Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Bộ trưởng Năng lượng Philippines Alfonso Cusi ngày 16/7 thông báo Philippines khởi động thăm dò 5 lô dầu khí ở Biển Đông theo hình thức hợp đồng dịch vụ, gồm 2 lô ở Tây Nam tỉnh Palawan, 2 lô ở Tây Bắc tỉnh Palawan và 1 lô SC72 ở Bãi Cỏ Rong. Theo ông Cusi, hoạt động thăm dò dầu khí tại đây thể hiện các quyền hợp pháp của Philippines đã được Tòa Trọng tài khẳng định.

Ngày 16/7, Mỹ triển khai 25 máy bay tàng hình F-22 tham gia tập trận Pacific Iron ở Guam và quần đảo Bắc Mariana. Đây là lần đầu tiên Mỹ điều động số lượng F-22 lớn như vậy (trước đó thường triển khai khoảng 6-12 chiếc). Hoạt động huấn luyện trên nhằm tăng cường khả năng tác chiến trong trường hợp các căn cứ không quân lớn ở Guam và Okinawa bị tấn công.

Bộ Quốc phòng Anh ngày 19/7 cho hay Nhóm tàu sân bay Queen Elizabeth sẽ tham gia một số hoạt động diễn tập hiệp đồng với hải quân Mỹ, Úc, Pháp, Nhật Bản, Hàn và New Zealand tại Biển Philippines trong tháng 8/2021. Ngoài ra, Anh sẽ triển khai 2 tàu tới khu vực cuối năm nay và một nhóm tàu phản ứng gần bờ (LRG) trong các năm tiếp theo sau.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản ngày 20/7, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết Anh dự kiến duy trì hai tàu chiến hoạt động lâu dài tại khu vực từ cuối năm nay. Ngoài ra, Anh sẽ triển khai một Nhóm tác chiến Ứng phó Bờ biển, bao gồm các lính thủy đánh bộ để thực hiện các nhiệm vụ sơ tán và chống khủng bố ở khu vực.

Người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines Harry Roque ngày 19/7 cho biết tàu cảnh sát biển BRP Cabra của Philippines đã xua đuổi tàu hải quân số hiệu 189 của Trung Quốc khỏi khu vực Bãi Đồng Thạnh (Marie Louise Bank) cách El Nido, Palawan khoảng 147 hải lý. Tàu hải quân Trung Quốc không đáp lại lời cảnh báo qua sóng rađio của tàu BRP Cabra mà tự động rời đi.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Về cáo buộc Trung Quốc xả thải tại Biển Đông, Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines ngày 16/7 lên án mạnh mẽ hành vi bịa đặt của công ty Mỹ. Trong thời gian qua, công ty này và một số thế lực chống Trung Quốc làm nóng vấn đề Biển Đông với mục tiêu chính trị nhằm làm giảm uy tín Trung Quốc, tạo tâm lý chống Trung Quốc tại Philippines. Trung Quốc sẵn sàng hợp tác cùng các nước, bao gồm Philippines duy trì môi trường hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Trong hội đàm với Ngoại trưởng Panama Erika Mouynes ngày 18/7, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu kêu gọi hai bên tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy trật tự tự do và rộng mở, dựa trên luật lệ. Trước đó ngày 16/7, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu đã thăm Guatemala và tham dự cuộc họp cấp ngoại trưởng Nhật Bản-SICA lần thứ 4. Hai bên thảo luận các vấn đề khu vực như Bắc Triều Tiên, Hoa Đông và Biển Đông.

Trong cuộc họp với Đảo quốc Marshall, Úc, Papua New Guinea và một số nước Nam Thái Bình Dương ngày 19/7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố Pháp và các nước này sẽ thành lập Mạng lưới Cảnh sát biển tại Nam Thái Bình Dương với mục tiêu là chia sẻ thông tin, huấn luyện và phối hợp đối phó với các hành vi cướp bóc trên biển.

Thông cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 19/7 cho hay, “Chuyến thăm tới đây của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tới các nước Việt Nam, Singapore, Philippines thể hiện lợi ích trong việc duy trì trật tự dựa trên luật lệ và cam kết lâu dài của Mỹ đối với khu vực. Mỹ đánh giá cao vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Điện đàm với Tổng thống Philippines ngày 19/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ tầm quan trọng của việc tiếp tục duy trì đoàn kết và các nguyên tắc đã nhất trí của ASEAN trong vấn đề Biển Đông. Hai nhà lãnh đạo khẳng định phối hợp chặt chẽ để đảm bảo thực thi đầy đủ và hiệu quả DOC, thúc đẩy đàm phán hướng tới COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực.

Trong cuộc hội đàm ngày 20/7 tại Tokyo, Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Choi Jong-kun, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và Thứ trưởng Nhật Bản Mori Takeo cam kết thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dựa trên giá trị chung về tự do, nhân quyền và luật pháp quốc tế; tái khẳng định tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; phản đối các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông.

Trong cuộc gặp với Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng ngày 20/7, Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Pháp - Việt Catherine Deroche khẳng định Pháp ủng hộ Việt Nam kêu gọi các bên tôn trọng UNCLOS và quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

Ngày 21/7, Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc chủ trì cuộc thảo luận trực tuyến của nhóm Bạn bè UNCLOS về tầm quan trọng của UNCLOS trong thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững biển và đại dương. Sự kiện thu hút sự tham gia đông đảo của các Đại sứ, người đứng đầu phái đoàn và đại diện của 120 quốc gia thành viên Liên hợp quốc.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 21/7 về chuyến thăm Đông Nam Á và kế hoạch Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin và Tham mưu trưởng liên quân  Mark Milley đề cập Trung Quốc là “hiểm họa gần kề” Mỹ cần tập trung đối phó; nhấn mạnh ưu tiên xử lý thách thức Trung Quốc được Tổng thống và Bộ trưởng Quốc phòng chỉ đạo thống nhất.

Phát biểu tại họp báo ngày 21/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho hay chuyến thăm Trung Quốc dự kiến ngày 25-26/7 của Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman sẽ thảo luận các hành động gây quan ngại của Trung Quốc và vấn đề hai bên có lợi ích chung. Theo NFN Price, đây là nỗ lực đánh giá liệu Mỹ có thể thuyết phục Trung Quốc “cạnh tranh có trách nhiệm và lành mạnh” hay không.

Người Phát ngôn Bộ Năng lượng Philippines Felix William Fuentebella ngày 22/7 cho biết đàm phán khai thác dầu khí ở Biển Đông giữa Philippines - Trung Quốc vẫn tiếp tục nhưng chỉ đạt được tiến triển khi phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 1987. Thoả thuận khai thác cần đảm bảo tỷ lệ 60-40 dù đối tác là nước ngoài, nhà thầu tư nhân Philippines hoặc nước ngoài.

Đơn vị thử nghiệm sáng kiến Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 22/7 phối hợp với Tổ chức Giám sát đánh bắt cá toàn cầu tổ chức cuộc thi phát triển phần mềm giúp đối phó hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp. Người dự thi sẽ được cung cấp dữ liệu mở từ các vệ tinh SAR, bao gồm các dữ liệu chụp bằng radar vệ tinh khẩu độ lớn, để xây dựng giải pháp giúp phát hiện các tàu “tối” (các tàu cố tình không công khai vị trí).

Trong buổi làm việc với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Đại tướng Phan Văn Giang ngày 22/7, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace khẳng định cam kết của Anh đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó trọng tâm là hợp tác với Việt Nam. Bộ trưởng Wallace đánh giá cao đóng góp của Việt Nam vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; chia sẻ quan điểm của Việt Nam trong việc giải quyết hòa bình tranh chấp Biển Đông, khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải, hàng không, ủng hộ thượng tôn pháp luật.

Góc nhìn quốc tế

Trên “Jamestown” ngày 16/7, nhà nghiên cứu Nguyễn Đặng Lan Anh cho rằng những động thái lập pháp gần đây của Trung Quốc có hệ luỵ đối với các tranh chấp Biển Đông. Thứ nhất, Trung Quốc tiếp tục duy trì và gia tăng sự mập mờ trong các văn bản pháp lý, nhất là đối với các yêu sách vùng biển. Điều này thể hiện rõ qua Luật cảnh sát biển và Luật an toàn hàng hải sửa đổi. Thứ hai, các luật mới tạo cơ sở pháp lý để tăng cường phối hợp giữa các cơ quan phụ trách về biển tại Trung Quốc. Thứ ba, một số luật mới Trung Quốc thúc đẩy phát triển biển và bảo vệ cái gọi là "các lợi ích phát triển". Việc Trung Quốc xây dựng và thực thi sức mạnh biển được coi là mục đích và phương tiện trong quá trình mở rộng quyền kiểm soát ở Biển Đông.

Học giả Satoru Nagao, Viện Hudson - Mỹ ngày 18/7 bình luận cuộc tập trận Talisman Sabre mang tính biểu tượng và quan trọng đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Thứ nhất, lực lượng tham gia bao gồm 3 trong 4 thành viên Quad với Canada, New Zealand, Hàn Quốc, Anh tham gia chính và các nước quan sát viên là Ấn Độ, Đức, Indonesia, Pháp. Thứ hai, mục đích cuộc tập trận để kiểm tra lực lượng để lên kế hoạch tác chiến và hiệp đồng trong hoạt động quân sự chung. Thứ ba, Mỹ đang xây dựng các kịch bản để xác định phương thức can thiệp trong các tình huống khác nhau. Nếu Trung Quốc leo thang căng thẳng, Bộ Tứ mở rộng nhiều khả năng được thể chế hóa ở khu vực.

Viện “Observer Research Foundation” ngày 19/7 đánh giá Ấn Độ trước đây thường trung lập trong các tranh chấp tại Biển Đông ngay cả khi căng thẳng đe dọa an ninh khu vực. Tuy nhiên thời gian gần đây, đặc biệt từ sau xung đột tại Galwan, Ấn Độ thay đổi đáng kể quan điểm, thể hiện ý định đóng vai trò tích cực hơn. Ấn Độ tăng cường hợp tác với các quốc gia cùng chí hướng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, như tham gia các liên kết Nhật Bản Úc - Ấn Độ, Ấn Độ -Úc - Pháp và Bộ Tứ.

Trên “Foreign Policy” ngày 21/7, học giả Bill Hayton bình luận cách đây 25 năm, ý tưởng về việc ký kết Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông lần đầu được đưa ra tại một cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Indonesia. Tuy nhiên, khu vực vẫn phải chờ đợi và cơ hội đạt một bộ quy tắc trong 5 năm tới khá xa vời. Các bên nên trông đợi một giải pháp khác thể hiện cam kết đối với Tuyên bố năm 2002 và hy vọng một tiến trình mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Trên “Manila Times” ngày 21/7, học giả Rigoberto Tiglao cho rằng Philippines là quốc gia duy nhất trên thế giới chưa có bản đồ chính thức để xác định điểm bắt đầu và điểm kết thúc các yêu sách vùng biển. Philippines mới xác định được đường cơ sở, chưa xác định được EEZ và lãnh hải, do đó chưa làm rõ Bãi Đồng Thạnh có thuộc EEZ hay không. Phán quyết của Toà làm suy yếu cơ sở pháp lý của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines khi xua đuổi tàu Trung Quốc khỏi Bãi Đồng Thạnh, cách đảo Culion của Palawan khoảng 147 hải lý.

Bản PDF tại đây

@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao

"Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn