300px-Sukhoi_Su-33_on_Admiral_Kuznetsov-2.jpg

 

Ông Tập Cận Bình là một người hâm mộ quân sự và có mối quan hệ tốt với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và có nền tảng kiến thức về lĩnh vực quân sự. Vị trí vững chắc của ông trong quân đội đã được khẳng định tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lần thứ 18 vào tháng 10/2012. Trái với mong đợi và một quy tắc bất thành văn rằng Tổng Bí thư ĐCS trước đó sẽ vẫn là Chủ tịch Quân ủy Trung ương trong ít nhất hai năm để thực hiện quá trình chuyển giao quyền lực và làm đòn bẩy để nâng vị lãnh đạo mới lên, nhưng ông Tập Cận Bình lại được được đề cử vào vị trí Chủ tịch Quân ủy trung ương tại hội nghị đầu tiên của Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ lần thứ 18. Kể từ khi ông Tập Cận Bình nhậm chức, người ta có thể thấy Trung Quốc gia tăng các hoạt động trong lĩnh vực an ninh. Đặc biệt, Trung Quốc đã gia tăng chi phí quân sự, cải tổ PLA, trong đó có việc đề cử một loạt tướng mới và một chiến dịch chống tham nhũng, tiến hành diễn tập quân sự chuyên sâu, hiện đại hóa PLA, có những hành vi quyết đoán hơn trong ngoại giao với các nước láng giềng và tham gia nhiều hơn các hoạt động an ninh ngoài khu vực.

Các thay đổi liên tục trong thế trận an ninh của Trung Quốc có liên quan tới mục tiêu chiến lược của nước này là lấy lại vị thế siêu cường. Trong tình hình mới mang tính toàn cầu, các hoạt động và sự quyết đoán của Trung Quốc phục vụ mục tiêu chính sách đối ngoại của mình đã có ảnh hưởng tới trật tự an ninh toàn cầu. Nhưng lý do quan trọng nhất là bảo vệ lợi ích cốt lõi của Trung Quốc ở nước ngoài, chủ yếu là kinh tế, đồng thời duy trì ổn định trong và ngoài nước như một điều kiện tiên quyết cho sự phát triển và mở rộng tính hợp pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trung Quốc đã cởi mở hơn với thế giới, tăng cường hoạt động ngoại giao, chẳng hạn như sáng kiến "Con đường tơ lụa trên biển", và các mối đe dọa an ninh phi truyền thống đã đòi hỏi nước này phải cải cách cơ cấu an ninh của đất nước để tránh bị tổn thương trước những thay đổi hoặc hành vi không thân thiện từ bên ngoài. Hơn nữa, Trung Quốc hiện đối mặt với suy thoái kinh tế nên rất quan tâm đến mối quan hệ ổn định với tất cả các nước mà Trung Quốc coi là đối tác kinh tế trong tương lai. Chính phủ Trung Quốc cũng đang cố gắng đáp lại chủ nghĩa dân tộc được khởi xướng bởi câu "thế kỷ bị sỉ nhục" bằng cách củng cố chủ nghĩa dân tộc với khẩu hiệu "giấc mộng Trung Hoa", được định nghĩa là "cuộc trẻ hóa lớn của dân tộc Trung Quốc". Vả lại, sự quyết đoán của Bắc Kinh trong lĩnh vực an ninh ở nước ngoài cũng có thể là một nỗ lực để che đậy các hậu quả kinh tế hiện tại và các vấn đề mâu thuẫn trong nước. Tất cả những yếu tố này đã mở đường cho luật an ninh và chiến lược mới, mở rộng định nghĩa về an ninh, diễn giải khái niệm "phòng thủ chủ động", và thiết lập các tổ chức mới để tăng thêm và tập trung những quyết định, giao cho PLA nhiệm vụ mới, mở rộng phạm vi hoạt động, và tăng cường các quan hệ dân sự-quân sự. Mặc dù xác suất về một cuộc xung đột "nóng" trong khu vực là không cao, nhưng người ta vẫn có thể đoán được hậu quả là sự gia tăng tình trạng căng thẳng tạm thời - mà trong trường hợp xấu nhất có thể vượt ngoài tầm kiểm soát và dẫn đến xung đột trong khu vực. Dưới bàn tay của ông Tập Cận Bình, Trung Quốc sẽ tiếp tục những hành vi quyết đoán của mình trong khu vực và sẽ chủ động hơn trong bối cảnh toàn cầu.

Gần đây, Trung Quốc đã thay đổi nhận thức về an ninh quốc phòng. Định nghĩa an ninh của nước này có vẻ như có phạm vi rộng hơn, bao gồm cả các khu vực mới mà nước này tham gia và các hoạt động lớn hơn bên ngoài Trung Quốc và khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Vào tháng 11/2013, một tài liệu được công bố sau khi Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ họp phiên toàn thể lần thứ 3 được dự báo là sẽ có điều chỉnh và cải cách trong chính sách quân sự. Chính sách đó bao gồm kiểm soát an ninh tốt hơn, giảm bớt các đơn vị hành chính sự nghiệp không phục vụ cho an ninh, quốc phòng, xây dựng lực lượng chiến đấu mới, hiện đại hóa giáo dục quân sự, tăng cường hợp tác dân sự-quân sự, và các vấn đề khác. Cuối cùng, vào cuối tháng 5/2015, Trung Quốc công bố chiến lược quốc phòng đầu tiên của mình. Hơn nữa, vào cuối năm 2014, một đạo luật chống gián điệp mới đã được ban hành và sau đó vào tháng 7/2015, một bộ luật an ninh quốc gia mới cũng được ban hành. Dưới thời của nhà lãnh đạo đương nhiệm, an ninh được cảm nhận qua lăng kính của một khái niệm an ninh toàn diện. Ý tưởng này lần đầu tiên được ông Tập Cận Bình đề cập tại phiên khai mạc cuộc họp của Ủy ban An ninh Quốc gia Trung ương Trung Quốc vào tháng 4/2014, và ông cũng đưa ra một định nghĩa rộng hơn về an ninh nhưng khá mơ hồ. Khái niệm này bao gồm các loại an ninh sau: trong và ngoài nước, lãnh thổ Trung Quốc và công dân, an ninh truyền thống và phi truyền thống, vấn đề an ninh hiện có và đang phát triển, cá nhân và an ninh chung. Chính sách này cũng bao gồm 7 lĩnh vực: con người, chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa, xã hội và các lĩnh vực quốc tế. Theo một nghĩa rộng hơn, an ninh là tất cả mọi thứ. Khái niệm rất mơ hồ này giúp cho các nhà chức trách Trung Quốc có một danh sách dài vô hạn về các vấn đề có thể được xem là an ninh. Kết quả là, chiến lược này có thể khiến các quốc gia khác e ngại về ý đồ của Trung Quốc và gia tăng căng thẳng trong khu vực do lo ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng phương pháp vũ lực để bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Trong trường hợp xấu nhất, chính sách “bên miệng hố chiến tranh” của Bắc Kinh có thể dẫn đến quan niệm sai lầm và làm mất sự ổn định trong khu vực.

Việc Trung Quốc tham gia các vấn đề toàn cầu đã cho thấy dưới thời ông Tập Cận Bình, nước này sẽ chú ý nhiều hơn đến lợi ích ở nước ngoài. So với mục đích trước đây là tập trung bảo vệ sự phát triển và lợi ích quốc gia, khái niệm mới này nhấn mạnh mong muốn về lợi ích ở bên ngoài Trung Quốc. Điều này đòi hỏi PLA mở rộng phạm vi và tần suất hoạt động. Trong tình hình này, Trung Quốc xác định một khái niệm lâu dài là "phòng thủ chủ động" - một sự kết hợp của phòng ngự và phản công. Bản chất của khái niệm này đã được tạo ra vào đầu những năm 1950, đó là sự phản kháng, bởi vì tại thời điểm đó "địch mạnh hơn". Do vai trò và vị thế của Trung Quốc đang gia tăng, nên sự điều chỉnh lớn về khái niệm an ninh là điều cần thiết. Sự thay đổi đáng chú ý nhất trong chiến lược an ninh là việc Trung Quốc tăng cường tham gia các hoạt động quân sự ngoài các khu vực lân cận. Động thái này đòi hỏi PLA cần có một loạt hoạt động mới. Ngày nay, trọng tâm mà Trung Quốc tập trung là các lực lượng hải quân và an ninh hàng hải. Một tài liệu vừa được ban hành đã nêu rõ: "Tâm lý truyền thống cho rằng đất liền quan trọng hơn biển phải bị từ bỏ, và điều quan trọng nhất là phải quan tâm tới việc quản lý các vùng biển và đại dương, bảo vệ các quyền và lợi ích hàng hải". Trong bối cảnh này, các lực lượng hải quân Trung Quốc dự kiến sẽ mở rộng phạm vi hoạt động quân sự, từ ven biển đến các vùng biển mở rộng hay xa hơn ở nước ngoài. Ban đầu các hoạt động này chỉ ở vùng biển tiếp giáp với Trung Quốc, sau này sẽ mở rộng ra các tuyến hàng hải quốc tế và các khu vực biển khác. Đặc biệt, Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn sàng cho các cuộc chiến tranh trên biển tại khu vực đó.

Phạm vi hoạt động mới của PLA cũng cho thấy tất cả các lực lượng của nước này không nên chỉ tập trung vào lĩnh vực quốc phòng - chính sách an ninh nền tảng - mà còn chuẩn bị cho nhiệm vụ tấn công và cuộc đấu tranh quân sự. Lực lượng bộ binh cần được định hướng lại, chuyển từ phòng thủ khu vực sang hoạt động tấn công trên phạm vi toàn cầu, đồng thời, các lực lượng không quân được chuyển đổi từ việc bảo vệ lãnh thổ Trung Quốc sang phòng thủ và tấn công, thậm chí là xây dựng một cơ cấu lực lượng phòng thủ không phận ra ngoài lãnh thổ nước này. Một yếu tố được cho là sáng tạo trong nhận thức an ninh mới của Trung Quốc là tập trung vào ít nhất hai chiều hướng mới về an ninh: an ninh mạng và không gian bên ngoài. Cả hai đều được coi là lĩnh vực mới của quá trình cạnh tranh toàn cầu hiện nay. Hơn nữa, Trung Quốc tuyên bố đó là mục tiêu chính của các "hacker" tấn công từ khắp nơi trên thế giới. Với quan niệm này, Bắc Kinh sẽ phát triển một loạt cơ chế để giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh thông tin (ví dụ như chiến tranh mạng), đây là một lĩnh vực rất quan trọng trong các cuộc chiến tranh hiện đại. Nhu cầu đào tạo các nhân viên mới và các loại vũ khí hiện đại đòi hỏi nước này phải phân bổ các nguồn tài chính tốt hơn và giảm các bộ phận đã lỗi thời hoặc những bộ phận có thiết bị lạc hậu. Nhu cầu này được phản ánh trong quyết định của ông Tập Cận Bình giảm 300.000 quân trong thời gian tới. Quyết định này được công bố vào tháng 9/2015 tại lễ duyệt binh ở Bắc Kinh nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít Nhật. Đây sẽ là đợt cắt giảm quân sự thứ 5 kể từ những năm 1990 và đợt cắt giảm mới này dự kiến hoàn thành vào năm 2017. Cuối cùng, quân đội Trung Quốc sẽ có 2 triệu quân. Việc cắt giảm sẽ bao gồm các lực lượng trên bộ, nhân viên văn phòng, đơn vị chiến đấu và những trang thiết bị vũ khí đã lỗi thời. Điều đáng chú ý là không có kế hoạch cắt giảm chi tiêu quân sự, vì Trung Quốc đang đối mặt với một loạt mối đe dọa, trong đó có tình hình phức tạp trong khu vực Biển Đông. Dường như khoản tiết kiệm từ việc cắt giảm quân số trên sẽ được chi cho các lực lượng hải quân và không quân, vũ khí và trang thiết bị mới, và thành lập mới hoặc tăng cường các đơn vị hiện có, bao gồm cả những đơn vị có nhiệm vụ đảm bảo an ninh mạng.

Những khái niệm an ninh mới cũng như quá trình tập trung các quyết định đã được phản ánh qua các hoạt động liên quan đến an ninh và các chiến dịch mới ở Trung Quốc và nước ngoài. Các chính sách an ninh của Bắc Kinh có thể được chia thành hai nhóm. Một mặt, Trung Quốc thể hiện sự quyết đoán hơn cả trong nước và nước ngoài, thông qua việc kiểm soát xã hội chặt chẽ và vấn đề căng thẳng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, mặt khác, Trung Quốc tự "đúc một hình tượng" về một đất nước yêu chuộng hòa bình, trong đó tập trung diễn giải các nguyên tắc chủ yếu trong chính sách đối ngoại của mình là không can thiệp, chẳng hạn như mở rộng các hoạt động sơ tán, tìm kiếm cứu hộ, gìn giữ hòa bình... Tuy nhiên, các hành vi liên quan đến an ninh và chính sách đối ngoại ít thân thiện của Trung Quốc đặc biệt gây ảnh hưởng tới khu vực. Đáng chú ý nhất là quyết định đơn phương của Trung Quốc trong việc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ), bao gồm quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đang tranh chấp và khu vực chồng chéo với Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Một ví dụ khác về các hành động khiêu khích của nước này bao gồm việc đưa một giàn khoan dầu vào trong khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gần quần đảo Hoàng Sa; mở rộng hoạt động xây dựng, bồi đắp trên các đảo tranh chấp ở Biển Đông, và quyết định đơn phương của Bắc Kinh mở bốn đường bay mới trên eo biển Đài Loan vào tháng 3/2015, trong khi đang có xung đột về các tuyến đường hàng không gần với đất liền xung quanh đảo Kinmen và Matsu của Đài Loan.

Ngược với các động thái gây nhiều tranh cãi gần đây trong khu vực, Trung Quốc lại thể hiện thái độ nhẹ nhàng, mềm mỏng trong quan hệ với các nước láng giềng và trên thế giới. Chiến lược toàn diện và công cụ thực hiện được Trung Quốc đề cập trong vấn đề này là khái niệm "Con đường tơ lụa" mà thực tế là một đề xuất kinh tế hào phóng dành cho các nước mà Trung Quốc quan tâm hiện nay và trong tương lai gần./.

 

Theo “Viện các vấn đề quốc tế Ba Lan – PISM