Các nhân vật hàng đầu mới của Trung Quốc sẽ tác động ra sao đến việc hoạch định chính sách trong 5 năm tới? 

Tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX (Đại hội XIX) vào tháng 10/2017, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng Trung Quốc đã bước vào một “kỷ nguyên mới” trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Những từ ngữ “mới” và “đổi mới” giữ vai trò khá quan trọng trong toàn văn bài phát biểu của ông. Tuy nhiên, về việc lựa chọn nhân sự, chúng ta nhận thấy điều hoàn toàn ngược lại. Cán bộ ở độ tuổi cuối những năm 40 không còn có mặt trong Bộ Chính trị; thành viên trẻ nhất của Ban Thường vụ Bộ Chính trị năm nay đã 60 tuổi. Trong bối cảnh này, chúng ta có thể mong đợi có bao nhiêu chính sách mới và sáng tạo từ giới quyền lực tối cao trong hệ thống chính trị Trung Quốc? 

Ngoại trừ Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường, tất cả các thành viên khác trong Ban Thường vụ đều là mới đối với “câu lạc bộ quyền lực” gồm 7 ủy viên này, mặc dù tất cả họ đều có kinh nghiệm dày dạn trong viêc hoạch định chính sách. Những thành viên mới này là ai và sự thăng tiến của họ có ý nghĩa gì trong việc hoạch định chính sách cho 5 năm tới? 

Ban Thường vụ Bộ Chính trị: Giới quyền lực tối cao trong nền chính trị Trung Quốc 

Các thành viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị không chỉ đưa ra các quyết định gây ảnh hưởng đến cách thức điều hành đảng gồm 89 triệu đảng viên, mà còn có tiếng nói cuối cùng đối với các chiến lược vĩ mô cho đất nước 1,3 tỷ dân này. Khác với các hệ thống chính trị phương Tây, trong đó nội các của nhánh hành pháp là nền tảng cho việc ra quyết định chiến lược và thỏa hiệp, Ban Thường vụ Bộ Chính trị là một “câu lạc bộ quyền lực” hơn tập hợp những người có những chức vụ được coi là quan trọng nhất để giữ vững đất nước. Bộ Chính trị quyền lực gồm 25 ủy viên này bao gồm những nhân vật chủ chốt trong các cơ quan của đảng và nhà nước, cũng như quân đội. 

Trong Ban Thường vụ gồm 7 ủy viên, chúng ta nhận thấy một số vị trí sau là có đại diện: Tập Cận Bình, Tổng bí thư đảng, nhân vật số 1 chính thức trong hệ thống cấp bậc của ĐCSTQ, đồng thời là chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Tổng tư lệnh Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Quốc vụ viện, cơ quan hành pháp của Trung Quốc, do Thủ tướng Lý Khắc Cường làm đại diện, và khả năng lớn nhất là nhân vật số 7 trong Ban Thường vụ mới – Hàn Chính – sẽ trở thành phó thủ tướng thường trực từ tháng 3/2018 trở đi. Đối với việc bổ nhiệm chính thức Lật Chiến Thư – nhân vật số 3 trong Ban Thường vụ – làm người đứng đầu cơ quan lập pháp quốc gia, và nhân vật số 4 của đảng là Uông Dương làm chủ tịch Hội nghị chính trị hiệp thương nhân dân Trung Quốc (Chính hiệp), chúng ta cũng phải chờ cho đến khi 2 cơ quan này triệu tập các phiên họp toàn thể thường niên của họ vào mùa Xuân tới. Các chức danh đã được xác nhận gồm có Vương Hộ Ninh – nhân vật số 5 – giành được vị trí bí thư thường trực của Ban bí thư ĐCSTQ, và Triệu Lạc Tế - nhân vật số 6 – kế nhiệm Vương Kỳ Sơn làm người đứng đầu Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương. 

Là cơ quan ra quyết định cao nhất của ĐCSTQ, Ban Thường vụ Bộ Chính trị rõ ràng đứng trên tất cả các cơ quan nhà nước. Lời lẽ trong bài phát biểu của Tập Cận Bình tại Đại hội XIX cho thấy rõ ràng rằng việc tách bạch các chức năng của đảng và nhà nước không còn là một sự lựa chọn mà đảng có thể coi nhẹ. Ngược lại, người ta cho rằng ĐCSTQ phải mở rộng sự hiện diện và tầm ảnh hưởng của mình trong tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả các công ty và tổ chức xã hội. 

Đại hội XIX: Không có sự chuyển tiếp thế hệ trong tầm mắt 

Ban Thường vụ Bộ Chính trị được biết đến nhiều từ các quốc gia theo chế độ cộng sản khác, đáng chú ý nhất là Liên Xô trước khi tan rã. Những gì chúng ta còn nhớ từ Liên Xô là Ban Thường vụ Bộ Chính trị trong giai đoạn cuối cùng của Liên Xô chỉ toàn các vị lão thành, những người không bắt kịp với các diễn biến mới nhất trên thế giới. Khi những “chính trị gia lão làng” này nhường đường cho một thế hệ trẻ, thì đã quá muộn để đưa đất nước trở lại quỹ đạo. Để tránh chung số phận với Liên Xô, ĐCSTQ đã nhận ra sự cần thiết phải giữ cho các cấu trúc của Ban Thường vụ được linh hoạt và đề bạt các nhà lãnh đạo trẻ vào Bộ Chính trị từ sớm. Đặng Tiểu Bình, lãnh đạo tối cao của Trung Quốc trong những năm 1980 và đầu những năm 1990, quả quyết rằng các chính trị gia tuổi trẻ tài cao trong độ tuổi cuối những năm 1940 cần phải được đề bạt vào cơ quan này. Dựa trên chính sách này, ít nhất là 2 thế hệ các nhà lãnh đạo hàng đầu đã được chuẩn bị cho chức vụ cao nhất, bao gồm Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo, Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường. 

Trong 2 thập kỷ vừa qua, chính sách này đã phục vụ cho lợi ích của ĐCSTQ. Các chính trị gia hàng đầu không ngừng được trẻ hóa, và sự chuyển tiếp giữa các thế hệ lãnh đạo ở các chức vụ cao nhất đã diễn ra suôn sẻ. 10 năm trước, Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường gia nhập Ban Thường vụ Bộ Chính trị ở độ tuổi tương ứng là 54 và 52 tuổi. Tuy nhiên, trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị của Ban chấp hành trung ương đảng khóa XIX, Triệu Lạc Tế là ủy viên trẻ nhất 60 tuổi và rõ ràng không có vị lãnh đạo nào ở độ tuổi đầu 50 hoặc trẻ hơn có thể kế nhiệm Tập Cận Bình lãnh đạo ĐCSTQ trong 5 năm tới. Như vậy, dường như thông lệ đề bạt ai đó làm người thừa kế rõ ràng đã chấm dứt. Mặt khác, những đồn đoán trước Đại hội XIX rằng Ban Thường vụ Bộ Chính trị sắp sửa bị bãi bỏ rốt cuộc cũng chỉ là lời đồn đại. 

Ít nhất hiện nay, Ban Thường vụ Bộ Chính trị vẫn là một biểu tượng của sự lãnh đạo tập thể. Và bất chấp vị thế đặc biệt của Tập Cận Bình – người mà chỗ đứng và quyền lực chính trị đã được thúc đẩy hơn nữa nhờ sự gia tăng uy thế cá nhân thông qua việc đưa Tư tưởng Tập Cận Bình vào điều lệ đảng – không chỉ ông mà cả 7 nhân vật đứng đầu hệ thống cấp bậc của đảng, cũng như các cố vấn chính sách hàng đầu, cũng cần phải được theo dõi sát sao để có được những gợi ý liên quan tới các thay đổi chính sách. 

Năm “người chơi” mới: Các nhà hoạch định chính sách kỳ cựu và những đóng góp của họ cho kỷ nguyên mới 

Tại Đại hội đảng vào tháng 10/2017, Tập Cận Bình đã tuyên bố bắt đầu một kỷ nguyên mới và đưa ra một tầm nhìn cho Trung Quốc cho đến giữa thế kỷ 21. Theo kế hoạch, kể từ năm 2020, Trung Quốc sẽ trải qua 2 giai đoạn phát triển để cuối cùng trở thành một quốc gia hùng mạnh vào năm 2049. Mục tiêu cho lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã được xác định rõ ràng từ lâu, nhưng Tập Cận Bình và 6 ủy viên còn lại của Ban Thường vụ Bộ Chính trị cần phải đưa ra một lộ trình rõ ràng và nội dung chính sách về cách thức để đạt được mục tiêu đó. Đó là một nhiệm vụ đầy tham vọng và cũng là giai đoạn then chốt đối với đảng, do đó có nhiều lý do thực tiễn cho thấy sự trải nghiệm thắng thế quy tắc trước đây về nâng đỡ các ngôi sao chính trị đang lên. Cả 5 ủy viên mới của Ban Thường vụ đều có kinh nghiệm chính sách dày dạn và quyền lực trong ĐCSTQ. Sáng kiến nào chúng ta có thể kỳ vọng từ 5 ủy viên mới đối với giới trung tâm này phụ thuộc vào vị trí chính thức của họ. 

Liệt kê theo thứ hạng của họ trong hệ thống cấp bậc của ĐCSTQ, năm nhân vật được giới thiệu ngắn gọn như sau:

Lật Chiến Thư 

Lật Chiến Thư, sinh năm 1950, là một người bạn thân thiết với gia đình Tập Cận Bình trong nhiều thập kỷ. Kể từ năm 2012 ông là chánh văn phòng của Tập Cận Bình. Trước khi chuyển tới Bắc Kinh, Lật Chiến Thư đã có tiếng là nhà quản lý hiệu quả ở các khu vực đói nghèo trong khi vẫn giữ vị trí chính trị cao nhất của 4 tỉnh (Hà Bắc, Thiểm Tây, Hắc Long Giang và Quý Châu). Nếu ông được bổ nhiệm làm chủ tịch Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Nhân đại) vào tháng 3/2018 như kỳ vọng, thì điều này sẽ tăng cường thậm chí hơn nữa tầm ảnh hưởng của đảng đối với cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc. 

Ở vị trí cũ, Lật Chiến Thư chịu trách nhiệm về luồng thông tin tại trụ sở đảng và việc thông tin liên lạc thường xuyên với các nhà lãnh đạo đảng trong khu vực. Các nhà lãnh đạo đảng trong khu vực đồng thời cũng là những người đứng đầu các cơ quan lập pháp khu vực, mang lại cho ông các kênh thông tin liên lạc trực tiếp tuyệt vời. Hai dự án lớn mà Tập Cận Bình muốn thúc đẩy là nghị trình “cai trị bằng pháp luật” của ông, và việc điều chỉnh các quan hệ tài chính liên chính phủ. Trong cả 2 trường hợp, Tập Cận Bình cần một người trong Nhân đại có khả năng kiềm chế lãnh đạo các tỉnh vì cả 2 dự án cải cách này đều động chạm đến một vấn đề then chốt của các đơn vị dưới cấp quốc gia. “Cai trị bằng pháp luật” trước hết là hành động nhằm tinh giản các chức năng của chính phủ và có thể giảm bớt hơn nữa quyền chuyên quyết của các chính quyền dưới cấp quốc gia. Việc điều chỉnh các quan hệ tài chính có thể sinh ra người thắng kẻ thua và do đó bất kỳ nỗ lực nào trong vấn đề này cũng sẽ gây ra sự phản đối mạnh mẽ cũng như mong muốn phân bổ lại trên khắp các khu vực địa phương. 

Uông Dương 

Uông Dương, sinh năm 1955, từng là một trong các phó thủ tướng Quốc vụ viện kể từ năm 2003. Ông phụ trách dự án xóa đói giảm nghèo đến năm 2020 của Tập Cận Bình và nền kinh tế. Trước khi chuyển đến thủ đô, ông là bí thư tỉnh ủy Quảng Đông, nơi ông rất được người dân yêu mến và được biết đến như là một nhà cải cách kinh tế. Người ta kỳ vọng ông sẽ trở thành chủ tịch Chính hiệp, một cơ quan chỉ có chức năng cố vấn. Trong các bài phát biểu đại chúng và các bài báo gần đây, ông tiếp tục thúc đẩy các cải cách theo định hướng thị trường với một tầm nhìn quốc tế. Tuy nhiên, nếu ông đảm nhận vị trí mới trong năm 2018, ông gần như sẽ không có cơ hội thúc đẩy các chính sách hỗ trợ cho sự nghiệp này. 

Từ góc độ hoạch định chính sách, có 3 nhân vật quan trọng hơn cần phải xem xét. 

Vương Hộ Ninh 

Vương Hộ Ninh, sinh năm 1955, có tiếng là nhà tư tưởng hàng đầu của ĐCSTQ. Sau khi ông rời bỏ giới học thuật và vị trí giáo sư về quan hệ quốc tế vào cuối những năm 1990, ông giữ vai trò cố vấn chính sách cho 3 cựu chủ tịch nước. Ông được cho là “kiến trúc sư” chủ chốt cho thuyết “Ba đại diện” của Giang Trạch Dân, “Quan điểm phát triển khoa học” của Hồ Cẩm Đào và “Giấc mộng Trung Hoa” của Tập Cận Bình. Mức độ tin tưởng của Tập Cận Bình đối với Vương Hộ Ninh đã trở nên rõ ràng khi Vương Hộ Ninh được bổ nhiệm làm chủ nhiệm Văn phòng Tiểu ban lãnh đạo đi sâu cải cách toàn diện vào đầu năm 2014. Ở vị trí này, ông giám sát việc thực hiện quyết định năm 2013 về một chương trình cải cách đầy tham vọng. Tuy nhiên, chức chủ nhiệm này khả năng lớn nhất là sẽ được chuyển giao cho một cán bộ cấp cao khác trong thời gian tới. 

Vương Hộ Ninh được biết đến như là một cố vấn chiến lược cổ điển, kín đáo trước công chúng và do đó là nhân vật đáng tin nhất trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ. Trong vai trò mới của mình là bí thư thường trực Ban bí thư ĐCSTQ, ông sẽ không còn cơ hội để làm việc thầm lặng ở hậu trường nữa. Ông sẽ là trung tâm của sự chú ý. Trọng tâm công tác của ông sẽ là công tác tư tưởng và tuyên truyền. Hiện nay ông đang giám sát các hoạt động tuyên truyền mới để quảng bá cho Tập Cận Bình thông qua một chiến dịch tuyên truyền trên toàn quốc được phát động ngay sau khi Đại hội XIX kết thúc. Khái niệm “Tư tưởng Tập Cận Bình” cần được bổ sung thêm nhiều nội dung và ông là người sàng lọc những nội dung đó. 

Triệu Lạc Tế 

Triệu Lạc Tế, sinh năm 1957, là chủ nhiệm mới của Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương. Như vậy, ông thay thế Vương Kỳ Sơn lãnh đạo chiến dịch chống tham nhũng. Chiến dịch này là công cụ để Tập Cận Bình củng cố kỷ luật đảng và lòng trung thành với đảng. Khác với bộ công cụ của Vương Hộ Ninh là các ý tưởng, công cụ của Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương là các vòng điều tra trên toàn quốc và các hình phạt nặng nề. Là ủy viên trẻ nhất của Ban Thường vụ, Triệu Lạc Tế có cơ hội tốt nhất để nắm một vai trò chủ chốt trong nền chính trị Trung Quốc sau Đại hội đảng tiếp theo vào năm 2022. Trước là trưởng ban tổ chức ĐCSTQ nên ông có quyền tiếp cận toàn bộ dữ liệu và hồ sơ về sự nghiệp của cán bộ. Hiện nay ông đang nắm trong tay khả năng xác định lại đường lối và bản chất của chiến dịch chống tham nhũng. Với các chương trình thí điểm về hệ thống các ủy ban giám sát đang được tiến hành, ông có thể là người quản lý việc giám sát có hệ thống hơn và dựa trên pháp luật nhiều hơn đối với những vi phạm của cả các đảng viên lẫn những người không phải đảng viên. 

Hàn Chính 

Hàn Chính, sinh năm 1954, là Bí thư thành ủy Thượng Hải kể từ năm 2012. Ngay sau Đại hội, ông đã chuyển tới Bắc Kinh. Ở Thượng Hải, Hàn Chính đã chứng tỏ mình là một nhà quản lý hiệu quả trong việc giám sát chương trình thí điểm khu thương mại tự do ở thành phố này. Kể từ tháng 3/2018, ông có thể sử dụng kinh nghiệm và các kỹ năng của mình khi còn là cấp phó cho Lý Khắc Cường trong Quốc vụ viện. Tuy nhiên, chúng ta không thể mong đợi nhiều bất ngờ hay các động lực mới cho cải cách kinh tế và tái cơ cấu. Khả năng lớn nhất là ông sẽ trung thành với những chính sách mà chúng ta đã chứng kiến ở khu thí điểm Thượng Hải, mở rộng vai trò của chúng sang nhiều địa phương hơn. 

Tìm kiếm các gợi ý bên ngoài Ban Thường vụ Bộ Chính trị: Những cố vấn cấp cao cần phải quan sát 

Các ủy viên Ban Thường vụ là những người ra quyết định đầu tiên và trên hết. Việc phát triển các kịch bản này và chuẩn bị chiến lược nằm trong tay một vài quan chức cấp cao, thường được gọi là các “sĩ quan tham mưu”. Họ được giới lãnh đạo tối cao của đảng tin tưởng nhất. 3 trong số các cố vấn chủ chốt hoạt động thầm lặng trong nhiều năm – Vương Hộ Ninh (các vấn đề chính sách cơ bản), Dương Khiết Trì (chính sách đối ngoại) và Lưu Hạc (kinh tế, công nghệ và môi trường) – đã được đề bạt vào Bộ Chính trị hay thậm chí vào Ban Thường vụ, nhấn mạnh hơn nữa tầm quan trọng của họ đối với hệ thống này. 

Dương Khiết Trì, sinh năm 1950, là ủy viên Quốc vụ phụ trách các vấn đề đối ngoại từ năm 2013. Là một chuyên gia về Mỹ, ông cũng có mối quan hệ làm việc tốt đẹp với Nhật Bản. Sự thăng tiến của ông vào Ban Thường vụ cho thấy ông đã sẵn sàng tiếp quản một chức vụ công rất rõ ràng và sẽ có một quyền lực mạnh mẽ được ủy thác để tương tác với các nhà ngoại giao từ 2 nước này. Việc đưa ông lên làm một trong các phó thủ tướng phụ trách chính sách đối ngoại là một lựa chọn hiển nhiên để tận dụng tốt nhất tài năng và các mối quan hệ của ông. Từ năm 2007 đến năm 2013, ông giữ chức Bộ trưởng ngoại giao. Với năng lực như vậy, ông được coi là cố vấn chiến lược quan trọng trong việc quản lý quan hệ với Mỹ, và năng lực này sẽ là một nhu cầu cấp thiết trong thời gian Trump nắm quyền. Dương Khiết Trì thuộc nhóm nhỏ các nhà ngoại giao Trung Quốc được cử ra nước ngoài trong thời kỳ Cách mạng văn hóa, học tập tại Bath và Trường kinh tế và khoa học chính trị London vào đầu những năm 1970. 

Lưu Hạc, sinh năm 1952, là chủ nhiệm Văn phòng tiểu ban lãnh đạo kinh tế và tài chính trung ương và cũng là phó chủ nhiệm Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia. Trong những năm 1990, Lưu Hạc đã trở thành một trong những chiến lược gia hàng đầu của Trung Quốc về chính sách công nghiệp và công nghệ. Ban đầu ông học tại Đại học nhân dân Bắc Kinh, một trường đại học có truyền thống gần gũi với chính phủ. Sau một vài năm công tác với tư cách là cán bộ Ủy ban kế hoạch nhà nước, Lưu Hạc theo đuổi bậc học cao hơn ở Mỹ. Ông đã có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Seton Hall trước khi nhận bằng thạc sĩ quản trị công tại trường Quản lý nhà nước Kennedy thuộc Đại học Havard. Năm 2008, Lưu Hạc làm việc chặt chẽ với Thủ tướng Ôn Gia Bảo để phát triển các biện pháp nhằm giảm bớt tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đối với nền kinh tế Trung Quốc. Ông cũng được coi là một trong những quân sư đứng đằng sau quyết định cải cách của Ban chấp hành trung ương ĐCSTQ khóa XVIII vào tháng 11/2013. 

Trần Mẫn Nhĩ, sinh năm 1960, bước vào Bộ Chính trị rộng lớn hơn vào mùa Thu năm 2017. Là một chuyên gia về tư tưởng, gần đây ông đã có thêm kinh nghiệm làm bí thư tỉnh ủy, giải quyết các chính sách chủ chốt có liên quan nhằm đạt được mục tiêu thế kỷ đầu tiên về xóa đói giảm nghèo. Ở tỉnh Quý Châu, ông chủ yếu làm viêc về các biện pháp giảm nghèo. Với hồ sơ năng lực này và sự xuất hiện gần đây trên sóng truyền hình Trung Quốc – góp phần truyền bá Tư tưởng Tập Cận Bình – dường như ông đang được chuẩn bị cho chức vụ cao hơn. Cao đến mức nào, chúng ta sẽ chỉ biết được 5 năm sau tại Đại hội XX. 

Các nhà hoạch định chính sách kì cựu định hình quá trình chuyển tiếp sang một kỷ nguyên mới 

Đại hội XIX vào tháng 10/2017 là minh chứng cho tầm nhìn của Tập Cận Bình về Trung Quốc trong “kỷ nguyên mới”. Để thực hiện tầm nhìn này một cách viên mãn, ông được hỗ trợ bởi các nhà hoạch định chính sách kì cựu, những người có ảnh hưởng chính trị để chống lại bất kỳ biện pháp đối phó nào từ các chính quyền địa phương. Như vậy, chúng ta không thể trông chờ một sự thay đổi chính sách lớn vào đầu nhiệm kỳ thứ 2 của Tập Cận Bình, chừng nào không có cuộc khủng hoảng nào lớn nổ ra ở bên ngoài. Thay vào đó, chúng ta sẽ chứng kiến một bước ngoặt thậm chí còn mạnh mẽ hơn hướng tới các cơ chế kiểm soát – đặc biệt là những cơ chế cuối cùng để vượt qua sự phản đối ở địa phương đối với việc tinh giản các chức năng của chính phủ và các cải cách tài chính. 

Lưu ý cuối cùng về các nhà lãnh đạo, độ tuổi của họ và việc hoạch định chính sách: Chúng ta không cần phải lo lắng về tuổi của các nhân vật hàng đầu trong ĐCSTQ. ĐCSTQ đã chứng tỏ là có các cơ chế vững chắc trong nội bộ đảng để quan sát và nhận biết các xu hướng quan trọng trong các tiến bộ về công nghệ và thị trường. Trong số các nhân vật hàng đầu, sẽ không có ai nghi ngờ sự cần thiết phải cải cách và nâng cấp. Việc số hóa sẽ là một ưu tiên hàng đầu và xuyên suốt nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của toàn bộ ủy viên Ban Thường vụ. Dữ liệu lớn có thể đưa họ lại gần hơn để hoàn thành ước mơ lâu đời là có các số liệu chính xác về sự phát triển kinh tế-xã hội ở một đất nước rộng lớn với hơn 1,3 tỷ dân.

Theo The Diplomat

Trần Quang (gt)