Trung Quốc ngày càng tự hào khẳng định sức nặng kinh tế của mình trước các nước khác trên thế giới. Điều đó dễ nhận thấy khi sự phát triển của nước này trong ba thập kỷ qua khiến nhiều nước phải ngỡ ngàng, đôi khi là thán phục trước một tác nhân kinh tế và chính trị trở nên không thể bỏ qua được.Trên thực tế, có nhiều yếu tố góp phần làm nên sức mạnh kinh tế của Trung Quốc. Đó là khả năng hoạch định chính sách bền bỉ, tập trung và xác định đầu tư chiến lược cho tương lai lâu dài; dành một cách có hệ thống nỗ lực nghiên cứu cho phát triển và công nghệ; dàn đều trên mọi lĩnh vực để không có điểm yếu nào và không bị lệ thuộc; đưa tất cả các cơ quan nghiên cứu của đất nước vào cạnh tranh với nhau cộng với tham vọng tiếp cận tất cả các thị trường trên thế giới. 

Song ngoài những sức bật không thể cưỡng lại được nói trên, người ta không thể không tự hỏi những sức bật đó có thể giúp Trung Quốc cũng tự hào mà khẳng định sức mạnh chính trị của mình trong một thời gian ngắn nữa, hay ít ra vào thời kỳ 2020-2030, không? Phương Tây có mối quan ngại không nhỏ vì không biết Trung Quốc, không nói là được như siêu cường Mỹ, liệu có thể sẽ hành xử không những như một tác nhân mà cả như một cường quốc có khả năng điều chỉnh cán cân lực lượng chính trị ở quy mô toàn thế giới, không. Mối lo ngại đó được minh chứng trên nhiều phương diện, bởi lẽ Chính phủ Trung Quốc không rõ ràng cả về sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia lẫn lợi ích chiến lược của mình ở bên ngoài lãnh thổ, những lợi ích vốn giúp cho sự phát triển kinh tế của nước này, nghĩa là tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên. 

Đối với các nước láng giềng của Trung Quốc cũng như cộng đồng quốc tế, hai trục nói trên, dựa trên nguyên lý bất biến về biên giới và tính thực dụng chính trị, thường gây ra mối lo ngại, mặc dù không liên quan đến bất kỳ ý tưởng mưu đồ bá quyền và bành trướng nào của nước này trên thế giới. Các vấn đề nội bộ của Chính phủ Trung Quốc đến một ngày nào đó sẽ trở thành vấn đề của các nước láng giềng của nước này. Sự có mặt của Trung Quốc ở châu Phi hay Trung Đông, vốn là nét rõ nét nhất về quyền lực cứng của Trung Quốc, về ngắn hạn có nguy cơ trở nên khó chịu hơn ở các vùng này, nơi hiện nay hòa bình kiểu Mỹ vẫn tồn tại. 

Những hạn chế tự thân của Trung Quốc trong sử dụng sức mạnh chính trị 

Thứ nhất: yếu tố lịch sử và chính trị. Cần nhấn mạnh rằng Trung Quốc có thiên hướng hạn chế tự thân nào đó trong việc sử dụng quyền lực chính trị của mình trên trường quốc tế. Đúng là Trung Quốc ngày càng tỏ ra tự tin về vấn đề này, song điều hiển nhiên là nước này ở một chừng mực nào đó cũng vẫn nghi ngờ chính sức mạnh của mình. Lý do có thể mang tính lịch sử. Lãnh thổ của Trung Quốc đúng là mênh mông, song một số cuộc chinh phạt bành trướng trong quá khứ của nước này đã bị đẩy lùi. Rốt cuộc, thái độ của Trung Quốc dường như xuất phát từ một yếu tố khác: vị thế mà nước này cố tình áp dụng trong chính sách đối ngoại, theo đó Trung Quốc không chịu trút bỏ tư cách gần như hội chứng là nạn nhân của phương Tây, từ đó không thể hiện thái độ có trách nhiệm của một cường quốc. Nhưng chơi trò vừa tấn công vừa phòng ngự trong một thời gian dài không phải dễ. Đến một lúc nào đó sẽ phải lựa chọn. 

Thứ hai: thách thức chính trị nội tại. Một yếu tố khác khiến Trung Quốc bị hạn chế tự thân trên trường quốc tế là những thách thức chính trị nội tại to lớn của nước này. Ý định không tham gia các liên minh địa chính trị, những liên minh có thể gây phương hại tới nền tảng của Đảng cộng sản Trung Quốc cầm quyền hay có thể làm đứt đoạn quá trình gia tăng sức mạnh kinh tế của đất nước, là triệu chứng cho thấy điều đó. Tại Trung Đông, người ta thường thấy người Trung Quốc giữ một khoảng cách nào đó với người Thổ Nhĩ Kỳ, Arập, Do Thái và Ba Tư chỉ vì muốn bảo vệ lợi ích của mình về lâu dài. 

Thứ ba: "độc diễn" hay không chịu tham gia lãnh đạo thế giới. Cuộc chơi tập thể ở quy mô thế giới có thể sẽ giúp Trung Quốc thể hiện trách nhiệm và đảm đương bổn phận quốc tế của mình với tư cách là cường quốc kinh tế trước một số thách thức của thế giới. Từ chối cuộc chơi đó là một hình thức hạn chế tự thân, đồng thời cũng có nghĩa là không chấp nhận lãnh đạo thế giới hoạt động theo mô hình của phương Tây. Trên thực tế, trong một thời hạn nào đó, không chơi cùng với thế giới có thể sẽ giúp Trung Quốc trỗi dậy như cường quốc chính trị vì đối với nước này, vấn đề ở đây là áp đặt mô hình của chính họ. Tuy nhiên, làm sao Trung Quốc có thể phá bỏ được quá trình toàn cầu hóa hay cố tình chỉ nhấn mạnh đến sức mạnh của một vùng. Địa phương chủ nghĩa không thích hợp với tham vọng của Trung Quốc, nước muốn có phần trong lãnh đạo thế giới trong tương lai. 

Thứ tư: quyền lực mềm được ưu tiên hơn quyền lực cứng. Cũng cần nói đến quyết tâm của Trung Quốc áp dụng một phiên bản mềm sức mạnh của mình ở một số lĩnh vực khác có ít tính chiến lược hơn. Quyền lực mềm của Trung Quốc, ít rủi ro hơn và có hiệu ứng về lâu dài hơn, được thể hiện nhiều ở chính sách tham gia các tổ chức quốc tế. Việc nước này đóng góp nhiều vào vốn của Ngân hàng thế giới từ tháng 4/2010 là một minh chứng cho điều đó. Nhờ đó mà Trung Quốc có được vị trí thứ ba, sau Mỹ và Nhật Bản, với quyền bỏ phiếu tăng từ 2,77% lên 4,42%. Ngoại giao mềm của Trung Quốc cũng dần dần chuyển sang việc nắm giữ các vị trí chiến lược trong các tổ chức quốc tế. 

Thứ năm và cuối cùng, nhờ lưu ý đến sự phát triển của thế giới và sự phức tạp của nó, Trung Quốc hiểu rõ tính chất quyết định của các chuẩn mực và tiêu chuẩn trên thế giới. Rốt cuộc, Trung Quốc không bị rơi vào khủng hoảng tài chính vì trước đó không chấp nhận chuẩn mực và tiêu chuẩn của phương Tây là những yếu tố chi phối các ngân hàng, công ty bảo hiểm hay kiểm toán. Cũng không loại trừ khả năng đến một ngày nào đó, nước này sẽ đề cập đến các lĩnh vực đó với nhãn quan của riêng mình. 

Những hạn chế thực sự đối với sức mạnh chính trị của Trung Quốc 

Ngoài những hạn chế tự thân và điểm yếu về cơ cấu của Trung Quốc (phân hóa giàu nghèo và chênh lệch giữa các vùng, dân số già đi, tái định hướng cho mô hình kinh tế) có khả năng ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, còn có một số hạn chế "thực sự" có nguy cơ gây phương hại đến sự xuất hiện sức mạnh chính trị của Trung Quốc. Đấy là chưa nói đến việc cường quốc Mỹ còn duy trì được vị thế của mình trong nhiều năm nữa. 

Thứ nhất: thiếu minh bạch. Yếu tố đầu tiên là tình trạng thiếu minh bạch trong chính sách và việc thực thi của Trung Quốc. Ví dụ đầu tiên liên quan việc đến thực thi và chính sách thương mại mà Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vừa tố cáo. Thiếu minh bạch trong khuôn khổ xem xét lần thứ ba chính sách thương mại của Trung Quốc từ khi nước này gia nhập WTO, thiếu minh bạch trong ngân sách quân sự: có thể nghĩ rằng ngân sách quân sự của Trung Quốc bị đánh giảm xuống 2 hoặc 3 lần so với thực tế. Nhìn chung, không thể không nhận thấy rằng con số đã được thống kê "bằng tay": một phần lớn các tỷ lệ tăng trưởng được công bố trong năm 2009 có vẻ khó tin. Đúng là không có gì nghi ngờ về thực tế trỗi dậy của Trung Quốc về kinh tế và tài chính. Tính cạnh tranh và sự cạnh tranh của Trung Quốc cũng thể hiện rõ ràng và có thể nắm bắt được dù có con số hay không. Nhưng thiếu minh bạch không thể không khiến người ta nhớ đến cách tạo nên thành công kiểu Xôviết: đó là những con số thống kê giả mạo đã từng khiến phương Tây tin một cách quá ngây thơ. Trong trường hợp hình mẫu Trung Quốc đổ vỡ - mặc dù không có xu hướng tin vào điều này vì các nhà lãnh đạo Trung Quốc rất sáng suốt khi dẫn dắt đất nước trên con đường "không có sai lầm" - thế giới có thể sẽ sụp đổ thảm hại hơn vì cách thức kiểu Trung Quốc hiện nay mạnh mẽ hơn cách thức kiểu Xôviết trước đây rất nhiều. 

Thứ hai: một hình mẫu không phổ quát. Yếu tố thứ hai khiến người ta nghi ngờ về khả năng Trung Quốc trở thành một thủ lĩnh chính trị thực sự trên trường quốc tế nằm ở sự trống rỗng của mô hình văn hóa. Trên thực tế, cái đập vào mắt là lần đầu tiên trong lịch sử thế giới cận đại, một cường quốc như Trung Quốc xuất hiện trên diễn đàn thế giới mà không đưa ra được một thông điệp mang tính tổng thể nào. Nước này trưng ra sức nặng vật chất của mình mà không đưa ra một nội dung nào khiến người khác phải mơ ước về nó và yêu thích nó. Hơn nữa, hình mẫu Trung Quốc, được xác lập như hiện nay và được ứng dụng với tầm cỡ kinh tế của nó, lại không thích hợp với thực trạng giới hạn của thế giới, từ đó không thu hút được các thế hệ khao khát một thế giới trong đó dấu ấn của con người nhẹ nhàng hơn. 

Lãnh đạo không có nghĩa là dùng sức nặng, áp đặt, mà là thu hút, lôi cuốn… Lãnh đạo chỉ tồn tại khi được chấp nhận. Chính hình mẫu Mỹ và khả năng sáng tạo của nó đang tiếp tục thu hút giới trẻ. Tính độc đoán của chế độ Trung Quốc chắc chắn sẽ là một yếu tố làm trầm trọng hơn cho dù trong quá khứ một số cường quốc chỉ tồn tại và duy trì được nhờ sức mạnh. 

Thứ ba: nguy cơ quá tự tin. Liệu Trung Quốc có nguy cơ rơi vào tình trạng quá tự tin đến mức gây phương hại về chính trị, mặc dù sự tin tưởng quá mức đó được minh chứng bằng sự phát triển kinh tế hoàn hảo trong ba thập kỷ qua, không? Ngày nay, trong bối cảnh các nền kinh tế tư bản đang lu mờ và phải cân bằng lại một chút giữa Nhà nước và thị trường, Trung Quốc có thể tự cho phép mình tự tin hơn trên trường quốc tế. Việc nước này trở lại với cộng đồng các dân tộc là điều bình thường. Nhưng việc nước này khiến các nước khác phải lo ngại cũng là đúng vì chưa bao giờ có nước nào có tất cả yếu tố sức mạnh lại không sử dụng chúng. Trong chính trị quốc tế, lòng tin là một thế mạnh, tự tin quá lại là một điểm yếu, nhất là khi quá tự tin sẽ khiến người ta đi từ kiểu tự kỷ này sang một kiểu tự kỷ khác. Việc các nhà lãnh đạo Trung Quốc chỉ muốn bảo đảm Đảng cộng sản nắm quyền bằng mọi giá - đảng này cũng không thể ngăn chặn được các cuộc đấu tranh giành quyền lực gây mất ổn định- có thể dẫn tới một sự mù quáng nào đó. Nếu Trung Quốc không hành xử tinh tế hơn một chút thì họ sẽ có nguy cơ mất nốt lòng tin của dư luận thế giới đối với mình. 

Thứ tư: tư tưởng trả thù là yếu tố giải thoát duy nhất. Trung Quốc không có khả năng làm cho người khác thích là do nước này hiện nay có tư tưởng trả thù nhằm tìm lại ánh hào quang đã mất, thứ hào quang của nước Trung Hoa vĩnh cửu, thứ hào quang thậm chí không có trong tư tưởng cộng sản. Oái oăm là ở chỗ đó. Điều nguy hiểm là khi thể hiện tư tưởng trả thù, Trung Quốc lao vào lôgích dân tộc. Nỗi nhục của dân tộc cũng là động cơ giải thoát. Như vậy, Trung Quốc có nguy cơ gặp khó khăn, nếu không hơn thì cũng như nước Nga, trong việc vượt lên quá khứ. 

Thứ năm: mờ ảo về văn minh là rào cản vào sân chơi của các nước lớn. Tìm kiếm thuyết duy ý chí ở nước Trung Quốc theo thuyết ngàn năm giống như kiểu từ chối mọi nền văn minh khác. Chừng nào Chính phủ Trung Quốc còn cho rằng mở cửa chính trị và văn minh có nguy cơ gây phương hại tới quyền lực của Đảng cộng sản Trung Quốc và cán cân lực lượng mỏng manh cũng như những điểm yếu của đất nước, thì nước này sẽ không có ý định áp dụng hình mẫu lai tạo. Phiên bản dân chủ tập trung vào cá nhân và quyền tự do tư tưởng vẫn mang đậm dấu ấn của phương Tây vì được coi như mối đe dọa gây hỗn loạn hơn là cái thêm cho nhân loại. Liệu có xuất hiện đa nguyên triết học không? Muốn được như vậy thì ngoài minh bạch, Trung Quốc cần phải đổi mới nữa. 

Thứ sáu: tính sáng tạo bị kiềm chế vì thiếu vắng Nhà nước pháp quyền. Do không cải cách chế độ chính trị nên khả năng sáng tạo của người Trung Quốc bị cản trở. Khi không có Nhà nước pháp quyền, các chế phẩm thay thế bị hạn chế về tính sáng tạo. Đó là trường hợp cạnh tranh quyết liệt giữa các phòng thí nghiệm và trung tâm nghiên cứu. Đó cũng là trường hợp hồi hương cộng đồng giáo sư Trung Quốc từ những trường đại học của Mỹ và châu Âu. Bởi lẽ, một mặt nhãn quan kỹ thuật và kinh tế của người chuyên gia vốn được nuôi dưỡng bằng thông tin lan truyền trên thế giới, luôn bị gò vào khuôn chính trị và ngược lại ở Trung Quốc. Mặt khác, chỉ có được tự do tiếp cận dữ liệu mới có được tri thức tổng thể. Song kiểm soát tri thức và thông tin bằng biện pháp kiểm soát mạng Internet lại diễn ra ở Trung Quốc. Cũng như vậy, lãnh đạo chính trị thế giới buộc phải nắm bắt cũng như lan truyền thông tin trên toàn thế giới. Chính sự lãnh đạo đó đã giúp Mỹ mở rộng được ảnh hưởng của mình. Truyền thống Đạo Khổng không phải chỉ có thế mạnh. 

Một việc mà dường như Trung Quốc đã làm được là vượt qua cấp độ "cắt-dán". Một việc khác là vượt qua ranh giới công nghệ. Ngày nay, sức mạnh - kinh tế cũng như chính trị - thuộc về những ai thực sự vượt qua được ranh giới đó chứ không thuộc về những người chỉ lắp ráp cái đang có, dù là trong điều kiện sáng tạo nhất. Chỉ khi nào Trung Quốc vượt qua được ranh giới trên bằng một trong những điều bất thường lịch sử nhất mà nước này nắm bí quyết, thì việc biến đổi hình mẫu Trung Quốc mới diễn ra bằng cách này hay cách khác và trong mọi trường hợp, tiến trình này sẽ dài và có nguy cơ gây bất ngờ vì trong lịch sử Trung Quốc, những dao động thiên lệch xảy ra nhiều hơn các giai đoạn chủ chốt./. 

Theo Tạp chí "Địa chính trị"

 Hương Trà (gt)