Quân đội Trung Quốc vốn được tổ chức ở thời điểm mà lợi ích của Bắc Kinh chủ yếu giới hạn trong lĩnh vực an ninh nội địa, nghĩa là chưa có không gian đủ lớn cho các lực lượng hải quân và không quân phát triển. Ngày nay, sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ cùng Nhật Bản ngày càng tăng ở khu vực Thái Bình Dương. Điều này đã thúc đẩy Trung Quốc không ngừng tăng cường năng lực quân đội.

Công nghệ được xác định là yếu tố tiên quyết trong chiến tranh hiện đại và là động lực đổi mới của các lực lượng quân đội vì công nghệ có thể giúp tạo ra nhiều lợi thế. Tuy nhiên, để có thể cạnh tranh trong môi trường mạng công nghệ, các quốc gia phải thiết kế cấu trúc quân sự để các loại vũ khí có thể phối kết hợp được với nhau trên chiến trường. Quân đội cũng cần được đào tạo, hỗ trợ và trang bị phù hợp với các hoạt động tác chiến. Nếu không đảm bảo các yêu cầu này, quân đội sẽ khó có thể tác chiến hiệu quả.

Với lý do đó, Trung Quốc đã tiến hành các cải cách quân đội ngay thời điểm đầu năm 2016 nhằm biến PLA thành một tổ chức có cấu trúc có khả năng tiến hành các hoạt động tác chiến hiện đại để bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc ở các vùng xa xôi trên thế giới. Đáng chú ý, vào đầu tháng 1/2016, Ủy ban Quân sự Trung ương Trung Quốc- cơ quan chỉ huy cao nhất của nước này- đã đưa ra định hướng cải cách quân sự mới, định hình một cấu trúc mới trong lực lượng quân đội, trong đó Ủy ban Quân sự Trung ương chịu trách nhiệm quản lý chung, các lực lượng cụ thể sẽ chịu trách nhiệm về các hoạt động tác chiến và phát triển riêng của mình.

Những thay đổi của quân đội Trung Quốc mang dáng dấp của cuộc cải cách quân đội Mỹ theo Đạo luật Goldwater-Nichols năm 1986. Theo đạo luật này, quân đội Mỹ đã được tái cấu trúc một cách sâu rộng. Điều này cũng đã giúp quân đội Mỹ cải thiện được đáng kể khả năng tiến hành các hoạt động tác chiến chung. Việc nhận biết sự khác biệt giữa PLA ngày nay và quân đội Mỹ năm 1986 là rất quan trọng, có thể giúp làm sáng tỏ những thách thức sắp tới của Trung Quốc. Mỹ cũng đã phải mất nhiều thập kỷ để Đạo luật Goldwater-Nichols trở thành khả thi về mặt chính trị, sau đó phải mất 5 năm căng thẳng để vượt qua các cuộc cải cách. Đối với một quốc gia như Trung Quốc, thách thức sẽ còn lớn hơn. Ngay cả khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vượt qua vòng đầu tiên của cải cách, các biện pháp này chắc chắn sẽ gặp nhiều phản kháng từ phía hậu trường nước này.

Trong chiến tranh vùng Vịnh và nhất là tại cuộc khủng hoảng Eo biển Đài Loan năm 1995-1996, Mỹ đã triển khai hai tàu sân bay tới khu vực phụ cận Đài Loan, điều này càng cho thấy rõ sự thiếu hụt quan trọng trong khả năng tác chiến của PLA. Mặt khác, trong bối cảnh kinh tế phát triển, lợi ích của Trung Quốc lan rộng ra toàn cầu, những yếu tố này đã thúc đẩy Trung Quốc nỗ lực hiện đại hóa quân sự một cách nhanh chóng. Để tăng cường năng lực tác chiến của các lực lượng, PLA đã nâng cấp tổ chức quân đội hiện tại, đồng thời tăng cường chia sẻ nguồn lực cho hải quân, không quân và pháo binh thứ hai hay còn gọi là lực lượng tên lửa.

Làn sóng cải tổ trong lực lượng quân đội được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thúc đẩy. Sự cải tổ được cho là có thể cải thiện đáng kể khả năng tác chiến phối hợp của quân đội Trung Quốc, có thể loại bỏ được sự nhầm lẫn phát sinh từ các chuỗi lệnh phức tạp của PLA. Mặc dù có thể tạo ra những lợi ích tiềm năng từ việc cải tổ, nhưng nỗ lực cải cách ở Trung Quốc vẫn có thể thất bại bởi sự chưa sẵn sàng của chính phủ và sự chia rẽ trong nội bộ nước này.

Nếu thành công, việc cải cách sẽ cho phép PLA trở thành một lực lượng thực sự có khả năng đáp ứng được các thách thức trong chiến tranh hiện đại. Tuy nhiên, nếu chỉ cải cách tổ chức sẽ không đủ để đáp ứng đầy đủ các mục tiêu của PLA. Lần cuối cùng PLA tiến hành các hoạt động chiến đấu chung vào năm 1955. Do đó, mặc dù quân đội Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động tập trận ngày càng lớn trong suốt thập kỷ qua, nhưng điều này chắc chắn không thể thay thế được kinh nghiệm thực tế.

Theo Stratfor

Trần Quang (gt)