Từ khía cạnh địa chính trị, chiến lược châu Á là chiến lược ngoại giao lớn hơn với các nước xung quanh của Trung Quốc. Một quốc gia có thể chọn bạn, nhưng không thể chọn láng giềng. Tuy nhiên, quốc gia đó có thể thực hiện những sáng kiến nhằm cải thiện môi trường xung quanh, chứ không chỉ thụ động chấp nhận môi trường đó.

Trong thời gian gần đây, các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường xuyên thăm các nước láng giềng. Tháng 3/2013, Chủ tịch Tập Cận Bình đã chọn Nga cho chuyến công du chính thức đầu tiên của ông, không chỉ là kế thừa truyền thống ngoại giao của Trung Quốc trong những năm gần đây, mà quan trọng hơn còn là sự đánh giá tình hình quốc tế hiện nay. Trung Quốc và Nga có nhiều điểm chung về lợi ích chiến lược, thách thức và trách nhiệm quốc tế.

Kinh tế hai nước có thể bổ sung cho nhau và họ sẽ hướng tới một phương hướng hợp tác trưởng thành và sâu rộng hơn. Sau đó, ông Tập Cận Bình đã thăm 5 quốc gia Trung Á và dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Bali (Indonesia). Thủ tướng Lý Khắc Cường đã thăm Ấn Độ và Pakistan, dự Hội nghị cấp cao Đông Á tại Brunei, thăm Thái Lan và Việt Nam. Thêm vào đó, Trung Quốc sẽ sớm thành lập một Ủy ban An ninh Quốc gia, sẽ tạo những điều kiện thuận lợi để cải thiện hiệu quả của việc hoạch định và thực thi chính sách đối ngoại về cơ cấu tổ chức.

Có ba động cơ đằng sau việc chính phủ Trung Quốc đang đầu tư nhiều nguồn lực và các nỗ lực trong hoạt động ngoại giao với các nước xung quanh.

Thứ nhất, chiến lược này được quyết định bởi bản sắc quốc gia của Trung Quốc. Bản sắc này là phức tạp. Nhưng nói chung, Trung Quốc hiện là một cường quốc châu Á đang phát triển, với ảnh hưởng toàn cầu ngày càng tăng. Mặc dù Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng vẫn là một quốc gia đang phát triển nếu xét về giai đoạn phát triển và sức mạnh cơ cấu. Trung Quốc vẫn là một cường quốc khu vực do khả năng khuếch trương sức mạnh toàn cầu của nước này (tức khả năng quân sự) vẫn hạn chế, nhất là so với Mỹ. Do vậy, từ quan điểm địa chiến lược, châu Á quan trọng đối với an ninh và phát triển của Trung Quốc.

Thứ hai, mục tiêu hợp nhất châu Á đang đòi hỏi chiến lược ngoại giao mới với các nước xung quanh của Trung Quốc. Hiện châu Á đang có hai đặc tính mâu thuẫn nhau. Một mặt, châu Á đang chứng kiến sự phát triển kinh tế nhanh chóng, công cụ quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Mặt khác, sự phức tạp địa chính trị, đa dạng của nền văn minh, những tranh chấp về các vấn đề lịch sử và lợi ích thực sự đang khiến châu Á trở thành một trong những khu vực mong manh nhất thế giới về an ninh. Trong khi đó, các cường quốc lớn đang tăng cường những đầu tư chiến lược tại châu Á và khu vực dường như đang trở thành một chiến trường mới của trò chơi quyền lực lớn nhất thế giới. Trong tình hình đó, một "cấu trúc kép" đang nổi lên tại châu Á. Ví dụ, một số quốc gia châu Á đang phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, nhưng lại tìm kiếm sự hỗ trợ an ninh từ Mỹ. "Nghịch lý châu Á" là các nước trong khu vực đang liên kết chặt chẽ với nhau về kinh tế, trong khi xung đột chính trị nội bộ lại đang tăng lên. Việc phá vỡ "cấu trúc kép" hoặc "nghịch lý châu Á" này và hướng tới hội nhập khu vực cần nỗ lực của tất cả các quốc gia, nhất là những nước lớn trong khu vực. Là quốc gia hùng mạnh nhất châu Á, Trung Quốc không thể né tránh những trách nhiệm khu vực của mình. Trong một mức độ nào đó, hoạt động ngoại giao với các nước láng giềng của Bắc Kinh bắt nguồn từ trách nhiệm của Trung Quốc nhằm thúc đẩy hội nhập khu vực để đạt được sự phát triển bền vững lâu dài ở châu Á. 

Thứ ba, chiến lược này là một lựa chọn cần thiết để đối phó với những thách thức bên ngoài. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, cấu trúc quyền lực quốc tế đang bước vào một vòng điều chỉnh mới. Trong tiến trình này, Trung Quốc đang đối diện với những thách thức lớn trong môi trường bên ngoài. Trong lĩnh vực kinh tế, sự phát triển kinh tế của Trung Quốc đang trong một giai đoạn chuyển tiếp khó khăn do nhu cầu của nước ngoài sụt giảm. Về địa chính trị, các cường quốc lớn đang tăng cường chính sách châu Á của họ, tạo ra những thách thức đối với chiến lược châu Á của Trung Quốc. Vì thế, việc tập trung vào hoạt động ngoại giao với các nước xung quanh là lựa chọn cần thiết để Trung Quốc đối phó với những thách thức này. 

Theo mạng tin Chinausfocus

Thùy Anh (gt)