Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Ngày 19/4, Mỹ triển khai 4 máy bay ném bom B-52 cùng Lực lượng đặc nhiệm ném bom đến Căn cứ Không quân Andersen, Guam. Đại tá Mark Dmytryszyn, Chỉ huy không đoàn ném bom số 2 cho hay, “Việc triển khai lực lượng này củng cố cam kết của Mỹ đối với hòa bình và ổn định khu vực. B-52 là biểu tượng được công nhận trên toàn thế giới về sự đảm bảo của Mỹ với đồng minh, đối tác”.

Ngày 21/4, lực lượng đặc trách Biển Đông của Philippines cho biết sẽ tăng cường hiện diện và triển khai thêm khí tài để bảo vệ lãnh thổ ở Biển Đông. Hiện 9 tàu của lực lượng tuần duyên và cục thủy sản, một máy bay tuần duyên, tàu cảnh sát và xuồng cao su đang được triển khai ở Biển Đông, bao gồm ở vùng biển quanh các thực thể do Philippines kiểm soát.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 22/4, Chỉ huy Các lực lượng vũ trang Philippines (AFP) Tướng Cirilito Sobejana cho biết AFP tính việc “xây dựng các công trình trong vùng đặc quyền kinh tế nhằm tăng cường vị thế của Philippines, đặc biệt giúp bảo vệ ngư dân Philippines bị tàu Trung Quốc xua đuổi”. Ông Sobejana cho biết lý do trước đây Philippines không xây dựng vì có thỏa thuận không xây dựng các cấu trúc mới. Tuy nhiên, thỏa thuận này hiện bị Trung Quốc xâm phạm.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Các quan chức Philippines ngày 15/4 cảnh báo “sự im lặng” của Tổng thống Duterte đang phát đi tín hiệu sai lầm. Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh ông Duterte nhiều tuần qua vẫn “giữ im lặng” trong khi một số quan chức Philippines, gồm cả Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng đã công khai yêu cầu các tàu Trung Quốc rời khỏi Đá Ba Đầu. Thượng nghị sĩ Leila de Lima cảnh báo Philippines có thể trở thành “một vệ tinh khác của Trung Quốc” nếu ông Duterte và quân đội không đối mặt Trung Quốc; Thượng nghị sĩ Risa Hontiveros đánh giá đã đến thời điểm ông Duterte phải đối mặt với “người bạn thân nhất” là Trung Quốc vì “sự lừa dối trắng trợn”; Cựu Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines ông Antonio Carpio nhận định nếu ông Duterte không “lên tiếng và bảo vệ chủ quyền của đất nước, Trung Quốc sẽ vẫn không coi trọng lập trường của Philippines”.

Tại hội nghị trực tuyến ngày 15/4, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và Malaysia khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải, hàng không, tuân thủ luật quốc tế, bao gồm UNCLOS. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản nhấn mạnh nhu cầu duy trì và củng cố FOIP, bày tỏ quan ngại về Luật Hải cảnh Trung Quốc, phản đối hành động đơn phương thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông. Về hợp tác song phương, hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác và trao đổi quốc phòng (công nghệ, trang thiết bị, đối thoại quốc phòng), thăm viếng hải quân.

Người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines, ông Harry Roque, ngày 15/4 cho biết nỗ lực giải quyết vấn đề Biển Đông của Tổng thống Rodrigo Duterte được thực hiện một cách bí mật. Những sáng kiến và nỗ lực ngoại giao này không nhất thiết phải được thông báo rộng rãi. Trước đó ngày 6/4, ông Roque cho hay Tổng thống Duterte muốn thông qua các kênh ngoại giao để giải quyết tình trạng tàu Trung Quốc tập trung số lượng lớn ở Đá Ba Đầu.

Ngày 16/4, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn điện đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Về vấn đề trên biển, hai bên nhất trí tiếp tục phát huy vai trò của các cơ chế đàm phán hiện nay. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định luôn coi trọng tình hữu nghị truyền thống, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Trung; đề nghị hai bên trao đổi, giải quyết bất đồng theo tinh thần tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của nhau, thỏa thuận, nhận thức chung giữa hai bên và luật pháp quốc tế, cùng ASEAN đạt tiến triển tích cực về COC.

Tuyên bố chung sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 16/4 khẳng định hai nước sẵn sàng đối phó với các thách thức tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; nhấn mạnh tăng cường hợp tác trong nhóm Quad; tái khẳng định Điều 5 của Hiệp ước đối với Senkaku; phản đối các yêu sách và hoạt động bất hợp pháp của Trung Quốc tại Biển Đông; ủng hộ sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Người phát ngôn “Phủ Tổng thống” và “Bộ Ngoại giao Đài Loan” Joanne Ou ngày 17/4 tuyên bố Đài Loan "hoan nghênh và trân trọng" tuyên bố chung Nhật-Mỹ nhắc đến "tầm quan trọng của hòa bình và ổn định tại Eo biển Đài Loan.” Đài Loan sẽ cùng Mỹ, Nhật Bản và các nước bảo vệ giá trị dân chủ, trật tự dựa trên luật lệ để đảm bảo an ninh, phồn vinh và ổn định khu vực.

Theo Inquirer ngày 17/4, ngư dân Philippines phàn nàn hoạt động "bí ẩn" về đêm của tàu Trung Quốc khiến sản lượng đánh bắt của họ ngày càng giảm. Theo đó, ít nhất 20 tàu Trung Quốc từ tháng 1 đến nay đã neo đậu cách thị trấn San Antonio thuộc tỉnh Zambales, Philippines khoảng 111 km. Theo Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Philippines ở San Antonio, họ không thể yêu cầu tàu Trung Quốc rời khỏi khu vực vì các tàu này đang neo đậu trong “hệ thống cao tốc hàng hải quốc tế” (RRTS) của Philippines.

Nhóm luật sư và Giáo sư Philippines ngày 19/4 ra tuyên bố kêu gọi Trung Quốc chấm dứt các hành động “khiêu khích” ở Biển Đông. Tuyên bố của 528 giáo sư và luật sư thuộc các trường cao đẳng và đại học của Philippines cho rằng, trong khi dịch COVID-19 đang hoành hành tại nhiều quốc gia, hành động của Trung Quốc khiến các quốc gia xao nhãng mục tiêu đẩy lùi đại dịch. Nhóm này ủng hộ tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines yêu cầu Trung Quốc rút tàu khỏi Đá Ba Đầu và kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế với tư cách là một bên ký kết UNCLOS năm 1982.

Ngày 19/4, Hội đồng Châu Âu thông qua kết luận về chiến lược hợp tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của EU nhằm củng cố trọng tâm chiến lược, sự hiện diện và hành động tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. EU đánh giá cơ hội thiết lập các Khu vực lợi ích biển ở Ấn-Thái; thiết lập giám sát toàn diện về an ninh biển, tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS; đề cao hợp tác với các đối tác trong khu vực, đặc biệt tham gia vào các cấu trúc khu vực do ASEAN dẫn đầu; tái khẳng định sự ủng hộ đối với vai trò trung tâm của ASEAN và mong muốn hiện thực hóa Quan hệ Đối tác Chiến lược EU-ASEAN mới. Các nước thành viên đều công nhận tầm quan trọng của việc hải quân của EU duy trì hiện diện tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Phát biểu trên truyền hình ngày 19/4, Tổng thống Philippines Duterte cho biết “không quá bận tâm” về hoạt động đánh bắt cá, nhưng nếu Trung Quốc khai thác dầu khí, Philippines sẽ đưa chiến hạm ra để xác lập chủ quyền. Tuy nhiên, ông Duterte khẳng định muốn “tiếp tục là bạn với Trung Quốc” và nhấn mạnh việc thách thức Bắc Kinh trong vùng biển tranh chấp sẽ chỉ dẫn đến bạo lực. Đây là phát biểu đầu tiên của ông Duterte sau khi hàng trăm tàu Trung Quốc bị phát hiện tại Ba Đầu từ tháng 3.

Trong cuộc điện đàm ngày 20/4, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu và người đồng cấp Philippines Teodoro Locsin bày tỏ quan ngại về những hoạt động đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi nguyên trạng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Hai bên khẳng định cần tăng cường hợp tác để thúc đẩy một trật tự dựa trên luật pháp, tự do và rộng mở.

Trong cuộc họp báo ngày 20/4, Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez cho biết “Mỹ rõ ràng đang đợi chúng ta gọi điện nếu Philippines cần hỗ trợ trong việc di dời hoặc yêu cầu các tàu đang hiện diện bất hợp pháp trong vùng EEZ rời đi". Theo ông Romualdez, Lầu Năm Góc và Lực lượng Vũ trang Philippines đang bàn thảo vấn đề này.

Phát biểu tại Hội nghị Bác Ngao ngày 20/4, bà Phó Doanh cho biết xuất hiện đối đầu ở Biển Đông chứng tỏ trật tự hiện tại không thể duy trì và cần xây dựng trật tự mới. Các bên cần chủ trương hợp tác, không đối kháng và đây là xu hướng chủ yếu của phát triển biển nói chung và Biển Đông nói riêng. Vấn đề cạnh tranh vẫn tiếp tục tồn tại, sẽ có những lúc xuất hiện một vài vấn đề nhưng quan trọng nhất là giải quyết thỏa đáng và kiểm soát hiệu quả.

Ngày 21/4, Bộ Ngoại giao Philippines gửi công hàm mới để phản đối tàu Trung Quốc hiện diện bất hợp pháp ở Biển Đông. Động thái trên diễn ra một ngày sau khi cơ quan chấp pháp biển Philippines xác nhận ít nhất 160 tàu đánh cá và dân quân biển của Trung Quốc tiếp tục hiện diện ở Ba Đầu. Bộ Ngoại giao Philippines kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS năm 1982.

Ngày 21/4, cựu Ngoại trưởng Philippines ông Del Rosario kêu gọi Tổng thống Duterte thể hiện “khả năng lãnh đạo chiến lược và mạnh mẽ hơn” với tư cách là Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang. Ông Rosario cho rằng Tổng thống nên ngừng nêu quan điểm về nguy cơ chiến tranh với Trung Quốc, thay vào đó, sử dụng các lựa chọn có sẵn như nhấn mạnh Phán quyết tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (UNGA) vào tháng 9/2021 và kêu gọi sự hỗ trợ từ các nước khác.

Về việc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ thông qua “Dự luật Cạnh tranh chiến lược năm 2021”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 22/4 cho rằng, "Dự luật này bóp méo sự thật, phóng đại “thuyết mối đe dọa Trung Quốc”; can thiệp thô bạo vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc; mang tư duy Chiến tranh lạnh và phản ánh xu hướng bá quyền của Mỹ. Trung Quốc muốn phát triển quan hệ với Mỹ theo hướng không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi. Đồng thời, Trung Quốc sẽ tiếp tục bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh quốc gia, lợi ích phát triển.

Góc nhìn quốc tế

Phát biểu tại Bác Ngao ngày 22/4, Viện trưởng Viện nghiên cứu Nam Hải Trung Quốc Ngô Sĩ Tồn đánh giá Biển Đông vẫn tồn tại nhiều thách thức: (i) Mỹ từ bỏ hoàn toàn chính sách trung lập ở Biển Đông, các nước phương Tây gia tăng can dự vào Biển Đông; (ii) Phán quyết Tòa trọng tài gây những tác động tiêu cực như 11 quốc gia trong và ngoài khu vực đã đệ trình tổng cộng 13 công hàm lên Liên Hợp Quốc; (iii) các nước đẩy mạnh hành động đơn phương ở các khu vực tranh chấp như khai thác dầu khí, xây dựng và cải tạo đảo, thực thi luật,…Ông Ngô đề xuất 3 giải pháp: (i) hợp tác là giải pháp duy nhất để thúc đẩy ổn định lâu dài trên Biển Đông, cần thiết lập quan hệ đối tác biển xanh; (ii) tập trung vào lĩnh vực dịch vụ công nhằm mục đích dân sự như tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ hàng hải; (iii) đặt ra lộ trình cụ thể cho các cuộc tham vấn, không cần thiết sớm thúc đẩy ký kết mà nên tập trung vào duy trì các cuộc tham vấn, giải quyết những khác biệt trước. Bên lề Bác Ngao, ông Ngô cho hay thách thức lớn nhất của Trung Quốc ở Biển Đông là xu hướng Chính quyền Mỹ tăng cường các liên minh quân sự như Mỹ - Philippines và việc các nước như Nhật Bản, Philippines, châu Âu liên tục chỉ trích và gây sức ép với Trung Quốc.

Thời báo Hoàn Cầu ngày 19/4 trích ý kiến học giả Tống Hải Bình cho rằng Luật Hải cảnh của Trung Quốc thực tế giống với Luật hải cảnh của các nước nhằm đảm bảo việc duy trì quyền lợi chấp pháp. Việc “nghiêm cấm sử dụng vũ lực” trong luật pháp quốc tế được căn cứ vào Hiến chương Liên Hợp Quốc, tuy nhiên chỉ phù hợp trong quan hệ quốc tế, không áp dụng với việc thực thi quyền chấp trong nước. Ngoài ra, luật hải sự và hải cảnh của các nước như Hàn Quốc, Malaysia, Úc đều quy định có thể sử dụng vũ khí khi làm nhiệm vụ và luật của Mỹ cũng quy định về “khai hỏa” trong các trường hợp đặc biệt.

Ngày 20/4, học giả Richard Heydarian bình luận Tổng thống Philippines Duterte cần bớt hòa hoãn với Trung Quốc và giữ vững lập trường nhà lãnh đạo một quốc gia có chủ quyền. Trong 5 năm qua, Trung Quốc không chỉ tăng tốc cải tạo mà còn quân sự hóa các khu vực Philippines yêu sách ở Biển Đông, không đem lại lợi ích kinh tế nào cho Philippines như hứa hẹn. Có thể rút ra ba bài học từ chiến lược không hiệu quả của ông Duterte: (i) Không nên có lập trường nhượng bộ hoặc hạ mình, đặc biệt khi đối phó với những siêu cường khôn khéo, (ii) Lịch sử cho thấy Trung Quốc phải chùn bước trước sức mạnh và niềm tin, hai yếu tố tác động chính sách của Trung Quốc đối với các nước như Singapore, Indonesia và Việt Nam; (iii) các liên minh có thể không hoàn hảo, nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi biển.

Trên “Foreign Policy” ngày 19/4, học giả Ryan D. Martinson và Andrew S. Erickson (Học viện Hải chiến Mỹ) bình luận các thông tin Philippines công bố về hoạt động của tàu Trung Quốc giúp hiểu rõ hơn về chiến lược biển của Trung Quốc: mô hình hoạt động của dân quân biển Trung Quốc (bao gồm tần suất và thời gian triển khai); sự hỗ trợ của chính phủ đối với các hoạt động ở Trường Sa (trợ cấp về nhiên liệu) và các đơn vị dân quân chủ chốt hoạt động trong khu vực tranh chấp.

Trên trang “Politico” ngày 18/4, học giả Stuart Lau và Jacopo Barigazzi nhận định việc EU cam kết tăng cường hiện diện hải quân tại khu vực Ấn-Thái là bước tiến ngoại giao quan trọng, nằm trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Châu Âu. Tuy nhiên sẽ rất khó để EU có thể đạt đồng thuận trong vấn đề này khi nhiều thành viên không muốn tình trạng đối đầu và tổn hại lợi ích thương mại với Trung Quốc. Châu Âu cần chú trọng việc giám sát an ninh biển và quyền tự do đi lại dựa trên luật quốc tế, đặc biệt UNCLOS; đồng thời giảm lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc thông qua đa dạng chuỗi cung ứng.

Trên “The Hindu” ngày 13/4, chuyên gia Abhijit Singh, Ấn Độ đánh giá việc Mỹ lựa chọn thực hiện chiến dịch tự do hàng hải tại Lakshadweep ít gây tranh cãi hơn việc xâm nhập vùng biển gần các đảo “chiến lược” Andaman và Nicobar. Bên cạnh đó, Mỹ phát tín hiệu cho Trung Quốc về cam kết của nước này sẽ duy trì trật tự luật lệ tại bất kể vùng biển nào. Theo ông Singh, động thái tại Lakshadweep đem lại bài học cho cả hai nước: (i) Mỹ cần nhận thấy các chiến dịch tự do hàng hải có nguy cơ gia tăng hoạt động quân sự nước ngoài gần các đảo của Ấn Độ, trong khi Mỹ còn chưa chính thức thông qua UNCLOS; (ii) Ấn Độ cần xem lại mâu thuẫn giữa nội luật với UNCLOS trong yêu sách chủ quyền ở Andaman và Nicobar, khiến nước này thiếu cơ sở để chỉ trích hành xử không đúng mực của Mỹ.

Ngày 13/4, nhà nghiên cứu Kashish Parpiani, ORF - Ấn Độ, đánh giá Chính quyền Biden đang chú trọng xây dựng một chính sách đồng bộ, đối lập với cách tiếp cận đôi khi tập trung nhiều vào buôn bán khí tài của cựu Tổng thống Trump. Qua việc công bố chiến dịch tự do hàng hải trong vùng đặc quyền kinh tế của Ấn Độ, Chính quyền Biden muốn buộc Ấn độ tuân thủ cam kết về một tầm nhìn chung Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và có thể tăng cường kết nối giữa các ý tưởng của Ấn Độ và Mỹ về một “trật tự dựa trên luật lệ” trong khu vực.

Học giả Kuik Cheng-Chwee, Abdul Razak Ahmad và Khor Swee Kheng (ISEAS) ngày 16/4 nêu hai thách thức trong quan hệ hợp tác Malaysia - Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden: (i) Chính sách đối ngoại của Malaysia có thể tạo nên sự bất ổn trong nội bộ Malaysia; (ii) Khoảng cách giữa các ưu tiên của Mỹ với các nguyện vọng hợp tác bên ngoài còn lớn. Không nên đánh giá quá cao những triển vọng hợp tác giữa hai quốc gia dưới nhiệm kì Tổng thống Mỹ Biden.

Bản PDF tại đây

@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao

"Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn