Theo sáng kiến Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa và Con đường Tơ lụa Trên biển Thế kỉ 21 (thường được biết đến với tên gọi sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”), Trung Quốc đã và đang nỗ lực xây dựng một mạng lưới các dự án cơ sở hạ tầng xuyên suốt Á-Âu nhằm khuyến khích giao thương. Ban đầu, có vẻ như tất cả những bên tham gia đều sẽ được lợi từ sáng kiến này. Các khoản cho vay của Trung Quốc sẽ khởi động việc xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng. Các nước đang phát triển, nơi các dự án đang được triển khai, sẽ được hưởng lợi nhờ việc đóng vai trò là các điểm trung chuyển, cũng như từ sự phát triển của ngành công nghiệp mới mà có thể nối liền với chuỗi cung ứng toàn cầu. Nguồn thu từ tăng trưởng kinh tế của họ sẽ được dùng để trả nợ cho Trung Quốc, kèm lãi suất.

Tất cả những điều trên nghe chừng quá dễ dàng. Điều đó chỉ xảy ra nếu như mạng lưới cơ sở hạ tầng mới này được đưa vào sử dụng. Sự tồn tại mơ hồ của các con đường và hải cảng không thể đảm bảo giao thương sẽ nở rộ. Sự tăng trưởng kinh tế của bất kỳ nước nào trong mạng lưới sẽ giúp thúc đẩy điều này. Nhưng tại thời điểm hiện nay, kinh tế của của Trung Quốc và châu Âu đang tăng trưởng chậm lại. Hoạt động kinh tế toàn cầu cũng giảm tốc. Nếu không có đủ giao thương để khiến các cơ sở hạ tầng mới sinh lợi thì lợi ích từ sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” sẽ chỉ chảy về một phía, đó là Trung Quốc.

Từ khóa trong sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” đó là “các khoản cho vay”. Các khoản cho vay của Trung Quốc đi kèm các yêu cầu lỏng lẻo và lãi suất thấp hơn các ngân hàng thương mại. Nhưng đó vẫn là các khoản cho vay. Trung Quốc vẫn yêu cầu các nước phải trả nợ. Thêm vào đó, các khoản cho vay của Trung Quốc dành cho các dự án cơ sở hạ tầng thường được hiểu rằng các nước đang phát triển sẽ trao các hợp đồng xây dựng cho các công ty của Trung Quốc. Nói một cách ngắn gọn, Trung Quốc hưởng lợi từ việc cấp vốn và xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng, trong khi các nước đang phát triển sẽ phải đối mặt với tất cả các nguy cơ tài chính. Khi việc giao thương phát triển, việc này sẽ không thành vấn đề. Nhưng nếu ngược lại, nó sẽ trở thành một mối lo ngại.

Trong quá khứ, rất nhiều nước đang phát triển bị mắc nợ chồng chất do thất bại từ các dự án cơ sở hạ tầng. Các nhà cho vay cuối cùng đã phải xóa nhiều khoản nợ, chấp nhận rằng các nước vay nợ sẽ không bao giờ trả lại số tiền ấy. Trung Quốc cũng xóa một số khoản nợ cho các nước đang phát triển, tổng thiệt hại là 3,9 tỷ USD. Nhưng đây mới chỉ là một phần nhỏ trên tổng số nợ mà các nước đang phát triển phải trả cho Trung Quốc. Ví dụ, trong năm 2015, Trung Quốc đã xóa bỏ khoản nợ trị giá 40 triệu USD cho Zimbabwe, nhưng nước này vẫn nợ Trung Quốc hơn 1 tỷ USD. Hơn thế nữa, trong thời gian Trung Quốc hủy bỏ khoản nợ này, Zimbabwe đã cam kết sẽ tăng cường sử dụng đồng Nhân dân tệ trong dự trữ ngoại hối của họ. Theo các nhà quan sát nước ngoài, có vẻ như Trung Quốc đã sử dụng việc xóa nợ để đạt được mục tiêu chính sách ngoại giao lớn hơn.

Cho dù vậy, một vài nước đang phát triển vẫn chào đón khoản trợ cấp của Trung Quốc. Cựu Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa đã vui mừng đón nhận khoản cho vay của Trung Quốc để xây dựng một cảng mới và sân bay tại Hambantota. Khi được hoàn tất, đây sẽ là công trình cảng lớn nhất Nam Á. Tuy nhiên, trong bối cảnh giao thương trên biển trì trệ, chính phủ mới của Sri Lanka đang phải hứng chịu khoản nợ 1,1 tỉ USD từ Trung Quốc. Trên thực tế, Trung Quốc có thể cho rằng các nước vay nợ sẽ buộc phải trả nợ cho mình, bởi việc vỡ nợ sẽ khiến các nước đang phát triển không thể tiếp cận nguồn tín dụng trong tương lai.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, một số nước châu Á đã tìm cách “chơi khó” Trung Quốc. Cụ thể là trường hợp Indonesia năm 2015. Khi một nhóm doanh nghiệp do Trung Quốc dẫn đầu tìm kiếm hợp đồng để xây đường sắt cao tốc nối Jakarta và Bandung, Indonesia đã lợi dụng mong muốn thắng thầu của nhóm doanh nghiệp này trước đối thủ đến từ Nhật Bản để buộc họ giảm bớt yêu cầu đối với Chính phủ Indonesia nhằm hỗ trợ nước này trả nợ Trung Quốc. Cuối cùng, nhóm doanh nghiệp Trung Quốc này đã giành được hợp đồng. Nhưng Indonesia đã thoát khỏi rủi ro tài chính của dự án và “đá” sang phía Trung Quốc.

Thái Lan cũng tỏ ra rất thận trọng. Trong nhiều năm, Trung Quốc luôn nói về việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối liền Côn Minh và Bangkok. Sau vụ đảo chính của quân đội Thái Lan năm 2014, hai nước đã thúc đẩy các cuộc đàm phán về dự án đường sắt này trong khi đẩy mạnh quan hệ song phương. Tuy nhiên, các điều khoản mà Trung Quốc đưa ra lại khiến giới lãnh đạo Thái Lan không hài lòng. Họ phản đối lãi suất, cơ cấu quyền sở hữu và các đề nghị khác của Trung Quốc. Do đó, Thái Lan đã bỏ xó kế hoạch ban đầu. Thay vào đó, họ tự trang trải cho công trình xây dựng đường sắt ngắn hơn từ Bangkok tới Nakhon Ratchasima, chỉ dài 250km. Trong khi Trung Quốc vẫn cung cấp công nghệ và giám sát đấu thầu, Thái Lan vẫn sử dụng các công ty xây dựng của chính họ để xây dựng đường sắt.

Trung Quốc có thể cho rằng sự thèm khát các khoản vay lãi suất thấp ở các quốc gia đang phát triển sẽ giúp sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” này trở nên hấp dẫn hơn. Nhưng lãnh đạo của các nước này biết rõ rằng nền kinh tế Trung Quốc đang trì trệ và rằng Bắc Kinh đang ngày một quan ngại về việc duy trì các công ty xây dựng. Các nhà lãnh đạo này cũng biết được những việc đã xảy ra ở các nước như Sri Lanka, Indonesia, Thái Lan. Các thông tin này giúp họ đàm phán được những điều khoản tốt hơn từ Trung Quốc. Nếu nhiều nước đang phát triển làm được như vậy, sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc sẽ khó có thể được hiện thực hóa.

Theo “Ipcs.com” (ngày 12/10)

Nhật Linh (gt)