Bản tin tuần Biển Đông (ngày 15 - 22/4/2022)

 

Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Ngày 18/4, Nhóm tác chiếu tàu sân bay (CSG) USS Abraham Lincoln và khu trục Nhật JS Inazuma & JS Kongo hoàn tất tập trận tại Biển Hoa Đông và Biển Philippines. Chỉ huy nhóm tàu sân bay Mỹ, Phó Đô đốc J. T. Anderson cho biết, “cam kết lâu dài của hai nước đối với khu vực Ấn-Thái tiếp tục gia tăng và được thúc đẩy thông qua hoạt động phối hợp trên biển. Cuộc diễn tập này chứng minh năng lực tấn công đáng tin cậy và bảo vệ lợi ích và giá trị chung của hai nước”.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Trong cuộc điện đàm ngày 15/4 với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh hai nước phối hợp giữ gìn hòa bình, an ninh; đề cao luật pháp quốc tế, thúc đẩy hợp tác quốc tế. Về Biển Đông, hai bên nhất trí sự cần thiết của việc giữ gìn hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS năm 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền của các quốc gia và quyền tự do hàng không, hàng hải.

Ngày 16/4, Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki thông báo Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN sẽ tổ chức trong 2 ngày 12-13/5. Đối thoại nhằm khẳng định cam kết lâu dài của Mỹ với ASEAN và khát vọng chung của khu vực giúp củng cố cam kết của Mỹ nhằm thúc đẩy khu vực Ấn-Thái tự do, rộng mở, an ninh, kết nối, có khả năng chống chịu. Trước đó, Mỹ dự định tổ chức sự kiện này vào ngày 28-29/3.

Trong cuộc gặp ngày 17/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin III và người đồng cấp Philippines Lorenzana khẳng định quan hệ đồng minh bền chặt và tầm quan trọng của việc đảm bảo hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Bộ trưởng Austin nhấn mạnh cam kết của Mỹ với an ninh Philippines là không lay chuyển. Hiệp ước Phòng thủ tương hỗ áp dụng cho lực lượng vũ trang, tàu công vụ và máy bay Philippines ở Biển Đông

Trong phát biểu ngày 18/4, ứng viên Tổng thống Singapore Lawrence Wong hoan nghênh khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới của Chính quyền Biden. Một khuôn khổ cởi mở, bao trùm sẽ hiệu quả với các nước tham gia và đây là cách thức đan xen lợi ích và tránh xung đột. Về vấn đề Ukraine, ông Wong cho rằng khủng hoảng này phương hại tới địa chính trị và tương lai của thế giới. Một thế giới mạnh được yếu thua (the might is right) và trật tự dựa trên luật lệ bị xói mòn, sẽ ảnh hưởng tới khát vọng và thịnh vượng của các nước nhỏ như Singapore. Theo ông Wong, cạnh tranh Mỹ Trung sẽ ảnh hưởng thế giới trong thập kỷ này và xa hơn.

Tuyên bố chung sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Lý Hiển Long và Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern ngày 19/4 cho hay, “Hai bên khẳng định cam kết với Hiệp ước phòng thủ Ngũ Cường, ADMM+; hoan nghênh liên kết mạnh mẽ trong CPTPP, và nỗ lực thiết lập khuôn khổ kinh tế Ấn-Thái của Mỹ. Về Biển Đông, hai nhà Lãnh đạo tái khẳng định quyền tự do hàng hải, hàng không, và giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982; ủng hộ xây dựng một COC hiệu quả và hiệu lực, phù hợp với quyền lợi của các bên”.

Ngày 20/4, Philippines - Mỹ khởi động Đối thoại Hàng hải tại Manila. Hai bên nhấn mạnh lợi ích chung đối với trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông, phù hợp với UNCLOS năm 1982 và Phán quyết Trọng tài năm 2016. Đối thoại cũng thảo luận những thách thức chủ quyền biển của Philippines; sự gia tăng ngày càng tinh vi các loại tội phạm xuyên quốc gia; việc đối phó hoạt động đánh bắt IUUF. Sau Đối thoại chiến lược lần thứ 9 tại Washington D.C., Mỹ-Philippines nhất trí thành thành lập cơ chế đối thoại biển này.

Trong cuộc gặp báo giới ngày 20/4, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper cho hay Mỹ sẵn sàng chuyển giao tàu tuần tra thứ 3 cho Việt Nam. Vào các năm 2017 và 2020, Mỹ chuyển giao Việt Nam hai tàu tuần duyên cũ lớp Hamilton. Đại sứ Knapper khẳng định Chính quyền Tổng thống Joe Biden rất chú trọng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thể hiện trong Chiến lược IPS mới công bố gần đây. Đây là lộ trình Mỹ đề ra về phát triển quan hệ với khu vực.

Ngày 22/4, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và Tổng thư ký Cơ quan Đối ngoại Châu Âu Stefano Sannino tiến hành Đối thoại cấp cao Mỹ-EU về Trung Quốc lần thứ 3 và Đối thoại về Ấn-Thái lần thứ 2. Hai bên khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định tại Eo biển Đài Loan; thảo luận về lập trường và hành vi của Trung Quốc tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt quan ngại trước hành vi cưỡng ép kinh tế của Trung Quốc. Về Ấn-Thái, 2 bên nhấn mạnh cam kết duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và thúc đẩy dân chủ, nhân quyền tại khu vực; trao đổi hợp tác với khu vực, đặc biệt về an ninh biển; thảo luận về kết nối các sáng kiến “Build Back Better World” của Mỹ và “Global Gateway” của EU.

Góc nhìn quốc tế

Trên tờ “The Diplomat” ngày 19/4, học giả Prashanth Parameswaran đánh giá việc Malaysia, Philippines, Indonesia thể chế hóa thỏa thuận tuần tra chung có thể gặp rào cản từ chính trị nội bộ và yếu tố lịch sử. Ba nước ký thỏa thuận hợp tác ba bên (TCA) vào các năm 2017, 2018, đã tiến hành các cuộc tuần tra chung; thiết lập các trung tâm triển khai ở mỗi nước. Trong thông cáo của Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia mới đây, các bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác ở các lĩnh vực quan tâm chung, chia sẻ thông tin tình báo, triển khai sĩ quan liên lạc đến các trung tâm chỉ huy biển ở Tawau, Tarakan...Ba nước cũng đề xuất tổ chức thường niên các cuộc gặp Bộ trưởng TCA, mở rộng tuần tra chung, có thể cho Brunei làm quan sát viên. Điều này giúp thể chế hóa TCA đồng thời mở rộng hiểu biết giữa các nước. Tuy nhiên, cũng có những rào cản nhất định như tính khả thi về quân sự, động lực liên cơ quan, sự nhạy cảm lịch sử tồn tại... Bên cạnh đó, thay đổi chính trị nội bộ (một số nước đang tiến hành bầu cử) cũng là nhân tố tác động đến quá trình này.

Bản PDF tại đây

Viện Biển Đông – Học viện Ngoại giao

“Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông” được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn