Tuy nhiên, theo bình luận của Tiến sĩ Robin Niblett, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về các vấn đề quốc tế (Chatham House), Chính phủ Anh nhiệm kỳ tới sẽ phải đối mặt với một trong những giai đoạn khó khăn nhất về đối ngoại kể từ sau sự kiện ngày 11/9/2001. Chính phủ Anh sẽ cần phải có nhiều thời gian để có thể giải quyết được 5 thách thức lớn đối với sự thịnh vượng và an ninh của nước này.

Thách thức đầu tiên phải kể đến là làm thế nào để kiểm soát tình hình bất ổn ở khu vực Trung Đông. Chính phủ Anh nhiệm kỳ tới sẽ là một trong những bên tham gia đàm phán các điều khoản cuối cùng của thỏa thuận hạt nhân với Iran. Nếu được ký kết, thỏa thuận này sẽ tạo tiền đề cho tiến trình đàm phán sâu rộng hơn về tình hình an ninh khu vực. Tuy nhiên, một thỏa thuận như vậy có thể dẫn tới tình trạng leo thang xung đột giữa một bên gồm Saudi Arabia và các đồng minh và bên kia là Iran và các đồng minh của nước này ở Syria, Liban và Yemen, trong khi Iraq lại bị kẹt ở giữa hai phe. Cùng với các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Anh sẽ tự nhận thấy trọng trách của mình là một trong những nhà bảo trợ cho an ninh của vùng Vịnh. Chính phủ Anh do bất cứ chính đảng nào lãnh đạo có thể sẽ tiếp tục duy trì vai trò này và sẽ tiến hành các cuộc không kích cùng với liên minh quốc tế nhằm vào Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Nếu tình hình khu vực trở nên tồi tệ hơn, Anh có thể phải tiếp nhận nhiều người di cư hơn từ Trung Đông (hiện tại Anh mới chỉ tiếp nhận vài trăm người nhưng con số này có thể tăng lên hàng chục nghìn người trong tương lai). Anh cũng sẽ trở thành một nước đóng góp tích cực vào các hoạt động của cộng đồng quốc tế trong việc ngăn chặn làn sóng di cư vào châu Âu qua Địa Trung Hải. London cũng hy vọng rằng tình hình ở vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine sẽ không trở nên xấu đi sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu giành được chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 3 vừa qua. Khả năng Palestine từ bỏ ý tưởng giải pháp "hai nhà nước" có thể buộc Anh và các đối tác trong Liên minh châu Âu (EU) phải tiến hành cuộc đàm phán tốn kém.

Thách thức thứ hai liên quan đến các biện pháp trừng phạt kinh tế của EU nhằm vào Nga. Nếu thỏa thuận ngừng bắn tiếp tục được duy trì ở miền Đông Ukraine thì EU sẽ phải chịu áp lực dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt này ngay cả khi Thỏa thuận Minsk 2 không được thực hiện đầy đủ và Chính phủ Ukraine không có khả năng tái kiểm soát khu vực biên giới tiếp giáp với Nga. Hiện EU đang bị chia rẽ bởi các ý kiến khác nhau về giá trị và tính hiệu quả của các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moskva. Thủ tướng Đức Angela Merkel đang đi đầu trong việc kêu gọi EU tiếp tục duy trì lệnh trừng phạt Nga. Tuy nhiên, Thủ tướng Merkel sẽ phải cần đến sự ủng hộ của Anh nếu như bà muốn duy trì quan điểm cứng rắn đối với Tổng thống Vladimir Putin.

Đứng thứ ba trong danh sách những thách thức lớn trong chính sách đối ngoại của Anh trong thời gian tới là vấn đề biến đổi khí hậu, nhất là trong bối cảnh Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về biến đổi khí hậu sẽ được tổ chức tại Paris (Pháp) vào tháng 12 tới. Lâu nay, Anh vẫn là nước đi đầu trong các nỗ lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và các sáng kiến của nước này về cách thức hạn chế sử dụng than đá trên toàn cầu đặc biệt quan trọng ở hội nghị tới đây. Nếu các nước tham dự đạt được thỏa thuận về vấn đề này thì sẽ tạo ra cơ hội giữ mức gia tăng nhiệt độ trái đất dưới 2 độ C vào cuối thế kỷ này.

Ưu tiên thứ tư của Chính phủ Anh nhiệm kỳ tới sẽ là hoàn tất tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) vào đầu năm 2016 trước khi chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ bước vào giai đoạn quyết định. Chính phủ liên minh hiện nay là một trong những bên ủng hộ mạnh mẽ TTIP vì cho rằng thỏa thuận này sẽ tạo ra cú hích kinh tế đối với Anh và cả châu Âu, đồng thời cũng là đối trọng với quyền lực kinh tế ngày càng lớn của Trung Quốc trên thế giới. Tuy nhiên, hiện TTIP vẫn đang phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ người dân trên khắp châu Âu, trong đó có Anh, khi mà phần lớn cử tri nghi ngờ rằng các công ty Mỹ sẽ lợi dụng thỏa thuận này để phá hoại các chuẩn mực xã hội và môi trường của châu Âu.

Trong khi đó, người dân Anh và châu Âu dường như lại thờ ơ với thách thức lớn thứ năm, đó là ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Chính phủ Anh hiện nay luôn hoan nghênh dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào các thị trường EU. Năm 2014, Anh đứng đầu danh sách các nước tiếp nhận vốn đầu tư nhiều nhất từ Trung Quốc trong EU (5,1 tỷ USD trong tổng số 18 tỷ USD). Tuy nhiên, cùng với vai trò là nguồn cung cấp vốn đầu tư ngày càng quan trọng, Trung Quốc cũng có cách tiếp cận quyết đoán hơn đối với các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Trong khi Anh muốn chú trọng hơn tới tiềm năng kinh tế của Trung Quốc thì Nhật Bản lại tìm kiếm sự can dự nhiều hơn của London với tư cách là một đối tác an ninh trong khu vực. Với việc Mỹ đảm nhận vai trò là nước giữ ổn định an ninh khu vực, Chính phủ Anh nhiệm kỳ tới có thể buộc phải đưa những quyết định khó khăn về việc có nên chấp nhận rủi ro hy sinh cơ hội kinh tế để tăng cường sự đoàn kết với đồng minh chính là Mỹ hay không.

Mặc dù là quan trọng, song 5 vấn đề trên sẽ trở nên vô nghĩa nếu đảng Bảo thủ có thể thành lập chính phủ sau cuộc bầu cử và chuẩn bị cho cuộc trưng cầu ý dân về việc "đi hay ở lại" trong EU vào năm 2017. Trong trường hợp này, Chính phủ Anh sẽ không có nhiều thời gian đối phó với những thách thức toàn cầu và cần phải tập trung mọi nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận tốt nhất có thể với các đối tác EU để có thể vận động người dân bỏ phiếu cho việc ở lại EU. Nếu đạt được một thỏa thuận như vậy, Chính phủ Anh sẽ phải đối mặt với một nhiệm vụ không kém phần khó khăn, đó là tuyên truyền những người dân Anh vốn có quan điểm bài xích châu Âu về những "phần thưởng xứng đáng" khi nước này tiếp tục ở lại EU.

Vũ Hiền (gt)