Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Mỹ - Nhật lần đầu diễn tập chống ngầm ở Biển Đông. Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) cho biết phía Nhật Bản ngày 16/11 đã triển khai tàu sân bay trực thăng JS Kaga (DDH-184), tàu khu trục JS Murasame (DD101), một tàu ngầm lớp Oyashio và một máy bay tuần tra hàng hải P-1. Phía Mỹ có sự tham gia của tàu khu trục USS Milius (DDG-69) và một máy bay tuần tra hàng hải P-8A.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Đáp trả lệnh trừng phạt ngày 10/11 của Mỹ đối với hai Tướng Campuchia, Bộ Ngoại giao Campuchia ngày 12/11 khẳng định cáo buộc tham nhũng của hai quan chức này, cũng như phong tỏa tài sản và cấm họ tới Mỹ là "vô giá trị và xuất phát từ động cơ địa chính trị”. Campuchia cho biết, “Mỹ không cần lo lắng về hoạt động của Trung Quốc ở căn cứ Hải quân Ream. Việc hiện đại hóa Ream không phải mối đe dọa đối với an ninh của bất kỳ quốc gia nào".

Trong cuộc điện đàm ngày 12/11, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trao đổi về cuộc gặp trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra ngày 15/11. Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh mối quan tâm của Mỹ đối với hòa bình-ổn định ở Eo biển Đài Loan; bày tỏ quan ngại về hành động hăm dọa của Trung Quốc; yêu cầu Trung Quốc giải quyết vấn đề một cách hòa bình, thông qua đối thoại. 

Trả lời phỏng vấn tờ “FT” ngày 15/11, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Tướng Mark Milley đánh giá, “Trung Quốc đang mở rộng lực lượng hạt nhân và đây là chuyển dịch lớn nhất về sức mạnh địa chiến lược trong lịch sử thế giới. Mỹ cần hành động gấp rút để phát triển năng lực tác chiến trên mọi mặt trận.”

Trả lời phỏng vấn trong chuyến công du Châu Á, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo ngày 15/11 cho biết Mỹ có kế  hoạch khởi xướng một khuôn khổ kinh tế mới “với động lực mạnh mẽ hơn các thỏa thuận thương mại truyền thống,” tập trung vào công nghệ số, chuỗi cung ứng và cơ sở hạ tầng. Theo bà Raimondo, “thỏa thuận thương mại Thái Bình Dương trước đây không phải điều Mỹ hướng tới ở thời điểm này”.

Ngày 15/11, Nhà Trắng ra thông cáo về cuộc gặp trực tuyến giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình. Theo đó, hai bên tiếp tục khẳng định lập trường trong các vấn đề bất đồng. Tổng thống Biden nêu vấn đề nhân quyền (Tây Tạng, Tân Cương, Hong Kong), các hoạt động thương mại "không công bằng" của Trung Quốc, và vấn đề Đài Loan. Ông Biden tái khẳng định cam kết đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và tự do lưu thông, nhưng không đề cập Biển Đông. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh chống biến đổi khí hậu là lĩnh vực hợp tác nổi bật trong quan hệ song phương.

Philippines tái khẳng định giá trị Phán quyết Biển Đông tại Diễn đàn Biển ASEAN thứ 11. Tại sự kiện ngày 16/11, Trợ lý ngoại trưởng Philippines ông Daniel Espiritu khẳng định, “Philippines tuân theo cách tiếp cận dựa trên luật lệ ở Biển Đông, bao gồm việc khẳng định Phán quyết năm 2016, hiện là một phần của luật pháp quốc tế. Như Tổng thống Duterte nhấn mạnh tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc lần thứ 24, Phán quyết mang lại lợi ích cho cộng đồng các quốc gia tuân thủ pháp luật.”

Phát biểu tại buổi họp báo ngày 16/11, Người Phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby cho biết dù Trung Quốc đang phát triển các năng lực có thể đe dọa đến an ninh và sự ổn định của các quốc gia, Mỹ coi Trung Quốc là một "thách thức gần kề", thay vì "mối đe dọa gần kề." Theo ông Kirby, "Cạnh tranh không nhất thiết là xung đột. Trên thực tế, Mỹ mong muốn ngăn chặn mọi xung đột hoặc tính toán sai lầm".

Việt Nam yêu cầu tàu ngầm Đài Loan chấm dứt tập trận ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 18/11, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Mọi hoạt động tuần tra và diễn tập quân sự của Đài Loan tại vùng biển xung quanh Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải; gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở Biển Đông.”

Thủ tướng Nhật Bản phản đối thay đổi hiện trạng ở các vùng biển khu vực. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 18/11, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida khẳng định phản đối mạnh mẽ các hành động đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Nhật Bản cam kết hợp tác hướng tới hiện thực hóa sáng kiến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở và Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trung Quốc bác bỏ cáo buộc Philippines về tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng. Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 18/11, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho hay, “hai tàu tiếp tế Philippines đã xâm phạm vùng biển Bãi Cỏ Mây khi chưa được sự đồng ý của Trung Quốc. Tàu hải cảnh Trung Quốc thực thi nhiệm vụ phù hợp với luật pháp, giữ chủ quyền lãnh thổ và trật tự biển. Tình hình khu vực hiện tương đối êm ả và hai nước vẫn đang trao đổi về vụ việc này”.

Philippines cáo buộc Trung Quốc ngăn tàu tiếp tế ở Bãi Cỏ Mây. Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin ngày 18/11 tuyên bố, “Philippines lên án mạnh mẽ hành động của ba tàu hải cảnh Trung Quốc hôm 16/11 đã chặn đường và xịt vòi rồng vào hai tàu tiếp tế Philippines đang đi đến Bãi Cỏ Mây. Những hành động của tàu hải cảnh Trung Quốc là phi pháp”. Không có ai bị thương trong vụ việc nhưng các tàu Philippines buộc phải hủy bỏ nhiệm vụ tiếp tế. Theo ông Locsin, “Việc không tự kiềm chế của phía Bắc Kinh đe dọa tới quan hệ đặc biệt hai nước”.

Bản PDF tại đây

Viện Biển Đông – Học viện Ngoại giao

“Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông” được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn