Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Tại hội thảo trực tuyến ngày 20/8, Trung tá Bill Pasia, Bộ tư lệnh phía Tây Philippines cho biết Trung Quốc đã bắn pháo sáng cảnh báo, ít nhất 5 lần, khi máy bay tuần tra của Philippines bay gần các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Theo ông Pasia, máy bay Philippines nhận được cảnh báo vô tuyến từ Trung Quốc ít nhất 218 lần khi tuần tra tại Biển Đông.

Hải quân Philippines - Ấn Độ ngày 23/8 diễn tập trên Biển Đông với sự tham gia của tàu khu trục Antonio Luna của Philippines, tàu khu trục tên lửa dẫn đường INS Ranvijay và tàu hộ tống INS Kora của Ấn Độ. Hoạt động này diễn ra ngay sau cuộc diễn tập vận động đội hình và thông tin liên lạc giữa hải quân Việt Nam và Ấn Độ ở vùng biển tỉnh Khánh Hòa.

Hải quân Nhật - Mỹ - Anh - Hà Lan ngày 24/8 tập trận chung ở phía Nam đảo Okinawa. Cuộc tập trận có sự tham gia của khu trục hạm chở trực thăng JS Ise của Nhật Bản, nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth và các tàu hải quân Mỹ và Hà Lan. Đây là lần đầu tiên chiến hạm lớn nhất của Anh tập trận cùng với Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.

Mỹ - Úc - Ấn - Nhật ngày 26/8 khởi động cuộc tập trận Malabar 2021 ở Biển Philippines. Hải quân Mỹ khẳng định đây là cơ hội cho 4 quốc gia tăng cường khả năng phối hợp trên biển, thông tin liên lạc, tác chiến chống ngầm, bắn đạn thật, tiếp liệu, và cất hạ cánh trên tàu. Cuộc tập trận  thể hiện cam kết duy trì trật tự dựa trên luật lệ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trong khuôn khổ cuộc tập trận LSE 2021, Mỹ và Anh ngày 26/8 phối hợp diễn tập máy bay F-35 của Mỹ và Anh cất cánh từ tàu sân bay HMS Queen Elizabeth và hạ cánh để nạp đạn, tiếp liệu từ tàu tấn công đổ bộ USS America của Mỹ. Đại tá Thủy quân lục chiến Anh Simon Doran cho biết cuộc diễn tập đánh dấu bước tiến trong khả năng phối hợp tác chiến giữa Mỹ và đồng minh.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Trên “Philippines Star” ngày 22/8, Trưởng Phái đoàn EU tại Philippines Luc Vero đánh giá ASEAN tích cực củng cố quan hệ với EU. Quan hệ Đối tác Chiến lược 2 bên là cơ hội thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề toàn cầu như COVID-19, biến đổi khí hậu, nhân quyền, bảo vệ luật pháp...EU mong muốn trở thành thành viên đầy đủ tại EAS và ADMM, đóng vai trò quan trọng tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thông qua hợp tác an ninh biển, phòng ngừa xung đột.

Đại sứ Hàn Quốc tại Úc Jeong-sik Kang ngày 22/8 cho biết QUAD là nhân tố quan trọng bảo đảm ổn định khu vực. Chương trình nghị sự của QUAD mang tính bao hàm, không nhằm chống lại nước nào. Theo Đại sứ Jeong-sik Kang, Hàn Quốc đang xem xét kết nối chính sách của Hàn Quốc với QUAD và cân nhắc gia nhập CPTPP.

Tuyên bố chung sau Hội nghị giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Philippines - Australia ngày 23/8 khẳng định, “Các Bộ trưởng quan ngại sâu sắc hoạt động quân sự hóa các thực thể tranh chấp ở Biển Đông, sử dụng tàu hải cảnh và dân quân biển có tính cưỡng ép, ngăn cản hoạt động khai thác tài nguyên của các quốc gia khác. Các Bộ trưởng nhấn mạnh Phán quyết là chung thẩm và mang tính ràng buộc pháp lý đối với các bên tranh chấp. COC cần phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982 và không phương hại đến lợi ích của bên thứ ba hoặc quyền của các nước theo luật pháp quốc tế”.

Tại cuộc họp báo chung với Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris  ngày 23/8, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đánh giá cao vai trò tích cực của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt ở Đông Nam Á. Hai nước ủng hộ trật tự ổn định, dựa trên luật lệ ở khu vực, nơi các nước có thể hợp tác và cạnh tranh hòa bình, cùng phát triển thịnh vượng. Về phần mình, Phó Tổng thống Harris khẳng định cam kết hợp tác của Mỹ với các đồng minh và đối tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong việc bảo vệ trật tự luật lệ và tự do hàng hải, đặc biệt ở Biển Đông.

Phát biểu tại Singapore ngày 24/8, Phó Tổng thống Kamala Harris chỉ trích, “Trung Quốc tiếp tục hành động cưỡng ép, hăm dọa và yêu sách phần lớn Biển Đông. Phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 đã bác bỏ những yêu sách trái luật này. Hành động của Trung Quốc phương hại tới trật tự luật lệ và đe dọa chủ quyền của các quốc gia”. Trước đó ngày 23/8, Phó Tổng thống Harris thăm tàu USS Tulsa tại Singapore. Bà Harris khẳng định “Sự hiện diện của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương góp phần bảo đảm an ninh, hoà bình, tự do thương mại và tự do hàng hải, các tuyến đường biển rộng mở và trật tự dựa trên luật lệ”.

Trong buổi tiếp Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba ngày 24/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh hai bên cần nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định, xử lý ổn thỏa bất đồng trên biển theo tinh thần nhận thức chung cấp cao, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển và tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS năm 1982, nỗ lực cùng ASEAN thực hiện đầy đủ, nghiêm túc DOC, thúc đẩy đàm phán COC ở Biển Đông hiệu quả, thực chất.

Trong cuộc gặp ngày 25/8 tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris nhất trí tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Liên hợp quốc cũng như các diễn đàn đa phương, góp phần duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực và trên thế giới, ủng hộ bảo đảm an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không, và mọi tranh chấp tại Biển Đông cần được giải quyết hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS năm 1982 và sớm hoàn tất COC phù hợp với luật pháp quốc tế.

Theo văn bản góp ý của Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ Adam Smith về đề xuất ngân sách năm 2022, hải quân Mỹ được yêu cầu bổ sung 12 máy bay tiêm kích thế hệ thứ 4 F/A-18 E/F Super Hornet và một tàu khu trục mang tên lửa dẫn hướng. Ông Smith cho biết Hải quân Mỹ phải tăng cường mua máy bay F-35 (thế hệ thứ 5), với mục tiêu 24 chiếc/năm.

Phát biểu tại tọa đàm Viện Hudson tổ chức ngày 26/8, Chỉ huy Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ, Đô đốc Charles Richard khẳng định việc Trung Quốc không ngừng phát triển vũ khí hạt nhân, vũ khí siêu thanh và năng lực không gian mạng buộc Mỹ phải củng cố năng lực răn đe. Theo ông Richard, Trung Quốc không bị ràng buộc bởi các hiệp ước về kiểm soát vũ khí hạt nhân, còn Nga bất chấp các thỏa thuận vẫn tìm cách hiện đại hóa kho hạt nhân chiến lược.

Góc nhìn quốc tế

Trên “Foreign Affairs” ngày 20/8, học giả Bonnie Glaser và Greg Poling đánh giá chuyến thăm gần đây của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến Đông Nam Á, đặc biệt là Philippines mở ra cơ hội củng cố vai trò Mỹ ở khu vực. Mỹ cần tranh thủ đà này để xây dựng một liên minh kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông, cụ thể: (i) thúc đẩy các tuyên bố phản đối việc Trung Quốc thay đổi hiện trạng Biển Đông và Biển Hoa Đông tại diễn đàn quốc tế, nhất là Hội nghị thượng đỉnh QUAD sắp tới; (ii) đẩy mạnh chiến dịch “chỉ mặt gọi tên” với Trung Quốc, cùng đối tác xây dựng một mạng lưới giám sát hoạt động của tàu dân binh biển Trung Quốc; (iii) nhận thức rõ giới hạn hành động của các nước ASEAN. Mỹ sẵn sàng đóng vai “kẻ xấu” hành động quyết liệt, tạo cơ hội cho các nước như Việt Nam, Philippines đóng vai trung gian tiếp cận và khuyến khích Bắc Kinh thỏa hiệp và hợp tác ở Biển Đông.

Trên “Pressenza” ngày 21/8, học giả Perfecto Caparas nhận định Phán quyết của Toà góp phần định hình chính sách và hoạt động chấp pháp của Philippines. Trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục chiếm đóng bất hợp pháp các thực thể nằm trong vùng EEZ của Philippines, nước này cần đấu tranh và khẳng định một cách hoà bình Phán quyết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp tại Biển Đông.

Trên “Thời báo Hoàn Cầu” ngày 24/8, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Trung Quốc Vương Phàm nhấn mạnh khi mặt cạnh tranh trong quan hệ Trung - Mỹ không ngừng gia tăng, Chính quyền Biden dường như có ý muốn đối thoại, nhưng phải đối mặt với áp lực từ lực lượng đối lập bảo thủ trong nước và cuộc bầu cử giữa kỳ. Mỹ - Trung cần đưa quan hệ song phương về quỹ đạo cạnh tranh “tích cực”.

Trên “Foreign Policy” ngày 24/8, học giả Susannah Patton và Ashley Townshend (Đại học Sydney) cho rằng việc Phó Tổng thống Mỹ Harris thăm Singapore và Việt Nam vì đây là hai nước “dễ chơi” với Mỹ nhất hiện nay. Mỹ có thể đảm bảo chuyến đi thành công, thay vì lựa chọn các điểm đến nhiều rủi ro hơn như Philippines, Indonesia, Thái Lan. “Thiếu sót” lớn của Washington hiện nay là chưa xây dựng một cách tiếp cận toàn diện về hợp tác kinh tế, điều các nước Đông Nam Á quan tâm hơn cả. Các đề xuất Mỹ đưa ra mới đây như đàm phán hiệp định thương mại kỹ thuật số hay tổ chức APEC 2023 ở Mỹ là những đề nghị “yếu,” không đủ bù đắp việc Mỹ chưa có một chiến lược hợp tác kinh tế lớn với khu vực từ khi rút khỏi TPP.

Trên “Foreign Affairs” ngày 24/8, cựu Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Matt Pottinger cho rằng Trung Quốc lâu nay lợi dụng quan hệ với phương Tây để hiện đại hóa quân sự và tiến hành “chiến tranh chính trị” nhằm vào Mỹ và phương Tây. Để đối phó, Washington cần: (i) tăng cường kiểm soát dòng vốn đầu tư từ Mỹ vào Trung Quốc, bao gồm việc mở rộng danh sách các công ty Trung Quốc bị cấm đầu tư; (ii) vận động EU cùng hạn chế đầu tư vào Trung Quốc, và đặc biệt từ bỏ đàm phán hiệp định thương mại với Trung Quốc; (iii) hỗ trợ các công ty sản xuất chip bán dẫn nội địa và hạn chế việc xuất khẩu máy móc sản xuất các loại chip này sang Trung Quốc; (iv) hợp tác với các công ty công nghệ và mạng xã hội Mỹ để mở rộng các kênh truyền thông chống lại chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc.

Trên “FSI” ngày 25/8, học giả Edcel John Ibarra nhận định thành tố "COC ràng buộc pháp lý" là một trong những điểm gây tranh cãi nhất trong đàm phán COC, bởi: (i) Sự phản đối của Trung Quốc. Trung Quốc lâu nay đều phản đối một COC ràng buộc pháp lý; (ii) Cách thức vận hành của ASEAN. Các hiệp định của ASEAN thường có tính chất không chính thức và mập mờ về pháp lý. Hơn nữa, ASEAN đề cao nguyên tắc "tuân thủ tự nguyện". Theo ông Ibarra, khả năng thực thi quan trọng hơn nhiều so với thành tố "ràng buộc pháp lý". Một văn bản ràng buộc pháp lý không thể thực thi còn “vô dụng” hơn. 

Bình luận của Viện Biển Đông

Ngày 21/8/2021, Phó Thủ tướng của chính quyền tiền nhiệm Ismail Sabri tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Malaysia. Malaysia có Lãnh đạo mới, song không có thay đổi đột phá trong cách tiếp cận về Biển Đông vì một số lý do sau: (i) nguyên nhân chính thay đổi Thủ tướng là do đấu đá nội bộ giữa các đảng phái chính trị tại Malaysia, không phải là vì vấn đề Biển Đông; (ii) ông Ismail Sabri không có cá tính cứng rắn giống cựu Thủ tướng Mahathir nên không có phát ngôn mạnh về vấn đề Biển Đông; (iii) cách tiếp cận của Malaysia trong vấn đề Biển Đông định hình từ lâu. Malaysia cơ bản thực dụng, kiềm chế hết mức trên thực địa, ngoại giao hậu trường, giữ khoảng cách với các nước lớn…Mặc dù vậy, không loại trừ trường hợp Chính quyền Ismail Sabri phải có động thái quyết liệt hơn nếu chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích trên biển của Malaysia bị xâm phạm nghiêm trọng.

Bản PDF tại đây

Viện Biển Đông – Học viện Ngoại giao

“Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông” được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn