Bản tin tuần Biển Đông (ngày 23 - 29/4/2022)

Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Ngày 26/4, tàu khu trục USS Sampson đi chuyển qua Eo biển Đài Loan, lần thứ 4 trong năm 2022. Thông cáo của Bộ Tư lệnh Ấn-Thái cho hay hoạt động này diễn ra ở vùng biển quốc tế, phù hợp với luật pháp quốc tế; chứng tỏ cam kết của Mỹ với khu vực Ấn-Thái tự do và rộng mở. Quân đội Mỹ sẽ hoạt động, lưu thông ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Phát biểu tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2022 ngày 21/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố Sáng kiến an ninh toàn cầu, gồm 6 cam kết chính: (i) bảo đảm an ninh chung và an ninh toàn diện; (ii) tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; (iii) tuân thủ nguyên tắc và mục đích của Hiến chương Liên hợp quốc; (iv) duy trì nguyên tắc an ninh không thể chia cắt; (v) giải quyết hòa bình tranh chấp, (vi) bảo đảm an ninh truyền thống và phi truyền thống. Theo ông Tập, xu hướng chủ đạo hòa bình và phát triển đang bị đe dọa nghiêm trọng từ dịch bệnh, xung đột Nga-Ukraine, cạnh tranh nước lớn. Hơn 600 đại biểu đến từ 42 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự diễn đàn năm nay.

Ngày 23/4, Ngoại trưởng Nhật Yoshimasa Hayashi và Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel đã thăm tàu USS Abraham Lincoln đang triển khai gần Nhật Bản. Tư lệnh Hạm đội 7, Phó Đô đốc Karl Thomas khẳng định sự cần thiết tăng cường khả năng răn đe, phản ứng của Liên minh Mỹ-Nhật, cùng hợp tác hướng tới khu vực Ấn-Thái tự do và rộng mở. Vài ngày trước, tàu USS Abraham Lincoln đã diễn tập với Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản ở Biển Philippines và Hoa Đông.  

Ngày 26/4, Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Theresa Lazaro và Giám đốc phụ trách Châu Á - Thái Bình Dương của cơ quan đối ngoại EU Gunnar Wiegand đồng chủ trì đối thoại Ủy ban Hợp tác Philippines - EU. Trong Tuyên bố chung ngày 27/4, hai bên “bày tỏ quan ngại các hành động đơn phương tổn hại tới hòa bình, an ninh và ổn định; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp, bao gồm UNCLOS năm 1982; nhắc lại cột mốc Phán quyết năm 2016; nhất trí thúc đẩy hợp tác toàn diện các vấn đề biển”. Đối thoại lần 3 dự kiến diễn ra ở Brussels năm 2023.

Trong cuộc hội đàm ngày 26/4, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh và Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Anh Jeremy Quin thảo luận thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như hàng không, đóng tàu và các chương trình công nghiệp quốc phòng. Cuộc hội đàm diễn ra vài ngày sau khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Anh Boris Johnson nhất trí về quan hệ đối tác quốc phòng mới và mở rộng. Thủ tướng Johnson cho hay London sẽ hỗ trợ New Delhi trong hợp tác phát triển khí tài quân sự, bao gồm chế tạo máy bay chiến đấu nội địa.

Về việc tàu khu trục USS Sampson của Mỹ đi qua Eo biển Đài Loan hôm 26/4, Người phát ngôn Chiến khu miền Đông Trung Quốc Thi Nghị ngày 27/4 tuyên bố, “Mỹ thường xuyên thực hiện các hành động khiêu khích, gửi tín hiệu sai lầm cho các lực lượng đòi Đài Loan độc lập, cố tình phá hoại hòa bình và ổn định tại Eo biển Đài Loan. Quân đội Trung Quốc sẽ cảnh giác cao độ, kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia”.

Trong cuộc hội đàm tại Tokyo ngày 28/4, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio khẳng định hai nước tiếp tục hợp tác chặt chẽ hướng tới hiện thực hóa một "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở"; phản đối các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông; nhất trí thành lập một hội đồng liên chính phủ để thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm an ninh. Nhật Bản là quốc gia châu Á đầu tiên ông Scholz đi thăm với cương vị Thủ tướng Đức.

Phát biểu tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) ngày 28/4, Tham mưu trưởng hải quân Mỹ, Đô đốc Michael Gilday đánh giá quân đội Trung Quốc đang phát triển liên tục và đạt được mục tiêu sớm hơn nhiều năm, đòi hỏi Washington cần đối phó hiệu quả. Bắc Kinh đặt mục tiêu trở thành cường quốc quân sự khu vực trước năm 2035 và cường quốc quân sự toàn cầu trước năm 2050. Theo ông Gilday, Mỹ cần cách tiếp cận “tổng thể chính phủ để răn đe Trung Quốc. Hải quân Mỹ phải tăng cường phối hợp với các lực lượng khác như không quân, lục quân, thủy quân lục chiến, không gian…Trọng tâm đối đầu là khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mỹ có thể bổ sung vào biên chế mỗi năm thêm ba khu trục hạm và hai khinh hạm, duy trì trong một thập kỷ tới”.

Ngày 29/4, Nghị sĩ Tỉnh Sabah của Malaysia Ahmad Hassan cho hay từ tháng 4/2022, máy bay J-20 của Trung Quốc thường xuyên tuần tra và diễn tập tại Biển Đông. Hải quân Malaysia ghi nhận Trung Quốc 23 lần "xâm nhập" vùng biển của Malaysia năm 2021. Theo ông Hassan, “chính phủ liên bang cần có hành động mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền quốc gia, đặc biệt ở Sabah liên quan trực tiếp đến tranh chấp. Hành động hăm dọa liên tục của khoảng 300 tàu Trung Quốc ở Biển Đông ảnh hướng tới ngư dân của Sabah”.

Về việc Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trong 3 tháng tại Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 29/4 nêu rõ: “Lập trường của Việt Nam đối với lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông là nhất quán, được khẳng định rõ trong những năm qua. Theo đó, một phần phạm vi của lệnh cấm đánh bắt cá đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác định theo UNCLOS năm 1982, Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc ký năm 2000. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình khi triển khai các biện pháp bảo tồn nguồn tài nguyên sinh vật ở khu vực Biển Đông, không làm phức tạp tình hình, đóng góp vào duy trì hoà bình, ổn định, trật tự ở khu vực Biển Đông”.

Trong cuộc họp báo với Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 29/4, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh, “Chúng ta đang đối mặt nhiều thách thức, trong đó có tình hình Ukraine, Biển Hoa Đông, Biển Đông, Triều Tiên, và việc duy trì, củng cố trật tự quốc tế mở, tự do và dựa trên luật ngày càng trở nên quan trọng”. Nhật Bản và Indonesia nhất trí tăng cường hợp tác hướng tới một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương "tự do và rộng mở". Indonesia là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du Đông Nam Á và châu Âu lần này của Thủ tướng Kishida.

Góc nhìn quốc tế

Trên tờ “GIS” ngày 25/4, học giả Riley Walters, Viện Hudson đánh giá trong tương lai gần, EU sẽ giảm ưu tiên tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bởi: (i) Chiến sự Ukraine kéo dài ngoài dự đoán, Châu Âu không thể tăng nguồn lực tại Ấn - Thái. Thực tế, nhiều nước NATO/EU đã thông báo tăng chi tiêu quốc phòng, như Thụy Điển; (ii) Vẫn tồn tại khác biệt giữa các nước EU về Ấn - Thái. Trong Diễn đàn Bộ trưởng EU về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương gần đây, các nước chưa tìm được tiếng nói chung về tự do hàng hải. Hiện chỉ một số nước chủ chốt duy trì hiện diện tại khu vực. Theo ông Walters, nếu NATO và EU chú trọng hơn vào “sân nhà”, Mỹ có thể sẽ gia tăng nguồn lực tại Ấn - Thái thay cho EU.

Trên “CNBC” ngày 26/4, nghiên cứu viên cao cấp Nan Tian, SIPRI đánh giá nguy cơ xung đột Biển Đông gia tăng khi chạy đua vũ trang ở mức đáng báo động. Chi tiêu quốc phòng toàn cầu lần đầu vượt mức 2 nghìn tỉ USD kể từ năm 2021. Các nước hành xử theo kiểu dây chuyền (action-reaction), khi một nước gia tăng chi tiêu, nước khác cũng tăng theo. Theo ông Nan, việc Trung Quốc tăng chi tiêu quân sự khiến các nước láng giềng quan ngại nhiều hơn. Các nước như Singapore, Nhật Bản, Úc…cũng mua sắm khí tài công nghệ mới như tàu ngầm hạt nhân, hệ thống tên lửa có độ chính xác cao...Trong bối cảnh đó, các thể chế như UN cần thúc đẩy các nước thảo luận về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân và cả vũ khí thông thường.

Bản PDF tại đây

Viện Biển Đông – Học viện Ngoại giao

“Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông” được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn