Theo nhà nghiên cứu Tiết Lực, Bắc Kinh tới đây cần tích cực hơn trong tham gia quản lý những sự việc tại Eo biển Malắcca. Nhiều năm nay, ba nước In-đô-nê-xia, Ma-lai-xia và Xinh-ga-po phối hợp quản lý Malắcca và kiên quyết từ chối sự tham dự của quốc gia khác trong việc đảm bảo an ninh hàng hải tại eo biển này, chỉ có Thái Lan năm 2005 được mời tham gia tuần tra, cảnh giới trên không. Sau khi xảy ra “sự kiện 11/9”, Xinh-ga-po từng tỏ ý muốn cho Mỹ tham gia chống khủng bố tại khu vực eo biển nhưng các nước còn lại phản đối. Cho đến nay, các nước ngoài khu vực chỉ có thể tham gia vào công việc của Eo biển Malắcca bằng cách cung cấp tài chính, kỹ thuật và phương tiện giao thông...Vậy vấn đề Malắcca phải chăng chỉ có các nước trong khu vực xử lý?

Theo “Công ước Luật biển năm 1982”, đại dương của một quốc gia ven biển được chia thành các khu vực nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và hải phận quốc tế. Eo biển Malắcca với chiều dài 1.066 km sẽ được chia thành hai phần khác nhau, khu vực phía Đông thuộc phạm vi quản lý của các quốc gia ven biển, còn khu vực phía Tây rất có khả năng thuộc phạm vi mà tất cả các nước đều có quyền quản lý. Điều này cũng có nghĩa nếu tới đây xuất hiện hải tặc tại khu vực này, Trung Quốc có quyền cử tàu của mình đến để chống cướp biển. Cách làm hiện nay của các quốc gia ven biển không nhận được sự ủng hộ của luật pháp quốc tế.

Hiện nay, hơn 80% lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc được vận chuyển qua Eo biển Malắcca nên có thể nói đây là “huyết mạch quan trọng”. Nhiều năm qua, rất nhiều học giả Trung Quốc đã nghiên cứu, đề xuất tuyến đường thay thế Malắcca, trong đó hai ý tưởng nổi bật nhất là hợp tác với Thái Lan mở tuyến vận tải đường sông và thông qua cảng của Pakixtan để đưa dầu về Khu vực Tân Cương bằng đường bộ. Nhà nghiên cứu Tiết Lực cho rằng hai ý tưởng đó ít nhất trong khoảng vài chục năm tới chưa thể thực hiện được. Chi phí cho việc vận chuyển trên sông qua Thái Lan rất lớn, ước tính lên tới hơn 20 tỷ USD. Riêng Thái Lan không thể đảm nhiệm được, trong khi Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc có khả năng thì lại khó hợp tác với nhau. Ngoài ra, lực lượng ly khai ở miền Nam Thái Lan cũng là nguyên nhân khiến chính phủ nước này khó xây dựng tuyến vận tải trên sông. Về đường bộ qua Pakixtan, không những khoảng cách quá xa mà vấn đề an ninh nội bộ của nước này cũng là trở ngại lớn.

Nhà nghiên cứu Tiết Lực kết luận phương thức hiệu quả nhất để bảo vệ nguồn năng lượng nhập khẩu của Trung Quốc vẫn là đẩy nhanh tiến trình tham gia quản lý Eo biển Malắcca. Trung Quốc trực tiếp tham gia quản lý eo biển trong giai đoạn hiện nay là việc làm tương đối khó, song có thể áp dụng cách làm của Nhật Bản như viện trợ tài chính, giúp đỡ xây dựng hạ tầng cơ sở, tặng tàu tuần tra và đào tạo nhân lực… Những việc làm này hoàn toàn trong khả năng của Trung Quốc.

 

Theo Global times

Vũ Hiền (gt)