Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Từ ngày 29/9 - 1/10, Không quân Singapore và Malaysia tiến hành diễn tập SAREX MALSING kết hợp hình thức trực tuyến và thực địa. Hoạt động trên nhằm trao đổi kinh nghiệm về tìm kiếm cứu nạn, và thúc đẩy hợp tác giữa lực lượng không quân hai nước. 

Nhân kỷ niệm 72 năm Quốc khánh Trung Quốc ngày 1/10, Biên đội Hộ vệ 39 của Hải quân Trung Quốc đang làm nhiệm vụ tại Biển Đông đã làm lễ tuyên thệ và ký tên nhằm khích lệ, cổ vũ binh sĩ lập công tại vùng biển xa.

Tàu ngầm hạt nhân Connecticut của Mỹ ngày 2/10 đâm vào vật thể không xác định ở Biển Đông khiến một số thuỷ thủ bị thương. Tàu bị hư hại, nhưng không phát tín hiệu cấp cứu mà tự di chuyển về Guam.  

“Bộ Quốc phòng” Đài Loan ngày 3/10 cho biết Trung Quốc ngày 2/10 triển khai 39 máy bay vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan, số lượng kỷ lục trong một ngày. Trước đó ngày 1/10 Quốc khánh Trung Quốc, 38 máy bay Trung Quốc xâm nhập ADIZ Đài Loan. Đài Loan đã triển khai tiêm kích, phát cảnh báo vô tuyến và hệ thống tên lửa phòng không để giám sát hoạt động máy bay Trung Quốc.

Tại Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế Trung Quốc lần thứ 13 ngày 4/10, Trung Quốc trưng bày một hệ thống phòng thủ tích hợp trên biển, được sản xuất trong nước. Hệ thống này bao gồm tên lửa siêu thanh YJ-12E và tên lửa cận âm CM-802B, được ứng dụng linh hoạt trên nhiều nền tảng, bao gồm tàu biển, và những phương tiện khác.

Úc, New Zealand, Malaysia, Singapore và Anh ngày 5/10 tiến hành cuộc tập trận Bersama Gold 2021 ở Biển Đông với sự tham gia của 2.600 binh sĩ, 10 tàu chiến, một tàu ngầm, 6 trực thăng và 25 máy bay chiến đấu. Hoạt động trên, diễn ra vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Hiệp ước phòng thủ Ngũ cường (FPDA) nhằm trao đổi kinh nghiệm, nâng cao hiểu biết, sự tin cậy giữa các nước.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Trong cuộc gặp với Đại sứ Úc tại Campuchia ngày 1/10, Phó Thủ tướng Hor Namhong cho biết Biển Đông nên là vùng biển hòa bình và an ninh. Campuchia hy vọng ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được đồng thuận COC để ngăn tranh chấp leo thang. Với tư cách là chủ tịch ASEAN lần thứ ba vào năm 2022, Campuchia sẽ ưu tiên tăng cường đoàn kết ASEAN và đảm bảo hòa bình và an ninh trong khu vực.

Phát biểu tại hội thảo của CSIS ngày 1/10, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks cho hay Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh ở mức báo động, ý đồ của Trung Quốc đang dần rõ ràng. Quân đội Mỹ duy trì hiện diện mạnh mẽ trong khu vực và đủ khả năng kiềm chế và giảm thiểu các đe dọa tiềm ẩn. Về AUKUS, tàu ngầm hạt nhân có thể giúp Úc đối mặt với tàu ngầm tiên tiến của Trung Quốc, ít tiếng ồn và khó bị phát hiện hơn.  

Phát biểu tại cuộc họp Hội đồng Đối ngoại và Quốc phòng thứ 29 của Nga ngày 2/10, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố, “Quad và AUKUS làm xói mòn các cơ chế hợp tác hiện hành của ASEAN. Khái niệm ‘chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương’ là xu hướng do Mỹ khởi xướng”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 3/10 khẳng định: “Mỹ quan ngại trước các hoạt động quân sự có tính khiêu khích của Trung Quốc gần Đài Loan, gây mất ổn định, tiềm ẩn nguy cơ tính toán sai lầm cũng như phương hại đến hòa bình và ổn định khu vực. Bắc Kinh cần ngừng gây áp lực cũng như cưỡng ép về quân sự, ngoại giao và kinh tế đối với Đài Loan”.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN trực tuyến ngày 4/10, các Bộ trưởng nhấn mạnh lập trường nguyên tắc ASEAN, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế. Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định tầm quan trọng của thúc đẩy lòng tin và giải quyết hòa bình tranh chấp phù hợp luật quốc tế, phối hợp với Trung Quốc đảm bảo thực hiện DOC, xây dựng COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS năm 1982.

Phát biểu tại hội thảo CSIS ngày 4/10, Đại diện thương mại Mỹ Bà Katherine Tai khẳng định, “Mỹ sẽ có cách tiếp cận mới, thực tế với Trung Quốc nhằm thúc đẩy các mục tiêu kinh tế và chiến lược trong ngắn hạn và dài hạn. Mỹ quan ngại các hoạt động thương mại phi thị trường không được giải quyết trong thỏa thuận giai đoạn 1 giữa hai nước. Rõ ràng, Trung Quốc không có những điều chỉnh phù hợp giải quyết những quan ngại của Mỹ và các nước khác”. Theo Bà Tai, Mỹ sẽ phối hợp với các đồng minh để định hình các quy định về thương mại công bằng trong thế kỷ 21.

Ngày 5/10, Malaysia cho biết đã triệu hồi Đại sứ Trung Quốc Ouyang Yujing “để phản đối các tàu Trung Quốc, gồm một tàu khảo sát, hiện diện và hoạt động trong vùng Đặc quyền kinh tế của Malaysia ngoài khơi Sabah và Sarawak. Hoạt động của tàu Trung Quốc không phù hợp với luật của Malaysia về EEZ năm 1984 và UNCLOS năm 1982”. Đây là lần thứ 2 trong năm (kể từ tháng 6) Malaysia triệu tập Đại sứ Trung Quốc để phải đối. 

Trong cuộc gặp với Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung Quốc Dương Khiết Trì ngày 6/10, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nêu một loạt vấn đề Mỹ quan ngại liên quan tới dân chủ nhân quyền, vấn đề Tân Cương, Tân Cương, Hồng Kông, Biển Đông và Đài Loan. Ông Sullivan nhấn mạnh Mỹ tiếp tục nâng cao năng lực quốc gia, hợp tác chặt chẽ với đồng minh và đối tác, đồng thời đối thoại với Trung Quốc để đảm bảo cạnh tranh trách nhiệm.

Phát biểu trong cuộc họp với Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann ngày 6/10 ở Pháp, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh, “Mỹ hết sức quan ngại hành động quân sự khiêu khích của Trung Quốc gần Đài Loan. Mỹ có cam kết vững chắc với Đài Loan và tiếp tục góp phần duy trì hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan và khu vực. Mỹ sẽ sát cánh cùng các bạn bè, đối tác thúc đẩy an ninh, giá trị và sự thịnh vượng chung”.

Góc nhìn quốc tế

Trao đổi với “Tiền Phong” ngày 4/10, GS. Carlyle Thayer, Học viện Quốc phòng Úc, cho biết Trung Quốc có kế hoạch bổ sung 21 tàu ngầm tấn công đa năng chạy năng lượng hạt nhân (SSN) từ nay đến năm 2030. Hiện tại chỉ có 6 nước trên thế giới sở hữu tàu ngầm SSN, gồm Trung Quốc, Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Ấn Độ. Theo ông Thayer, căn cứ hải quân Du Lâm, Hải Nam của Trung Quốc thường trực 20 tàu ngầm, gồm 6 tàu ngầm hạt nhân (2 SSN và 4 SSBN) và 14 tàu ngầm chạy bằng diesel có nhiệm vụ săn tàu ngầm đối phương.

Trên trang “The Strategist” ngày 6/10, học giả Joseph Nye (Harvard) nhận định Mỹ cần chú ý đến sự tương đồng giữa thực trạng khu vực, quan hệ Mỹ-Trung hiện nay với bối cảnh Châu Âu trước Thế chiến thứ I. Những nguyên nhân khiến Thế chiến bùng phát là: (i) chủ nghĩa dân tộc bị đẩy cao ở nhiều nước thuộc cả hai phe Đức-Áo-Hung và Nga; (ii) niềm tin (sai lầm) rằng nền hòa bình được xác lập lâu dài sẽ không bị phá vỡ, bất chấp thực tế nhiều thỏa thuận giải quyết các cuộc "xung đột nhỏ" trước đó khiến nhiều nước "ấm ức" và thúc đẩy sự phát triển của chủ nghĩa xét lại, và (iii) chính sách đầy tham vọng nhưng cũng vụng về của Đức. Ông Nye cho rằng các yếu tố này dường như hiện hữu trong bối cảnh hiện nay: (i) sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc cũng như chủ nghĩa dân túy ở Mỹ; (ii) sự “ấm ức” của Trung Quốc đối với hiện trạng ở Eo biển Đài Loan; và (3) "giấc mộng Trung Hoa" của Chủ tịch Tập Cận Bình và chính sách ngoại giao quyết đoán quá mức của Trung Quốc. 

Trên tờ “Guardian live” ngày 2/10, học giả Jagannath Panda, Ấn Độ đánh giá Thủ tướng tương lai của Nhật Bản Fumio Kishida rất có thể sẽ kế thừa di sản chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của cựu Thủ tướng Shinzo Abe. Là cựu Bộ trưởng Ngoại giao, ông Kishida có thể cân bằng giữa quan hệ quốc tế và quốc phòng, duy trì chính sách đối ngoại của Nhật Bản tiếp tục ổn định. Khác với người tiền nhiệm Yoshihide Suga, ông Kishida nổi tiếng với khả năng “xây dựng đồng thuận” và thiết lập quan hệ cá nhân với các lãnh đạo khác, giúp định hình tương lai của nhóm Quad và cấu trúc an ninh tại khu vực. Việc ông ông Kishida có thể kế thừa và mở rộng chính sách kinh tế “Abenomics” phù hợp với các sáng kiến kinh tế tiểu đa phương tại khu vực như SCRI hay Mạng lưới điểm xanh. Với Trung Quốc, chiến dịch của ông Kishida cho thấy lập trường “diều hâu” rõ ràng, cứng rắn ủng hộ Đài Loan, Hồng Kông, tăng cường năng lực phòng vệ.    

Trên “The Diplomat” ngày 7/10, nhà báo David Hutt đánh giá với việc AUKUS ra đời, ASEAN cần đánh giá năng lực của khối trong giải quyết các vấn đề khu vực, tránh sự can dự từ bên ngoài. ASEAN bị chia rẽ ngay trong đàm phán COC cũng như sự thiếu hiệu quả trong giải quyết vấn đề Myanmar, khiến Mỹ, Trung Quốc phát huy ảnh hưởng ở khu vực. Giải pháp ASEAN có thể làm hiện nay là không chọn bên và phát huy sự đoàn kết. Việc không thống nhất trong ứng xử với cạnh tranh Mỹ - Trung sẽ phương hại sự đoàn kết và tính chính danh của ASEAN.

Bản PDF tại đây

Viện Biển Đông – Học viện Ngoại giao

“Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông” được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn