Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã có bài phát biểu chào Năm Mới và tổ chức một cuộc họp báo vào ngày 14/1. Một tuần sau khi Triều Tiên tuyên bố tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 4, trong bài phát biểu của mình, bà Park Geun-hye đã kêu gọi áp đặt “các lệnh trừng phạt mạnh mẽ nhất” đối với Bình Nhưỡng và hối thúc Trung Quốc, đối tác quốc tế quan trọng nhất của Triều Tiên, gia tăng sức ép lên quốc gia bị cô lập này.

Tổng thống Hàn Quốc kêu gọi Liên hợp quốc (LHQ) triển khai các lệnh trừng phạt “cứng rắn và cương quyết” đối với Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt này phải “đủ mạnh để làm thay đổi thái độ của Triều Tiên”. Đây là những phản ứng chưa từng có tiền lệ, kể cả sau những vụ thử hạt nhân trước đây của Bình Nhưỡng. Không chỉ vậy, bà Park Geun-hye cho rằng Trung Quốc có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo vòng trừng phạt mới phát huy hiệu quả hơn. Bà nói: “Trung Quốc từng nhiều lần công khai nói rằng họ sẽ không chấp nhận việc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân… Tôi cho rằng Trung Quốc hoàn toàn nhận thức được rằng nếu quyết tâm mạnh mẽ này không đi cùng với các biện pháp cần thiết, chúng ta khó có thể ngăn chặn những vụ thử thứ 5, hoặc thứ 6,… và cũng không thể đảm bảo hòa bình, ổn định trên Bán đảo Triều Tiên… Đối tác tốt là người biết hợp tác trong những trường hợp cần thiết… Tôi tin Trung Quốc sẽ đóng môt vai trò quan trọng, xứng đáng với tư cách thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”.

Trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của mình, bà Park Geun-hye đã nhiều lần chìa tay về phía Trung Quốc, cụ thể là tổ chức 6 cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Tập Cận Bình. Gần đây, bà đã tới Bắc Kinh để dự lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm chấm dứt Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, một sự kiện mà cả Mỹ và các đồng minh đều tẩy chay. Bên cạnh các khía cạnh kinh tế, động lực chính thúc đẩy mối quan hệ Trung-Hàn, chính quyền của bà Park Geun-hye hy vọng sự gần gũi hơn giữa hai nước sẽ giúp Seoul có thêm ảnh hưởng để buộc Bắc Kinh gây áp lực đối với Triều Tiên. Tuy nhiên, dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố rằng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc “đã trở thành mối quan hệ quốc gia tốt đẹp nhất trong lịch sử”, song Seoul cho tới nay vẫn chưa thể thay đổi quan điểm và cách hành xử truyền thống của Bắc Kinh trong vấn đề Triều Tiên.

Đáp lại bài phát biểu của bà Park Geun-hye tại cuộc họp báo định kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói với báo giới: “Quan điểm và lập trường của Trung Quốc hoàn toàn phù hợp với cơ chế phi hạt nhân hóa quốc tế và phản đối các vụ thử hạt nhân của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên”. Tuy nhiên, ông không đề cập tới bất kỳ bước đi cụ thể nào, chẳng hạn như ủng hộ quyết định gia tăng trừng phạt của LHQ đối với Triều Tiên. Đây có thể coi là minh chứng chứng tỏ Bắc Kinh vẫn duy trì quan điểm ủng hộ đối thoại - cụ thể là khôi phục đàm phán 6 bên - thay vì áp đặt trừng phạt.

Ngày 7/1, một ngày sau khi Triều Tiên thử hạt nhân, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh gọi hạt nhân là một vấn đề “nhức nhối và cực kỳ phức tạp”. Trong một câu nói được cho là hàm ý chỉ trích cả hai miền Triều Tiên, bà nói rằng “những quan ngại có lý của các bên cần được giải quyết thông qua đối thoại theo cơ cấu Đàm phán 6 Bên”. Bà nhấn mạnh: “Một điệu nhảy cần có hai người, và đàm phán 6 bên cần có 6 đối tác… Tất cả các bên liên quan cần quay trở lại lộ trình đúng đắn trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân thông qua các cuộc Đàm phán 6 Bên càng sớm càng tốt”.

Đây là phản ứng thường thấy của Trung Quốc và điều này gián tiếp công nhận tuyên bố của Triều Tiên rằng chương trình hạt nhân của họ là chính đáng trước mối đe dọa từ Mỹ và Hàn Quốc. Điều này đã khiến Seoul, vốn thường bị chỉ trích là nguyên nhân kích động các hành vi khiêu khích của Bình Nhưỡng, không hài lòng. Những gì từng diễn ra trong lịch sử cho thấy rất có thể Trung Quốc sẽ chấp nhận một cơ chế trừng phạt nghiêm ngặt hơn, song không phải là những lệnh trừng phạt đủ sức làm tê liệt Triều Tiên.

Không mấy ngạc nhiên khi Hàn Quốc không thể thay đổi các tính toán của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là hai bên không hề có bất kỳ cuộc gặp hay hình thức liên lạc cấp cao nào sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói: “Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn duy trì liên lạc và phối hợp trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên và tình hình Bán đảo Triều Tiên”. Ông đặc biệt nhấn mạnh tới các cuộc nói chuyện giữa ngoại trưởng hai nước và giới chức chịu trách nhiệm về các cuộc đàm phán 6 bên.
Nhật báo “Chosun” của Hàn Quốc chỉ ra rằng trên thực tế Seoul không thể liên lạc trực tiếp với Chủ tịch Tập Cận Bình. Trong khi đó, bà Park Geun-hye đã hội đàm với cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngay ngày hôm sau vụ thử. Tương tự, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo chưa thể nói chuyện trực tiếp với người đồng cấp Trung Quốc Thường Vạn Toàn, mặc dù hai bên vừa mới thiết lập đường dây nóng quốc phòng. Tờ “Chosun” cũng đưa tin cho hay hai nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc và Hàn Quốc không tìm được tiếng nói chung trong cuộc nói chuyện. Tờ “Chosun” đưa tin: “Ngoại trưởng Yun Byung-se liên tục yêu cầu Trung Quốc mạnh tay trừng phạt Triều Tiên, song Ngoại trưởng Vương Nghị lại chỉ nhấn mạnh giải quyết khủng hoảng thông qua đối thoại”.

Tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn còn một lựa chọn để buộc Bắc Kinh phải có thái độ cứng rắn hơn là đe dọa triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ. Bắc Kinh liên tục bày tỏ quan ngại về kế hoạch mà họ coi là mối đe dọa an ninh này. Trong cuộc họp báo sau bài phát biểu mừng Năm Mới, Tổng thống Park Geun-hye cho biết có thể sẽ cân nhắc vấn đề THAAD dựa trên các lợi ích an ninh quốc gia.

Theo The Diplomat

Trần Quang (gt)