(Ảnh: Tàu tác chiến ven bờ (LCS) USS Savannah của Hải quân Mỹ cập cảng Sihanoukville, Campuchia ngày 16/12/2024, đánh dấu lần đầu tiên sau 8 năm một tàu chiến Mỹ ghé thăm Campuchia. Nguồn: AP)
Campuchia và Mỹ dưới thời Trump 1.0
Nhìn chung quan hệ Campuchia và Mỹ dưới thời Trump 1.0 diễn ra hết sức phức tạp, căng thẳng rõ rệt về chính trị và ngoại giao. Các biện pháp trừng phạt của chính quyền Tổng thống Trump 1.0 làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn vốn có giữa hai nước, ảnh hưởng sâu sắc đến niềm tin chiến lược, khiến quan hệ hai bên bị đẩy xa hơn, tạo cơ hội cho Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng và sự hiện diện lớn hơn tại Campuchia ở nhiều lĩnh vực chỉ trong thời gian ngắn.
[1] Trong thời gian đầu dưới thời Trump 1.0, Mỹ đã áp đặt các biện pháp cứng rắn, tập trung vào các vấn đề dân chủ, nhân quyền và tự do bầu cử khi mà chính trị nội bộ tại Campuchia trước thềm bầu cử tháng 7/2018 đang diễn ra hết sức phức tạp. Mỹ chỉ trích chính quyền Thủ tướng Hun Sen khi Tòa án Tối cao Campuchia tuyên bố giải thể Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) vào tháng 11/2017
[2] và lập tức cắt khoản tài trợ 1,8 triệu USD cho Campuchia.
[3] Ở chiều hướng ngược lại, Thủ tướng Hun Sen cáo buộc Mỹ can thiệp vào vấn đề nội bộ và âm mưu cấu kết với đối lập CNRP nhằm lật đổ chính quyền.
[4]
Căng thẳng bị đẩy lên cao sau khi Campuchia triển khai chính sách nghiêng về Trung Quốc để tìm kiếm sự ủng hộ về chính trị và kinh tế, nhằm củng cố sự cầm quyền của CPP và giúp ổn định tình hình chính trị sau bầu cử.
[5] Chỉ trong thời gian ngắn, quan hệ Campuchia và Trung Quốc đã được thúc đẩy nhanh chóng. Campuchia nhận được những khoản đầu tư lớn và hỗ trợ từ Trung Quốc để vượt qua các áp lực cấm vận và cắt giảm viện trợ từ phía Mỹ và phương Tây.
[6] Sự giúp đỡ này được Thủ tướng Hun Sen ca ngợi là biểu hiện của một “tình bạn sắt son” (Ironclad friendship), của mối quan hệ ở trên một tầm cao mới. Quan hệ tăng cường cũng kèm theo việc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng quân sự tại Campuchia. Campuchia cho phép nâng cấp căn cứ Hải quân Ream,
[7] nơi quân đội Mỹ trước đó đã triển khai các hoạt động hỗ trợ và hợp tác. Mỹ cáo buộc Campuchia cho phép quân đội Trung Quốc đóng tại Ream theo một thỏa thuận bí mật
[8] và tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt đối với nhân vật cấp cao trong quân đội Campuchia liên quan đến việc xây dựng căn cứ Ream.
[9] Các biện pháp trả đũa qua lại làm gia tăng sự nghi kỵ. Campuchia dừng hoạt động diễn tập quân sự chung với Mỹ và tăng cường hợp tác quân sự với Trung Quốc, đánh dấu giai đoạn lạnh nhạt trong hợp tác quốc phòng giữa hai nước kể từ khi bình thường hóa quan hệ.
Tuy nhiên, những sự căng thẳng về chính trị và ngoại giao không phản ánh toàn bộ cục diện quan hệ và tư duy chính sách đối ngoại của hai bên trong thời Trump 1.0. Trong bối cảnh quan hệ chính tị căng thẳng, hợp tác thương mại và kinh tế giữa hai nước vẫn diễn ra tích cực. Mỹ bỏ ngỏ áp đặt thuế quan mới sau khi Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) hết hạn vào tháng 12/2020. Do đó, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm khoảng 40% tổng giá trị xuất khẩu của Campuchia.
[10]
Giai đoạn nửa cuối nhiệm kỳ Trump 1.0, Mỹ có thái độ tích cực hơn trong đánh giá về Campuchia, thể hiện qua một thông điệp mà Tổng thống Trump gửi Thủ tướng Hun Sen trong bức thư ngày 1/11/2019, trong đó khẳng định Mỹ “sẽ không tìm kiếm thay đổi chế độ tại Campuchia”. Cam kết này không chỉ giúp mở đường cho các cơ hội cải thiện quan hệ mà còn cho thấy sự điều chỉnh về cách tiếp cận trong các vấn đề khác biệt giữa Mỹ với Campuchia. Điều này dường như mang một hàm ý sâu sắc hơn về chính sách của Mỹ, đó là giảm bớt các sức ép về dân chủ và nhân quyền, song tăng cường các sức ép về Trung Quốc.
Những chiều hướng trái ngược trong quan hệ giữa Campuchia và Mỹ trong thời gian này thể hiện mối quan hệ phức tạp và mang tính chiến lược ở khu vực. Triển khai các chính sách đối ngoại thể hiện những ưu tiên chiến lược của lãnh đạo hai nước. Đối với chính quyền của cựu Thủ tướng Hun Sen, việc duy trì cầm quyền lãnh đạo đất nước của CPP có ý nghĩa sống còn, đóng vai trò tiên quyết trong việc triển khai chính sách đối ngoại của Campuchia. Trong khi đó Tổng thống Trump 1.0 đã chuyển hướng sự tập trung hơn đến ngăn chặn và kiểm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á, một trong những mục tiêu quan trọng trong Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Mỹ.
Triển vọng quan hệ Campuchia và Mỹ dưới thời Trump 2.0
Quan hệ giữa Campuchia và Mỹ bước vào thời kỳ Trump 2.0 được đánh giá có nhiều thuận lợi. Thủ tướng Hun Manet được coi là một lãnh đạo có “chiến lược ngoại giao nhanh nhạy, linh hoạt và thực dụng”
[11] với cách tiếp cận mềm mỏng và linh hoạt hơn với cha ông. Hun Manet tốt nghiệp cử nhân kinh tế học tại West Point, thạc sĩ kinh tế tại Đại học New York, Mỹ và làm tiến sĩ kinh tế tại Đại học Bristol, Anh.
Khi lên nắm chính quyền, Thủ tướng Hun Manet chủ động tiếp xúc và đối thoại để tỏ thiện chí mong muốn khôi phục quan hệ và thúc đẩy lòng tin chiến lược với Mỹ. Cách tiếp cận này đã mang lại những kết quả tích cực. Hun Manet khởi đầu cuộc tiếp xúc với quyền Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, Victoria Nuland tại Mỹ, nhân chuyến công du tham dự cuộc họp lần thứ 78 của Đại hội đồng LHQ chỉ một tháng sau khi nhậm chức. Mỹ đã quyết định nối lại khoản viện trợ 18 triệu USD thông qua USAID sau khi bị đóng băng do lo ngại về tính công bằng của cuộc bầu cử tại Campuchia vào tháng 7/2023.
[12] Nỗ lực ngoại giao của Thủ tướng Hun Manet đã mở ra cơ hội mới để thúc đẩy hoạt động đầu tư của Mỹ vào Campuchia. Nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ đã đến Campuchia ngay sau đó để tìm kiếm các cơ hội đầu tư.
[13] Đây vốn là lĩnh vực hợp tác hết sức hạn chế giữa hai nước trong nhiều năm dưới thời cựu Thủ tướng Hun Sen, bởi những lo ngại từ phía các nhà đầu tư Mỹ về môi trường kinh doanh thiếu bền vững và sự phụ thuộc kinh tế sâu rộng của Campuchia với Trung Quốc.
Bế tắc trong quan hệ quốc phòng với Mỹ cũng ghi nhận chuyển biến tích cực, được ghi dấu bởi chuyến thăm quan trọng của cựu Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Lloyd Austin tới Campuchia vào tháng 6/2024, nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng và trao đổi về việc nối lại các chương trình hợp tác quốc phòng, bao gồm cả tập trận chung Angkor Sentitel đã bị dừng do những căng thẳng trong quan hệ kể từ năm 2017.
[14] Chuyến thăm cải thiện quan hệ quốc phòng của cả hai bên sau nhiều năm lạnh nhạt dưới thời cựu thủ tướng Hun Sen. Cam kết đã lập tức được chuyển thành các hành động cụ thể với chuyến thăm cảng của tàu hải quân USS Savannah sau 8 năm.
[15] Campuchia lên tiếng chào đón Hải quân Mỹ trở lại căn cứ hải quân Ream.
[16]
Các cuộc tiếp xúc, trao đổi của các lãnh đạo cấp cao hai nước nhằm thúc đẩy hợp tác an ninh và quốc phòng tiếp tục được triển khai ngay sau khi Tổng thống Trump lên nắm chính quyền. Cụ thể, như chuyến thăm Campuchia của Tư lệnh Quân đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, Tướng Ronald P. Clark vào ngày ngày 24/2/2025
[17] và chuyến thăm của Thiếu tướng Scott A. Winter, Phó Tư lệnh Chiến lược và Kế hoạch USARPAC diễn ra chỉ một ngày sau đó.
Chuyển biến nhanh chóng về quan hệ an ninh và quốc phòng giữa hai nước thu hút sự chú ý của giới quan sát. Nhiều học giả uy tín của Campuchia bày tỏ tin tưởng việc Trump quay trở lại nắm chính quyền sẽ có những chính sách tích cực hơn, đặc biệt là giảm bớt các sức ép về dân chủ, nhân quyền đối với Campuchia.
[18] Trong khi đó, Hun Manet hiện nay được cho đang nắm bắt cơ hội và ưu tiên trong chính sách của Mỹ ở khu vực để tháo gỡ các nút thắt trong quan hệ. Lãnh đạo Campuchia sãn sàng thảo luận hợp tác trên một số khía cạnh theo phong cách “giao dịch” của Trump, bao gồm cả vấn đề vốn mang tính “nhạy cảm” như quân cảng Ream.
[19] Đây là một thông điệp quan trọng mà chính phủ Hun Manet muốn gửi tới giới hoạch định chính sách của chính quyền Trump, trong đó có Bộ trưởng Ngoại giao Macro Rubio, người từng chỉ trích mạnh hoạt động quân sự của Trung Quốc tại Campuchia.
[20]
Những động thái của Campuchia cho thấy mong muốn của chính quyền Thủ tướng Hun Manet xây dựng lòng tin và cải thiện quan hệ với Mỹ. Thay vì tiếp tục cách tiếp cận cứng rắn và sẵn sàng đối đầu như nhiệm kỳ trước, chính phủ Hun Manet thể hiện linh hoạt hơn và chủ động hơn thúc đẩy đối thoại, một cách thiện chí. Bên cạnh đó, chính phủ Hun Manet cũng chủ động mở rộng phát triển quan hệ với các đồng minh và đối tác lớn của Mỹ, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Úc, không chỉ trên các lĩnh vực kinh tế và ngoại giao mà thể hiện cả trong hợp tác quốc phòng, minh chứng qua các chuyến thăm cảng của tàu hải quân từ các quốc gia này tới Campuchia. Quan chức quân đội Campuchia cũng đã khẳng định tàu hải quân của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản sẽ thăm cảng Ream trong thời gian ngắn sắp tới.
[21]
Hướng đi nhằm cải thiện quan hệ với Mỹ và thúc đẩy đa phương hóa quan hệ của Campuchia dưới thời Hun Manet đang được các nhà quan sát đánh giá cao, với nhận định cho rằng có thể mang lại nhiều lợi ích quan trọng, làm cơ sở cho sự phát triển quốc gia này.
[22] Cách tiếp cận này nhấn mạnh yếu tố giúp cho Campuchia giảm thiểu những rủi ro từ sự phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc,
[23] đặc biệt trước sự sụt giảm đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia trong thời gian qua
[24]. Việc triển khai đa phương hóa sẽ tạo điều kiện cho các nhà lãnh đạo Campuchia có thể mở rộng không gian hành động và tăng cường tính tự chủ trong việc hoạch định chiến lược phát triển quốc gia trong tình hình mới. Những nỗ lực này cũng sẽ giúp Campuchia củng cố hình ảnh và định vị được tầm quan trọng chiến lược của mình với các đối tác trong và ngoài khu vực.
Tuy nhiên, quan hệ Campuchia và Mỹ được dự báo sẽ gặp những trở ngại nhất định. Khả năng Trung Quốc sẽ phản ứng cho rằng sự phát triển quan hệ trên sẽ đe dọa đến lợi ích và những nền tảng đã được thiết lập tại Campuchia sau nhiều năm. Trong khi đó, mặc dù những động thái mới của Campuchia đang thể hiện một thiện chí trong quan hệ, Mỹ vẫn nghi ngại mối quan hệ “gần gũi” giữa Campuchia và Trung Quốc.
Thách thức này đòi hỏi chính quyền Hun Manet kiên trì định hướng triển khai trong thời gian qua, cũng như phải có những bước đi khéo léo trong việc cân bằng mối quan hệ với hai đối tác Mỹ và Trung Quốc, trong đó cần thể hiện rõ được sự độc lập và nhất quán trong chính sách đối ngoại của mình, duy trì được sự trung lập, tích cực và rõ ràng, đặc biệt là trong các vấn đề nóng hiện nay ở khu vực, cũng như trong cuộc đối đầu gay gắt của các cường quốc.
Nguyễn Tiến Thịnh*
Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao
*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả
- Rim, Sokvy. “Why Cambodia Is Leaning Towards China and Not the US.”ThinkChina - Big Reads, Opinion & Columns on China, May 9, 2022. https://www.thinkchina.sg/politics/why-cambodia-leaning-towards-china-and-not-us.
- 2017-2020.usaid. “Statement Spokesperson Dissolution Principal Opposition Party Cambodia,” November 17, 2017.https://2017-2020.usaid.gov/ar/news-information/press-releases/nov-17-2017-statement-spokesperson-dissolution-principal-opposition-party-cambodia
- “US Pulls Cambodia’s Election Funding; Hun Sen Says Cut It All.”Voice of America, November 19, 2017. https://www.voanews.com/a/us-cambodia-election-funding-hun-sen/4125151.html.
- gov.kh. “Samdech Techo Hun Sen Calls for Clarification from U.S. on its Political Interference in Cambodia’s Internal Affairs,” Ngày 03/09/2017, https://pressocm.gov.kh/en/archives/11951
- Rim, Sokvy. “Why Cambodia Is Leaning Towards China and Not the US.”ThinkChina - Big Reads, Opinion & Columns on China, May 9, 2022. https://www.thinkchina.sg/politics/why-cambodia-leaning-towards-china-and-not-us.
- Hutt, David. “China Throws Hun Sen an Economic Lifeline.”Asia Times, February 18, 2020. https://asiatimes.com/2019/05/china-throws-hun-sen-an-economic-lifeline/#.
- Wall Street Journal. “Secret Deal for Chinese Naval Outpost in Cambodia Raises U.S. Fears of Beijing’s Ambitions.” *The Wall Street Journal*, 25/07/2019 https://www.wsj.com/articles/secret-deal-for-chinese-naval-outpost-in-cambodia-raises-u-s-fears-of-beijings-ambitions-11563732482.
- US Department of the Treasury. " Treasury Sanctions Chinese Entity in Cambodia Under Global Magnitsky Authority." Ngày 15/09/2020. https://home.treasury.gov/news/press-releases/sm1121.
- Chea Vanyuth, “US remains the biggest market for exporters,” ngày 15/10/2021, https://www.khmertimeskh.com/50952218/us-remains-the-biggest-market-for-exporters/
- Ry Sochan, “Pundits on shift in US-Cambodia relations,” ngày 12/03/2024, https://asianews.network/pundits-on-shift-in-us-cambodia-relations/
- MFAIC, Press release, ngày 23/09/2023, https://www.mfaic.gov.kh/files/uploads/ICUJ970L7NCC/[Stamped]230923-With_Letterhead_PR_ENG_SPM%20with%20US%20(2).pdf
- Chea Vanyuth, “17 mega US firms keen to explore investment opportunities in Cambodia,” Khmer Times, ngày 29/02/2024, https://www.khmertimeskh.com/501447882/17-mega-us-firms-keen-to-explore-investment-opportunities-in-cambodia/
- US DOD, “Readout of Secretary of Defense Lloyd J. Austin Ill's Meetings With Cambodian Prime Minister Hun Manet and Senior Cambodian Officials,” ngày 04/06/2024, https://www.defense.gov/News/Releases/Release/Article/3795409/readout-of-secretary-of-defense-lloyd-j-austin-ills-meetings-with-cambodian-pri/
- Sopheng Cheang, “US Navy warship will make its first port call in 8 years in Cambodia,”Navy Times, ngày 14/12/2024, https://www.navytimes.com/news/your-navy/2024/12/14/us-navy-warship-will-make-its-first-port-call-in-8-years-in-cambodia/
- Reuters, “Cambodia says it would welcome US Navy at port expanded with China's help,” ngày 02/10/2024, https://www.reuters.com/world/asia-pacific/cambodia-says-it-would-welcome-us-navy-port-expanded-with-chinas-help-2024-10-01/
- Pacom, “USARPAC General Travels to Cambodia,” ngày 26/02/2025, https://www.pacom.mil/Media/NEWS/News-Article-View/Article/4081134/usarpac-general-travels-to-cambodia/
- Niem Chheng, “Analysts warn Trump-China contest may create regional pressures,” Phnom Penh Post, ngày 08/11/2024, https://www.phnompenhpost.com/politics/analysts-warn-trump-china-contest-may-create-regional-pressures
- Chhay Lim, “No room for missteps: Cambodia’s strategic wishlist for Trump 2.0,” 9Dashline, ngày 06/02/2025, https://www.9dashline.com/article/no-rooms-for-missteps-cambodias-strategic-wishlist-for-trump-20
- Senators Markey, Rubio, và Durbin, “Bipartisan legislation supports democracy and protection for human rights in Cambodia; requires reporting on Chinese military activity,” Ed Markey, ngày 19/07/2022, https://www.markey.senate.gov/news/press-releases/senators-markey-rubio-and-durbin-applaud-unanimous-committee-passage-of-cambodia-democracy-and-human-rights-act-urge-swift-senate-passage
- Niem Chheng, “Ream Naval Base open next month; Japan scheduled as first guests,” ngày 18/03/2025, https://www.phnompenhpost.com/national/ream-naval-base-open-next-month-japan-scheduled-as-first-guests
- Chhay Lim và Nory Ly, “Cambodia makes new friends on the international stage,” East Asia Forum, ngày 11/04/2024, https://eastasiaforum.org/2024/04/11/cambodia-makes-new-friends-on-the-international-stage/
- Pressexpress, “Cambodia diplomatic playbook for Trumps second term,” ngày 07/02/2025, https://pressxpress.org/2025/02/07/cambodias-diplomatic-playbook-for-trumps-second-term/
- Reuteurs, “Cambodian canal megaproject in trouble”, Bangkok Post, ngày 21/11/2024, https://www.bangkokpost.com/world/2906181/cambodian-canal-megaproject-in-trouble