Sự xoay trục đột ngột sang hoạt động ngoại giao với Kim Jong-un của Triều Tiên vào đầu năm 2018 đã nhen nhóm lại tình trạng tiến thoái lưỡng nan đã có từ lâu đối với Hàn Quốc và Nhật Bản. Hai đồng minh này của Mỹ đã bắt tay nhau trong những thời điểm khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên, nhưng họ thường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nền tảng chung khi có một cơ hội đàm phán với Bình Nhưỡng. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tiếp tục bày tỏ hy vọng của họ về một quan hệ đối tác chặt chẽ khi ngoại giao với Kim Jong-un có tiến triển, nhưng vẫn còn rất nhiều khả năng xảy ra những sai lầm. Đặc biệt, các tranh chấp lãnh thổ đáng chú ý, những nỗi oán giận lịch sử vẫn tiếp tục nổi cộm ở Hàn Quốc, và những quan điểm bất đồng về an ninh khu vực theo sau một chế độ hòa bình tiềm tàng trên bán đảo Triều Tiên đã gạt Seoul và Tokyo ra ngoài lề.

Các vấn đề gây chia rẽ còn tồn tại

Một số vấn đề gây chia rẽ có thể làm phức tạp hoạt động ngoại giao đang diễn ra với Triều Tiên. Thứ nhất là tính chính trị hiện hữu của ký ức liên quan đến các hành động quân sự của Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai, cũng như tranh chấp lãnh thổ đáng chú ý giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đối với quần đảo ở biển Nhật Bản (hoặc nói theo cách của Seoul là Đông Hải) đã có từ năm 1905. Quần đảo này, không khác gì các đảo đá, được gọi là Takeshima ở Nhật Bản và Dokdo ở Hàn Quốc. 70 năm đã hầu như không làm giảm bớt mong muốn của Hàn Quốc nêu bật di sản gây đau buồn của quá khứ. Trong khi đó, ở Nhật Bản, những người có tư tưởng bảo thủ và tự do giờ đây dường như đều sẵn sàng làm trầm trọng thêm những vết thương cũ hơn là tìm kiếm phương thuốc để chữa lành chúng.

Căng thẳng lịch sử kéo dài cũng đã đi vào hoạt động ngoại giao gần đây của Hàn Quốc dưới dạng biểu tượng được Tokyo chú ý đến. Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đến thăm Seoul mùa Thu năm 2017, Chính phủ Nhật Bản để ý thấy món tôm Dokdo nằm trong thực đơn, một sự đề cập không được khôn khéo cho lắm đến tranh chấp lãnh thổ này. Tương tự, Dokdo đã được nhắc đến tại cuộc gặp thượng đỉnh giữa Moon Jae-in và Kim Jong-un, xuất hiện trong hình ảnh về một bán đảo Triều Tiên thống nhất được in trên một miếng sôcôla trong món tráng miệng. Tranh chấp này làm tồi tệ thêm tình trạng bất an giữa hai nước bắt nguồn từ thái độ của Hàn Quốc đối với một thỏa thuận năm 2015 về việc bồi thường cho phụ nữ Hàn Quốc bị buộc phải phục vụ trong các nhà thổ của Quân đội đế quốc Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai, một thỏa thuận đã được bà Park Geun-hye, người tiền nhiệm đã bị kết án của Moon Jae-in, đàm phán.

Một vấn đề gây chia rẽ khác có thể có liên quan đến sự hợp tác quân sự giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, vì những sự nhạy cảm chính trị đã cản trở điều này trong quá khứ. Tuy nhiên, những phản ứng gần đây của Seoul và Tokyo trước các cuộc khủng hoảng mà Bình Nhưỡng đã gây ra là đáng khích lệ. Vào năm 2017, Moon Jae-in và Abe đã cùng nhau đối phó với sự gây hấn của Triều Tiên. Các liên minh quân sự riêng của họ với Washington đã củng cố một loạt bước đi nhằm đảm bảo sự răn đe và ra tín hiệu cho Bình Nhưỡng rằng họ kiên quyết hỗ trợ quân đội Mỹ trong trường hợp có xung đột.

Điều có liên quan là các cuộc đàm phán giữa Seoul và Bình Nhưỡng đã làm dấy lên triển vọng về một hiệp ước hòa bình để thay thế thỏa thuận đình chiến chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, dẫn đến một khuôn khổ hợp tác rộng lớn hơn cho cả hai miền Triều Tiên. Hiện tại, quân đội hai nước đồng minh cùng nhau đối phó với mối đe dọa Triều Tiên, nhưng liệu họ có tiếp tục làm như vậy không nếu một hiệp ước hòa bình được ký kết? Seoul và Tokyo sẽ nhìn nhận nhau thế nào về mặt quân sự khi không còn một mối đe dọa liên tục từ Triều Tiên. Bất chấp sự hợp tác đã có từ lâu của họ với Mỹ kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc, hai nước này vẫn chưa thể hoàn toàn tin tưởng lẫn nhau.

Cuối cùng, Hàn Quốc và Nhật Bản về cơ bản có thể có những quan điểm khác nhau về sự cần thiết phải có sự hiện diện của các lực lượng của Mỹ ở Đông Bắc Á trong tương lai. Sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Moon Jae-in và Kim Jong-un, có rất nhiều suy đoán về ý nghĩa của nó đối với tương lai của các lực lượng của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên. Nhiều ngày sau cuộc gặp thượng đỉnh, Moon Chung-in, cố vấn đặc biệt của tổng thống Hàn Quốc, đã viết rằng một chế độ hòa bình sẽ khiến cho “khó có thể biện minh cho việc duy trì sự hiện diện của các lực lượng của Mỹ ở Hàn Quốc”. Tổng thống Moon Jae-in tự mâu thuẫn với cố vấn của mình trong một tuyên bố được đưa ra ngay sau đó. Những nghi vấn về quy chế của các lực lượng của Mỹ ở Hàn Quốc nhận được sự quan tâm lớn ở Nhật Bản, vì nước này sẽ rất lo ngại nếu Mỹ vội vã định hình lại sự hiện diện quân sự của mình ở khu vực này, bao gồm cả các lực lượng trên bán đảo Triều Tiên.

Liệu Seoul và Tokyo có thể phối hợp hơn nữa hoạt động ngoại giao không?

Abe ca ngợi cuộc gặp thượng đỉnh giữa Moon Jae-in và Kim Jong-un là một thành công, nhưng những nỗ lực đàm phán trong quá khứ với Triều Tiên không phải lúc nào cũng dễ dàng đối với Seoul và Tokyo. Lần này, tốc độ tiến triển đến chóng mặt và tính chất khó lường của cuộc gặp thượng đỉnh gần đây đặc biệt gây ngạc nhiên cho Tokyo. Trong vài tháng, Triều Tiên và Hàn Quốc đã chuyển sang một tiến trình ngoại giao tiến triển nhanh chóng. Trong khi đó, Kim Jong-un cũng đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và bắt đầu tiến trình hướng tới một hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều chưa từng có.

Ở Bắc Kinh, Kim bày tỏ sự quan tâm đến việc quay trở lại các cuộc đàm phán 6 bên. Sau thỏa thuận của Kim Jong-un với Moon Jae-in nhằm tìm kiếm một chế độ hòa bình cho bán đảo này, Trump và Kim Jong-un sẽ đưa ra những nét chính cho tiến trình trình phi hạt nhân hóa, mà Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chắc chắn đã bắt đầu vạch ra khi ông đến Bình Nhưỡng để gặp Kim Jong-un vào đầu tháng 4 và một lần nữa vào tháng 5. Giữa lúc diễn ra các cuộc đàm phán này, Seoul và Tokyo sẽ có những ưu tiên khác nhau trong các cuộc đàm phán của Hàn Quốc sắp tới, và đã chia sẻ suy nghĩ của họ về các vấn đề này trong thời gian gần đây.

Moon Jae-in và Abe có lý do để quan tâm đặc biệt đến các cuộc tham vấn của họ lần này. Một vị tổng thống Mỹ khó đoán định hơn nhiều khiến cho việc lợi ích của các nước đồng minh đứng sau mong muốn của Mỹ kết thúc mối đe dọa vũ khí hạt nhân đối với lãnh thổ Mỹ là điều hoàn toàn có thể. Thay vì cạnh tranh với nhau để giành được sự chú ý của Washington, Seoul và Tokyo có thể thấy việc tăng cường tình hữu nghị giữa họ để giành được đòn bẩy lớn hơn trong tiến trình ra quyết định của Mỹ là hữu ích. Các cuộc đàm phán thường xuyên gữa Moon Jae-in và Abe có thể trấn an cả hai nước rằng không có sự thỏa hiệp nào với Kim Jong-un làm suy giảm an ninh của mỗi nước. Ngoài ra, họ có thể so sánh những lưu ý về tương lai của Đông Bắc Á trong trường hợp có một hiệp ước hòa bình cho bán đảo Triều Tiên. Một cuộc đối thoại lâu dài hơn giữa Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ không chỉ giảm đến mức tối thiểu những cơ hội bất đồng về quan hệ với Bình Nhưỡng, mà còn cho phép họ tìm ra cách tốt nhất để lôi kéo Trung Quốc và Mỹ tham gia những nỗ lực nhằm duy trì hòa bình ở Đông Bắc Á.

Định hình lại an ninh Đông Bắc Á?

Cuộc gặp gỡ đầy kịch tính giữa hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên tại Panmunjom đã tạo ra sự phấn khích về khả năng kết thúc tình trạng chiến tranh trên bán đảo và thỏa thuận đình chiến vốn đã chia rẽ hai nước về mặt quân sự kể từ khi kết thúc Chiến tranh Triều Tiên. Một thỏa thuận hòa bình toàn diện sẽ đồng nghĩa với việc phá bỏ khu vực phi quân sự và do đó định hình lại các lực lượng trên thực địa. Mattis, người phát ngôn thận trọng và có tính toán của Chính quyền Trump, đã lưu ý điều này khi ông nói: “Giờ đây chúng tôi lạc quan rằng ở đây có cơ hội mà chúng tôi chưa bao giờ có kể từ năm 1950”, ám chỉ rằng cuộc gặp giữa Trump và Kim Jong-un trên thực tế có những tác động sâu sắc đến cấu trúc an ninh ở Đông Bắc Á.

Nhật Bản không thể không lo lắng về khả năng này. Các lực lượng của Mỹ ở Hàn Quốc với quân số khoảng 28.000 người, phần lớn là các lực lượng mặt đất, có thể quay trở lại Mỹ. Tuy nhiên, một vài trong số những lực lượng này là quan trọng đối với an ninh của Nhật Bản: Không quân Mỹ duy trì phi đội chiến đấu số 8 và số 51 ở Hàn Quốc và Hải quân Mỹ thường xuyên ghé thăm căn cứ hải quân Chinhae gần Busan. Việc đưa các lực lượng này ra khỏi bán đảo Triều Tiên sẽ loại bỏ một lớp ngăn chặn quan trọng mà Nhật Bản đã dựa vào trong các tính toán an ninh của nước này.

Tình hình chính trị không thể đoán định của mối quan hệ Nhật-Hàn một phần là kết quả của hoạt động chính trị mang tính cơ hội ở trong nước. Động lực dân tộc chủ nghĩa này đã làm giảm cơ hội để quân đội của hai nước đảm bảo sự hợp tác bền vững. Một trong những lợi ích của sự hợp tác quân sự chặt chẽ giữa các nước đồng minh là sự phát triển một mạng lưới cá nhân giữa các nhà lãnh đạo quân sự. Sự tin tưởng giữa các sĩ quan quân đội Hàn Quốc và Nhật Bản có ý nghĩa sống còn do họ định hướng bất cứ điều gì xảy ra trong những năm tới.

Seoul và Tokyo có những cách tiếp cận khác nhau đến mức đáng kể đối với động lực đang thay đổi nhanh chóng của địa chính trị Đông Bắc Á, và đây là nơi mà Moon Jae-in và Abe có nhiều cơ hội nhất để định hình tương lai của đất nước họ. Moon Jae-in, Abe và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường mới đây đã gặp mặt ở Nhật Bản để tham dự hội nghị thượng đỉnh dầu tiên giữa ba bên ở Đông Bắc Á kể từ năm 2015. Căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản cho đến nay đã ngăn cản khuôn khổ ba bên này thực hiện đúng chức năng đã định khi nó bắt đầu vào năm 2008: cung cấp một diễn đàn để giảm bớt những bất đồng và xây dựng sự hợp tác. Tuy nhiên, vào năm 2018, có sự lạc quan trở lại rằng ba nước này một lần nữa có thể bắt đầu xây dựng một nền tảng lợi ích chung. Moon Jae-in và Abe sẽ có cơ hội để tạo ra thỏa thuận sơ bộ của riêng họ với Trung Quốc - một thỏa thuận không tìm cách lợi dụng những nỗi oán giận lịch sử hoặc sự thỏa hiệp với Triều Tiên mà có thể cản trở mối quan hệ của họ trong tương lai.

Các nhiệm vụ phía trước

Các khái niệm về chế độ hòa bình Hàn-Triều cho bán đảo Triều Tiên và cán cân quân sự cho khu vực là những chủ đề nhạy cảm, và có lẽ còn quá sớm để kỳ vọng rằng Hàn Quốc và Nhật Bản có thể chia sẻ một tầm nhìn. Ví dụ, Seoul và Tokyo không phải lúc nào cũng có chung quan điểm về những tham vọng của Trung Quốc trong khu vực. Và mặc dù các mối quan hệ xuyên biên giới và cơ hội kinh tế sẽ cung cấp sự trợ giúp phần nào trong cách tiếp cận của họ với Trung Quốc, nhưng ở châu Á hiện nay chỉ riêng sự hợp tác kinh tế thôi là không đủ.

Giai đoạn ngoại giao ba bên mới này giữa Seoul, Tokyo và Washington sẽ tiến triển khi có thêm hiểu biết về cách tiếp cận của Kim Jong-un với tương lai của bán đảo Triều Tiên. Sẽ còn nhiều vấn đề mà Seoul và Tokyo bất đồng, nhưng cũng có nhiều thứ bị mất nếu lựa chọn con đường dễ dàng dẫn đến sự buộc tội lẫn nhau và thất vọng. Moon Jae-in, một người Hàn Quốc có tư tưởng cấp tiến, và Abe, một người Nhật Bản có tư tưởng bảo thủ, vốn không phải là các đối tác tự nhiên, nhưng họ có thể đủ thực dụng để hiểu được những cái giá của việc không làm việc cùng nhau một cách hiệu quả. Bất chấp sự phấn khích xung quanh một tương lai mới, hòa bình hơn, có thể là sáng suốt nếu mỗi bên xem xét những điều mà những thay đổi nhanh chóng về môi trường an ninh ở Đông Bắc Á có thể mang lại. Ở đây Hàn Quốc và Nhật Bản có cơ hội để nắm lấy những lợi ích của mối liên kết giữa họ với tư cách là các đồng minh của Mỹ và lập kế hoạch làm thế nào để vượt qua những cái bẫy đang rình rập phía trước.

Sheila A. Smith, chuyên gia về chính trị và chính sách đối ngoại Nhật Bản, nhà nghiên cứu cấp cao về nghiên cứu Nhật Bản tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR). Bài viết được đăng trên CFR.

Trần Quang (gt)