Bản tin tuần Biển Đông (25/10-31/10/2024)

TIÊU ĐIỂM

  1. Tàu quân sự Pháp đi qua eo biển Đài Loan, đánh dấu tàu chiến thứ ba của phương Tây đi qua eo biển này trong vòng một tháng.
  2. Trung Quốc tổ chức tập trận tại Biển Đông, bao gồm diễn tập đánh chặn tên lửa, chống tấn công mặt nước và kiểm soát thiệt hại tàu thuyền.
  3. Indonesia lần thứ ba trong tuần ngăn chặn tàu tuần duyên Trung Quốc tiếp cận tàu khảo sát Indonesia trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. 
  4. Hải quân Philippines cho biết đã thực hiện 10 hoạt động hàng hải đa phương trong năm 2024, nhiều gấp 3 lần năm 2023.
  5. Mỹ ra Quy định Cuối cùng nhằm kiểm soát đầu tư của Mỹ vào trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn, vi điện tử và công nghệ lượng tử tại Trung Quốc.

TIN TỨC

Thực địa:

Tàu quân sự Pháp đi qua eo biển Đài Loan

Ngày 29/10, tàu khu trục Prairial (F731) của Pháp đi qua eo biển Đài Loan. Đây là tàu chiến thứ ba của phương Tây đi qua eo biển này trong vòng một tháng (sau tàu chiến của Mỹ và Canada). 

  • Tàu chiến Pháp đi dọc theo tuyến phía Tây của đường trung tuyến eo biển, khác với lộ trình phía Đông sát Đài Loan như các tàu chiến Mỹ, Canada.

Các tàu chiến Pháp hoạt động khá tích cực trong “chuỗi đảo thứ nhất” thời gian qua:

  • Từ 22/4-10/5, Pháp điều tàu khu trục lớp Hanazuki “Fog Moon” (FS Vendémiaire, F734) tới Philippines tham dự tập trận “Balikatan" và dừng chân tại đảo Palawan ở Philippines;
  • Từ 31/5-2/6, Pháp cử tàu khu trục tên lửa dẫn đường “FS Bretagne” (FS Bretagne, D655) thăm cảng Manila.

Trung Quốc tiếp tục tổ chức tập trận tại Biển Đông

Ngày 27/10, SCMP đăng tin về tập trận của Hải quân Trung Quốc tại Biển Đông.

  • Một đội khinh hạm của Hải quân Bộ tư lệnh Chiến khu Nam Trung Quốc tiến hành huấn luyện và đánh giá về năng lực phòng không và đánh chặn tên lửa, chống tấn công mặt nước và kiểm soát thiệt hại tàu thuyền;
  • Nội dung tập trận gồm: (i) tấn công các mục tiêu trên biển và trên không khi tàu Trung Quốc bị tấn công, (ii) tìm kiếm và tấn công.

Lực lượng tuần duyên Indonesia đuổi tàu Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp

Ngày 25/10, theo tuyên bố của Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia, lực lượng tuần duyên nước này ngăn chặn một tàu tuần duyên Trung Quốc tiếp cận tàu khảo sát trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông lần thứ ba liên tiếp trong vòng một tuần. 

  • Trước đó, tàu tuần tra Indonesia phát hiện và “đuổi” tàu Trung Quốc đi ngày 21/10 và 23/10. Trung Quốc tuyên bố đây là khu vực thuộc thẩm quyền của mình;
  • Indonesia khẳng định vùng Thềm lục địa thuộc chủ quyền được công nhận quốc tế, Indonesia có quyền khai thác tài nguyên mà không bị cản trở. Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia nhấn mạnh sẽ tiếp tục bảo vệ an ninh và thi hành luật pháp tại vùng biển thuộc chủ quyền.

Ấn Độ và Singapore tổ chức tập trận hàng hải song phương (SIMBEX)

Từ 23-29/10, Ấn Độ và Singapore tổ chức tập trận song phương lần thứ 31 (SIMBEX) tại Bộ Tư lệnh Hải quân Đông, Visakhapatnam, Ấn Độ. Tàu RSS Tenacious của Singapore cập cảng Visakhapatnam ngày 23/10 để tham gia sự kiện này. 

  • SIMBEX 2024 được tổ chức với hai giai đoạn:
  • Tập trận ở cảng từ 23-25/10 tại Visakhapatnam với các hoạt động trao đổi chuyên môn, tham quan tàu và thi đấu thể thao;
  • Tập trận trên biển từ 28-29/10 tại Vịnh Bengal với hoạt động bắn vũ khí, huấn luyện chống ngầm, chống hạm, chống không quân và diễn tập chiến thuật.
  • SIMBEX nhằm tăng cường khả năng hợp tác chiến lược giữa hải quân hai nước, nâng cao khả năng tương tác và nhận thức tình hình biển khu vực. 

Chính trị - Ngoại giao

Thủ tướng Ấn Độ và Đức nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải và tuân thủ luật pháp quốc tế tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Ngày 25/10, Thủ tướng Đức và Ấn Độ gặp mặt trước thềm Hội nghị Kinh doanh Đức tại Dehli.

  • Hai bên đạt thỏa thuận về 18 văn kiện, bao gồm hợp tác về đổi mới và công nghệ, phát triển hy-đro xanh và Hiệp ước Tương trợ Tư pháp trong các vấn đề hình sự;
  • Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải và tuân thủ luật pháp quốc tế tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời khẳng định Đức và Ấn Độ cần hợp tác bảo vệ trật tự quốc tế.

Người phát ngôn Hải quân Philippines: Hải quân Philippines đã thực hiện 10 hoạt động hàng hải đa phương trong năm 2024, nhiều gấp 3 lần năm 2023.

Ngày 29/10, Chuẩn đô đốc Roy Vincent Trinidad, Người phát ngôn Hải quân Philippines cho biết:

  • Hải quân Philippines đã thực hiện 10 hoạt động hàng hải đa phương trong năm 2024, bao gồm hoạt động với các đối tác từ Úc, New Zealand, các cường quốc châu Âu, Nhật Bản, Mỹ và các nước khác;
  • Số lượng hoạt động hàng hải đa phương năm 2024 gấp 3 lần năm 2023. Trong tháng 10, Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP) đã thực hiện 64 nhiệm vụ tuần tra trong khu vực Biển Đông.
  • Hiện diện của các đối tác quốc tế sẽ gây ra sự thay đổi tạm thời trong hành vi của Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân, Cảnh sát biển Trung Quốc và Dân quân biển Trung Quốc.

An ninh - Quốc phòng

Mỹ chấp thuận gói vũ khí trị giá 2 tỷ USD cho Đài Loan, bao gồm lần đầu tiên chuyển giao hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không tiên tiến

Ngày 26/10, Mỹ chấp thuận gói vũ khí trị giá 2 tỷ USD cho Đài Loan, bao gồm lần đầu tiên chuyển giao hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không tiên tiến (NASAMS). 

  • Theo Cục Chính trị - Quân sự của Bộ Ngoại giao Mỹ, gói vũ khí gồm ba hệ thống NASAMS và các thiết bị liên quan có giá trị lên tới 1,16 tỷ USD, trong đó có các hệ thống ra-đa có giá trị ước tính là 828 triệu USD;
  • Người phát ngôn BNG Trung Quốc cho biết Trung Quốc “lên án mạnh mẽ và kiên quyết phản đối” động thái, khẳng định sẽ “thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia”.

Pháp lý

Việt Nam gặp mặt các nước sáng lập Nhóm Bạn bè UNCLOS

Ngày 25/10, tại trụ sở Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Đặng Hoàng Giang chủ trì buổi ăn trưa làm việc với Đại sứ, đại diện của các nước sáng lập Nhóm Bạn bè Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) để tăng cường hoạt động của Nhóm trong thời gian tới.

Tại buổi làm việc, các nước hoan nghênh vai trò nòng cốt của Việt Nam trong Nhóm, đánh giá hoạt động của Nhóm tạo diễn đàn thảo luận về các khía cạnh đa dạng trong quản lý và sử dụng biển, tiếp tục khẳng định giá trị của UNCLOS. Đại sứ Đặng Hoàng Giang kêu gọi các nước tiếp tục chia sẻ ý tưởng để Nhóm phát huy hơn nữa vai trò, nhất là trong dịp kỷ niệm 30 năm UNCLOS có hiệu lực.

Kinh tế - công nghệ 

Mỹ và Trung Quốc họp nhóm làm việc chung về kinh tế (EWG) lần thứ 6 tại Washington: 

Ngày 25/10, Mỹ và Trung Quốc tổ chức cuộc họp thứ sáu của Nhóm công tác kinh tế (EWG) tại Washington bên lề Hội nghị thường niên IMF-World Bank. Cuộc họp do Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Jay Shambaugh và người đồng cấp Trung Quốc Liao Min đồng chủ trì. Nội dung thảo luận gồm:

  • Diễn biến chính sách kinh tế vĩ mô gần đây tại Mỹ và Trung Quốc, bao gồm các biện pháp kích thích kinh tế mà Trung Quốc vừa công bố;
  • Lĩnh vực hợp tác bao gồm cách hỗ trợ các quốc gia thu nhập thấp đang phải đối mặt với những thách thức về thanh khoản; 

Mỹ tiếp tục nêu quan ngại về tình trạng dư thừa công suất công nghiệp của Trung Quốc và tác động của tình trạng này với người lao động và công ty Mỹ.

 

Mỹ ra Quy định Cuối cùng nhằm kiểm soát đầu tư của Mỹ vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, vi điện tử và công nghệ lượng tử tại Trung Quốc

Ngày 28/10, Bộ Tài chính Mỹ ra Quy định Cuối cùng (Final Rule) nhằm thực hiện Sắc lệnh hành pháp 14105 (được Tổng thống Joe Biden ký hồi tháng 8/2023) nhằm kiểm soát hoạt động đầu tư của Mỹ vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, vi điện tử và công nghệ lượng tử tại “quốc gia đáng quan ngại”, cụ thể là Trung Quốc.

Trong đó, Bộ Tài chính ban hành các quy định:

  • cấm công dân Mỹ tham gia giao dịch với công dân của quốc gia đáng lo ngại liên quan đến công nghệ và sản phẩm xác định gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia đặc biệt nghiêm trọng đối với Mỹ;  
  • yêu cầu công dân Mỹ thông báo cho Bộ Tài chính về giao dịch khác liên quan đến công nghệ và sản phẩm có thể gây ra nguy cơ an ninh quốc gia.

GÓC NHÌN QUỐC TẾ

Lee Sue-Ann & William Choong: ĐNA nên hoan nghênh và sẽ được hưởng lợi khi các quốc gia tham gia nhiều hơn vào các hoạt động tự do hàng hải

Lee Sue-Ann & William Choong đăng bài trên FULCRUM, cho rằng trong cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng gay gắt với hàng loạt tập trận khu vực.

Đông Nam Á có lợi khi hoan nghênh tập trận vì:

  • Sự tham gia độc lập của các cường quốc ngoài khu vực bởi đây là minh chứng cho cam kết của các nước trong duy trì tự do hàng hải, đặc biệt là khi các quốc gia này hành động vì lợi ích chiến lược riêng, thay vì “theo đuôi” Mỹ;
  • Tập trận thúc đẩy tương tác giữa các hải quân và gửi tín hiệu răn đe đến những bên có khả năng thách thức nguyên trạng. Nếu tham gia (cùng Nhật & Úc), đây có thể là cơ hội để Đông Nam Á đóng góp vào bảo vệ quyền tự do hàng hải. 

Một số hạn chế của Đông Nam Á nếu tham gia: 

  • Một số hải quân đối tác chỉ hiện diện trong khu vực theo định kỳ; 
  • Hải quân Đông Nam Á không đủ khả năng để theo kịp các tập trận thường xuyên → Tập trận có tác dụng răn đe nhưng không quá đáng kể.

Bản PDF tại đây

Chịu trách nhiệm nội dung: Đỗ Hoàng
Biên soạn nội dung và tổng hợp: Lan Hương, Đức Trung, Minh Hà
Thiết kế: Hợp Châu