Theo báo "Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng" (Hồng Công) số ra ngày 31/10, với việc chỉ còn ít ngày nữa là Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ khai mạc, đã có nhiều đồn đoán rằng Tổng Bí thư tương lai của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, có thể sẽ tiến hành cải cách chính trị để giải quyết những vấn đề xã hội và kinh tế đang lan rộng hiện nay. Tuy nhiên, ông MacFarquhar, Giáo sư về lịch sử và khoa học chính trị thuộc Đại học Harvard danh tiếng của Mỹ nói rằng những lợi ích "bất di bất dịch" của giới chính trị Trung Quốc đã bám rễ quá sâu trong một hệ thống tham nhũng đến mức một cuộc cải tổ chính trị sẽ chẳng khác nào việc tháo dỡ hết những “lá chắn” của chế độ.

Trong một bài giảng tại Đại học Trung Văn và bài phát biểu ngày 31/10 tại Câu lạc bộ báo chí nước ngoài ở Hồng Công, ông MacFarquhar, chuyên gia nghiên cứu về cố lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông và kỷ nguyên Cách mạng Văn Hóa, nhận định: “Họ đang lo sợ rằng nếu như họ bắt đầu điều gì đó, điều đó có thể sẽ lấy đi một tảng đá và dẫn đến một vụ sạt lở”.

Theo MacFarquhar, bất chấp những hi vọng rằng chế độ cầm quyền ở Trung Quốc có thể chuyển đổi hòa bình thành một chế độ dân chủ với sự cai trị của luật pháp, ông vẫn không thể thấy một sự chuyển đổi như vậy, một sự chuyển đổi sẽ yêu cầu giới cầm quyền của Trung Quốc phải từ bỏ các quyền lực và các đặc quyền đặc lợi của họ. MacFarquhar nói rằng tổn thương của thời kỳ Cách mạng Văn hóa đã thúc đẩy cải cách vào những năm 80 của thế kỷ trước.

Giáo sư MacFarquhar cho rằng mặc dù sự trì trệ của một hệ thống chính trị thường đồng nghĩa với một chế độ mong manh có thể tồn tại trong nhiều năm nhưng những tình huống không thể dự đoán được có thể gây ra sự sụp đổ của chế độ đó. Chuyên gia này nhấn mạnh: “Bạn không biết điều gì có thể đánh đổ một hệ thống mong manh”.

Một số người đã chỉ trích thất bại của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo trong việc thúc đẩy cải cách chính trị khi họ đang nắm giữ quyền lực. MacFarquhar cho rằng thất bại đó xảy ra là do hai nhà lãnh đạo này đã để ý đến những hậu quả của các cuộc cải cách do nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev thực hiện, điều dẫn tới sự sụp đổ của chế độ Cộng sản cầm quyền ở Liên Xô. 

Theo Giáo sư MacFarquhar, “cải cách chính trị tiềm ẩn đầy nguy hiểm… Hồ Cẩm Đào không phải là một người ưa mạo hiểm. Đó là một tình thế tiến thoái lưỡng nan gần như không thể giải quyết được – Làm sao bạn có thể chống tham nhũng khi mà tệ nạn này đã lan quá rộng, từ trên xuống dưới?” 

Theo Giáo sư MacFarquhar, những tin đồn trong thời gian gần đây rằng tư tưởng Mao Trạch Động có thể bị loại khỏi Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa chắc đã phải là đúng. Chuyên gia này nhấn mạnh rằng “không thể xóa bỏ Mao Trạch Đông vì ông ấy là nhân tố thể hiện tính hợp pháp”.

MacFarquhar cho rằng Tập Cận Bình sẽ phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn khó có thể khắc phục được trong việc ngăn chặn vô số vấn đề của đất nước trong khi phải tránh các biện pháp có thể khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc bị mất quyền lực. Vị giáo sư này nhấn mạnh: “Tôi lo sợ cho Tập Cận Bình. Tôi không thấy khả năng ông ấy có thể làm thế nào để tìm ra con đường cải cách chính trị".

Verna Yu, Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng.

Thuỳ Anh (gt)