Ngày 12/7, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague (Hà Lan) sẽ ra phán quyết về trường hợp Philippines kiện Trung Quốc tại Biển Đông. Một khi phán quyết được tuyên, thế giới sẽ tập trung sự chú ý vào phản ứng của các bên liên quan bao gồm cả Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mà Philippines là một thành viên. Trong bối cảnh này, sự tập trung sẽ hướng vào việc liệu ASEAN với tư cách là một khối sẽ lựa chọn và có thể đưa ra một Tuyên bố chung về Biển Đông sau phán quyết của PCA hay không? Điều này có vẻ như chỉ là một phần trong hàng loạt phản ứng được mong chờ từ ASEAN và các thành viên, bao gồm cả các ngôn từ chung chung trong một vài đoạn văn bản trong Tuyên bố chung tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM) diễn ra vào cuối tháng 7 tới hoặc là việc để các nước tự ra các tuyên bố riêng rẽ nếu thấy phù hợp. 

Trước khi đề cập đến việc ASEAN ra một Tuyên bố chung, điều quan trọng là phải làm rõ việc ra tuyên bố đó có ý nghĩa hay không. Trái ngược với một vài đề nghị về việc ASEAN cần đưa ra tuyên bố sau phán quyết của PCA, không ai mong chờ tổ chức này đứng bên cạnh một quốc gia cụ thể. Thay vào đó, sự tập trung vào bản tuyên bố nên là liệu ASEAN có hoan nghênh mọi nỗ lực của bất cứ quốc gia nào (bao gồm cả Philippines) trong việc theo đuổi hòa bình, giải quyết các tranh chấp bằng luật pháp và nhắc lại sự cần thiết đối với mọi quốc gia (kể cả Trung Quốc) cần phải tôn trọng luật lệ và các tiến trình ngoại giao mà không được đe dọa dùng vũ lực. 

Việc ra một bản tuyên bố như vậy rõ ràng là có lợi cho cả khối ASEAN. Điều đầu tiên và rõ ràng nhất là mặc dù chỉ có 4 thành viên ASEAN có tuyên bố chủ quyền trong tranh chấp tại Biển Đông, nhưng tất cả 10 quốc gia thành viên ASEAN đều hưởng lợi nếu các tranh chấp này được giải quyết theo luật pháp và hòa bình hơn là sử dụng vũ lực. Điều đó cũng đảm bảo cho những nguyên tắc cơ bản như tự do hàng hải, hàng không được bảo vệ do Biển Đông là tuyến hàng hải huyết mạch của khu vực với hoạt động thương mại hàng năm qua khu vực này có giá trị lên tới hơn 5.000 tỷ USD. 

Ở khía cạnh rộng hơn, trật tự khu vực và quốc tế dựa trên luật pháp, bao gồm cả PCA, là thứ duy nhất bảo vệ các quyền và đặc quyền của các nước dù lớn hay nhỏ, từ Trung Quốc tới Lào. Chính điều đó tạo hòa bình, nền tảng ổn định cho sự phát triển kinh tế của các quốc gia. Quả thực, khái niệm về việc các quốc gia có thể có mối quan hệ mạnh mẽ về kinh tế với Trung Quốc ngăn cản họ ủng hộ một tuyên bố như vậy là điều khá mỉa mai, vì các quốc gia đó sẽ thất bại trong việc bảo vệ những nguyên tắc cơ bản cho phép họ phát triển kinh tế. 

Là một tổ chức khu vực, ASEAN có lợi ích trong việc thể hiện sự đoàn kết khi phải đối mặt với một vấn đề gây chia rẽ như vậy. Những năm qua, thế giới đã chứng kiến sự phát triển, trưởng thành của ASEAN và thừa nhận vai trò ngày càng tăng của khối trong định hình cấu trúc khu vực cũng như lôi kéo sự can dự tích cực của các cường quốc đối với tiểu vùng. Không vấn đề nào gây chia rẽ ASEAN hơn vấn đề Biển Đông. Các áp lực từ bên ngoài càng khiến cho tình hình thêm trầm trọng dẫn tới việc khối này không thể đưa ra được Tuyên bố chung tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN với Trung Quốc tại Vân Nam, Trung Quốc hồi tháng trước như đã từng xảy ra tại Phnom Penh (Campuchia) hồi năm 2012. 

Việc đưa ra Tuyên bố chung sẽ là một minh chứng hùng hồn về khả năng đương đầu với vấn đề Biển Đông của ASEAN trong thời điểm quốc tế đang tập trung theo dõi vụ việc. Điều đó sẽ gửi một thông điệp rõ ràng rằng ASEAN có thể giải quyết ngay cả những thách thức khó khăn nhất trong khu vực và toàn cầu cũng như tiếp tục khẳng định vị trí như là điểm tựa của kiến trúc châu Á. Điều này được thể hiện rõ nhất khi ASEAN phải đối mặt với ba thách thức lớn trong năm nay. Đó là tranh luận về phán quyết của PCA, quản lý mối quan hệ ASEAN-Trung Quốc nhân dịp hai bên kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ đối tác đối thoại, và ASEAN được dẫn dắt trong năm nay dưới nhiệm kỳ Chủ tịch của Lào, nước có lợi ích rất nhỏ ở Biển Đông nhưng lại có quan hệ hợp tác kinh tế khá khăng khít với Bắc Kinh. 

Việc đưa ra một tuyên bố riêng về quyết định sắp tới của PCA sẽ là một bước tiến quan trọng phù hợp với lợi ích của ASEAN, đó cũng sẽ là điều chưa từng có tiền lệ. ASEAN có một lợi thế lớn trong việc ra tuyên bố chung sau phán quyết của Tòa trọng tài, đó là khối này đã từng nhiều lần đưa ra quan điểm về các vấn đề quan trọng của khu vực và thế giới. Chẳng hạn như sau vụ thử tên lửa của Triều Tiên ngày 6/1, các ngoại trưởng ASEAN đã ra bản tuyên bố ngắn tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với quá trình phi hạt nhân hóa tại bán đảo này. 

Trong trường hợp ASEAN không ra một tuyên bố vì nhiều lý do, khối này ít nhất cần đảm bảo rằng những ngôn từ trong bản Tuyên bố chung sau AMM lần thứ 49 tổ chức ở Lào vào cuối tháng 7 tới không đi ngược lại những gì mà họ đã đưa ra trong các bản tuyên bố trước đó. Ngoài nội dung của các bản tuyên bố, các nước ASEAN cũng cần phải chuẩn bị để đảm bảo rằng sự đồng thuận của khối không bị phá vỡ vào phút chót. ASEAN đơn giản là không thể chấp nhận một sự cố như ở Phnom Penh tái diễn dưới vai trò Chủ tịch của Lào.

Prashanth Parameswaran, Phó Tổng biên tập tạp chí "The Diplomat" tại Washington, đồng thời là nghiên cứu sinh tiến sỹ về các vấn đề an ninh tại Đông Nam Á, châu Á và chính sách của Mỹ đối với châu Á-Thái Bình Dương, Đại học Tufts, Mỹ. Bài viết được đăng trên The Straits Times.

Văn Cường (gt)