Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ ngày 8/10 cho biết trên đường đến Biển Đông, các thủy thủ tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường John S. McCain đã tiến hành diễn tập tấn công quy mô nhỏ.

Thời báo Hoàn Cầu ngày 9/10 trích dẫn phát biểu của NPN Chiến khu miền Nam Trung Quốc Trương Nam Đông, cho biết tàu khu trục Mỹ mang tên lửa dẫn đường USS McCain ngày 9/10 xâm nhập lãnh hải quần đảo Hoàng Sa mà không được Trung Quốc cho phép. Chiến khu miền Nam của Giải phóng quân nhân dân Trung Quốc đã tổ chức lực lượng hải quân và không quân xác minh, theo dõi, giám sát và cảnh báo.

H I Sutton, Mỹ, ngày 12/10 trên USNI News cung cấp hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang tăng cường công suất nhà máy đóng tàu ngầm hạt nhân ở Bột Hải, Đảo Hồ Lô. Hai cơ sở mới được mở rộng ước tính có thể đóng cùng lúc 2 tàu ngầm/cơ sở. Nếu cơ sở cũ còn hoạt động thì Trung Quốc có thể đóng từ 4-5 tàu ngầm cùng lúc. Các dự báo cho thấy Trung Quốc có thể có ít nhất 6 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân vào năm 2030.

3 tàu thuộc Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) sau khi có chuyến thăm Việt Nam đã tham gia diễn tập cùng Hải quân Mỹ từ ngày 12/10. Nishida Satoshi, Chỉ huy thuộc Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản cho biết kể cả trong tình hình có đại dịch, JMSDF vẫn tiếp tục hợp tác với hải quân các đồng minh và đối tác, thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực, cũng như bảo đảm khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở.

Trang mạng Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 14/10 trích dẫn SCSPI cho biết trong tháng 9, Mỹ phái 60 lượt máy bay đến trinh sát Trung Quốc, có khả năng Mỹ đang chuẩn bị cho những nhiệm vụ đường dài tại Biển Đông trong tương lai. Trong 60 lần trinh thám sát bờ của Mỹ có 41 lần tại Biển Đông, 6 lần tại biển Hoa Đông, 13 lần tại Hoàng Hải. Thông thường, máy bay tiếp nhiên liệu của Mỹ xuất phát tại căn cứ Kadena Okinawa, nhưng gần đây có một vài máy bay tiếp nhiên liệu xuất phát từ đảo Guam và rất có khả năng Mỹ đang tiến hành những đợt tập huấn đặc biệt, thậm chí thử nghiệm tình huống tiếp nhiên liệu đường dài.

Tàu khu trục USS Barry của Mỹ ngày 14/10 đi qua eo biển Đài Loan sau khi Bắc Kinh tuyên bố phản đối sự hiện diện của tàu USS John S. McCain ngày 9/10. Đây là lần thứ 12 Mỹ điều động tàu đi qua eo biển Đài Loan trong năm nay. Hoạt động FONOP của tàu USS John S. McCain ngày 9/10 được người phát ngôn Hạm đội 7 Reann Mommsen xác nhận qua email ngày 15/10.

Theo RFA, Mỹ, ngày 15/10, dữ liệu theo dõi cho thấy tàu khảo sát Trung Quốc tiến vào vùng biển Việt Nam. Tàu Shiyan-1 được hộ tống bởi tàu Cảnh sát biển mang số hiệu 2305 ngày 12/10 rời Vịnh Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, tới ngày 13/10 cách bờ biển Quảng Ngãi Việt Nam 70 hải lý. Tới ngày 14/10, tàu cách bờ biển tỉnh Bình Định 78 hải lý.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Đô đốc Hải quân Anh Tony Radakin ngày 8/10 đánh giá Trung Quốc là mối đe doạ mang tầm chiến lược của Anh bởi hải quân Trung Quốc có thể tiếp cận Bắc Đại Tây Dương bằng con đường đi qua Bắc Cực. Tình trạng nóng lên của trái đất sẽ dẫn đến tan băng ở Bắc Cực và có thể mở ra con đường trên biển mới qua đây. Theo đó, tuyến đường mới từ Trung Quốc tới phía Bắc Đại Tây Dương sẽ rút ngắn được khoảng 10-12 ngày so với tuyến đường truyền thống đi qua Eo biển Malacca và Eo biển Suez.

BTQP Nhật Bản Nobuo Kishi ngày 8/10 có chuyến thăm đầu tiên tới căn cứ không quân Yokota của Lực lượng Mỹ ở Nhật Bản kể từ khi ông lên nhậm chức tháng trước. Trong cuộc gặp Chỉ huy Lực lượng Mỹ tại Nhật Bản, Trung tướng Kevin Schneider, hai bên chia sẻ quan ngại về các hoạt động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông; khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác để đối phó với mối đe dọa quân sự từ Triều Tiên; và tái khẳng định tầm quan trọng của quan hệ đồng minh Nhật Bản – Mỹ trong việc duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ngày 9/10, Đặc phái viên Tổng thống, Bộ trưởng điều phối biển Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan đã hội đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Ngoại trưởng Trung Quốc khẳng định hai nước cần kiên trì trong việc bảo vệ công bằng chính nghĩa, bảo vệ chủ nghĩa đa phương và dân chủ trong quan hệ quốc tế, bảo vệ quyền lợi chung của các nền kinh tế mới nổi. Indonesia mong muốn cùng Trung Quốc sớm ký kết quy hoạch hợp tác giữa Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc với chiến lược “Trục biển toàn cầu” của Indonesia, đồng thời nhấn hai bên ủng hộ chủ nghĩa đa phương.

Ngày 09/10, Phái đoàn thường trực của Philippines tại Liên hợp quốc đã gửi Công hàm số 0929-2020 thể hiện quan điểm đối với Công hàm số HA 30/20 ngày 27/8/2020 của Malaysia khẳng định: (i) Các yêu sách của Philippines liên quan đến Nhóm đảo Kalayaan phù hợp với UNCLOS và phán quyết Biển Đông 2016; (ii) Sẽ tham vấn với Chính phủ Malaysia về đệ trình thềm lục địa mở rộng trong tương lai và hoan nghênh cơ hội đàm phán phân định với Malaysia nếu có chồng lấn; (iii) Bác bỏ yêu sách chủ quyền của Malaysia liên quan đến khu vực Bắc Borneo, yêu cầu Ủy ban không xem xét việc đệ trình của Malaysia, trừ khi và cho đến khi các bên giải quyết thỏa đáng tranh chấp.

Người phát ngôn Ngoại giao Hoa Xuân Oánh ngày 9/10 trả lời báo chí về việc Nhật Bản phản đối Trung Quốc thành lập website về đảo Điếu Ngư, cho rằng đảo này là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc, việc này được xây dựng trên căn cứ lịch sử và pháp lý. Trung Quốc căn cứ vào lập trường chủ quyền để xây dựng bảo tàng số về đảo Điếu Ngư, Nhật Bản không có quyền bình luận.

Theo Inquirer ngày 10/10 tại Vân Nam, Trung Quốc, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã hội đàm với Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr trước khi thăm 5 nước ASEAN. Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết, Trung Quốc sẽ: (i) Ủng hộ và hỗ trợ tối đa Philippines chống dịch Covid-19, (ii) Thúc đẩy phục hồi sản xuất và tái khởi động các dự án hợp tác lớn giữa hai bên, mong muốn cùng thúc đẩy kết nối sâu rộng Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc với Sáng kiến “Xây, xây, xây” của Philippines, (iii) Đẩy nhanh tiến trình tham vấn Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); (iv) Đảm bảo có thể ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trong năm nay. Ngoại trưởng Philippines Locsin khẳng định mong muốn cùng Trung Quốc triển khai hợp tác trong lĩnh vực phát triển vắc-xin ngừa Covid-19, hy vọng các bên sẽ cùng nỗ lực bảo vệ hòa bình và ổn định tại Biển Đông.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 10/10 hội đàm với Người đồng cấp Philippines, cho rằng bất chấp tình hình thế giới, hai nước cần phải là bạn tốt vĩnh viễn vì lợi ích cơ bản và mong muốn chung của nhân dân hai nước. Hơn 4 năm qua, hai bên đã tích lũy nhiều kinh nghiệm để giải quyết vấn đề Biển Đông, cần kiên trì tiếp tục đàm phán để giải quyết ổn thỏa khác biệt, gác tranh chấp, tránh ảnh hưởng đến xu thế phát triển mà khó đạt được trong quan hệ hai nước. Trung Quốc mong muốn thúc đẩy tiến trình đàm phán COC, chứng minh cho thế giới rằng Trung Quốc và ASEAN có năng lực, trí tuệ để duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, để cho Biển Đông thực sự trở thành vùng biển hợp tác và hòa bình.

Báo Hoàn Cầu ngày 11/10 đăng phản ứng của Đại sứ quán Trung Quốc tại Malaysia trước việc Malaysia bắt giữ 6 tàu cá và 60 ngư dân Trung Quốc, cho biết Sứ quán Trung Quốc trước mắt liên lạc với cơ quan chấp pháp hải sự của Malaysia, tiếp lục tìm hiểu và xác thực tình hình, yêu cầu Malaysia đảm bảo quyền lợi hợp pháp của ngư dân Trung Quốc. Hiện nay Trung Quốc đã cử người đến bang Johor tiến hành điều tra lãnh sự đối với các ngư dân trong vụ việc, đồng thời điều tàu cứu trợ nhằm giải quyết các công việc tiếp theo.

Người phát ngôn Ngoại giao Triệu Lập Kiên ngày 12/10 trả lời báo chí về việc Nhật Bản tập trận tại Biển Đông, cho rằng tình hình Biển Đông hiện nay tổng thể ổn định; hòa bình, phát triển, thúc đẩy hợp tác là tâm nguyện chung của các nước trong khu vực. Hy vọng các quốc gia liên quan không có những hành động phá hoại hòa bình an ninh và ổn định của khu vực.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun ngày 12/10 trong Phiên khai mạc Diễn đàn Ấn Độ - Mỹ (New Delhi) nói rằng Mỹ rất muốn thúc đẩy lợi ích của Ấn Độ trên toàn khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thông qua tăng cường bán thiết bị quân sự, chia sẻ thông tin tình báo, tăng cường khả năng tự vệ của Ấn Độ, và thúc đẩy khả năng tương tác giữa quân đội của hai nước. Cảnh báo về sự trỗi dậy của Trung Quốc, ông Biegun gọi Trung Quốc là “con voi ở trong phòng”. Ông nhấn mạnh rằng mối quan hệ đối tác giữa bốn nước nhóm Quad được thúc đẩy bởi “lợi ích chung, không có nghĩa vụ ràng buộc và không có ý định trở thành nhóm khép kín”.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 13/10 thăm Singapore và hội đàm với người đồng cấp Singapore Vivian Balakrishnan. Hai bên (i) tái khẳng định mối quan hệ song phương tốt đẹp nhân dịp 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, (ii) cam kết hỗ trợ lẫn nhau để phục hồi kinh tế và (iii) trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế, hoan nghênh sự hợp tác của cộng đồng quốc tế nhằm chống lại đại dịch Covid-19, bao gồm việc hợp tác khu vực và đa phương về phân phối công bằng vắc-xin, duy trì kết nối chuỗi cung ứng và duy trì hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ.

Bộ trường Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 13/10 trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Malaysia Hishammunddin Hussein cho biết hai nước có truyền thống ủng hộ và tin cậy lẫn nhau. Ông kêu gọi các nước châu Á “cảnh giác” trước nguy cơ chiến lược Mỹ gây ra ở Biển Đông cũng như các nơi khác trong khu vực, cho rằng Bắc Kinh và các nước ASEAN nên hợp tác để loại bỏ “sự can thiệp từ bên ngoài” lên Biển Đông. “Chúng tôi (Trung Quốc và Malaysia) đều có quan điểm rằng Biển Đông không nên là nơi để các cường quốc tranh giành quyền lực với đầy rẫy tàu chiến”.

Theo tờ Express, Anh, ngày 15/10, Tướng Giblert Gapay của Philippines nhận định các hành động hung hãn của Trung Quốc tạo ra nguy cơ xảy ra xung đột trên biển ở khu vực, “Tình hình hiện nay trở nên căng thẳng hơn do Trung Quốc đang tiến hành các hành động đơn phương. Nước này thậm chí đã phóng tên lửa”.

Chỉ huy thuộc Lực lượng Đặc nhiệm 70 của Mỹ, Trung úy Sean Brophy ngày 15/10 cho biết nhóm tấn công tàu sân bay Ronald Reagan đã quay lại Biển Đông lần thứ 3 trong năm. Nhóm tàu sẽ thực hiện các hoạt động an ninh biển như diễn tập tấn công trên biển, huấn luyện phối hợp chiến thuật giữa các đơn vị trên mặt biển và trên không. Chuẩn đô đốc Geeorge Wikoff, chỉ huy nhóm tàu Ronald Reagan cho biết: “Trọng tâm hoạt động của chúng tôi luôn là hợp tác cùng các đồng minh và đối tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong việc thúc đẩy ổn định trong khu vực”.

Góc nhìn quốc tế

+ Trung Quốc:

Trang mạng Hải ngoại của Nhân dân Nhật báo Trung Quốc ngày 12/10 khuyên quân đội Mỹ nên “tự chữa bệnh” thay vì “ngoan cố”. Mỹ đã chịu nhiều thiệt hại từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, hơn 190 tàu chiến Mỹ có thủy thủ nhiễm bệnh. Tuy nhiên, thay vì tập trung vào phòng chống dịch bệnh, quân đội Mỹ lại tăng cường nhiều hoạt động tại Biển Đông, điển hình như việc tàu chiến USS John S. McCain tự ý đi vào lãnh hải của quần đảo Hoàng Sa khi chưa được Trung Quốc cho phép hay việc Mỹ điều tàu đến Biển Đông và tiến hành diễn tập với các nước khác vào ngày 6/10 và 7/10.

+ Đông Nam Á:

Thượng nghị sỹ Philippines Risa Hontiveros ngày 14/10 đánh giá về việc Hải quân Philippines dự định điều động dân quân biển tới Biển Đông, cho rằng lực lượng này không nên được trang bị vũ khí, nếu không sẽ dễ rơi vào tầm ngắm của Trung Quốc. Thay vào đó, những người này nên được Hải quân hoặc Cảnh sát biển hộ tống tại các khu vực tranh chấp để “tự do đánh cá, không bị Trung Quốc quấy rối và bắt nạt”.

+ Châu Âu - Mỹ:

Ted Galen Carpenter, Viện CATO, Mỹ, ngày 8/10 nhận định Mỹ đang có chiến lược theo 3 mũi nhọn để kiềm chế sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Một là, sự ủng hộ của chính quyền Trump dành cho Đài Loan là thực chất hơn rất nhiều so với chính quyền tiền nhiệm. Hai là, Mỹ đang tăng cường hiện diện cả trên không và trên biển tại khu vực phía tây Thái Bình Dương, đặc biệt là tại Biển Đông. Ba là, Mỹ đang cố gắng tăng cường mạng lưới liên kết chiến lược với các đồng minh cũ và tạo lập mạng lưới tương tự với các đồng minh, đối tác mới. Tác giả nhận định những diễn biến này cho thấy Mỹ hiện không coi Trung Quốc chỉ đơn thuần là "đối thủ cạnh tranh chiến lược" mà đã là "địch thủ trực tiếp".

Thiếu tá Hải quân Mỹ Ted Warren ngày 8/10 cho rằng Lực lượng Tuần duyên Mỹ nên thúc đẩy mô hình DIME (diplomatic, information, military, and economic instruments) gồm 4 hướng (ngoại giao, thông tin, kinh tế, quân sự) ở Biển Đông. Theo Ted Warren, sử dụng mô hình này làm khuôn khổ, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (INDOPACOM) nên triển khai lực lượng tuần duyên ở Biển Đông để tạo đòn bẩy cho các quan hệ đối tác hiện có, đáp trả cuộc chiến dư luận của Trung Quốc và nâng cao năng lực thực thi pháp luật biển cho các nước khu vực. Đây cũng là cách thức có chi phí thấp để xử lý các quan ngại an ninh ở khu vực.

VOA ngày 8/10 trích dẫn ý kiến học giả về Quan hệ Đối tác Mekong - Mỹ. Mỹ thông qua cơ chế Quan hệ Đối tác Mekong - Mỹ mới được thành lập để viện trợ cho Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam trong nhiều dự án khác nhau. Alexander Vuving, Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương nhận định Mỹ tới đây sẽ coi trọng quan hệ Đối tác Mekong-Mỹ và nếu cạnh tranh Mỹ Trung càng dâng cao, khu vực Mekong sẽ càng trở nên quan trọng đối với Mỹ. Thitinan Pongsudhirak, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, cho biết 5 quốc gia Mekong hy vọng sẽ không bị phụ thuộc quá mức vào viện trợ của Trung Quốc.

Tại phiên cuối của Hội thảo Biển Đông lần thứ 10 ngày 9/10 do CSIS (Mỹ) tổ chức, các diễn giả tập trung vào các nội dung: (i) Đánh giá lại tầm quan trọng của Biển Đông với Mỹ; (ii) Đánh giá chính sách Biển Đông của chính quyền Trump và thách thức cho chính quyền sắp tới trong xử lý vấn đ Biển Đông. Theo Bonnie Glasser: Dù ai đắc cử trong bầu cử Mỹ tháng 11, Biển Đông vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng đối với lợi ích của Mỹ trong khu vực. Chính sách Biển Đông của Mỹ sẽ tác động đến quyết định của các nước trong khu vực là chọn cân bằng với Bắc Kinh, hợp tác với các cường quốc khác như hay phù thịnh với Bắc Kinh. Theo Elbridge Colby, chính quyền Trump đã đưa ra những tín hiệu mạnh mẽ hơn, mạo hiểm hơn, chứng minh tính dài hạn của chính sách của Mỹ trong khu vực; chính quyền Mỹ tiếp theo chỉ cần tiếp nối và củng cố chính sách Biển Đông và hướng đi của Mỹ hiện nay.

Bản PDF tại đây

@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao

"Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn