Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Ngày 11/8, Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) tuyên bố thử nghiệm thành công thiết bị đóng mỏ dầu khí khẩn cấp dưới biển do CNOOC nghiên cứu và chế tạo. Thiết bị này có thể hoạt động ở độ sâu 3.000m, với tổng ­­trọng lượng hơn 130 tấn, tương đương với 03 chiếc xe tăng hiện đại. 

Ngày 13/8, Hải quân Mỹ ký một loạt hợp đồng tổng trị giá 2,76 tỷ USD để bảo dưỡng các tàu tác chiến ven biển đồn trú ở bờ Đông của Mỹ. Bộ trưởng Hải quân Kenneth Braithwaite khẳng định Mỹ cần cải tổ hải quân để đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng từ Nga và Trung Quốc.

Trong tập trận quy mô lớn (LSE) năm 2021, hải quân Mỹ ngày 15/8 diễn tập tấn công và đánh chìm khinh hạm tên lửa USS Ingraham. Tên lửa diệt hạm (NSM) bắn từ hệ thống phóng mặt đất ở khoảng cách 100 hải lý trong khi máy bay tiêm kích phối hợp thả bom vào mục tiêu. Phó Tư lệnh Hạm đội 3 Hải quân Steve Koehler khẳng định cuộc tấn công chính xác của Hải quân và các lực lượng Mỹ thể hiện rõ “năng lực triển khai sức mạnh trên biển”.

Nhật Bản ngày 15/8 kết hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) với hệ thống vệ tinh để giám sát các “tàu khả nghi”. Việc thử nghiệm tiến hành trong năm 2022, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2024. Theo báo cáo, nguyên nhân chính là việc Trung Quốc tiếp tục thực hiện các hoạt động chấp pháp tại vùng biển quần đảo Điếu Ngư.

Chính quyền Quảng Đông, Trung Quốc hôm 16/8 tuyên bố mùa đánh cá mới bắt đầu tại Thành phố biển Dương Giang. Hàng ngàn tàu thuyền của ngư dân Trung Quốc đã tràn vào Biển Đông. Theo Thị trưởng Dương Giang, đây là một lễ hội của ngư dân sau khi lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông kéo dài 3 tháng rưỡi kết thúc.

Ngày 17/8, Bộ tư lệnh Chiến khu Đông của Trung Quốc thông báo quân đội nước này tiến hành tập trận bắn đạn thật ở khu vực phía Tây Nam và Đông Nam Đài Loan với sự tham gia của tàu chiến, máy bay chống ngầm, máy bay chiến đấu. Theo đó, đây là phản ứng đanh thép trước “sự can thiệp bên ngoài” và “hành động khiêu khích” của thế lực ủng hộ Đài Loan độc lập.

Ngày 18/8, tại vùng biển tỉnh Khánh Hòa, tàu 012 - Lý Thái Tổ (Vùng 4 Hải quân) cùng tàu Khu trục D55, tàu tên lửa tấn công nhanh P61 và tàu Hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 của Ấn Độ diễn tập vận động đội hình và thông tin liên lạc. Biên đội tàu của Ấn Độ được triển khai 2 tháng tới Biển Đông và Tây Thái Bình Dương để thực hiện các cuộc thăm viếng và diễn tập với các nước.

Đại sứ quán Úc tại Philippines ngày 18/8 cho biết Úc và Philippines đã ký Thoả thuận hỗ trợ hậu cần chung (MLSA). Hai bên chưa công bố thông tin chi tiết nhưng thoả thuận giúp hình thành khuôn khổ vững chắc để các tổ chức quốc phòng hai nước thúc đẩy hợp tác và tăng cường hoạt động chung.

Tờ “Global Times” ngày 19/8 đưa tin trong cuộc tập trận đổ bộ gần đây, quân đội Trung Quốc sử dụng phà dân sự loại 10.000 tấn của Công ty Phà Bột Hải để vận chuyển binh sĩ. Theo một sĩ quan tham gia, đây là lần đầu tiên Trung Quốc sử dụng loại phà dân sự lớn như vậy trong tác chiến đổ bộ.

Tại hội thảo trực tuyến ngày 20/8, Trung tá Bill Pasia, Bộ Tư lệnh phía Tây Philippines cho biết Trung Quốc đã bắn pháo sáng cảnh báo, ít nhất 5 lần, khi máy bay tuần tra của Philippines bay gần các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Theo ông Pasia, máy bay Philippines  nhận được cảnh báo vô tuyến từ Trung Quốc ít nhất 218 lần khi tuần tra tại Biển Đông.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Phát biểu tại Hội nghị về Phòng thủ Tên lửa & Không gian ở Mỹ ngày 13/8, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ, Đô đốc Charles A. Richard khẳng định Trung Quốc và Nga đang đặt ra các thách thức chiến lược cho Mỹ và các đồng minh, đặc biệt là Trung Quốc đang có bước phát triển “ngoạn mục” về công nghệ quân sự. Năm 2019, Trung Quốc đã tiến hành nhiều thử nghiệm tên lửa đạn đạo hơn tất cả các nước khác cộng lại, và đầu tư hiện đại hóa các hệ thống vũ khí hạt nhân, lực lượng hải quân và không quân.

Theo “ORF” ngày 15/8, kết quả khảo sát “Thanh niên Ấn Độ và thế giới” với 2.000 người trong độ tuổi từ 18-35 tại 14 thành phố của Ấn Độ cho thấy 77% người trẻ Ấn Độ cho rằng Mỹ là “nước lớn đáng tin cậy nhất”, trong khi 77% số người được hỏi cho rằng Trung Quốc là “nước lớn không đáng tin cậy nhất”.

Ngày 16/8, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken về tình hình Afghanistan và quan hệ Trung - Mỹ. Ông Vương nhấn mạnh, “Mỹ không thể kìm hãm, gây tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của Trung Quốc. Mỹ thực tế cần sự ủng hộ và hợp tác của Trung Quốc”.      

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 17/8 cho hay Trung Quốc cung cấp vắcxin Covid-19 cho Philippines không kèm điều kiện gì “ngoại trừ tàu Trung Quốc vẫn hiện diện trong EEZ của Philippines”. Theo ông Duterte, Philippines tiếp tục duy trì tàu tuần tra và không muốn phát động chiến tranh với bất kỳ nước nào.

Trong họp báo ngày 17/8, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan khẳng định Tổng thống Biden không có ý định rút lực lượng Mỹ khỏi Hàn Quốc hoặc châu Âu, “Các cam kết của chúng tôi với các đồng minh và đối tác là bất khả xâm phạm và sẽ luôn như vậy”.

Ngày 17/8, “Thứ trưởng” Hội đồng phụ trách các vấn đề đại lục của Đài Loan Chiu Chuicheng khẳng định Trung Quốc luôn sẵn sàng sử dụng các biện pháp cưỡng ép và quân sự hóa Biển Đông nhằm thực hiện tham vọng bá chủ toàn cầu. The ông Chiu, sẽ không ngạc nhiên nếu việc Taliban chiếm được Afghanistan thúc đẩy Trung Quốc hành xử quyết đoán hơn ở Châu Á.

Phát biểu tại hội thảo của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Indonesia (CSIS) ngày 18/8, Bộ trưởng quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto khẳng định Indonesia theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập và không liên kết. Do đó, Indonesia có thể đóng vai trò cầu nối giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ngày 22/8, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Singapore, bắt đầu chuyến thăm Đông Nam Á. Theo lịch trình, Phó Tổng thống Mỹ sẽ điện đàm với Tổng thống Singapore Halimah Yacob, dự cuộc họp song phương với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và có bài phát biểu trên chiến hạm USS Tulsa của Mỹ đang ở thăm Singapore. Đây là chuyến thăm đầu tiên ngoài châu Mỹ của bà Harris từ khi tuyên thệ nhậm chức vào tháng 1.

Góc nhìn quốc tế

Theo tờ “South China Morning Post” ngày 13/8, mục đích Ấn Độ đưa tàu đến Biển Đông để quảng bá ngành công nghiệp quốc phòng và lồng ghép chính sách ngoại giao nước lớn. Ba trong số bốn tàu chiến của Ấn Độ đến khu vực được sản xuất trong nước, trang bị nhiều vũ khí và cảm biến hiện đại. Tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng khu vực Ấn Độ Dương (tháng 2/2021), Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh nhấn mạnh Ấn Độ sẵn sàng cung cấp tên lửa, máy bay chiến đấu hạng nhẹ và các hệ thống vũ khí cho các nước thân thiện trong và ngoài khu vực Ấn Độ Dương.

Theo tờ “South China Morning Post” ngày 14/8, trong 6 năm Tổng thng Philippines Duterte cầm quyền, phần lớn nguồn đầu tư Chính phủ Philippines tuyên bố nhận được từ Trung Quốc - gồm 6 tỷ USD ODA và 15 tỷ USD FDI - vẫn chưa thành hiện thực. Điều này xuất phát từ nguyên nhân: (i) Ông Duterte đã phóng đại các nguồn đầu tư này để chứng tỏ chính sách Trung Quốc là đúng đắn và ghi điểm của người dân Philippines; (ii) Trung Quốc thành lập cơ quan chuyên trách về viện trợ năm 2018 để đánh giá lại tính khả thi của các dự án BRI ở nước ngoài. Trung Quốc phải tính đến khả năng với chính quyền mới ở Manila năm 2022, các dự án đầu tư của nước này có thể bị hủy bỏ.

Học giả Hồ Ba, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu chiến lược biển - Đại học Bắc Kinh ngày 16/8 đánh giá mặc dù tồn tại tranh chấp và bất đồng tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, tình hình các vùng biển hai năm qua vẫn được kiểm soát. So với năm 2020, tình hình Biển Đông nửa đầu năm 2021 tương đối hòa dịu. Theo ông Hồ Ba, khả năng xuất hiện các sự kiện lớn không nhiều, nhưng về lâu dài, rủi ro và thách thức vẫn tồn tại.

Trên “Bloomberg” ngày 18/8, học giả Hal Brands, ĐH John Hopkins, đánh giá Mỹ có thể phục hồi sau thất bại ở Afghanistan. Trung Quốc giờ đây đối diện với bất ổn lớn hơn ở biên giới phía Tây. Sự kiêu ngạo và lối hành xử quyết đoán của Bắc Kinh cuối cùng sẽ thúc đẩy các nước quyết tâm ngăn chặn. Mỹ cần hiểu rằng những gì xảy ra bên ngoài Afghanistan sẽ quan trọng hơn với tương lai của mình. Do đó, Mỹ cần tiếp tục tập hợp liên minh chống Trung Quốc, phát triển các khuôn khổ hợp tác dân chủ, củng cố hệ thống phòng thủ ở Tây Thái Bình Dương.

Bản PDF tại đây

Viện Biển Đông – Học viện Ngoại giao

“Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông” được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn