Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Chuẩn đô đốc Robert Gaucher (Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ) ngày 9/9 cho biết sẽ tổ chức các cuộc diễn tập quy mô lớn với sự tham gia của các thiết bị không người lái tại Thái Bình. Việc kết hợp các công nghệ không người lái mới sẽ là một sự chuyển đổi lớn, hướng tới kế hoạch đầu tư hàng tỉ USD vào hệ thống không người lái.

Theo The Jakatar Post ngày 13/9, Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia (Bakamla) đã đuổi tàu cảnh sát biển Trung Quốc số hiệu 5204  xâm phạm trái phép vùng EEZ của Indonesia tại Biển Bắc Natuna vào sáng ngày 12/9. Tàu Trung Quốc khẳng định có quyền tuần tra xung quanh "Đường chín đoạn".

Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương Mỹ ngày 14/9 ra thông báo cho biết Hải quân Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và Úc đã tiến hành huấn luyện chiến thuật liên hợp “Đội tiên phong Thái Bình Dương 2020” gần đảo Guam với hơn 1.500 binh sĩ từ ngày 11-13/9. Các hoạt động trong đợt diễn tập gồm huấn luyện thao tác chiến thuật trên mặt nước, diễn tập bắn đạn thật, diễn tập chống ngầm và tiếp tế trên biển.

Trang mạng Võng Di (Trung Quốc) ngày 16/9 cho biết Trung Quốc đã tôn tạo được một đảo có diện tích 2890km2 tại Biển Đông. Sở dĩ Hoàng Sa (Tây Sa) được gọi là quần đảo vì có không ít các đảo nhỏ và đá xung quanh (gây ảnh hưởng lớn đến các tàu thuyền qua lại gần đó và công tác khoan dầu và các hoạt động trên Biển Đông của Trung Quốc). Vì vậy, Trung Quốc đã tiến hành kế hoạch cải tạo đối với 9 đảo đá này. Với tàu cải tạo Thiên Côn  Trung Quốc đã phá hủy các bãi đá ngầm xung quanh 12 đảo tại Hoàng Sa và kết nối các đảo đá xung quanh lại.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng ngày 10/9 cho biết Thông cáo chung Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 53 thể hiện sự đoàn kết, nhất trí, quyết tâm và đồng thuận của ASEAN nhằm đưa ra tiếng nói về các vấn đề nội bộ, khu vực và thế giới. Vấn đề Biển Đông được đề cập thích đáng trong Thông cáo chung thể hiện sự quan tâm, quan điểm cơ bản, và các mong muốn của ASEAN, trong đó có việc sớm đạt được COC chất lượng, tổng thể, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Tờ Economic Times Ấn Độ ngày 11/9 cho biết Thỏa thuận hậu cần song phương Nhật - Ấn sẽ tăng cường năng lực cho cả hai, thúc đẩy hơn nữa hợp tác quốc phòng song phương, giúp tàu, máy bay Ấn Độ dễ dàng hơn khi triển khai hoạt động tại các khu vực như Biển Đông và Thái Bình Dương. Hơn nữa, việc Ấn Độ đã ký thỏa thuận hậu cần với các thành viên QUAD sẽ giúp Ấn Độ hoạt động trên khắp thế giới.

Ngày 11/9, Hội nghị giữa kỳ 2+2 Ấn-Mỹ được tổ chức trực tuyến cấp Vụ trưởng. Hai bên đánh giá tiến trình phát triển mối quan hệ song phương về quốc phòng, an ninh và chính sách đối ngoại kể từ khi Hội nghị 2+2 được thiết lập vào ngày 18/12/2019l; trao đổi về những diễn biến trong khu vực và nhất trí hợp tác thúc đẩy khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, bao quát, hòa bình và thịnh vượng.

Theo South China Morning Post ngày 11/9, BTQP Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa hội đàm với Tổng thống Rodrigo Duterte và BTQP Philippines Delfin Lorenzana, cam kết viện trợ Philippines thiết bị dân sự trị giá 20 triệu USD, sử dụng cho hoạt động nhân đạo và cứu trợ thảm họa. Tổng thống Philippines khẳng định hòa bình và ổn định ở Biển Đông là lợi ích chung của khu vực, hy vọng các bên sẽ giải quyết mâu thuẫn thông qua kênh hữu nghị, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đáng chú ý, Bộ Quốc phòng Philippines ban đầu ra Thông cáo trích lời ông Lorenzana rằng Philippines sẽ tuân thủ Phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016bác bỏ yêu sách phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông mà không nhượng bộ hay thay đổi. Tuy nhiên, Thông cáo này bị thu hồi sau khoảng một giờ. Tuyên bố mới nhất sau đó không đề cập Phán quyết và nhấn mạnh rằng hai bên đã thảo luận về cách tránh hiểu lầm và giải quyết những khác biệt một cách thân thiện.

Trang Taiwan News ngày 11/9 đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto ngày 8/9 đã từ chối đề nghị của Trung Quốc về thiết lập các cơ sở quân sự ở Indonesia trong chuyến thăm nước này ngày 8/9 của Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hoà. Ông Prabowo Subianto tuyên bố Indonesia sẽ không bao giờ ký các hiệp định quân sự với bất kỳ quốc gia nào.

Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin ngày 12/9 phát biểu tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 27 rằng: (i) ASEAN cần giữ vai trò dẫn dắt để làm chủ vận mệnh với mục tiêu đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực; (ii) Quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông cần phải đảm bảo, dù có những khác biệt trong cách tiếp cận, song nên tránh hành động khiêu khích, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19; (iii) Tránh các vụ việc ngoài ý muốn do tính toán sai lầm trên Biển Đông. Sự hiện diện của các tàu chiến ở Biển Đông là không cần thiết vì có khả năng làm leo thang căng thẳng khu vực.

Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhonn ngày 12/9 phát biểu tại ARF-27, nhấn mạnh Campuchia là nước không có yêu sách ở Biển Đông, mong muốn duy trì hoà bình, ổn định và thịnh vượng ở Biển Đông. Campuchia kêu gọi các bên liên quan thực thi đầy đủ, hiệu quả DOC nhằm tăng cường sự tin cậy và lòng tin. Campuchia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối thoại giữa các bên liên quan và các biện pháp hoà bình giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS.

Thứ trưởng ngoại giao Mỹ Stephen E. Biegun ngày 12/9 tại ARF 27 nhấn mạnh tầm quan trọng của trật tự quốc tế dựa trên luật pháp trong việc giải quyết các căng thẳng và quân sự hóa ngày càng gia tăng trên Biển Đông, sự cần thiết đối của việc tiếp cận nhân đạo không bị cản trở và chấm dứt bạo lực ở bang Rakhine, các mối lo ngại về sự xói mòn quyền tự chủ và nhân quyền ở Hong Kong và việc Mỹ ủng hộ con đường dẫn đến hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.

Thượng đỉnh trực tuyến EU-Trung Quốc ngày 14/9 cho biết lãnh đạo EU ra tuyên bố đề cập leo thang căng thẳng ở Biển Đông, kêu gọi kiềm chế và giải quyết hoà bình tranh chấp theo luật quốc tế. Ngoài ra, tuyên bố cũng đề cập các vấn đề thương mại, khí hậu, hợp tác kỹ thuật số, nhân quyền và chống đại dịch Covid-19.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen ngày 14/9 cho biết Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến EU - Trung Quốc đã diễn ra “thẳng thắn và cởi mở”, tuy nhiên nhấn mạnh “vẫn còn nhiều việc phải làm”, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại. Các lãnh đạo EU cũng kêu gọi Bắc Kinh kiềm chế hành động đơn phương ở Biển Đông cũng như ở Hồng Kông và Tân Cương.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 14/9 ra tuyên bố kêu gọi các nước Mekong cần thẳng thắn đối mặt với những thiệt hại mà ĐCSTQ đang gây ra tới môi trường tự nhiên và độc lập kinh tế ở khu vực. Tuyên bố nhấn mạnh quan hệ đối tác Mekong-Mỹ là một phần trong tổng thể Tầm nhìn Ấn Độ-TBD và Đối tác chiến lược với ASEAN của Mỹ. Mỹ khẳng định Đối tác Mỹ - Mekong nhằm thúc đẩy tự chủ, độc lập kinh tế, quản trị hiệu quả và sự phát triển thực chất của các nước Mekong.

Theo Philstar ngày 14/9, Thượng nghị sĩ Philippines Risa Hontiveros kêu gọi Thượng viện nước này điều tra một thỏa thuận đã ký gần đây cho phép tập đoàn viễn thông Dito do Trung Quốc hậu thuẫn xây dựng tháp di dộng tại các doanh trại quân sự. Bà cho rằng điều này rất đáng ngờ và  yêu cầu Thượng viện phải thực hiện quyền giám sát ngay lập tức để đảm bảo an ninh quốc gia không bị suy yếu. Chủ tịch Thượng viện tạm quyền Ralph Recto, Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Franklin Drilon và Thượng nghị sĩ Francis Pangilinan, Hạ nghị sĩ Rufus Rodriguez (Cagayan de Oro) và Phó Chánh án tối cao (đã nghỉ hưu) Antonio Carpio cũng phản đối thỏa thuận này.

Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN Đặng Tích Quân ngày 14/9 cho biết Trung Quốc và ASEAN sẽ tiếp tục kiên định ủng hộ chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do, các nhân tố bất ổn của cục diện Biển Đông hiện nay chủ yếu đến từ ngoài khu vực, đặc biệt là từ Mỹ với các hành động: (i) Tăng cường phái tàu chiến và máy bay đến khu vực Biển Đông dưới danh nghĩa tự do hàng hải, đây mới thực sự là nhân tố “quân sự hóa Biển Đông”; (ii) Nhiều lần chỉ trích, đổ lỗi và làm mất uy tín của Trung Quốc, nắm bắt các cơ hội để khuấy động tình hình Biển Đông tại các tổ chức quốc tế; (iii) Công khai từ bỏ cam kết giữ lập trường trung lập trong vấn đề Biển Đông, phủ định chủ quyền và quyền lợi biển của Trung Quốc tại Biển Đông.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell ngày 15/9 nhận định Biển Đông là minh chứng rõ nhất cho thấy Trung Quốc "nói không đi đôi với làm". Trung Quốc nói sẽ tuân thủ luật biển, cam kết sẽ không quân sự hóa, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình nhưng lại không thực hiện; đưa ra rất nhiều ngôn từ hứa hẹn, chẳng hạn như "chúng ta sẽ làm việc và hợp tác cùng nhau" nhưng sau đó lại không làm những điều như vậy. Ngoài ra, ông nhấn mạnh Washington muốn ASEAN lựa chọn bảo vệ lợi ích chủ quyền của mình chứ không phải chọn phe.

Theo CNN Philippines ngày 15/9, trên Twitter cá nhân, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. khẳng định sẽ thúc đẩy hoàn thành dự thảo thứ 2 của COC trước khi trao quyền điều phối viên cho Myanmar. ASEAN và Trung Quốc đã thống nhất sẽ có 3 lần đọc dự thảo COC. Trong một phiên họp tối 9/9, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. cho biết đàm phán COC, vốn bị hoãn lại vì dịch Covid-19, sẽ “nối lại theo hình thức trực tiếp, muộn nhất là tháng 11/2020”.

Cơ quan an ninh hàng hải (Bakamla) Indonesia, ngày 15/9 tuyên bố tiếp tục duy trì hoạt động tuần tra tại khu vực Biển Bắc Natuna, nơi tàu CCG 5204 của Trung Quốc đã xâm phạm vào vùng EEZ của Indonesia, để tiếp tục khẳng định nhất quán tuyên bố chủ quyền của Indonesia đối với vùng biển này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 16/9 cho rằng việc máy bay trinh sát Mỹ giả danh máy bay dân sự Malaysia để do thám Biển Đông là “chiêu trò” thường dùng của quân đội Mỹ. Từ đầu năm 2020 đến nay, máy bay do thám Mỹ đã hàng trăm lần giả dạng máy bay dân sự nước khác để tiến hành hoạt động tại Biển Đông (thống kê chưa đầy đủ). Hành động của Mỹ vi phạm nghiêm trọng quy tắc hàng không quốc tế, làm rối loạn trật tự và an ninh hàng không, đe dọa nghiêm trọng an ninh của Trung Quốc và các nước trong khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper ngày 16/9 phát biểu tại Viện RAND về những thành tựu và kế hoạch phát triển hải quân ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm duy trì ưu thế trước Trung Quốc (số tàu hải quân Mỹ sẽ tăng từ 293 lên 355 tàu, các nguồn lực và ưu tiên được sắp xếp lại hợp lý, công nghệ cao như AI được phát triển…)

Phái đoàn thường trực của Pháp, Đức và Anh tại Liên hợp quốc ngày 16/9 gửi công hàm làm rõ lập trường pháp lý trong vấn đề Biển Đông, trong đó khẳng định: (i) UNCLOS là cơ sở chung, phổ quát trong việc đặt ra khuôn khổ pháp lý cho tất cả các hoạt động thực hiện trong các vùng biển và đại dương; (ii) Sự quan trọng của việc thực thi quyền tự do không bị cản trở trên vùng biển cả, trong đó bao gồm khu vực Biển Đông; (iii) Các quốc gia lục địa không thể có cơ sở pháp lý khi vẽ đường cơ sở quần đảo; (iv) Hoạt động xây dựng hay các hình thức chuyển đổi nhân tạo khác không thể thay đổi việc phân loại thực thể địa lý theo như quy định của UNCLOS; (v) Các yêu sách liên quan đến việc thực thi "quyền lịch sử" đối với các vùng biển ở Biển Đông là không phù hợp với luật quốc tế và các quy định của UNCLOS; và (vi) Tất cả các yêu sách biển ở Biển Đông cần phải được đưa ra và giải quyết một cách phù hợp với các quy tắc, quy định của UNCLOS và các công cụ, thủ tục cho việc giải quyết tranh chấp như được quy định trong Công ước.  

Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Mỹ) ngày 16/9 cho biết thủy quân lục chiến Mỹ tiến hành diễn tập mô phỏng bắt giữ tàu địch ở Biển Đông vào tuần trước nhằm phản ứng lại trước các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Tàu USS Germantown (đóng vai tàu nước ngoài không tuân thủ quy định và vận chuyển hàng lậu) bị bắt giữ bởi thủy quân lục chiến thuộc lực lượng đột kích trên biển của Đơn vị viễn chinh Thủy quân lục chiến số 31.

Tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 16/9 phát biểu tiếp nối chính sách kinh tế, an ninh, và đối ngoại của người tiền nhiệm Shinzo Abe và sẽ đưa ra các chính sách mới theo bản sắc riêng. Ông ủng hộ quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ là nền tảng trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản và sẽ tiếp tục thực hiện “Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở".

Góc nhìn quốc tế

+ Trung Quốc:

Báo Sohu (Trung Quốc) ngày 15/9 có bài viết cho rằng cục diện Biển Đông đang hỗn loạn, ASEAN nên lựa chọn Trung Quc, kiên trì chủ nghĩa đa phương. Bài viết nhận định với nỗ lực chung của Trung Quốc và các nước ASEAN, tình hình Biển Đông hòa bình và ổn định, Trung Quốc và các nước ASEAN cam kết thực hiện toàn diện và hiệu quả DOC, duy trì đối thoại chặt chẽ trong việc thúc đẩy COC.

Tờ Thời báo hoàn cầu, Trung Quốc, ngày 15/9 nhận định Mỹ đang cố gắng biến Mekong thành một chiến trường chống Trung Quốc giống Biển Đông. Bài viết phủ định những lời “vu khống” của Pompeo rằng Trung Quốc “kiểm soát dòng chảy một cách không minh bạch”, dẫn chứng rằng các chuyên gia từ Mỹ, Anh và cả các nước thuộc lưu vực song Mekong tham gia hội thảo trực tuyến về sông Mekong ngày 14/7 đều nhất trí các hồ chứa nước dọc song giúp giảm hạn hán ở hạ lưu. Bi Shihong, giáo sư Đại học Vân Nam cho biết các cáo buộc của Mỹ xuất phát từ động cơ chính trị, thể hiện Mỹ đang “tuyệt vọng tìm kiếm một chương trình nghị sự mới nhằm đàn áp Trung Quốc”.

Giáo sư Trương Gia Đông, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Nam Á, Đại học Phúc Đán ngày 11/9 cho rằng, gần đây, có 3 dấu hiệu Ấn Độ điều chỉnh chính sách với Trung Quốc: (i) xích lại gần Mỹ và Nhật Bản; không loại trừ khả năng nâng cấp quan hệ cận đồng minh với Mỹ; (ii) Cứng rắn hơn trong tranh chấp biên giới với Trung Quốc; (iii) Chủ động hơn trong việc chơi “con bài Đài Loan”. Sau sự điều chỉnh này là ba thay đổi lớn về chính sách với Trung Quốc kể từ khi BJP cầm quyền: (i) Thời điểm BJP cầm quyền năm 2014; (ii) Thăng trầm trong quan hệ Ấn-Mỹ khi Ấn Độ không nhận được ưu đãi đặc biệt về thương mại của tổng thống Donald Trump; Nga không “hài lòng” khi Ấn Độ xích gần với Mỹ; (iii) Dịch Covid bùng phát và cạnh tranh Mỹ-Trung gia tăng.

+ Đông Nam Á:

Hanh Nguyen, thành viên Học bổng Viện trợ Phát triển Nguồn nhân lực Nhật Bản, ngày 11/9 trên The Diplomat, cho rằng sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từ chức, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản vẫn có nhiều cơ hội phát triển do: (i) Hai nước có mối quan tâm lớn đối với sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc, có tranh chấp chưa được giải quyết với Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Hợp tác với Nhật Bản sẽ nâng cao sức mạnh của Việt Nam, từ đó giảm bớt áp lực từ Trung Quốc. (ii) Nhật Bản hưởng lợi từ thị trường và nguồn lao động của Việt Nam, ngược lại, Việt Nam có cơ hội phát triển từ nguồn công nghệ của Nhật Bản; (iii) Việt Nam có thể thông qua Nhật Bản để thúc đẩy hợp tác nội khối ASEAN, khi vai trò của Nhật Bản ở khu vực ngày càng quan trọng.

Amy Chew (nhà báo tại Malaysia) ngày 14/9 trên South China Morning Post đã tổng hợp ý kiến của hai học giả Ian Storey (Viện ISEAS-Yusof Ishak) và Collin Koh (Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng Indoneisa) về việc Indonesia xua đuổi một tàu cảnh sát biển Trung Quốc xâm phạm trái phép EEZ của quần đảo Natuna (Indonesia) từ ngày 12-14/9. Theo Storey, (i) việc xua đuổi này thể hiện Indonesia có lập trường “cứng rắn” hơn về các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông; và (ii) Các bên yêu sách Đông Nam Á theo sự dẫn dắt của Indonesia sẽ cho Bắc Kinh thấy các nước hoàn toàn bác bỏ cái gọi là "quyền lịch sử” trong Đường chín đoạn. Theo Koh, vụ việc là một thách thức đối với Indonesia và Indonesia cần “một chiến lược mạnh mẽ hơn” để tập hợp “ASEAN và các nước ngoài khu vực cùng chí hướng lên án các hành vi cưỡng chế” như vậy, mặc dù ông cảnh báo rằng điều này sẽ là “gánh nặng về mặt chính trị nếu bị hiểu sai thành ngăn chặn Trung Quốc".

+ Châu Âu – Mỹ:

RFA ngày 15/9 đưa tin Mỹ ra thông báo điều chỉnh chính sách về nghiên cứu khoa học biển (yêu cầu các tàu nước ngoài cần xin phép trước khi thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học trong EEZ của Mỹ). Greg Poling (CSIS, Mỹ) cho biết trong quá trình đàm phán UNCLOS, Mỹ luôn phản đối việc các tàu hoạt động ngoài 12 hải lý phải xin phép nước ven biển và nhận định sự thay đổi chính sách này của Mỹ là dấu hiệu cho thấy Mỹ đang điều chỉnh nội luật thống nhất với UNCLOS. Tuy nhiên, mặc dù đây là thời điểm hợp lý để Mỹ thông qua UNCLOS, nhiều khả năng là điều này không xảy ra vì còn nhiều mâu thuẫn nội bộ liên quan.

TS. John McManus, giáo sư ngành sinh học biển tại Đại học Miami, Mỹ, ngày 16/9 tại buổi thảo luận do Sứ quán Mỹ tổ chức, đã đánh giá Trung Quốc hiện là nước góp phần lớn nhất trong việc đánh bắt cá quá mức và gây hại tới hệ sinh thái san hô ở Biển Đông. Ông kêu gọi các quốc gia hợp tác nghiên cứu và trên thực địa nhằm bảo vệ hệ sinh thái san hô, góp phần bảo tồn sản lượng cá đang sụt giảm nghiêm trọng. Ngoài ra, các nước ASEAN cần tận dụng các cuộc đàm phán với Trung Quốc để chia sẻ quan điểm, kêu gọi Trung Quốc có hành động thực tế trong bảo tồn môi trường biển.

Tờ The Washington Post ngày 16/9 trích ý kiến học giả về việc Trung Quốc đã chế tạo xong thân tàu sân bay thứ 3 (tàu đầu tiên được trang bị công nghệ hiện đại). Matthew Funaiole, nhà nghiên cứu tại dự án CSIS ChinaPower, cho biết câu hỏi lớn nhất với công nghệ của Trung Quốc là chưa rõ liệu tàu sân bay mới có trang bị máy phóng điện từ để điều khiển máy bay chiến đấu khỏi boong một cách hiệu quả hay không. Nhiều học giả quốc tế ước tính Trung Quốc dự định xây dựng một hạm đội gồm ít nhất 6 tàu sân bay. Hơn nữa, nhà máy đóng tàu ở Giang Nam, cạnh sông Dương Tử, đang được mở rộng nhằm phục vụ "các loại tàu quân sự lớn".

Bản PDF tại đây

@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao

"Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn