Trong chừng mực nào Trung Quốc sẽ điều chỉnh chính sách đối ngoại dưới sự điều hành của giới lãnh đạo mới hiện đang trở thành tâm điểm chú ý của giới chuyên gia Trung Quốc. Mặc dù các tuyên bố của quan chức Trung Quốc không cho thấy dấu hiệu điều chỉnh chính sách đối ngoại của Trung Quốc nhưng điều này không thuyết phục được các chuyên gia quan hệ đối ngoại tại Trung Quốc.

Một số học giả Trung Quốc lập luận rằng Trung Quốc cần từ bỏ chiến lược “giấu mình chờ thời” mà Đặng Tiểu Bình đã đề ra 33 năm trước đây và cần chủ động hơn trong việc theo đuổi vị trí toàn cầu phù hợp với sức mạnh kinh tế của Trung Quốc.

Một số chuyên gia nước ngoài cho rằng thay đổi như vậy đã thực sự diễn ra. David Denoon, giáo sư Đại học New York cho biết kể từ 2005, Trung Quốc đã thực hiện chính sách ngoại giao tự tin hơn và ít hợp tác hơn, đồng thời thể hiện nhiều quan điểm cứng rắn hơn trong các vấn đề chủ quyền.

Giới học giả Trung Quốc cũng nhận thấy dấu hiệu của thay đổi. Giáo sư Yan Xuetong, Viện trưởng Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Thanh Hoa cũng lập luận, mục đích, phương hướng và cách tiếp cận của ngoại giao Trung Quốc đã thay đổi. Mục đích thay đổi từ định hướng do lợi ích kinh tế sang định hướng chiến lược, từ bị động hoặc thụ động sang chủ động hơn, với cách tiếp cận từ phản ứng bị động sang phản ứng chủ động. Tóm lại, Trung Quốc đang ngày càng chủ động hơn trong tham gia góp phần định hình trật tự quốc tế.

Cho dù sự tiếp nối hay điều chỉnh, thì xu hướng chính sách đối ngoại Trung Quốc cũng dựa trên ba yếu tố: (1) Điều kiện trong nước Trung Quốc; (2) Điều kiện bên ngoài; và (3) Quan niệm truyền thống của Trung Quốc. Nếu có bất kỳ thay đổi nào trong những nhân tố này đều dẫn tới việc Trung Quốc cần điều chỉnh chính sách đối ngoại.

Về điều kiện trong nước: vấn đề trong nước lớn nhất đối với các nhà lãnh đạo và công luận Trung Quốc là sự ổn định kinh tế và phát triển bền vững. Nếu kinh tế trong tình trạng xấu, Trung Quốc sẽ rơi vào khủng hoảng lớn, đặc biệt đối với một nước có dân số lớn và nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng. Điều này có nghĩa bảo đảm sự ổn định và phát triển tốc độ cao là mục tiêu cốt lõi trong chính sách đối ngoại bởi chính sách đối ngoại cơ bản là để phục vụ lợi ích trong nước.

Trung Quốc đang trong giai đoạn chuyển đổi kinh tế từ nền kinh tế tập trung nhiều lao động và vốn sang nền kinh tế thông minh và đòi hỏi nhiều công nghệ cao. Vào thời điểm vô cùng quan trọng trong tái cơ cấu kinh tế, chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc phải tập trung tránh rủi ro có thể phá hỏng sự ổn định và phát triển kinh tế Trung Quốc.

Sự quay lại châu Á của Mỹ là thách thức lớn nhất đối với ngoại giao Trung Quốc. Kể từ khi chính quyền Obama đề ra chính sách này, Bắc Kinh đã gặp thách thức ngày càng lớn từ các nước láng giềng có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ như Philippine, Việt Nam và Nhật. Làm thế nào ứng phó với những thách thức này và giữ ổn định khu vực tại Đông Á và Đông Nam Á  là nhiệm vụ đầy thách thức đối với giới lãnh đạo mới Trung Quốc.

Cả ý thức truyền thống và hiện đại đều có quan điểm đồng nhất về chiến lược “theo đuổi thế giới hài hòa” mà điều này đòi hỏi sự tôn trọng bình đẳng chủ quyền và sự đa phương về văn hóa. Bắc Kinh sẽ tiếp tục phản đối các hành động bá quyền quốc tế và can thiệp bất hợp pháp của các thế lực trong vấn đề quốc tế.

Nhìn chung, chính sách đối ngoại Trung Quốc sẽ tiếp tục bảo đảm môi trường quốc tế ổn định, an toàn đối với việc phát triển và tái cấu trúc nền kinh tế, đây chính là chiến lược cốt lõi của ngoại giao Trung Quốc như BTNG Dương Khiết Trì đã nói “phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm của Trung Quốc hiện nay”. Trọng tâm công tác đối ngoại là cần tạo ra môi trường quốc tế thuận lợi cho sự tăng trưởng kinh tế cũng như trực tiếp phục vụ nền kinh tế. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là không có sự thay đổi tinh tế trong chính sách đối ngoại khi cân nhắc tới việc mở rộng lợi ích và thay đổi điều kiện bên ngoài.

Với sự phát triển kinh tế Trung Quốc trong những thập kỷ qua, lợi ích kinh tế Trung Quốc đang ngày càng tăng mạnh trên phạm vi toàn cầu, vì vậy để bảo đảm sự an toàn hàng hải đối với hàng hóa Trung Quốc hiện nay trở thành nhiệm vụ ngoại giao rất quan trọng của Bắc Kinh. Hơn nữa, tại Đại hội 18, chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã tuyên bố Trung Quốc sẽ chuyển thành cường quốc biển. Điều này có nghĩa Trung Quốc sẽ tăng sức mạnh và năng lực trong phát triển đại dương, bảo đảm các quyền và lợi ích biển, bảo đảm tự do các tuyến đường hàng hải. Đây cũng trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của giới lãnh đạo và ngoại giao Trung Quốc trong tương lai và họ sẽ phải giải quyết các thách thức do chiến lược quay lại châu Á của Mỹ.

Trong khi đó, Trung Quốc phải chủ động hơn trong theo đuổi lợi ích quốc gia ở cấp độ toàn cầu hơn là tiếp tục vị trí bị động. Chính sách ngoại giao bị thúc đẩy bởi các vấn đề cũ cần được thay thế bằng chính sách ngoại giao có chương trình nghị sự cụ thể. Bắc Kinh cần chủ động giải quyết các vấn đề hơn là phản ứng thụ động, cứng nhắc khi bị thách thức và giải quyết hiệu quả, hòa bình các mâu thuẫn tiềm ẩn với các nước khác trong đó có các cường quốc lớn và các nước láng giềng.

Mặc dù bảo đảm tái cơ cấu kinh tế và phát triển cũng như bảo đảm môi trường quốc tế và khu vực ổn định vì mục đích này là mục tiêu chính của chính sách ngoại giao Trung Quốc nhưng cách tiếp cận để đạt mục tiêu này nên và có thể cần đa dạng hơn trước đây.

Trong thời gian dài, Bắc Kinh thường sử dụng các nguồn lực kinh tế để củng cố quan hệ song phương và trật tự quốc tế ổn định hơn nhưng điều này đã đem lại nhiều hệ quả tiêu cực. Quan hệ kinh tế chặt chẽ không thể luôn bảo đảm quan hệ chính trị hữu hảo. Sự gián đoạn quan hệ đối ngoại cuối cùng cũng ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế và lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Vì vậy, ngoài việc sử dụng các phần thưởng kinh tế, các cách tiếp cận khác như hỗ trợ chính trị, hợp tác quân sự, trao đổi mang tính xã hội cần được sử dụng thường xuyên hơn.

Hơn nữa, với sự trỗi dậy của các nước đang nổi, Trung Quốc sẽ xây dựng quan hệ chặt chẽ với các nước này ở cấp độ song phương cũng như cấp độ đa phương đặc biệt trong các nhóm G20, BRICS. Trong các hội nghị đa phương không có sự thống trị của Mỹ, Trung Quốc có thể xây dựng trật tự thế giới mới với sự bình đẳng và dân chủ hơn.

Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là cường quốc đang trỗi dậy nhanh, Trung Quốc phải có trách nhiệm quốc tế lớn hơn cũng như bảo đảm lợi ích quốc gia để góp phần duy trì hòa bình, thịnh vượng của thế giới. Trung Quốc không thể trở thành cường quốc lớn nếu Trung Quốc không thể đưa ra ý tưởng tích cực và hiệu quả cũng như các kế hoạch hành động đối với thế giới.

Những thay đổi trong chính sách ngoại giao Trung Quốc được dự đoán sẽ diễn ra dưới sự lãnh đạo của giới lãnh đạo mới nhưng Bắc Kinh chắc chắn không thể thay đổi chiến lược ngoại giao cấp tiến mà sẽ điều chỉnh dần dần một số cách tiếp cận, chiến thuật và đặc điểm. Bắc Kinh sẽ cố gắng giữ cân bằng giữa chiến lược “giấu mình chờ thời” và “chủ động có hành động tích cực”, mà cả hai đều là di sản của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình.

Jian Junbo, giáo sư Viện nghiên cứu Quốc tế,Đại học Phúc Đán, Thượng Hải. Bài viết được đăng trên Asia Times Online

Trần Quang (gt)