Thứ nhất, trong thập kỷ này, Trung Quốc sẽ tiến sâu vào khu vực quốc gia có thu nhập trung bình, với thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 3 lần lên khoảng 13.000 USD/năm. Giai đoạn tăng 3 lần thu nhập này sẽ khác xa giai đoạn tăng dưới thời của Đặng Tiểu Bình, bởi một nền kinh tế giàu có hơn và phức tạp hơn sẽ cần những thiết chế có chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực pháp lý, nhằm duy trì sự phát triển của con người. Điều này quan trọng hơn nhiều tổng sản phẩm quốc nội, sản lượng sắt thép hay bất cứ đơn vị đo lường nào.

Không có các thiết chế nói trên, một quốc gia sẽ bị kẹt trong cái gọi là “bẫy thu nhập trung bình” - điều từng xảy ra với Áchentina, Vênêxuêla và Liên Xô trước đây. Viện Fraser xếp các thiết chế của Trung Quốc đứng hàng 82 trong số 141 quốc gia. Đạt điểm cao về quy mô và hiệu quả quản lý, Trung Quốc lại mất điểm trong các khía cạnh khác, đặc biệt là tính thượng tôn pháp luật và sự trung lập của các thiết chế pháp lý. Vấn đề nảy sinh trong quá trình cải tổ về mặt này là nó xung đột trực tiếp với tính hợp pháp của Đảng Cộng sản đối với cả nhà nước lẫn hệ thống tư pháp.

Thứ hai, Trung Quốc đang đau đầu chuẩn bị cho sự thay đổi lãnh đạo. Mặc dù tiến trình này được tiến hành thận trọng, nhưng nó bộc lộ những mâu thuẫn về chính trị và lý tưởng, không chỉ đối với các thành viên của Hội đồng Nhà nước. Sự hồi sinh của chủ nghĩa Maoít trong một số “ông vua con”, hậu duệ của những công thần cách mạng, là đáng lưu tâm.

Các chính sách về đối ngoại và đối nội đã lộ rõ sự bất ổn. Đôi khi chúng thể hiện một sự quả quyết (có được nhờ sức mạnh kinh tế), đôi khi là một cảm giác bất an ngấm ngầm về tính hợp pháp của Đảng Cộng sản lẫn căng thẳng xã hội gia tăng. Hậu quả của căng thẳng xã hội là những vụ đàn áp mạnh tay đối với các nhà hoạt động nhân quyền và luật sư. Trong khi đó, kẻ thù nội tại đang nấp phía sau sự can dự của quân đội, doanh nghiệp nhà nước và quan chức lãnh đạo đảng ở địa phương vào quá trình hoạch định chính sách. Chúng là nhân tố làm gia tăng bất ổn chính trị.

Trên diễn đàn an ninh quốc tế, Trung Quốc đã thể hiện thái độ hung hăng hơn trong hai năm qua. Chính sách đối với Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ; các mối quan hệ phức tạp với Bắc Triều Tiên và Iran; và sự ve vãn dành cho Pakixtan khiến Ấn Độ khó chịu; việc xây dựng các căn cứ hải quân... tất cả đều thể hiện một lưỡi gươm sắc hơn và chĩa vào các điểm nóng, làm giảm tầm quan trọng của chương trình nghị sự trong nước.

Thứ ba, Trung Quốc đang ở một thời điểm kinh tế quan trọng. Họ đang phải để mắt tới lạm phát thực phẩm và giá bất động sản, được nuôi dưỡng bởi chính sách lấy tăng trưởng tín dụng, mà đôi khi chất lượng có vấn đề, làm động lực cho đầu tư và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, quyết tâm chính trị nhằm bóc gỡ nguyên nhân lạm phát vẫn yếu và chính phủ không mong muốn để cơ chế thị trường điều chỉnh lãi suất và giá vốn.

Ngoài ra, Trung Quốc sẽ phải nỗ lực tái cân bằng nền kinh tế: chuyển từ mô hình tăng trưởng lấy đầu tư làm trọng sang mô hình dựa trên tiêu dùng và dịch vụ. Đây là một nhiệm vụ phức tạp, rất dễ dẫn đến bất ổn kinh tế, và nó cũng mang tính chính trị rất lớn. Nó đòi hỏi tái phân bổ quyền lực từ những đối tượng được hưởng lợi hiện nay - các công ty quốc doanh, khu vực duyên hải, quân đội và quan chức lãnh đạo đảng - sang các đối tượng bị tụt lại phía sau như người tiêu dùng, công nhân di cư và nông thôn, nơi 780 triệu người vẫn đang phải sống chật vật.

Chính sách kinh tế và tài chính của Trung Quốc thay đổi rất chậm. Trái với những tuyên bố mới đây của Thủ tướng Ôn Gia Bảo, lạm phát của Trung Quốc vẫn chưa bị đẩy lui, nỗ lực tái cân bằng vẫn chưa đạt hiệu quả. Đầu tư đang bị siết quá chặt, trong khi các hộ gia đình bị thiệt hại do lạm phát tăng và tín dụng thắt chặt. 

Tuy nhiên, thay đổi từ từ sẽ không thể thay thế cho thay đổi về thiết chế và đây là thách thức lớn nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong những năm tới. Đảng Cộng sản đã đưa Trung Quốc ra khỏi đói nghèo với tốc độ nhanh chưa từng thấy bằng sự khôn khéo và linh hoạt. Nhưng để đưa Trung Quốc tiến lên một quốc gia thu nhập trung bình, Đảng Cộng sản cần có một hệ thống thiết chế chất lượng cao hơn nữa. Nếu không, với giấc mơ đạt tới một quốc gia thu nhập cao và trở thành nước lãnh đạo toàn cầu, Trung Quốc sẽ va vào bức tường có tên gọi “Bức tường Bric”.

  Theo FT

 Mỹ Anh (gt)