Trong khi chiến lược chính trị của Chủ tịch Tập Cận Bình đã dẫn đến việc siết chặt sự kiểm soát của đảng Cộng sản Trung Quốc đối với vấn đề tư tưởng, truy quét các quan chức tham nhũng, đàn áp các nhân vật bất đồng chính kiến và ủng hộ một chính sách ngoại giao mang tính chủ nghĩa dân tộc lớn hơn, thì nhà lãnh đạo này cũng đã công bố một kế hoạch cải cách kinh tế táo bạo bất thường. 

Thế giới sẽ sớm thấy được liệu lộ trình chính trị bảo thủ của ông Tập Cận Bình có nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc cải cách ủng hộ nhân tố thị trường của nhà lãnh đạo này hay không. Với việc đã giành cả năm 2013 để củng cố vị thế và lên chương trình nghị sự của mình, năm nay Chủ tịch Tập Cận Bình bắt đầu thực hiện các cam kết của ông và chứng tỏ rằng ông đủ khả năng vận dụng quyền lực như ông đang tích lũy nó. Thành công của ông Tập Cận Bình sẽ phụ thuộc vào việc ông đối phó như thế nào với 3 thách thức lớn dưới đây. 

Thách thức đầu tiên là việc thực hiện gói cải cách của ông Tập Cận Bình, điều làm nảy sinh cả sự tò mò và sự hoài nghi kể từ khi nó được công bố hồi giữa tháng 11/2013. Những người lạc quan chỉ ra rằng những mục tiêu tham vọng của gói cải cách này là bằng chứng về cam kết cải cách của ông Tập Cận Bình, trong khi những người chỉ trích lại nói rằng sự mơ hồ và thiếu một thời gian biểu thực hiện là lý do để đánh giá thận trọng về gói cải cách đó. 

Để chứng minh những người hoài nghi đã suy nghĩ sai lầm, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình phải chuyển những lời nói khoa trương của ông thành chính sách, và phải biến các chính sách thành những kết quả cụ thể, có thể đo đếm được. Điều này có nghĩa là ông Tập Cận Bình phải bắt đầu năm mới bằng việc thực hiện các cải cách mà qua đó chỉ cần hành động của chính quyền, như cấp phép cho các ngân hàng tư nhân, gia tăng sự cạnh tranh bằng việc dỡ bở các rào cản đối với các doanh nghiệp tư nhân, tự do hóa lãi suất và tỷ giá hối đoái, đồng thời mở rộng các quyền công dân cho những người lao động nhập cư ở các thành phố và thị trấn nhỏ. 

Nhà lãnh đạo Tập Cận Bình sẽ phải thực hiện các biện pháp này với sự phê chuẩn của Quốc hội Trung Quốc, cơ quan sẽ chính thức hóa một số cải cách quan trọng nhất. Ở đây, cải cách đất đai sẽ là vấn đề khó khăn nhất. Chương trình nghị sự của ông Tập Cận Bình chỉ cam kết một cách mơ hồ về việc trao thêm các quyền về đất đai cho người nông dân, trong khi những tuyên bố gần đây của Chính phủ Trung Quốc cho thấy rằng họ muốn hạn chế các quyền như vậy. Trong vấn đề này, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình phải thuyết phục công chúng rằng ông sẽ không cho phép các nhóm lợi ích ngăn cản sự thay đổi. 

Thách thức lớn thứ hai mà Chủ tịch Tập Cận Bình phải đối mặt là việc duy trì và củng cố chiến dịch chống tham nhũng được ủng hộ cao – và có cả nguy cơ lớn – của nhà lãnh đạo này. Do ông Tập Cận Bình đã loại trừ việc huy động công chúng Trung Quốc ủng hộ các kế hoạch cải cách của mình nên biện pháp duy nhất của nhà lãnh đạo này nhằm buộc Trung Quốc tuân thủ theo chương trình nghị sự của ông là sự đe dọa về các cuộc điều tra và truy tố các quan chức tham nhũng. 

Tuy nhiên, chiến lược này sẽ khó thực hiện, không chỉ là do phạm vi tham nhũng lớn, mà còn bởi nó sẽ là yếu tố quan trọng gây ra những chia rẽ giữa các phe phái và các nhóm lợi ích. Một chiến dịch chống tham nhũng nhằm mục tiêu vào một số lượng lớn các quan chức Trung Quốc chắc chắn sẽ dẫn đến những xa lánh, bất đồng và chia rẽ trong giới lãnh đạo cấp cao của đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền. 

Phép thử thực sự đối với những ý định của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ là liệu chính quyền của nhà lãnh đạo này có truy tố cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Chu Vĩnh Khang hay không. Chiếc thòng lọng chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình đã và đang siết chặt xung quanh Chu Vĩnh Khang kể từ các vụ bắt giữ những cựu trợ thủ thân cận của vị cựu Bí thư Chính Pháp Trung ương. 

Tuy nhiên, ngay cả việc truy tố một Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị đã về hưu cũng sẽ phá vỡ một điều cấm kỵ. Bắt đầu từ thời Đặng Tiểu Bình, chế độ Trung Quốc hậu Mao Trạch Đông đã nỗ lực tìm mọi cách để đảm bảo an toàn cho các quan chức cấp cao nhất của họ, qua đó tránh sai lầm của Mao Trạch Đông về việc biến các cuộc chiến quyền lực thành các cuộc đấu tranh sống còn mà trong đó không ai được an toàn. Do vậy, mặc dù các Ủy viên Bộ Chính trị thông thường đã trở thành mục tiêu tấn công trong quá khứ (đã có người bị kết án tù), nhưng các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị vẫn nằm trong vùng “cấm đụng chạm”. 

Vì thế, giờ đây ông Tập Cận Bình đang phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu như ông tuân theo quy tắc bất thành văn là không truy tố ngay cả các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị đã về hưu, thì nhà lãnh đạo này có nguy cơ bị suy giảm sự tin tưởng vào chiến dịch chống tham nhũng của ông.

Nhưng nếu như Tập Cận Bình buộc đồng nghiệp cũ của mình vào tù, thì ông có thể làm suy giảm sự đoàn kết trong ban lãnh đạo cấp cao Trung Quốc. 

Thách thức lớn thứ ba mà Chủ tịch Tập Cận Bình phải đối mặt là tránh một cuộc xung đột không cần thiết với nước láng giềng Nhật Bản. Tuyên bố của Trung Quốc về việc thiết lập một Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) bao trùm cả quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku ở biển Hoa Đông đã được đáp trả sau đó bằng chuyến thăm đền Yasukuni của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Điều này cho thấy mối quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Nhật Bản – vốn đã ở mức thấp nhất trong 40 năm qua – sẽ tiếp tục xấu đi. 

Nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và các cố vấn của ông nên từ bỏ niềm tin viển vông rằng một cuộc xung đột như vậy sẽ tăng cường vị thế của họ với công chúng Trung Quốc. Nhật Bản, với sự ủng hộ của Mỹ, sẽ gây ra một thất bại quân sự nhục nhã cho Trung Quốc. 

Với tương lai chính trị phụ thuộc vào khả năng thực hiện các cam kết cải cách của mình, điều cuối cùng ông Tập Cận Bình cần là một sự nới lỏng chính sách ngoại giao gây căng thẳng, loại trừ khả năng một cuộc phiêu lưu quân sự sai lầm đầy bất hạnh. 

Những nguy cơ đối với nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và Trung Quốc trong năm 2014 khá cao. Điều đó có nghĩa là những nguy cơ đối với phần còn lại của thế giới cũng khá cao.

Theo Project Syndicate

Thuỳ Anh (gt)