết làm cơ sở để triển khai các hoạt động bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông; (iii) can dự trên phương diện song phương và khu vực với Trung Quốc, nhất là ASEAN và COC; (iv) tránh đưa ra các tuyên bố làm giảm giá trị của Phán quyết.

Phân tích trên “Mạng nghiên cứu Nam Hải” ngày 27/7, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải Ngô Sĩ Tồn nêu 5 đặc điểm về tình hình Biển Đông: (i) Chủ nghĩa đa phương trong an ninh Biển Đông dần được hình thành. Chính quyền Biden quay lại nguyên tắc đa phương để giải quyết các vấn đề toàn cầu; (ii) Mỹ áp dụng chính sách Biển Đông mới. Ngoài tăng cường quan hệ với Philippines và Việt Nam, Mỹ đang điều chỉnh bố trí quân sự tại khu vực; (iii) sáng kiến hợp tác của Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. Một số nước dựa vào Phán quyết có chủ trương đơn phương, lạnh nhạt với sáng kiến hợp tác cùng khai thác của Trung Quốc; (iv) Bóng đen của Phán quyết vẫn chưa tan biến. Kỷ niệm 5 năm ngày Phán quyết, các nước như Mỹ, Philippines nhân cơ hội làm “nóng lại” vấn đề; (v) khả năng tham vấn COC khó đi đến hồi kết. Nhiều thách thức hiện tại khiến Trung Quốc và ASEAN khó khăn hơn trong việc thống nhất văn bản cuối cùng.

Chuyên gia Hal Brands, Trung tâm Đánh giá chiến lược và ngân sách, ngày 28/7 đánh giá trong lịch sử, các các cường quốc xét lại nguy hiểm nhất khi lo lắng cơ hội địa chính trị đã mở ra nhưng nhanh chóng khép lại. Tất cả sự tự tin và nỗi bất an của Trung Quốc hiện nay cho thấy nước này đang ở vào thời điểm nhạy cảm, dễ hành động. Do đó, Mỹ cần định hướng chiến lược và có đầu tư tương xứng vào sự sức mạnh quân sự và năng lực triển khai ở Tây Thái Bình Dương. Đây là biện pháp duy nhất để Mỹ tiến hành một cuộc chiến tranh lạnh với Trung Quốc, con đường ít nguy hiểm hơn một cuộc xung đột nóng giữa hai bên.

Bình luận của Viện Biển Đông

Trên “Strait Times” ngày 30/7, GS. Robert Beckman và TS. Tara Davenport khẳng định Phán quyết Toà trọng tài không phải là “tờ giấy lộn”; các quốc gia thành viên UNCLOS có quyền đơn phương đệ trình các tranh chấp liên quan đến UNCLOS tới các cơ quan tài phán; việc Trung Quốc bác bỏ Phán quyết không làm giảm giá trị của Phán quyết theo luật quốc tế. Đây là một bài bình luận thú vị, làm rõ những “hiểu nhầm” về vụ kiện Biển Đông từ góc độ thủ tục, bên cạnh nhiều bài bình luận đánh giá về phán quyết vụ kiện Biển Đông từ góc độ nội dung. Quy trình thành lập Toà trọng tài theo phụ lục VII UNCLOS và thủ tục xem xét trong vụ kiện Trọng tài Biển Đông được tiến hành phù hợp với các quy định trong UNCLOS. Không có cái gọi là sự sai lầm về thủ tục cũng như sai lầm trong các kết luận về nội dung như cách chính giới và học giả Trung Quốc lập luận nhằm phản bác về thủ tục trong vụ kiện và về nội dung của Phán quyết.

Diễn biến trên Biển Đông thời gian qua thể hiện ba xu hướng tích cực, tạo thuận lợi cho Việt Nam thực thi quyền chủ quyền đối với tài nguyên dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Thứ nhất, thực tiễn xét xử quốc tế củng cố vững chắc quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven Biển Đông đối với EEZ. Phán quyết Toà trọng tài năm 2016 trong vụ Philippines đã vô hiệu hoá “quyền lịch sử” của đường chín đoạn của Trung Quốc. Theo đó, EEZ của các nước ASEAN ven Biển Đông không chồng lấn với bất cứ vùng biển nào của Trung Quốc trên Biển Đông. Thứ hai, sự ủng hộ quốc tế đối với quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven Biển Đông là rõ ràng và mạnh mẽ. Các nước lớn nhiều lần khẳng định quyền của quốc gia ven Biển Đông đối với EEZ và thềm lục địa theo luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 và Phán quyết Toà Trọng tài. Thứ ba, các nước ASEAN khác ven Biển Đông triển khai các hoạt động dầu khí trong các vùng EEZ dù đối mặt với sức ép trên biển của Trung Quốc. Tháng 4/2021, Malaysia và Brunei ký Thoả thuận khai thác (Unitisation Agreement) ở khu vực dàn xếp thương mại trên biển giữa hai nước (CAA). Đầu tháng 6/2021, Indonesia điều động giàn khoan Noble Clyde Boudreaux bắt đầu khoan tại Lô Tuna ở biển Bắc Natuna chồng lấn với đường chín đoạn.

Bản PDF tại đây

@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao

"Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn